Không thể nhớ chính xác, nhưng có lẽ từ sự kiện cái chết của diễn viên điện ảnh Lê Công Tuấn Anh ngày 17/10/1996, báo chí đã khiến độc giả bắt đầu bội thực thông tin. Sau nhiều bài báo, một số bài được pho to thành hàng trăm bản để phát cho người đọc và nhiều tháng đưa tin, lý do vì sao diễn viên điển trai này tự tử vẫn không được làm rõ nhưng không ít báo kiếm được một số tiền lớn đột xuất.
Ngay lúc ấy đã có những nhà báo tên tuổi đã kêu trời vì kiểu trục lợi trên thông tin, rồi sự việc qua đi, người ta chỉ nhớ báo chí đã nói rất nhiều về một sự việc mà chính báo chí cũng mù mờ.
Thế rồi, internet trở thành phổ biến. ai cũng có thể viết, cũng có thể "xuất bản" được những bài viết của mình. Sinh viên báo chí viết, người yêu thích nghề này viết, người khoái tạo những điểm nóng viết, người cần tiền viết…thậm chí nếu viết càng giật gân, càng lá cải càng được trả tiền nhiều do báo bán chạy.
Cuối cùng người đọc bị dắt vào mê hồn trận và thay vì biết thông tin chính xác nhờ báo chí, họ sẽ càng mù mờ, càng hoang mang.
Ngày nay, mở báo ra, nhất là báo mạng, làm sao mắt tránh được tin diễn viên nào li dị, ai chụp ảnh nuy, ai mặc phản cảm, ai lộ vòng 1, ai bày quần chíp…. Thô thiển và thiếu tự trọng đến 1 bé gái 4 tuổi lộ quần chíp cũng bị ống kính chĩa vào và người viết kiếm được một ít tiền..
Vụ Hồ Ngọc Hà thực hiện thiên chức làm mẹ, vụ nữ hoàng đồ lót Ngọc Trinh ăn nói thật thà, vụ vợ chồng Trương Bá Chi… đã phủ trọc cho bao nhiêu khoảng trống trong các báo mạng. Còn gần đây, vào báo mạng sẽ thấy chi chít bài viết về sát thủ tiệm vàng Lê Văn Luyện. Báo chí hiện nay giống như chạy theo sở thích của một bộ phận rất nhỏ và mục đích kiếm tiền lộ quá rõ.
Tuy nhiên, tất cả những vụ việc trên cũng chỉ cho thấy cách làm thiếu lòng tự trọng của người viết báo và các Ban biên tập của họ. Nhưng sự việc khiến nhà báo phải lấy làm hổ thẹn nhất chính là cái chết thương tâm của đồng nghiệp- nhà báo Hoàng Hùng. Hơn ai hết, người làm báo biết mỗi chữ, mỗi dòng của mình khi được đưa đến bạn đọc có tác dụng như thế nào. Giả sử, bạn là bố mẹ của Hoàng Hùng, bạn có đau lòng không khi nhìn chiếc giường nơi đứa con trai mình quằn quại trong lửa bỏng được đăng nhan nhản trên các báo, nếu bạn là con cái của Hoàng Hùng, bạn có dám ngẩng đầu khi đi qua một đám đông đang đọc bài báo về việc mẹ mình ngoại tình đốt chết cha mình không. Nếu bạn từng là bạn của Hoàng Hùng, bạn có thấy quá nhẫn tâm không khi những người mang danh nhà báo trục lợi trên cái chết Hoàng Hùng.
Hôm nay, mở báo ra, các bạn cũng sẽ thấy nhan nhản những tin tức kiếm lời cho các báo.
Những người viết báo theo các kiểu trên được chúng tôi gọi là chuyên gia rỉa xác chết.
Tôi không ngây thơ đến độ tin rằng các cơ quan chức năng sẽ thổi còi những người cầm bút chuyên rỉa xác chết, tôi cũng không tin rằng những người, nhất là đã từng khai thác đến xương tuỷ Hoàng Hùng nghĩ lại. Bởi họ phải bán được báo, phải có lượng truy cập cao, phải có tiền…và cuối những năm, khi báo cáo, họ biết họ là một trang báo, hay một mạng có đông độc giả. Tôi chỉ mong người đọc bài viết này nghĩ rằng, bên cạnh những người nhắm mắt kiếm lời bằng nghề (có thể chuyên nghiệp có thể chỉ là cộng tác viên) vẫn có nhiều nhà báo khác biết nhịn một chút để có thông tin chính xác, trong sạch đến bạn đọc, những người nuôi sống họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét