Vài dòng cảm tác sau khi theo dõi cuộc đối thoại "Chính sách đối với trí thức khoa học" giữa Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với các Giáo sư Hoàng Chí Bảo và Hồ Uy Liêm trên VTV1 tối 30/9/2011.
Đâu Chăng Tá
Trong một hội thảo quốc tế về toán học được tổ chức tại Vương quốc Âm Phủ, nhà toán học Việt Nam Vũ Hữu đã gặp Pierre De Fermat, một nhà toán học lừng danh của Pháp thế kỷ XVII, Vũ Hữu đã ngỏ lời mời Fermat về Việt Nam để mở ngành đào tạo về Lý thuyết Số, mà Fermat là cha đẻ của ngành này.
Fermat rất hào hứng cảm ơn Vũ Hữu và, sớm tinh mơ ngày hôm sau, hai nhà toán học hăm hở ra sân bay Charles De Gaule, lên đường đến Việt Nam với hy vọng sẽ mở ra một trang sử mới về toán học cho đất nước Việt. Sau một hồi trò chuyện, Fermat biết được Vũ Hữu là một nhà toán học rất có tên tuổi dưới triều vua Lê Thánh Tông, thế kỷ XV.
Khi Fermat và Vũ Hữu đến Trường đại học Hàn lâm Văn Điển [*], ngài Giáo sư Hiệu trưởng rất hoan hỉ đón chào hai ông, hơn nữa đã nhiệt tình khởi động luôn mọi thủ tục để mở ngành này ở trường đại học của ông ngay tại Văn Điển.
Giáo sư Hiệu trưởng đưa Fermat và Vũ Hữu đến một Bộ có tên là Bộ Dạy học và Khoa học của Việt Nam hỏi thủ tục, thì Bộ này cho biết, muốn mở môn đào tạo ngành này, thì phải có 3 Tiến sĩ của ngành trong "biên chế cơ hữu" của Khoa. Giáo sư Hiệu trưởng gãi đầu gãi tai... "Chết mẹ tôi rồi, lấy đâu ra 3 Tiến sĩ trong biên chế cơ hữu" của khoa này... "Hừm, ngay cái bố De Fermat chết tiệt này cũng có phải Tiến sĩ Tiến siếc cái quái gì đâu". Còn Vũ Hữu có cái bằng Tiến sĩ từ ngày xửa ngày xưa, từ hồi còn thi Hương, thi Hội, thi Đình,... chẳng biết có hợp cách không, hay lại phải chuyển đổi văn bằng.
Quay về trường, vị Hiệu trưởng bàn với Fermat và Vũ Hữu: "Này, hai ông phải có bằng Tiến sĩ đấy nhé". Fermat vò đầu bứt tai: "Lấy bằng Tiến sỹ ở đâu bây giờ?". Còn Vũ Hữu cũng vò tai bứt đầu "Bằng của tôi cũ quá rồi"... Loay hoay một hồi, cuối cùng các chiến hữu Việt Nam cũng giúp hai ông... mua được vài cái... bằng "đểu".
Sau khi các ông có bằng Tiến sĩ "đểu", ông Hiệu trưởng gợi ý... "Nhưng mà này, ngài Fermat và Vũ Hữu ơi, muốn có tên tuổi lãnh đạo giảng dạy ở cái nước Việt Nam hiện đại này, các ngài phải kiếm cái học hàm Giáo sư, mà muốn có Giáo sư thì phải có Phó giáo cái đã... Sau 3 năm là Phó giáo các vị mới được xét phong hàm Giáo sư". Fermat buột mồm: "Ủa! Các vị làm ngược à?" Ngài Hiệu trưởng hỏi: "Ngược cái gì thưa ngài Fermat?". Fermat gõ trán: "Như ở chúng tôi thì làm ngược với các ông. Này nhé, nếu tôi là Hiệu trưởng ở Pháp, tôi sẽ nói thế này: Thưa ngài Fermat, chúng tôi mời ngài đến đây, bổ nhiệm ngài làm Giáo sư để ngài giúp chúng tôi mở ra cái ngành mà chúng tôi cần", chứ không phải là bắt ngài đi mua bằng "đểu", rồi bắt ngài khai báo, xin đủ các thứ "xác nhận" để rồi "phong" ngài làm Giáo sư/Phó giáo sư... để đủ lệ bộ xin mở mã ngành đào tạo". Chưa nói xong, Fermat đã nghe một câu trả lời ráo hoảnh: "Thưa ngài Fermat! Xin ngài thông cảm. Giới khoa học chúng tôi biết cả đấy. Nhưng... nhưng... đây là nước Việt Nam đặc sắc xã hội chủ nghĩa... đấy ạ!"
Nghe các nhà đương cục diễn thuyết một hổi, Fermat và Vũ Hữu cũng vì tâm nguyện phát triển khoa học, mà cắn răng nộp đại một chục ký hồ sơ cho cái gọi là Hội đồng chức danh để xin "phong" Phó giáo sư. Trong một chục ký hồ sơ này, người ta yêu cầu phải có giấy tờ xác nhận, ... một trăm thứ... và cộng thêm một nghìn cái... nữa, cũng cứ là ngược lộn tùng phèo cả lên. Này nhé...
Thứ nhất, ngài phải có đủ "cơ số" giờ giảng bài trên lớp. Hai ông khai: 0 giờ
Thứ hai, ngài phải có đủ "cơ số" hướng dẫn Thạc sĩ và Tiến sĩ. Hai ông khai: 0 người
Người xét hồ sơ méo xệch mồm: "Hai thứ này của các ngài đều là con số 0, chưa dạy cái gì mà đã đòi Giáo sư? Vậy thì làm sao trình hồ sơ của các ngài ra Hội đồng?".
Vũ Hữu nói: "Ơ kìa, cái Hội đồng chức danh này hay nhẩy... Bây giờ tôi mới mời cái ông Fermat này đến Việt Nam mở ngành đào tạo... Vậy lấy đâu ra sinh viên mà khai là "đã dạy"? Càng không biết lấy đâu ra người làm luận văn với lại luận án để mà "đã hướng dẫn" ??? Mà không có người để hướng dẫn luận văn thì lấy đâu ra cái thứ "Tiến sĩ trong biên chế cơ hữu" của các ông? Vậy ra... Các ông chơi cái trò "Vật vờ ấy mấy... lãi (lại) vòng quanh...há?" Các cụ ta nói cấm có sai ... "Sinh con rồi mới sinh cha/Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông ... há?"
Lặng đi một hổi, không biết trả lời thế nào, người xét hồ sơ hỏi tiếp: "À mà này, còn mục thứ ba, là các ngài có mấy bài báo được công bố trên các tạp chí... mà là tạp chí... có quyết định thành lập đấy nhá?". Fermat bẽn lẽn trả lời... "Oh, non..., à không, chúng tôi là những người sáng lập các lý thuyết toán học, như tôi là lý thuyết số, còn ngài đại huynh Vũ Hữu đây đã viết sách toán đầu tiên ở Việt Nam, viết trước tôi cả trăm năm,... đâu đã có tạp chí nào mà đăng?"... Hừm..., Fermat tiếp, Thật ra thì tôi cũng có bài đăng,... cơ mà đăng trên New Scientist á? ... mà cái tạp chí này ra từ đời tám hoánh nào, làm quái gì tìm được quyết định thành lập...?" Người xét hồ sơ dịu giọng: "Ừ thế thì khó thật... Các ngài làm khó cho tôi... Giá như mà các ngài viết được một vài bài báo, chỉ cần viết lăng nhăng thôi, đại loại như "Đoàn thanh niên phát động đoàn viên học toán, một số vấn đề đặt ra", "Quần chúng nhân dân tiến quân vào ngành toán, thực trạng và giải pháp", rồi "Nhà nước quản lý ngành toán, hiện trạng - vấn đề", rồi "Hội toán học làm chủ ngành toán, thách thức và thời cơ",... Thế là các ngài cũng giành được mỗi bài một điểm, vị chi là bốn năm điểm rồi đấy... Các ngài viết được một tá bài báo vớ vẩn như vậy, chẳng mất công gì lắm, các ngài cũng có một tá điểm đấy, ngang ngửa giá trị với ba bốn pho sách hoành tráng về Tối ưu hóa của Giáo sư... Hoàng Tụy rồi!"
Rồi chợt nhớ đến sách, người xét hồ sơ hạ cố: "Thôi, tôi xin hỏi các ngài câu cuối cùng nhá: Các ngài có cuốn sách nào được xuất bản chưa?". Đến câu hỏi này thì Fermat chết lặng hẳn... Mãi sau mới nói nên lời: "Tôi chỉ có tập bản thảo... Sau này khi tôi chết rồi, thì thằng con tôi mới mang xuất bản,...". Fermat lắp bắp nhắc lại... "Tôi chỉ có tập bản thảo này thôi". Đã lâu tôi không về nhà, không lấy được bộ sách mà thằng con đã xuất bản...". Còn Vũ Hữu thì chìa mấy cuốn sách bằng giấy dó lúng túng: "Còn tôi thì có cái này"... Người duyệt hồ sơ xem mấy tập bản thảo của Fermat và mấy cuốn sách giấy dó của Vũ Hữu, vừa khui ra từ Thư viện của Viện Viễn đông bác cổ, ... rồi phán: "Không được,... phải là những nhà xuất bản hoành tráng, đại loại như những nhà xuất bản của các đại học quốc gia Việt Nam".
Lầu bầu một hồi, người xét hồ sơ sa sầm mặt xuống: "Xin các ông nhớ cho rằng, xuất bản một cuốn sách các ông chỉ có được 4 điểm thôi nhá... Với mấy tập giấy nháp vớ vẩn này của các ông, cứ cho là ông sẽ xuất bản được một chục cuốn sách đi, thì ông cũng chỉ mới tích lũy được chừng bốn chục điểm thôi nhá... Lại còn những cái tiêu chuẩn (mà chắc chắn là các ngài không đạt đâu), đó là... là... "Nập trường giai cấp công – lông và tư tưởng Mác – Nê-lin vững vàng" ... Còn xa nắm mới đến được cái đoạn Phó giáo sư"... Ngừng một lát, người xét hồ sơ lại phán.. "Thưa ngài Fermat và ngài Vũ Hữu, tôi cho các ngài cơ hội cuối cùng nè: Các ngài có hoàn thành được một chương trình, đề tài "cấp" nhà nước, hay "cấp" bộ gì chưa? Nếu các ngài hoàn thành một đề tài "cấp" nhà nước, các ngài cũng kiếm được 4 điểm đấy! Chỉ cần ba bốn đề tài "cấp" nhà nước, đại loại như "Chống mối mọt cho các kho gạo của Nhà nước", "Luận cứ khoa học để vinh danh thành tích in tiền polime của quan chức Nhà nước", "Vận dụng các đạo luật... pháp quyền xã hội chủ nghĩa để bảo vệ độc quyền tham nhũng của các tập đoàn kinh tế của Nhà nước", vân vân và vân vân, ... thì các ngài cũng kiếm được cả mấy chục điểm như chơi!"
Đến câu hỏi này thì ứng viên Fermat run lên bần bật, nhìn trân trân lên trần nhà: "Ngài đòi hỏi cái... cái giống gì vậy? Tôi không hiểu? Ở xứ tôi làm gì có cái thứ như ngài nói! Hư... Hư... Khoa học là khoa học, làm gì có cái "cấp" của khoa học? Mà sao cứ phải nghiên cứu đề tài các "cấp" ấy... ấy nhẩy? Vậy ra cái xấp bản thảo này của tôi là đống giấy lộn cả sao? Vĩ đại như thể cái ông Euclid nhà tôi, và ngay cả cái ông Marx nhà các ông cũng chẳng có được một đề tài "cấp" nhà nước nào hết... Rặt một giống đề tài "cấp"... cá nhân, Cho "Nửa" điểm thì quá rộng rãi. Chấm điểm "Không" vẫn còn phân vân! Hì hì... Euclid và Marx cũng xin chào thua... Không nộp đơn xin "phong" Giáo sư ở xứ các ông được. Hu hu hu. Hi hi hi. Ha ha ha".
Bẵng đi mấy hôm không thấy bóng dáng Fermat đâu. Thì ra ông ta đi "phượt" [**] cùng với các bạn sinh viên "tuổi Teenage" một vòng... Tam Đảo, Hòa Bình, Đồng Mô, Tây Bắc,... Sau vụ đi "phượt", Fermat lọ mọ trở lại Trường đại học tìm gặp ngài Hiệu trường, lại... gãi đầu gãi tai: "Báo cáo đồng chí Hiệu trưởng. Em xin ... Au revoir (tạm biệt) đồng chí thôi. Em phải quay về Pháp Quốc nhà em, nhân thể rủ bác Vũ Hữu ... chảy máu chất xám... qua đó làm việc cho vui, chứ... ở cái xứ các bác làm ăn kiểu này á... thì... thì, buồn quá,... khoa học Việt Nam... á... nó còn ... còn phải... "phượt phượt" dài dài... á".
*
Viết xong câu chuyện vui này, tôi đưa một vài bạn sinh viên đọc thử, xem các bạn có chia sẻ được những "điển tích cổ" như nói trong bài viết không, thì các bạn trợn tròn mắt: "Thầy viết đùa đấy à? Làm gì có những chuyện ấy!". Tôi trả lời: "Chuyện thực cả đấy. Xin các bạn mở các văn bản quy định về xét chức danh Giáo sư của Việt Nam... khắc thấy. Đảm bảo tôi không bịa một chi tiết nào. Quả thực, một số thầy cô thời học đại học của tôi rất giỏi, nhưng thề không nộp hồ sơ xin "phong" Giáo sư, vì rất ngại những chuyện phiền hà vô lý như các sự kiện mà Vũ Hữu và Fermat đã gặp trong câu chuyện hư cấu này.
Đ.C.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
[*] "Văn điển" là tên gọi một nghĩa trang ở ngoại thành Hà Nội: "Nghĩa trang Văn Điển"
[**] "Phượt", cách nói của lớp trẻ hiện nay, có nghĩa là đi dã ngoại trên những chặng đường hoang dã hiểm trở bằng các phương tiện cá nhân, hơi giống kiểu sống của các nhóm thuộc phong trào "hippy" thập niên 1970.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét