Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Mùa Xuân Miến Điện và Mùa Xuân Việt Nam? (Việt Hoàng)

Nguồn ethongluan

"…Bà Aung San Suu Kyi là biểu tượng và hiện thân của phong trào dân chủ và tương lai của Miến Điện. Cả thế giới ca ngợi sự dũng cảm và kiên trì của bà. Sau khi được trả tự do bà đã chấp nhận đối thoại với chế độ, bỏ qua hận thù và kêu gọi đoàn kết và hòa giải dân tộc…"

 

Dân chủ và tự do là đích đến mà mọi dân tộc trên thế giới đều hướng tới. Trên hành trình gian nan đó sẽ có những nước về đích muộn, Việt Nam là một trong những nước như vậy. Tuy nhiên Việt Nam không cô đơn, trong những quốc gia từ chối tự do và dân chủ, Việt Nam vẫn còn có những người "anh em độc tài" như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba và gần hơn thì có Lào và Miến Điện. Một số nước ở Trung Đông và Bắc Phi như Tunisia, Ai Cập, Libya, Yemen, Sirya… đã bỏ rơi nhóm "anh em độc tài" vì người dân các nước đó đã quá chán ngán các "ngài" lãnh tụ độc tài. Họ đã đứng dậy làm một "Mùa Xuân Ả Rập" để tiếp tục cuộc hành trình đi đến đích cuối cùng là được sống trong tự do và dân chủ.

Thế giới ngày nay đang chứng kiến "làn sóng dân chủ lần thứ tư" giai đoạn hậu cộng sản. Những chế độ toàn trị cuối cùng còn sót lại trên thế giới đã không còn gì để bám víu, trần trụi hoàn toàn về tư tưởng và đang cố bám vào những con số tăng trưởng GDP mờ ảo về kinh tế. Thật không may cho những chính quyền toàn trị, vì ngay cả cái phao cuối cùng là sự "tăng trưởng kinh tế" giả tạo bằng cách khai thác kiệt quệ tài nguyên, phá hủy môi trường và bóc lột người lao động bằng đồng lương rẻ mạt để xuất khẩu… cũng đã hết tác dụng. Thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế - chínhtrị vô tiền khoáng hậu mà không biết bao giờ mới kết thúc. Điều chắc chắn là diện mạo của thế giới, ít ra là trên lĩnh vực kinh tế sẽ có những thay đổi sâu sắc. Cuộc biểu tình "Chiếm phố Wall" bắt đầu từ thành phố New York, Mỹ đã chuyển thành một phong trào rộng lớn trên toàn thế giới với tên gọi "Những người phẫn nộ" ở Tây Ba Nha và đã lan ra 951 thành phố của 82 quốc gia. Phong trào này đã quy tụ những người nghèo, bị mất công ăn việc làm trong cuộc khủng hoảng kinh tế, họ bất mãn vì hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng gia tăng và nhất là bất mãn với cách giải quyết khủng hoảng của chính quyền, các chính sách thắt lưng buộc, cắt giảm an sinh và trợ cấp xã hội.

"Mùa xuân Ả Rập" vẫn đang tiếp diễn, Hội Đồng Quốc Gia Chuyển Tiếp tại Lybia vẫn chưa giải quyết xong cứ điểm cuối cùng của Muammar Gaddafi tại Sirte. Số người chết do chính quyền đàn áp ở Syria đã tăng lên 3000 người, thế giới lúng túng vì Nga và Trung Quốc đã bác bỏ mọi biện pháp chế tài chế độ Bashar al-Assad. Yemen vẫn đang tiếp diễn các cuộc biểu tình rộng lớn trên toàn quốc để đòi nhà độc tài Ali Abdullah Saleh từ chức…

"Mùa xuân Ả Rập sẽ lan tới Châu Á? Nhưng có lẽ không cần phải chờ đến khi "Mùa Xuân Ả Rập" kết thúc thì "Mùa Xuân Châu Á" mới có thể bắt đầu! Một hy vọng về "Mùa Xuân Miến Điện" đang được thắp lên khiến dư luận thế giới quan tâm và theo dõi.

Miến Điện là một trong những quốc gia độc tài và khép kín nhất trên thế giới, do giới quân nhân lãnh đạo. Bốn năm trước, một cuộc nổi dậy của các tăng ni phật tử tại Miến Điện đã bị đàn áp đẫm máu. Thủ lĩnh đối lập bà Aung San Suu Kyi vừa mới được trả tự do sau 15 năm bị chính quyền quân sự quản thúc. Tháng 11/2010 một chính quyền dân sự với một tổng thống mới được bầu lên thay thế cho chính quyền quân sự. Cuộc bầu cử mang tính tượng trưng do sự dàn xếp giữa các tướng lĩnh Miến Điện. Thế giới vẫn hoài nghi với những tuyên bố của giới lãnh đạo mới rằng họ sẽ thay đổi hiến pháp để hướng tới một chế độ dân sự và dân chủ. Tuy nhiên những động thái mới đây đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng và hy vọng về một "Mùa Xuân Miến Điện".

Đầu tiên là việc chính quyền Miến Điện tuyên bố dừng dự án đập thủy điện Myitsone trên dòng chảy từ sông Mall đổ vào sông Irrawaddy do Trung Quốc đầu tư với số tiền khổng lồ $3.6 tỉ Mỹ kim. Lý do mà Tổng thống Thein Sein đưa ra là "hành động theo nguyện vọng của người dân" và để "bảo vệ môi trường", bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.


Hình: Salween Watch, Google

 Ngày 12/10/2011 vừa qua chính quyền Miến Điện đã trả tự do cho hơn 6,000 tù nhân trong đó có khoảng 200 tù nhân chính trị và có nhà sư Shin Gambira, lãnh đạo cuộc "Cách mạng áo cà sa" năm 2007. Chính quyền Miến Điện cũng thành lập một Ủy ban Nhân Quyền thừa nhận có các tù nhân lương tâm đang bị giam giữ, chính quyền cũng sẵn sàng hủy bỏ việc kiểm duyệt thông tin và cho phép thành lập các công đoàn độc lập cũng như việc cho phép người dân tự do biểu tình và đình công. Trước đó Tổng thống Miến Điện Thein Sein đã có cuộc gặp gỡ với thủ lĩnh đối lập dân chủ bà Aung San Suu Kyi.

Tại sao lại có sự thay đổi kỳ lạ như vậy ở Miến Điện? Có nhiều ý kiến như sự thắng thế của thế hệ lãnh đạo trẻ trong nội bộ cầm quyền; giới lãnh đạo Miến Điện đa số theo Phật giáo nên trong con người họ vẫn còn thiện tính; sự can thiệp ngày càng sâu rộng củaTrung Quốc vào đời sống chính trị Miến Điện khiến giới lãnh đạo bất an và muốn tìm cách thoát khỏi sự o ép…

Tất cả những lý do đó đều có lý nhưng quan trọng nhất, theo tôi, một chế độ toàn trị chỉ chấp nhận thay đổi khi nó đã bị dồn vào chân tường; khi nó không còn sự lựa chọn nào khác ngoài sự thay đổi và chế độ đó đã tìm thấy lối thoát cho chính mình (sau đó là cho đất nước).

Miến Điện đã hội đủ cả hai điều kiện:

1, Miến Điện không thể không đổi mới. Sau nửa thế kỷ cầm quyền của giới quân sự, Miến Điện bị thế giới cấm vận và tẩy chay, giao thương với bên ngoài chủ yếu đến từ Trung Quốc nhưng ông "bạn" lớn này lại quá tham lam và nguy hiểm. Đã đến lúc chính quyền Miến Điện nhận ra rằng đất nước ngày càng tụt hậu và không thể đánh đổi cả thế giới để chuốc lấy họa từ ông "bạn" Trung Quốc.

2, Chính quyền Miến Điện đã có một "lối thoát" để hòa giải dân tộc và mở ra cánh cửa với thế giới: Hợp tác với thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi.

Bà Aung San Suu Kyi là biểu tượng và hiện thân của phong trào dân chủ và tương lai của Miến Điện. Cả thế giới ca ngợi sự dũng cảm và kiên trì của bà. Sau khi được trả tự do bà đã chấp nhận đối thoại với chế độ, bỏ qua hận thù và kêu gọi đoàn kết và hòa giải dân tộc. Bà tới thủ đô gặp tổng thống đương nhiệm và sau đó liên tục gặp gỡ, đối thoại với các quan chức đại diện của chính phủ. Sứ mệnh của bà hết sức khó khăn trong bối cảnh phong trào đối lập bị chia rẽ và suy yếu sau thời gian dài bị chính quyền đàn áp. Tuy nhiên vì bà là hiện thân của tương lai Miến Điện nên cả chính quyền lẫn đối lập phải dựa vào uy tín của bà để có thể dân chủ hóa Miến Điện. Nếu chính quyền Miến Điện có thiện chí và chấp nhận đối thoại với bà Aung San Suu Kyi thì một "Mùa Xuân Miến Điện" sẽ thành hiện thực nay mai.

Thế còn Việt Nam thì sao? Bao giờ Việt Nam sẽ có thay đổi như Miến Điện?

Trong hai điều kiện để một chế độ toàn trị chấp nhận thay đổi như đã nêu trên thì Việt Nam đã có được điều kiện thứ nhất, đó là Việt Nam đang dựa lưng vào tường, đã đến lúc không thể không thay đổi. Kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa ở Việt Nam tất cả đều be bét và xuống dốc một cách thê thảm. Cũng giống như năm 1986 khi Việt Nam bắt buộc phải thay đổi với câu khẩu hiệu nổi tiếng: "Đổi mới hay là chết", tình hình bây giờ cũng đến lúc phải như vậy: "Đổi mới hay là chết".

Tiếc thay Việt Nam không được may mắn như Miến Điện vì điều kiện thứ hai, tức là lối thoát cho chính quyền không có. Việt Nam đã không có một đối lập đủ mạnh và đủ uy tín để đối thoại với chính quyền. Một mình chính quyền Việt Nam như hiện nay không thể nào tự xoay xở được vì không có 'tấm đệm' để hạ cánh an toàn và nhẹ nhàng. Các nước dân chủ khi gặp khủng hoảng nặng nề họ có thể tránh được đỗ vỡ và tránh được cơn giận dữ của dân chúng bằng cách thay thế chính phủ đang cầm quyền bằng một chính phủ mới, trong khi các nước toàn trị như Việt Nam không có cơ chế đó. Việt Nam hiện nay giống như một chiếc xe rệu rạo và mất phanh (đứt thắng) nhưng vẫn phải cố chạy đến khi nào đổ sụp hoặc lao xuống vực thì mới thôi.

Việt Nam cần thay đổi nhưng không có áp lực đủ mạnh từ phía đối lập, tự thân chính quyền thì không thể thắng được sức ỳ của cơ chế và tham nhũng đã thành hệ thống vì vậy Việt Nam như một con tàu không lái, không ai biết được điều gì, khi nào và cái gì sẽ đến với nó. Nếu cứ tiếp tục như bây giờ thì một kết cục đỗ vỡ là không thể tránh khỏi với Việt Nam. Áp lực của người dân Việt Nam dù lớn và hiện hữu nhưng giống như rắn không đầu, không biết cử ai làm đại diện để đối thoại với chính quyền và về phía chính quyền cũng vậy, không biết đối thoại với ai, hay với tổ chức nào… Đã đành chính quyền có lỗi vì sự toàn trị của đảng nhưng trên hết lỗi này là hoàn toàn thuộc về trí thức Việt Nam. Đã bao năm qua họ vẫn không biết phải làm gì? Đâu là lý tưởng và đích đến của họ? Ngay cả một bộ phận nhỏ trí thức dấn thân cho dân chủ cũng không có được kịch bản để đi đến thắng lợi cuối cùng, họ dấn thân vì lý tưởng dân chủ, vì trách nhiệm công dân và lòng yêu nước nồng nàn là chính, chứ bản thân họ không có một kế hoạch nào được xem là khả thi. Kiểu đấu tranh vô ích và tuyệt vọng nhất là cuộc "đấu tranh kiểu nhân sĩ" vẫn được trí thức Việt Nam sử dụng với suy nghĩ "không thành công thì thành nhân". Dù vậy, chúng tôi vẫn vững tin và tiếp tục con đường mà mình đã lựa chọn đó là động viên tầng lớp trí thức Việt Nam đứng dậy nhập cuộc với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên để hình thành nên một tổ chức đối lập dân chủ hùng mạnh, có tổ chức, có cương lĩnh chính trị, có đội ngũ nhân sự để cùng nhau tìm ra một lối thoát cho dân tộc Việt Nam.

Mong lắm thay.

Việt Hoàng

© Thông Luận 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét