Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

HỒ SƠ WIKILEAKS (31): TRANH GIÀNH QUYỀN LỰC LÀM ASEAN LÚNG TÚNG VÀ KÉM HIỆU QUẢ

Nguồn diendantheky

SUNDAY, OCTOBER 9, 2011

Nam Phương/Người Việt

Bức công điện của đại diện thường trực của Hoa Kỳ, cấp đại sứ, tại tổ chức ASEAN gửi về Washington, DC, 18 Tháng Hai, 2010 báo cáo cho thấy Hiệp Hội Các Nước Ðông Nam Á (ASEAN) tổ chức cồng kềnh, các cơ chế của tổ chức bất đồng ý kiến về vai trò của nhau, tranh giành ảnh hưởng, lại thiếu cả nhân sự có khả năng chuyên môn, dẫn đến kém hiệu năng cho tập thể.

Từ trái, Tổng Thư Ký ASEAN Surin Pitsuwan, Ngoại Trưởng Indonesia Marty Natalegawa và Ðại Diện Thường Trực Việt Nam Vũ Ðăng Dzũng thổi nến sinh nhật thứ 43 của ASEAN vào Tháng Chín, 2010, ở Jakarta, Indonesia. Ông Dzũng cho rằng Hoa Kỳ là "đối tác quan trọng nhất của ASEAN." (Hình: Bay Ismoyo/AFP/Getty Images)

Bức công điện không thấy đề tên người gửi mà chỉ ghi chức vụ "đại diện thường trực" nên có thể hiểu, nhiều khả năng là ông Scot Marciel, phó phụ tá ngoại trưởng phụ trách Ðông Nam Á, kiêm đại sứ thường trực của Hoa Kỳ tại ASEAN.


ASEAN được thành lập năm 1967, bao gồm 10 quốc gia thành viên là Brunei, Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Miến Ðiện, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Trong phần mở đầu, bản công điện cho hay một cơ chế mới được thiết lập là Ủy Ban Ðại Diện Thường Trực (CPR) mà mỗi nước cử một đại diện để hoạt động ở trụ sở chính của ASEAN đặt tại Jakarta, thủ đô của Indonesia. Ủy ban này hoạt động để xác định chính sách và vai trò đã được sắp xếp để thỏa mãn ước muốn của các nước thành viên là giám sát Thư Ký Ðoàn của tổ chức (ASEC) trong khi gia tăng tính hiệu quả của tổ chức bằng cách tập trung thẩm quyền ra quyết định ngay tại Jakarta.

Chủ đích lập ra cơ chế CPR là hợp lý hóa hoạt động của ASEC, như giải thích cho đại diện thường trực của Mỹ nghe, sẽ hết sức quan trọng để ASEC đương đầu với khối lượng công việc gia tăng và giải quyết tình trạng thường xuyên làm thiếu công suất.

Một số viên chức ASEC, trong khi đó, lại coi Ủy Ban Ðại Diện Thường Trực (CPR) như là thêm một tầng nấc hành chính mà lại thiếu thẩm quyền và sẽ làm chậm thêm các quyết định của ASEAN.

Làm thế nào để cuộc tranh giành thẩm quyền quyết định giữa ba mặt là CPR, ASEC và các thành viên ASEAN giải quyết với nhau, sẽ tác động không những đến hiệu quả của sự giao tiếp giữa Mỹ với tổ chức ASEAN, mà đồng thời còn tác động đến mức độ mà ASEAN có thể thành công trong các mục tiêu đề ra.

Cả CPR và ASEC đều hoan nghênh sự chú ý của Mỹ đến ASEAN và cả hai cơ chế đều muốn ảnh hưởng tới phái đoàn đại biểu Mỹ để tăng vị thế của họ trong vai trò ra quyết định.

Theo điều 12 của Hiến Chương ASEAN, có hiệu lực từ Tháng Mười Hai, 2008, mỗi nước sẽ cử một đại diện thường trực cấp đại sứ (Ambasador-level Permanent Representative) đặt tại cơ sở thường trực của tổ chức ở Jakarta.

Như được định nghĩa trong bản Hiến Chương, vai trò của đại diện thường trực bao gồm cả hậu thuẫn cho hoạt động của ASEC, phối hợp giữa ASEC với Ban Thư Ký đặt tại thủ đô mỗi nước, dàn xếp sự hợp tác giữa ASEAN với các đối tác đối thoại bên ngoài, chẳng hạn như với Hoa Kỳ.

Bốn nước (Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) cử đại biểu và có nhóm nhân viên riêng với cơ sở văn phòng riêng. Ba nước nhỏ Miến Ðiện, Cambodia và Lào để đại sứ của họ ở Jakarta kiêm nhiệm.



Bất đồng ý kiến về vai trò



Những đại diện thường trực mà đại diện Mỹ tiếp xúc đều mau mắn nhấn mạnh bản chất ngày một tăng của các nỗ lực của họ là tập trung thẩm quyền ra quyết định của ASEAN tại Jakarta.

Nhưng đại diện thường trực của Singapore nói nhiệm vụ của đại diện thường trực không phải là đưa ra chính sách (quyết định) mà vẫn là được thúc đẩy từ các thủ đô, từ các viên chức cấp cao về chính trị (SOM) và kinh tế (SEOM). Ðại diện của Thái Lan cũng nói khi hai cơ chế SOM và SEOM có từ trước, họ là cái tầng báo cáo có tính cách tối quan trọng giữa ASEAN và các cơ quan liên quan ở tại các thủ đô. Tuy nhiên, vị đại diện Thái Lan hy vọng tất cả các thông tin bắt đầu được chuyển qua đại diện thường trực, "nếu không thì cơ chế này sẽ không bao giờ có trọn quyền hành."

Ðại diện Việt Nam, ông Vũ Ðăng Dzũng tiên đoán CPR sẽ đóng vai trò quyết định trong các quyền quyết định trong tổ chức ASEAN. Dù sao, theo ông, phải đi từng bước một và nên theo gương Tổ Chức Liên Hiệp Châu Âu (EU).

Trong khi đó, ông Dhannan Sunoto, một viên chức kỳ cựu của ASEC đánh giá rằng CPR không nên học theo kiểu EU. Ông hoài nghi vai trò của đại diện trường trực là những đại sứ "đúng nghĩa," bởi vì vị trí thấp và có gốc hành chánh.

Nhưng theo sự nhận định của đại diện Mỹ, thật ra, những người được nước cử làm đại diện thường trực ở trụ sở trung ương ASEAN cũng đều là những người từng được cử làm đại sứ, chứ không phải cấp thấp như lời gièm pha của viên chức ASEC.

Tuy nhiên, cả CPR và ASEC đều đồng ý là cơ cấu ASEC hiện không được trang bị để đáp ứng các đòi hỏi mà họ phải thi hành. Hiện ASEC phải triệu tập 800 cuộc họp suốt năm ở các nước trong khu vực. Ông Vũ Ðăng Dzũng nhận xét rằng có nhiều chương trình của ASEAN đã sắp đặt xong rồi nhưng lại không được thi hành.

Cơ chế ASEC tái tổ chức lại thành ba bộ phận hay ba "cộng đồng," gồm Cộng Ðồng Kinh Tế ASEAN (AEC), Cộng Ðồng Chính Trị và An Ninh (APSC), và Cộng Ðồng Xã Hội Văn Hóa, rồi thêm một bộ phận thứ tư là Ban Giám Ðốc phụ trách doanh nghiệp và cộng đồng.

Theo nhận xét trong công điện, tuyển chuyên viên cho các chức vụ trung cấp của cơ cấu mới gặp khó khăn nên có nhiều chức vụ chính yếu bị bỏ trống. Theo phó đại diện của Philippines, tổ chức có ngân sách để thuê người nhưng ASEC chỉ sử dụng hết có 70% và phần còn dư trả lại là những chức vụ đã bỏ trống. Lý do là không có người đủ điều kiện để thuê, nhưng nhiều chuyên viên của ASEC lại kêu rằng tiền lương trả thấp nên không hấp dẫn nổi người có khả năng.

Theo sự nhìn nhận của Winston Goh, đệ nhất bí thư của phái đoàn Singapore tại ASEAN, sự thành lập CPR là để đòi hỏi ASEC hoạt động nhiều hơn, nhưng ông cho hay các nước thành viên có bổn phận phải bảo đảm rằng tổ chức ASEAN và ASEC là các tổ chức hoạt động "dựa theo nguyên tắc luật." Theo ông nói, các nỗ lực giám sát của CPR là nhằm giúp hệ thống vào đúng vị trí để bảo đảm ASEC hoạt động hiệu quả và có trách nhiệm.

CPR biểu lộ ý muốn đảm nhận vai trò đại diện ASEAN đối thoại với các nhà tài trợ và các đối tác.

Phó đại diện thường trực của Philippines, Daza, người phối hợp với đối tác Mỹ của ASEAN năm nay, khẳng định rằng CPR có thể nhận vai trò cấp tổng giám đốc để phối hợp với các đối tác đối thoại của ASEAN, cũng như nói rằng các kế hoạch hành động của ASEAN là tất cả các đối tác đối thoại bây giờ cần sự chấp thuận của CPR.

Bức công điện bình luận là nếu cả ASEC và CPR không cần tham khảo với các thủ đô (tức các chính phủ) về chương trình làm việc với các đối tác đối thoại, điều này sẽ tập trung thành công một thành phần quan trọng của ASEAN ở Jakarta.

Trong khi đó, bức công điện nêu ý kiến của ông Michael Bliss, tham tán chính trị và kinh tế của tòa Ðại Sứ Úc, và của bà Jennifer Hoverman, người cầm đầu bộ phận viện trợ của Úc (AusAID), bình luận với đại diện Mỹ rằng cả CPR cũng như ASEC đều đang cố xác định thẩm quyền của mình, và ASEC có cảm tưởng bị kềm chế khi có CPR.

Theo bà Hoverman, ASEC nhận được thông điệp không rõ ràng từ thủ đô các nước thành viên là vai trò của họ chỉ nên khai thông công việc, hoặc là tham gia đưa chính sách hay phân tích. Bà cho rằng CPR muốn chiếm cả công việc của ASEC, có thể làm sụp một tổ chức vốn đã suy nhược vì quá chú trọng vào thủ tục.

Thêm nữa, các nước thành viên cũng có mức độ ủng hộ ASEC nhiều ít khác nhau.

Theo bức công điện, cả CPR cũng như ASEC đều hoan nghênh ý định của Hoa Kỳ là thành lập một phái bộ thường trực cấp đại sứ tại ASEAN. Ông Dhannan của ASEC phát biểu là lợi ích của ASEAN, cũng như Hoa Kỳ, có đến 85% trùng hợp. Ngay cả Miến Ðiện cũng cảm thấy hài lòng khi thấy Hoa Kỳ có ý định có mặt tại ASEAN. Ðại diện của Việt Nam gọi Hoa Kỳ là "đối tác quan trọng nhất của ASEAN."

Cả CPR cũng như ASEC đều muốn dựa vào sự hiện diện của các đối tác đối thoại để đạt thế thượng phong trong cuộc tranh giành quyền hành. Ðại diện Mỹ thấy rất ấn tượng về chủ đích nghiêm túc của CPR và đồng ý với nhận định căn bản của họ là ASEC sẽ được lợi nếu được định hướng nhiều hơn từ tổ chức. Sự tăng cường quyền quyết định của CPR sẽ ăn khớp với các nỗ lực của Mỹ là thúc đẩy những công tác rõ rệt của ASEAN ở khu vực.

Dựa vào các lời bình luận mà đại diện Mỹ nghe được từ nhân viên ASEC, tinh thần của họ sa sút vì công việc gia tăng, và CPR còn dồn thêm việc.

Câu hỏi là sự việc sẽ tới đâu nếu CPR theo đuổi vai trò giám sát mà không đưa ra một công thức cùng phát triển, kể cả việc thay đổi cơ cấu giải ngân chặt chẽ của ASEAN, thì có sự nghi ngờ là CPR được lập ra để gây khó cho ASEC, thay vì nuôi dưỡng nó.

Chúng tôi (Mỹ) cũng như các đối tác đối thoại khác cùng ý kiến, đều nghi ngờ rằng sự gia tăng canh chừng của CPR cũng có thể liên quan đến sự kềm chế sự lèo lái tổ chức ASEAN của tổng thư ký, Tiến Sĩ Surin Pitsuwan, một nhà vô địch năng nổ cổ võ cho cả tập trung ASEC và nhãn hiệu ASEAN.

Nếu chính sách của Mỹ là hậu thuẫn cho sự hợp nhất của tổ chức ASEAN và các nỗ lực xây dựng cộng đồng, các chính sách và chương trình về ASEAN của chúng ta (Mỹ) cần hậu thuẫn cho cả các nỗ lực của Tiến Sĩ Surin và nâng thẩm quyền quyết định của CPR đối diện với các thủ đô thành viên ASEAN.

Sự đề cử và chuẩn y (của Quốc Hội) cho một đại diện thường trực của Hoa Kỳ tại ASEAN sẽ đóng góp cho điều vừa nêu. Ngay bây giờ, hãy cứ cho CPR sự hoài nghi và dùng họ như kênh đối thoại với ASEAN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét