Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt : Bao Giờ Cho... Hết Tháng Mười

Nguồn dainamax

2011-10-04


"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"


Bi hài kịch của đồng Euro... 

Một nước "vô can" là Anh quốc, không nằm trong khối Euro, 
vẫn phải tính xem  các ngân hàng Anh bị kẹt bao nhiêu vốn 
trong các nước lâm nạn, có tỷ lệ nợ nần cao nhất so với GDP. 
Các nước đó mà vỡ nợ thì hệ thống ngân hàng của Anh có thể 
mất bao nhiêu tiền, làm sao đòi lại?...


Giới đầu tư trên các thị trường tài chánh thường rất sợ Tháng Mười, là khi hay xảy ra nhiều biến động nhất trong năm. Hai vụ sụt giá cổ phiếu gây kinh hoàng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ - cho đến nay - đều xảy ra trong Tháng Mười: "Thứ Năm Đen" vào ngày 24 Tháng 10 1929 khi thị trường mất giá 11% nội trong ngày, và "Thứ Hai Đen" vào ngày 19 Tháng 10 1987 khi thị trường sụt giá mất 22,6%.



Với Âu châu, Tháng Mười sẽ là tháng dài nhất trong năm, khi thị trường chờ đợi là lãnh đạo các nước sẽ có thêm một kế hoạch cấp cứu vụ khủng hoảng đồng Euro vào đầu Tháng 11, nhân hội nghị các Tổng trưởng Tài chánh của khối G-20 tại thành phố Cannes. Vì vậy, người ta hát vãn là "bao giờ cho hết Tháng 10".

Thật ra, với Âu Châu, tháng nào trong năm cũng sẽ là Tháng Mười nhức tim, chỉ vì tai ách khó gỡ của đồng Euro.

Kỳ trước, cột báo "Kinh tế cũng là Chính trị" này đã nói đến phương cách ứng phó với khủng hoảng của Hoa Kỳ trong bài "Con Bệnh Euro và Thầy Lang Mỹ - Những nghịch lý chính trị trong tai họa tiền tệ". Kỳ này, xin phân tách tiếp về ách tắc bất tận của các nước Âu châu trong vụ khủng hoảng tài chánh liên miên bất tuyệt này.


***


Thời sự gần như hàng ngày đưa ra những lời báo động rất nổ như "thách đố lớn nhất", "tuột khỏi tầm tay" hoặc "giai đoạn kinh hoàng nhất", v.v... Đó là lời phát biểu của lãnh tụ, giới chức cao cấp hay chủ tịch các ngân hàng, sau hàng loạt hội nghị cấp cứu hoặc sáng kiến ứng phó ngày càng tốn kém hơn.

Dư luận bình thường thì rối mắt với các tên tắt rất lạ của kế hoạch cấp cứu hoặc những ngân khoản ngày một cao để chuộc nợ cho Hy Lạp, hay dựng tường lửa ngăn cơn khủng hoảng khỏi lan qua nước này nước kia, v.v.... Khi lờ mờ theo dõi tin tức, người ta cứ tưởng rằng lãnh đạo các nước và các định chế đang cấp bách đối phó với cơn hoả hoạn.

Tuần qua, tạp chí chuyên đề The Economist của Anh có một bài viết rất dài nêu đích danh các nhân vật hữu trách của Âu châu với lời phê phán rất nặng về cách đối phó tèm lem như vậy. Nghĩ cũng oan tình!

Thật ra, họ chỉ là những cái bóng chạy quanh ngọn nến của đèn kéo quân. Họ không đối phó với thực tế mà bị thực tế xoay vần như con rối. Lý do chính là cơ cấu phi lý của Liên hiệp Âu châu có 27 nước và khối Euro có 17 hội viên trong một dự án hoang tưởng.

Xin nhắc lại về dự án đó: trong đà hồ hởi khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991, việc thống nhất quy củ sinh hoạt kinh tế của các nước Âu châu khởi đi từ sau Thế chiến II đã có... bước nhảy vọt vĩ đại vào một cõi "vô chiêu", hay vô chủ.

Khi nguy cơ chiến tranh được đẩy lui, việc tái thiết cả khối Đông Âu bị chủ nghĩa cộng sản tàn phá đã mở ra giai đoạn phát triển khả quan. Được hai chục năm. Thời thịnh đạt thì ít ai nhìn ra mâu thuẫn bên trong và tưởng rằng lãnh đạo các nước đã chủ động vận trù được thực tế. Khi kinh tế suy trầm thì chính là thực tế mới xoay vần lãnh đạo, dù là lãnh đạo một nước, một tổ chức thư lại hay một hệ thống ngân hàng.

Nghịch lý ở đây nằm trong ba khối xen kẽ với nhau như một vật thể liền lạc.

Liên Âu là một dự án tự do mậu dịch giữa 27 nước, trong đó đệ nhất cường quốc về xuất cảng là Cộng hoà Liên bang Đức có khả năng cạnh tranh vượt trội và đưa hàng hoá vào các nước thật ra còn chậm phát triển, Hy Lạp chỉ là một thí dụ. Chúng ta có khác biệt như vực thẳm giữa các nước kỹ nghệ hoá tiên tiến ở miền Bắc và các nước sa đà trong cõi thư giãn thoải mái ở miền Nam. Chưa nói đến khối Đông Âu cũng có hai mảnh Nam-Bắc.

Trong khối Liên Âu, có 17 nước lập ra một hệ thống tiền tệ Euro, nơi mà một nước tụt hậu, như Hy Lạp, lại xài chung đồng bạc với cường quốc kinh tế là Đức, theo một thể thức chung. Hai xu hướng tiết kiệm và tiêu thụ quá khác biệt này có thể xé rách đồng bạc! Quả nhiên.

Thứ ba, vì ảo vọng thống nhất, Liên Âu còn lập ra bộ máy thư lại của các công chức quốc tế tại Bruxelles để đòi chi li điều động mọi sinh hoạt kinh tế tài chánh của các hội viên.

Trong khối kiến trúc có vẻ liền lạc mà ai ai cũng có vẻ điều khiển cái gì đó có vẻ có lợi nhất cho cả tập thể - từ nguyên thủ quốc gia đến người cầm đầu các định chế công quyền Âu châu hay ngân hàng - người ta có một hài kịch về quyền lợi. Các nước đều có vẻ hợp tác với nhau, chứ khi hữu sự thì chủ quyền quốc gia, hay quyền lợi của người dân, mới là yếu tố quyết định.

Điều ấy rất chính đáng, nhưng dẫn tới kết quả là Hy Lạp có thể dựa thế kinh tế Đức mà tiêu xài vô lối... cho dân Hy Lạp. Khi Đức phải mở hầu bao cấp cứu thành viên bất cẩn này thì dân Đức khiển trách lãnh đạo của mình. Mà kế hoạch cấp cứu còn phải được một xứ khác, nhỏ xíu như Slovenia hay Slovakia, đồng ý. Chỉ cần một nước lắc đầu là sẽ đi lại từ đầu, tìm ra kế hoạch còn tốn kém hơn. Vì trong khi các thành phần ưu tú còn hội họp tranh cãi thì thực tế, hay thị trường, vẫn tiếp tục gieo họa.

Một thí dụ khác mà dân Mỹ thấy sát sườn trong bối cảnh kinh tế và chính trị hiện nay: ưu tiên là giảm chi để quân bình ngân sách hay đẩy mạnh tăng trưởng để giải quyết thất nghiệp?

Tại Âu châu, cuộc tranh luận chính đáng này  là một vở kịch câm ồn ào: không cơ chế nào có thẩm quyền quyết định cho cả tập thể, mà chỉ có từng tiếng nói, cũng rất chính đáng, của từng nước, để không dẫn đến kết quả chung quyết. Vì mỗi nước lại có một ưu tiên riêng, về kinh tế hay chính trị, hay bầu cử.

Khi nhìn trên toàn cảnh như vậy, người ta thấy ra tập thể này, kinh tế hay tiền tệ, là một vở kịch mà mỗi diễn viên hay quốc gia lại diễn theo kịch bản của mình. Toàn là diễn viên thượng thặng, nhưng cho riêng cử tọa của mình ở dưới. Mà không có đạo diễn!

Thủ tướng Hy Lạp hứa hẹn khắc khổ trên sân khấu mà nháy mắt với cử tọa của ông ở dưới, ở nhà, là đừng lo, hãy khắckhổ một chút thì ta sẽ có tiền. Trên sân khấu, Thủ tướng Đức ra vẻ tin tưởng lời hứa, nhưng bật tín hiệu cho cử tọa của bà, cử tri Đức, rằng ta không cứu Hy Lạp mà cứu lấy các ngân hàng Đức. Tổng thống Pháp hay Thủ tướng Ý cũng thế, họ diễn rất khéo vở kịch riêng. Nếu không thì sẽ thất cử.

Đâm ra, các nước Âu châu lập ra cơ chế hào nhoáng mà vô quyền, vì vậy mới là "vô chiêu": khi hữu sự thì đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ. Từng quốc gia vẫn lấy quyết định riêng trên cơ sở của quyền lợi quốc gia dân tộc. Và trên lưng người khác, nếu có thể được.

Hài kịch ấy trở thành bi kịch khi mà không xứ nào dám xoá bỏ hệ thống Euro để mọi người ra về xài tiền của mình bằng thực lực của mình theo kiểu liệu cơm gắp mắm. Đồng Euro có thể thành đồng sứt nhưng vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt trong sự lụn bại chậm rãi của cả tập thể. Cho đến ngày dư luận xoay chiều và chống lại việc thống nhất ngoài da như vậy. Dấu hiệu tiên báo là khi các chính đảng "chống Âu châu" đắc cử hàng loạt.

Từ nay đến thời điểm đảo ngược tư tưởng như thế, có thể là khá lâu sau này, thị trường tiếp tục vần vũ. Và 12 tháng đều là Tháng Mười.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét