Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TPHCM.
RFI : Kính chào ông Lê Hiếu Đằng ! Thưa ông, việc Thủ tướng chính phủ, tức là bên hành pháp, giao cho Bộ Công an soạn thảo Luật biểu tình có phải là một bất ngờ ?
Lê Hiếu Đằng : Khi nghe thông tin là Thủ tướng chính phủ đề nghị Bộ Công an soạn thảo Luật biểu tình, thì nhiều người cũng rất ngạc nhiên. Bởi vì trước đây trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi, nhiều đại biểu ví dụ ông Dương Trung Quốc chẳng hạn, cũng đề nghị phải có Luật biểu tình.
Lẽ ra khi Quốc hội đặt ra vấn đề này thì Bộ Tư pháp hay Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phải nghiên cứu để đề xuất. Nhưng bây giờ Thủ tướng lại có ý kiến như vậy, trong suy nghĩ thì nhiều người cho rằng có hai khả năng. Khả năng đầu tiên, đúng là Thủ tướng quan tâm, muốn giải quyết một vấn đề mà hiện nay đang phải đối phó, tức là có tinh thần có thể là cởi mở. Khả năng thứ hai, mà tôi cho là nhiều hơn, tức là đứng trước tình hình lần đầu tiên ở Việt Nam có hàng loạt các cuộc biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, thì chính phủ lo rằng nếu không có một đạo luật thì tình trạng này sẽ xảy ra nhiều hơn nữa.
Từ đề xuất của Thủ tướng giao cho Bộ Công an, cũng có những người suy nghĩ là nội dung của luật này sẽ ràng buộc nhiều việc, làm ngăn trở biểu tình nhiều hơn là tạo điều kiện cho người dân có thể nói lên tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của mình thông qua hình thức biểu tình. Bởi vì biểu tình là một quyền của công dân, cũng đã trở thành điều bình thường ở các nước. Nhiều người nói là, đôi lúc thấy nếu không có Luật biểu tình còn dễ chịu hơn. Chứ nếu có Luật biểu tình, mà trong đó có những điều để ngăn trở người dân thực hiện cái quyền này, thì lại không hay lắm.
Mà tôi lo ngại đấy là khuynh hướng này. Bởi vì nếu thật sự có thiện chí tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền biểu tình, thì tôi nghĩ bản thân Quốc hội phải chủ động. Đó là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, và nếu cần thiết thì một Bộ khác chứ không phải Bộ Công an. Công an là bộ phận hay dẹp biểu tình mà, và vừa rồi diễn ra ở Hà Nội là như vậy. Nếu công an soạn thảo Luật biểu tình thì dứt khoát khuynh hướng là họ sẽ hạn chế quyền này của công dân.
Vì vậy tôi nghĩ là cần phải cân nhắc, nếu không một khi có Luật biểu tình rồi thì đôi lúc không thuận lợi mà lại có khó khăn hơn trước đối với người dân khi thực hiện quyền của mình.
RFI : Thưa ông, như vậy có nghĩa dư luận nghiêng về khuynh hướng cho rằng đây là một đạo luật nhằm ngăn trở biểu tình, thay vì là một sự cởi mở ? Bằng chứng là vừa qua một số người thường tham gia biểu tình cũng đã gặp khá nhiều rắc rối ?
Lê Hiếu Đằng : Đúng là nếu dự thảo Luật biểu tình mà giao cho Bộ Công an thì tôi nghĩ rằng không hợp lý. Người dân dễ có cảm giác đây là một cách đối phó trở lại những cuộc biểu tình như vừa qua ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thành ra tôi nghĩ, nếu cần thiết thì phải giao cho một bộ phận khác nghiên cứu.
Mà cái này rất quan trọng, đây là quyền của người dân nên phải cân nhắc sao cho phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay. Trên thế giới người ta xem biểu tình là chuyện bình thường, thì ở Việt Nam cũng vậy thôi. Có bộ phận chức năng giữ gìn trật tự an ninh cho người dân thể hiện ý chí nguyện vọng thông qua hình thức biểu tình. Còn ai là xấu, ai là phản động, thì đó là nhiệm vụ của các cơ quan an ninh.
Nếu đúng là kẻ xấu, phản động và có bằng chứng, thì cơ quan an ninh cứ làm việc của mình. Còn người dân thì thực hiện quyền biểu tình, không thể nào làm cái việc của cơ quan an ninh được. Nếu xuất phát từ động cơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thì tôi rất hoan nghênh. Nhưng nếu động cơ là do thấy tình hình hơi lộn xộn nên ra Luật biểu tình để mà ngăn trở, hạn chế thì tôi không thể ủng hộ ý định này.
RFI : Tuy chưa có luật biểu tình nhưng thật ra đã có quy định về trật tự công cộng của Bộ Công an. Theo quy định này thì tụ tập 5 người trở lên phải xin phép, như vậy Bộ Công an có thể tạm coi là đã có kinh nghiệm về việc này…
Lê Hiếu Đằng : Đó là một nghị định, tức là một văn bản dưới luật. Tụ tập 5 người trở lên phải báo cáo thì không biết bao nhiêu, người ta sẽ báo cáo rất nhiều…cơ quan công an cũng không làm xuể. Đấy, chính những điều khoản vô lý như vậy, đi ngược lại xu thế dân chủ hiện nay trên thế giới như vậy, rất không khả thi. Bạn bè hễ gặp nhau sáu, bảy người chẳng hạn phải xin phép thì khó thể thực hiện…
Nếu không cân nhắc kỹ càng, Luật biểu tình đưa ra có thể đi ngược lại nguyện vọng của người dân, của quần chúng. Nhưng tôi tin rằng các đại biểu Quốc hội cũng sẽ có ý kiến về vấn đề này, hay các tầng lớp nhân dân, giới nhân sĩ trí thức cũng sẽ có ý kiến. Chính phủ không thể đi ngược lại những ý kiến xây dựng. Nhất là trong tình hình hiện nay, cần phải có sự đoàn kết dân tộc để chống lại kẻ thù đang ngày càng khuấy phá mình, đó là những nhà lãnh đạo Bắc Kinh.
Tôi nghĩ là cần phải tập trung sức để mà chống lại âm mưu bành trướng xâm lược đó. Mà cái thế mạnh, như tôi cũng đã nói nhiều lần, thế mạnh của chúng ta trong cuộc đấu tranh chống bành trướng Bắc Kinh chính là lòng dân.
Nếu một đạo luật đi ngược lại lòng dân, đi ngược lại những quyền và lợi ích chính đáng của người dân, thì sẽ không tồn tại, không có sức sống trong cuộc sống người dân.
RFI : Nếu nhìn một cách lạc quan, nếu có luật biểu tình thì sẽ phải quy định rõ thời gian, địa điểm chẳng hạn, tránh những nhập nhằng lâu nay…
Lê Hiếu Đằng : Đúng vậy. Luật biểu tình cần theo xu thế tiến bộ hiện nay, ví dụ có khoanh vùng cho người dân đến đó biểu tình. Tại các nước có các quảng trường cho dân muốn biểu tình thì đến đó, miễn là đừng đập phá, bạo động, gây rối trật tự xã hội. Tôi nghĩ cần có những điều khoản quy định cụ thể như vậy để thực hiện quyền biểu tình của người dân. Chứ nếu ngăn trở thì sẽ gây mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền, có sự đối đầu giữa dân và chính phủ.
Do đó soạn thảo Luật biểu tình cần hết sức cân nhắc. Làm sao cho phù hợp với xu thế hiện nay, cũng như nguyện vọng của người dân.
RFI : Còn nếu nhìn ở góc độ bi quan hơn, có lẽ cũng không dễ dàng vì vẫn có những ý kiến cho là như vậy quản lý xã hội sẽ khó khăn hơn, rồi các đối tượng xấu hay các thế lực thù địch sẽ lợi dụng…
Lê Hiếu Đằng : Thật ra nhân dân Việt Nam đã trải qua hai cuộc chiến tranh, ba mươi mấy năm xây dựng rất nước, cũng đã có kinh nghiệm rồi. Thành ra tôi nghĩ mình không ngại kẻ xấu hay thế lực thù địch.
Mà thế lực thù địch hiện nay là ai ? Thì đó là những người khuấy phá mình, bách hại ngư dân, phá hoại kinh tế mình, chính là các nhà lãnh đạo Bắc Kinh chứ ai !
Vì vậy nếu ra Luật biểu tình, cần phải mở rộng các quyền dân chủ của người dân, mới đáp ứng được yêu cầu hiện nay trong sinh hoạt chính trị của Việt Nam chúng ta.
RFI : Và cũng hy vọng xã hội công dân đang hình thành sẽ có tiếng nói đóng góp vào vấn đề này…
Lê Hiếu Đằng : Tôi cũng hy vọng như vậy. Bây giờ thật ra xã hội Việt Nam chúng ta hiện nay có khác trước rồi. Đã có nhiều nhóm, nhiều khuynh hướng tham gia góp ý, kể cả trong đảng. Có những đảng viên cũng thẳng thắn góp ý. Ví dụ như nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng có những ý kiến rất hay, rất là quý báu trong việc xây dựng Nhà nước của Việt Nam.
Do đó Luật biểu tình nếu đưa ra thì cần có sự đóng góp của nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là nhân sĩ trí thức, và đặc biệt là các đại biểu Quốc hội. Vấn đề ở đây là chúng ta phải có nhiều hình thức cho người dân góp ý vào Luật biểu tình này. Chứ còn nếu chỉ làm nội bộ hay hạn chế thì Luật biểu tình sẽ không đạt được yêu cầu, trong việc vừa quản lý đất nước, vừa phải thực hiện được các quyền của người dân, trong một thể chế chính trị dân chủ và thể hiện xu thế phát triển hiện nay. Trong dòng chảy chung của thế giới, vấn đề dân chủ tự do, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
RFI : Chúng tôi xin rất cám ơn ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét