Trần Khải Thanh Thủy: "Người cầm bút mà không được viết thì không khác gì bị bức tử cả. Chính vì lý do đó mà tôi mới chọn cách đi tị nạn như thế này để được tiếp tục cầm bút."
Trong những tháng vừa qua, người Việt ở trong và ngoài nước đều lưu tâm đến tình hình sôi động ở Biển Đông trước sự gây hấn ngang ngược của Trung Quốc. Nhưng vào cuối tháng Sáu, một tin lớn và quan trọng không kém tin Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là việc Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bất ngờ được trả tự do và dời Việt Nam sang tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ.
Sau hơn ba tuần lễ đặt chân đến đất Mỹ, Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã đến Hoa Thịnh Đốn vào giữa tháng 7 vừa qua. Đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp họp mặt với bà. Trước đây khi bà còn ở Việt Nam, tôi tiếp xúc với bà qua Paltalk hoặc Skype. Bà cho biết mục đích của chuyến đi đến thủ đô Hoa Kỳ này là để tiếp xúc xã giao và cám ơn các nhà lập pháp và một số viên chức Bộ Ngoại Giao đã sốt sắng giúp cho bà sang tị nạn tại Mỹ.
Đồng thời trong dịp này bà tiếp tục vận động cho tự do và nhân quyền tại Việt Nam. Bà nói bà ra nước ngoài là để tự do viết sách báo và vận động cho một nước Việt Nam đa nguyên đa đảng, có tự do dân chủ chứ không phải để hưởng thụ nền văn minh của thế giới. Theo bà, hiện nay Việt Nam đang bị Trung Quốc dồn vào đường cùng và đang cần đến sự bao che của Hoa Kỳ. Vì vậy đây là cơ hội để Hoa Kỳ áp lực Việt Nam về vấn đề nhân quyền và dân chủ.
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy sinh năm 1960 tại Hà Nội. Bà tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm vào năm 1982. Trong thời gian còn là sinh viên bà đã viết báo và sách. Mặc dù cộng tác tích cực với nhiều báo ở trung ương và địa phương trong nhiều năm, nhưng sau khi ra trường bà không có được một công việc nào liên quan đến báo chí và truyền thông vì những bài viết của bà có tính cách phê phán chế độ và phơi bầy những xấu xa của xã hội Việt Nam đương thời. Hậu quả là bà bị đẩy đi dạy học trong 11 năm ở miền núi Hòa Bình, Hà Tây, một nơi xa xôi hẻo lánh, "một tiếng gà gáy cả hai nước đều nghe".
Vào năm 1993, bà bỏ hẳn nghề dạy và chuyên về viết báo. Bà không làm lâu được với báo nào vì tính thẳng thắn của bà không có chỗ đứng trong một chế độ dối trá. Bà bị treo bút sáu tháng ở Báo Cựu Chiến Binh vì nhân dịp Ngày Thương Binh Liệt Sĩ 27-7-1994 bà viết một số bài bênh vực các "Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng" bị chế độ quên lãng. Ít lâu sau bà Trần Khải Thanh Thủy ở hẳn nhà để tập trung vào việc sáng tác văn học.
Thân phụ của bà là Ông Trần Khải Tuân, một cựu đảng viên kỳ cựu của Đảng CSVN với 38 tuổi đảng. Sau khi tốt nghiệp trường Sĩ Quan Lục Quân Trần Quốc Tuấn, Ông Trần Khải Tuân được điều động về Cục Quân Giới. Ít lâu sau ông xin ra khỏi quân đội và trở thành chuyên viên của Bộ Công Nghiệp. Sau cùng ông là cán bộ giảng dạy tại Trường Đại Học Hàng Hải và là người đầu tiên viết sách về luật đường biển cho sinh viên học. Ông đam mê chủ nghĩa Cộng Sản đến nỗi ghép tên của những anh hùng của Xô Viết vào tên của các con. May mắn đến cuối đời ông đã kịp thấy sự thật.
Trước khi qua đời vì "suy dinh dưỡng" nặng, trong hoàn cảnh nghèo khổ của gia đình ông và của cả nước vào năm 1985, ông đã nhất quyết nộp đơn xin ra khỏi đảng mặc dù bạn bè căn ngăn vì tương lai của các con ông. Trước khi nằm xuống, ông đã trối trăng với các con: "Bố ra đi hận vì mình chưa làm gì cho mẹ và các con, chỉ u mê ảo tưởng, lầm lạc về một chủ nghĩa mơ hồ, vì một lý tưởng bội phản. Hi vọng các con không dễ bị đầu độc như vậy."
Thân mẫu của Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy là Bà Lê Thị Thanh Phong, một cựu công nhân của Viện Thiết Kế Thủy Lợi. Sau 39 năm làm việc, Bà Phong đã về hưu vào năm 1992 và hiện đang sinh sống tại Việt Nam.
Kinh nghiệm của cha mình và thực tế ở ngoài đời đã khiến Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy trở thành một cây bút phản kháng đối với chế độ Hà Nội. Bà đã phê phán nặng nề chế độ này trong nhiều bài tiểu luận dưới nhiều bút hiệu khác nhau.
Một số tác phẩm của Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã xuất bản gồm có:
1. Thơ Đố: 1989, nhà xuất bản Văn Hoá Dân Tộc.
2. 1001 Chuyện Lứa Đôi (phóng sự): 1998, nhà xuất bản Thanh Niên.
3. Ngôi Nhà Của Gấu: 1998, nhà xuất bản Kim Đồng.
4. Vợ Chồng Như Thớt Với Dao (truyện vui): 2000, nhà xuất bản Thanh Niên.
5. Sông Không Đến, Bến Không Vào: 2000, nhà xuất bản Kim Đồng.
6. Làm Chị: 2001, nhà xuất bản Kim Đồng.
7. Băm Sáu Cái Nõn Nường: 2002, nhà xuất bản Văn Hoá Dân Tộc.
8. Từ Trong Cổ Tích (truyện Ký): 2003, nhà xuất bản Kim đồng.
9. Lưu Hương Ký (bình chú): 2004, nhà xuất bản Thanh Niên.
10. Khát Sống (truyện ký): 2004, nhà xuất bản Kim Đồng.
11. Âm Thầm (thơ): 2004, Hội Liên Hiệp Nghệ Thuật Hà Nội.
12. Biết Yêu Từ Thuở Còn Thơ (phóng sự): 2005, nhà xuất bản Hội Nhà Văn.
13. Song Hỉ Lâm Môn (truyện vui): 2005, nhà xuất bản Hà Nội.
14. Khúc Khích Xuân Hương: 2005, nhà xuất bản văn hoá Dân Tộc.
15. Tôn Thất Bách – Y Đức một đời: 2006, nhà xuất bản Kim Đồng.
Một số sáng tác của Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy với tên thật đã được phổ biến ở nước ngoài:
1. Chết Ngoài Kế Hoạch (truyện vui).
2. Báo Về (truyện vui).
3. 1001 Truyện Trong Cơn Sốt Giá (phóng sự).
4. Cơm Vua Lộc Nước (phóng sự).
5. Nhật Ký Ngục Tù (nhiều kỳ -tản văn ).
6. Tự Sự Về Lai Lịch Một Bài Thơ (tản văn).
7. Văn Minh Thành Phố (truyện vui).
8. Đường Xa Nghĩ Nỗi Sau Này Mà Kinh (phóng sự).
9. Hang Đá (Tản văn).
10. Đôi Điều Cảm Nhận (tản văn ).
11. Đối Thoại Cùng Sông (tản văn )
12. Hoan Hô Công An Đảng Ta Vồ Ếch.
13. Ôi Công An Nhục Mấy Cho Vừa.
14. Bình Quân Đại Láo.
15. Đảng Buông Vạt Váy Tôi Ra.
16. Thư Cảm Ơn.
17. Tiếng Rao Đêm Hà Nội (phóng sự).
18. Hồi Ức Buồn (truyện ngắn).
19. Kỷ Niệm Hay Tưởng Liệm?
20. Tượng Đài Mà Biết Nói Năng ?
21. Chuyện Thường Ngày Ở Đồn (I, II).
22. Đêm Chong Đèn Ngồi Hóng Chuyện.
23. Trò Chuyện Cùng Anh Lưu Ngọc Bang (I, II).
24. Lương Y Hà Nội Bây Giờ.
25. Nhà Văn Việt Nam Và Sự Hội Nhập.
26. Chính Trị Và Chiếc Giường.
27. Cú Điện Thoại "Oan Nghiệt".
Truyện ngắn "Chết Ngoài Kế Hoạch" được Nhà văn Vũ Thư Hiên giới thiệu là một truyện tiêu biểu cho ngòi bút trào lộng của Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. Khẩu hiệu "Nhân dân làm chủ, đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý" chỉ là cái bánh vẽ trong xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Trên thực tế, người dân chỉ là một thứ tôi tớ đi ăn xin đối với các cơ quan công quyền tham nhũng và thối nát như được mô tả qua thủ tục xin an táng người chết trong truyện.
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy viết rất nhiều về chế độ cộng sản mà người dân ở trong nước còn gọi là chế độ "tư bản man rợ" vì bà sanh ra và lớn lên trong môi trường khủng khiếp đó. Gia đình nội ngoại và cá nhân bà là những nạn nhân của cộng sản. Tuy nhiên, bà cũng dành một số thời giờ để viết về những đề tài khác, như gia đình và tình yêu. Ba truyện ngắn "Cơ Chế Tình Yêu", "Vợ Chồng Như …Thớt Với Dao" và "Kiếp Sau …" là một vài thí dụ.
Với lối hành văn dí dỏm, nhẹ nhàng và một nội dung lãng mạn, Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy làm cho độc giả dễ theo dõi cốt chuyện một cách thích thú. Sau đây là một vài câu thơ trích trong bài phóng sự "Biết Yêu Từ Thuở … Còn Thơ". Ai bảo tác giả không ướt át dù sống trong hoàn cảnh khô khan?
Họ cưới em rồi tôi cưới ai
Làm sao bớt lạnh những đêm dài
Những mùa đông đến lòng tê tái
Những buổi thu về sống lẻ loi.
Và một đoạn trong "Kiếp Sau …"
"Tối đến, xong mọi việc, chị nằm dài nhàn tản như con mèo lười nằm sưởi nắng chờ anh bước từ phòng làm việc sang … Anh xoài tay ôm chầm lấy chị, thế là hòa, bao sự giận hờn, mầm phân rã bị xóa sạch trong vũ điệu của gối chăn…"
Trong các truyện, bà hay thường chêm những câu thơ một khéo léo vào giữa phần văn xuôi để làm cho sự mô tả thêm phần linh động. Thí dụ như trong truyện "Kiếp Sau …" Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy tả cảnh vợ chồng giận hờn nhau:
"Kiếp sau nếu được làm người, tôi chỉ xin được thành đàn bà mặc váy, đeo yếm ngồi nhà giữ con cho sướng. Thế là sinh sự, sự sinh, chị dấm dứt khóc, còn anh giữ vững thói quen quan điểm lập trường của mình:
'Lòng ta ta đã chắc rồi, dù ai khóc đứng, khóc ngồi, mặc ai …'
Cả đêm, anh quay mặt vào tường, gối đầu lên tiếng khóc, tiếng than của vợ, ngủ một giấc ngon lành."
Vào cuối năm 2004, bài thơ "Gửi Nguyễn Du" của Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy mô tả xã hội Việt Nam sau 18 năm đổi mới đã khiến bà bị kết án là "kẻ phủ nhận trắng trợn mọi thành tựu kinh tế văn hoá xã hội, chính trị của nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam". Danh hiệu này do chính Ông Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng Ban Văn Hoá Tư Tưởng của Đảng CSVN sáng tạo và gán ghép cho Bà.
Gửi Nguyễn Du
…………….
Đời nay bất hạnh vẫn như xưa
Dẫu ba thế kỷ đã trôi vèo
Ba trăm năm chẵn trong trời đất
Thiên hạ bao người vẫn khóc ông.
Đời như sông nước ngày khô khát
Cá lớn cậy mình nuốt cá con
Dân đen như cá nằm trên thớt
Thân rùa bao đời phận đá đeo.
Vẫn kiếp phong trần lắm gieo neo
Vẫn quân ưng khuyển lũ hôi tanh
Cùng loài hổ báo giơ nanh vuốt
Và phường gian ác hại dân lành.
…………….
Cũng vào thời điểm này, công an phụ trách văn hóa phản động (PA-25) của nhà nước CSVN đã ra lệnh thâu hồi 2,000 cuốn sách "Song Hỉ Lâm Môn" (nhà xuất bản Hà Nội, 2004) đã phát hành với giấy phép của nhà nước. Rất nhiều bài của bà đã được phổ biến trên các mạng Đàn Chim Việt, Vietnam Review (trước 7/2010), Vietnam News Network, v.v. đã làm cho Cục PA-25 để ý và nghi ngờ.
Cuốn sách "Song Hỉ Lâm môn" (2005) là tập truyện vui thứ ba của tác giả đã được xuất bản trong nước, sau hai cuốn "Truyện Vui Trong Cuộc Đời" (Nhà Xuất Bản Thanh Niên, 2002) và "Vợ Chồng Như Thớt Với Dao" (nhà xuất bản Lao Động, 2003). Kể từ thời điểm này Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bắt đầu bị công an theo rõi. Tuy nhiên bà tiếp tục viết và xuất bản sách ở nước ngoài. Sau cuốn "Viết Từ Trong Hang Đá, Nhỏ Lệ Cùng Dân", bà cho xuất bản hai cuốn sách mới "Hồ Chí Minh Nhân Vật Trăm Tên, Nghìn Mặt" và "Nghĩ Cùng Thế Sự". Theo Nhà phê bình văn học Hà Trung Kiên, hai cuốn sách mới này mới thực là "song hỉ lâm môn – hai niềm vui ùa vào một cửa" của Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy.
Văn thơ của Trần Khải Thanh Thủy là loại văn thơ đấu tranh cho lẽ phải dù bà bị kìm kẹp trong một chế độ độc tài toàn trị. Trong bài thơ mộc mạc sau đây, bà mượn lời thú tội của một công an để tố cáo nhà nước đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Gửi Mẹ
(Lời thú tội của một công an Việt Nam)
Mẹ ơi đẻ con ra trong tủi khổ
Mẹ đâu hay đảng dẫn dắt con đi
Không cho con kiêu hãnh làm người
Phải làm thú, theo đuôi mẹ ạ.
Đảng hành hạ các nhà dân chủ
Bắt chúng con canh gác mỗi ngày
Tội của họ chỉ là lời nói thẳng
Dám đứng lên để phản đối bạo quyền.
Bao dân oan bị mất nhà, cướp đất
Vạ vật nơi cầu cống, vườn hoa
Đảng cậy đông, xua chúng con vào
Bắt bớ cả bà già, con trẻ.
Bao bài học ngày xưa mẹ dạy
Chỉ làm con giằng xé lương tâm
Không theo đảng, không hoàn thành nhiệm vụ
Không có cơm ăn, áo mặc hàng ngày.
…………
Trần Khải Thanh Thủy
Viện Châm cứu Trung ương 26-3-2008
Kể từ 2005, Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy chuyển sang viết cho các báo hải ngoại dưới nhiều bút hiệu khác nhau như Nguyễn Thái Hoàng, Võ Quế Dương, Nguyễn Nại Nương, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn thị Hiền, Nguyễn Ái Dân, Nguyễn Quý Dân, Trần thị Thanh Hằng, Mai Xuân Thưởng, Phạm Xuân Mai v.v. Vào năm 2006, vì bị một dân oan phản bội tố giác, các bài báo và bút hiệu bị bại lộ, bà bị giam giữ và đấu tố trước đám đông. Bà và cả gia đình nội ngoại liên tục bị công an đội lốt du đãng phá phách và đe dọa.
Tuy nhiên bà vẫn tiếp tục viết bài và phổ biết trên mạng toàn cầu, tham dự các cuộc thảo luận trên Paltalk, trả lời các cuộc phỏng vấn của các cơ quan truyền thông ở hải ngoại. Một lần một đám đông xông vào nhà bà đập phá và hành hung cả vợ lẫn chồng. Sau đó bà dọn về sống với mẹ ở Hà Nội và tiếp tục viết bài chỉ trích chế độ CSVN. Vào năm 2007, Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bị tù 9 tháng với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước". Vào ngày 2/5/2010 bà lại bị tòa kết án 42 tháng tù vì tội "cố ý gây thương tích". Dư luận cho rằng công an đã dàn dựng biến cố này để bắt giam Bà. Các hình ảnh dùng làm bằng chứng đều là thứ ngụy tạo. Cho tới ngày dời Việt Nam, bà chỉ mới thụ án 21 tháng tại nhà tù Lam Sơn ở Thanh Hóa. Nhà cầm quyền Hà Nội đã quyết định tha bổng cho bà khi họ cho bà ra khỏi nhà tù.
Trong thời gian Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bị giam trong tù đợt đầu vào năm 2007, bà đã cho phát hành cuốn "Viết Từ Hang Đá, Nhỏ Lệ Cùng Dân" tại Hoa Kỳ. Đây là một tuyển tập do Cội Nguồn xuất bản gồm 50 bài thuộc nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, tiểu luận, phóng sự, tùy bút, và thơ. Phần lớn những bài này chưa bao giờ được phổ biến. Nói chung truyện ngắn và tùy bút là hai thể loại quen thuộc của Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. Về nội dung tuyển tập "Viết Từ Hang Đá, Nhỏ Lệ Cùng Dân" có thể chia ra làm ba phần theo ý kiến của Nhà văn Đỗ Tiến Đức:
(1) Thơ văn.
(2) Cáo trạng tội ác của CSVN.
(3) Sự thật về ông Hồ Chí Minh.
Dù ở trong nước như cá nằm trên thớt, Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy vẫn dám viết dám nói một cách mạnh bạo. Quả thật bà là một người can trường. Một tờ báo ngoại quốc đã gọi bà là một Aung San Suu Kyi của Việt Nam. Nhưng bà thất vọng vì thái độ cam chịu số phận của đa số người dân ở trong nước. Trong bài "Hang Đá" Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã phải thốt lên rằng "Nếu coi tự do và nhân cách là thước đo chiều cao của mỗi người, thì dân tộc Việt Nam hiện tại hẳn là dân tộc có tỷ lệ lùn nhất thế giới. Chỉ những người liều chết thoát khỏi ngôi nhà định mệnh xã hội chủ nghĩa bóng đêm đầy ma quái, mới có nổi chiều cao đích thực của mình…" Có những lúc thất vọng bà than: "Ôi Việt Nam – xứ sở mù lòa." Bà nói ở thế kỷ 21, 80% dân Việt còn chưa được thấy ánh sáng của thế giới bên ngoài nhờ tài bưng bít thông tin của CSVN.
Ngược lại, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy hết lời ca ngợi ba triệu người Việt ở nước ngoài. Trong bài "trò chuyện cùng anh Lưu Ngọc Bang", bà nói: "Chính 3 triệu đồng bào ở hải ngoại làm nên phép nhiệm mầu của Việt Nam hôm nay, khiến lưỡi dao của đảng cùn, họng súng của đảng cong, còng số 8 của đảng lỏng, thậm chí còn phải cắt bớt đi. Vì thế muốn 'chu di tam tộc' em cũng khó, bởi vì em bây giờ như cây tìm thấy lá, như cá tìm được vây, như sông tìm được nước. Đảng chặt vây này, em mọc vây khác, đảng chặn nguồn này, em chảy nguồn khác … Ba triệu đồng bào Việt Nam là 3 triệu chiếc vây quanh em, 3 triệu giọt nước mưa tắm mát sông em, 3 triệu chiếc lá giúp cây đời mãi mãi xanh tươi. Làm sao đảng chặt hết 3 triệu vây, chặn đứng dòng chẩy của em, đốn hết 3 triệu chiếc lá được?"
Ba triệu người Việt ở hải ngoại có xứng đáng với lời khen ngợi của Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy hay không là một vấn đề cần phải xét lại. Đa số chúng ta là những người thầm lặng. Quá thầm lặng đến nỗi trở thành vô cảm với số phận khốn nạn của dân tộc.
Một trong những bài thơ đẹp nhất của Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy là bài "Thay Lời Tiễn Biệt". Trong bài này bà đã gói ghém những lời trăng trối khi biết mình đang ở trong hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm sau khi bị một kẻ phản bội tố giác những bài viết dưới những bút hiệu khác nhau của bà vào năm 2006.
Thay Lời Tiễn Biệt
Nếu tôi chết xin ghi trên huyệt mộ
Đây là người yêu nước thương dân
Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ
Đưa nhân dân ra khỏi kiếp bần hàn.
Tuổi 40 khi lẽ đời đã tỏ
Thì cùm gông, xiềng xích xá kể gì
Theo gương bậc tiền bối tôi đi
Vá lại mảnh trời xanh tổ quốc.
Vạch mặt lũ đê hèn, quân bán nước
Nhân danh Đảng, tổ quốc lộng hành
Chúng cấu kết, chúng ăn chia
Còn chúng nó dân ta còn phải khổ.
Nếu tôi chết xin nuôi bày con nhỏ
Chúng đáng thương nào có tội tình gì
Khi mẹ chúng đứng lên đòi sự sống
Cho giống nòi và cả chúng mai sau.
Nếu tôi chết…
(Hà Nội, 4-9-2006)
Được hỏi về cảm tưởng khi đặt chân đến Hoa Kỳ, bà nói rằng bà rất hồi hộp, vui mừng và cảm động. Từ địa ngục được lên thiên đàng quá nhanh chóng nên nhiều lúc bà không tin đó là sự thật, vẫn mơ màng như còn đang bị giam giữ ở trong nhà tù. Trong những dịp bà gặp cộng đồng Việt Nam ở California, trong hội trường không còn một chỗ trống. Có những lúc bà có cảm giác là bà không làm chủ được đôi chân của mình. Ở Việt Nam ít người nhiều ma. Dân chủ ở Việt Nam là dân chủ miệng lưỡi. Người dân ở trong nước nói rằng "con đường xa nhất là từ miệng đảng đến bàn tay". Cũng theo Bà, ở Hoa Kỳ đi đâu bà cũng thấy tự do dân chủ được thực thi ngay trong đời sống hàng ngày.
Bà Trần Khải Thanh Thủy cho biết bà cộng tác với Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (Việt Tân) từ 2005. Cũng trong thời gian này, bà đã hoạt động bệnh vực cho dân oan bị chiếm nhà chiếm đất. Bà chính thức trở thành đảng viên Việt Tân vào năm 2007. Cùng đến Mỹ với bà là người con gái thứ hai Đỗ Trần An Khuê, 13 tuổi. Mặc dù bà có người con gái lớn Đỗ Thủy Tiên đang học tại Pháp, nhưng bà đã chọn Hoa Kỳ để tị nạn vì ở quốc gia này có đông người Việt Nam và con gái của bà có thể từ Pháp sang Mỹ đoàn tụ với gia đình. Ông Đỗ Bá Tân, chồng Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, hiện còn ở Việt Nam. Ông đang có một án treo 2 năm và 47 tháng thử thách vì liên lụy đến hoạt động của vợ. Ông chưa muốn sang Mỹ vì vấn đề ngôn ngữ và để cho bà đi trước cho nhanh chóng. Theo bà thời gian ở tù là thời gian phí phạm vì không làm được gì cả. Bà và gia đình dự trù sẽ định cư tại San Francisco, California.
Trong thời gian tới đây, Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy dự định viết ba cuốn sách:
· Hỏa Lò: Cửa Sinh Tử của Những Kiếp Buồn.
· Đời Tù.
· Chưa có nhan đề nhưng sẽ là phần II của "Đêm Giữa Ban Ngày", bà sẽ viết về Việt Nam trong giai đoạn 1993-2011.
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã khởi sự viết cuốn "Hỏa Lò: Cửa Sinh Tử của Những Kiếp Buồn" từ cuối 2008. Một số đoạn đầu tiên đã được phổ biến ở nước ngoài. Cuốn "Đời Tù" sẽ viết về kinh nghiệm bản thân của bà khi bị giam trong trại tù Cộng Sản. Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy nói với một phóng viên của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ như sau: "Chế độ nhà tù tại Việt Nam phải thay đổi tận gốc rễ, như việc giam 70, 80 người trong một phòng chật hẹp, mỗi phạm nhân chỉ được 60 cm, cả 70 người mới có được một hố xí chung, điều kiện ăn ở hết sức mất vệ sinh… Người đi tiên phong bao giờ cũng gặp kiếp nạn, nhưng kiếp nạn tôi gặp phải có lẽ là duy nhất ở Việt Nam. Chưa ai bị khủng bố như tôi. Họ ném bom phân 14 lần vào nhà tôi, rồi dựng chuyện đánh vỡ đầu tôi mà không có một chút sơ cứu nào. Suốt mấy tháng trời họ cắt thuốc của tôi trong trại giam Hỏa Lò đến mức tôi bị ngất lên ngất xuống 8 lần vì tiểu đường lên cao. Tôi còn bị đánh đập trong tù. Không những quản giáo sai phạm nhân đánh tôi, mà chính bản thân điều tra viên Nguyễn Hùng Tuấn cũng đánh tôi."
Cuốn thứ ba "Đêm Giữa Ban Ngày – Phần II" (nhan đề tạm do người viết đặt) sẽ nói lên mặt trái của xã hội Việt Nam. Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy cho rằng những tác phẩm này sẽ như "những tiếng bom nổ giữa thời bình".
Trong một cuộc phỏng vấn cũng của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã nói rằng "Tôi chọn cách đi tị nạn như thế này để được tiếp tục cầm bút… Tôi vẫn tiếp tục giữ ngọn lửa tranh đấu, niềm đam mê viết, và tôi sẽ viết như khi còn ở trong nước… Đam mê của tôi từ bé là cầm bút. Nhà văn muốn được tỏa sáng phải sống hết mình, phải mài mòn mình ra mà viết. Tôi hy vọng những tháng ngày ở Mỹ, cùng với lòng biết ơn đối với nước Mỹ không những đã cứu thoát tôi ra khỏi tù mà còn cưu mang hai mẹ con tôi nữa, tôi sẽ có sự cộng hưởng sức mạnh tinh thần để thể hiện tác phẩm đầy đặn hơn…"
"Tôi là người cầm bút. Trong tôi không chỉ là một ngọn lửa nhỏ mà là cả một hỏa diệm sơn. Sự hiểu biết của tôi về mặt trái trong xã hội Việt Nam cũng rất nhiều. Với nỗi bức xúc của tôi trước những cái khổ của bản thân cũng như của dân tộc Việt Nam, tôi nghĩ tôi sẽ làm được nhiều hơn những gì những người đi trước không làm được. Trọng tài công minh nhất là thời gian."
"Theo tôi, không nên cứ đấu tranh là phải đi tị nạn ở nước ngoài vì khi ra nước ngoài sẽ tắt lửa lòng rất nhanh, sẽ không có lợi cho phong trào. Phải đấu tranh trực tiếp, trực diện ngay trên mảnh đất đầy chông gai, khói lửa đấy thì tiếng nói mới vang cao hơn. Nhưng trường hợp của tôi là ngoại lệ. Nếu họ không bức tử tôi bằng cách cấm tôi cầm bút trong trại suốt thời gian giam cầm, thì tôi đã chọn con đường ở lại Việt Nam. Họ tước đoạt mọi quyền tự do, mọi niềm tin lẽ sống của tôi. Hễ tôi cầm cây bút lên là y như rằng tất cả kéo đến giằng bút, thu giấy của tôi. Đối với người cầm bút mà không được viết thì không khác gì bị bức tử cả. Chính vì lý do đó mà tôi mới chọn cách đi tị nạn như thế này để được tiếp tục cầm bút."
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã nhận được nhiều giải thưởng văn học như sau:
· Tranh vui– nụ cười dự thi báo Tiền Phong 1983.
· Truyện vui báo Văn nghệ (1982 – 1983).
· Giải Đặc Biệt Quốc Hận 2006 của Phong Trào Hiến Chương 2000. Nguyễn Thái Hoàng (Hà Nội)(lần 1).
· Giải Đặc Biệt Quốc Hận 2006 của Phong Trào Hiến Chương 2000. Nguyễn Thái Hoàng (Hà Nội):(lần 2).
· Giải Ba Đồng Hạng Giải Quốc Hận 2006 của Phong Trào Hiến Chương 2000. Trần thị Thanh Hằng (Hà Nội).
· Giải "Thơ Văn – Lý Luận & Hành Động Cách Mạng" của Phong Trào Hiến Chương 2000.
· Giải Nhất Đồng Hạng Giải "Hiệu Ứng Cánh Bướm & Cách Mạng Việt Nam" tức Giải Xuân Đinh Hợi 2007 của Phong Trào Hiến Chương 2000.
Ngoài ra Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy còn nhận được hai giải nhân quyền:
· Giải thưởng Hellman/Hammett năm 2007 cho các nhà văn bị hành hạ của Human Rights Watch (Winner of the 2007 prestigious Hellman/Hammett prize for persecuted writers)
· Giải Thưởng Nhân Quyền Việt Nam 2009.
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, từng là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội và là Hội viên Danh dự của Hội Văn bút Quốc tế Anh.
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy viết rất nhiều. Tuy mới đọc được một số bài, nhưng tôi tin rằng bà được nhiều độc giả ngưỡng mộ qua lối viết giản dị, khúc chiết, với nội dung tinh tế, sắc sảo. Đặc biệt những truyện vui, cười ra nước mắt, của bà có sức hấp dẫn lạ lùng. Đọc vài hàng chữ đầu là đủ để bị lôi cuốn vào cả cuốn sách dầy. Bà là một nhà văn can trường. Những tác phẩm của bà là những chứng cớ hùng hồn góp phần tạo nên sức mạnh để thay đổi thời cuộc. Xin thân ái chào mừng Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã đến Hoa Kỳ và chúc bà thành công trên mảnh đất hứa mới.
Virginia 30/7/2011
© Nguyễn Quốc Khải
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét