Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XI đã bắt đầu hội nghị toàn thể lần thứ ba tại Hà Nội vào hôm thứ Năm ngày 6/10.
Trong hội nghị kéo dài năm ngày này, các ủy viên trung ương sẽ cùng nhau thảo luận các vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước và điều lệ Đảng trong tình hình mới.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc diễn văn chỉ đạo hội nghị trong phiên khai mạc.
Ông Trọng yêu cầu các ủy viên trung ương dành 'thời gian thích đáng' để bàn về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước vốn đang gặp nhiều 'khó khăn, phức tạp'.
"Tình hình kinh tế-xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định; sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân có không ít vấn đề phải khẩn trương giải quyết," ông Trọng nói.
Ông nhấn mạnh Đảng đang và sẽ tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, coi đó là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Tổng bí thư Trọng cho biết trước hội nghị trung ương lần này, Bộ chính trị đã dành một ngày 'để nghe và cho ý kiến' về bản báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội đất nước.
Ý kiến khác nhau
"Cần trả lời câu hỏi: hiện nay kinh tế - xã hội nước ta đang ở đâu?; đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất chưa?; xu hướng sắp tới thế nào?"
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tuy nhiên ông thừa nhận các thành viên Bộ chính trị có 'ý kiến khác nhau' về 'không ít nội dung' của bản báo cáo.
Do đó, ông đề nghị Trung ương Đảng tập trung thảo luận kỹ bản báo cáo này với tinh thần 'nhìn thẳng vào sự thật' để làm rõ kết quả đạt được cũng như hạn chế yếu kém cùng với nguyên nhân của chúng.
"Cần trả lời câu hỏi: hiện nay kinh tế - xã hội nước ta đang ở đâu?; đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất chưa?; xu hướng sắp tới thế nào?," ông yêu cầu các ủy viên trung ương.
"Nhận định, đánh giá chuẩn xác tình hình và dự báo đúng xu hướng phát triển là căn cứ rất quan trọng để có quyết sách đúng," ông nói.
Sau khi phân tích tình hình, Trung ương Đảng sẽ đề ra mục tiêu tổng quát cũng như chỉ tiêu cơ bản để 'định hướng' cho Quốc hội và Chính phủ tính toán điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng, vốn đầu tư, cán cân thanh toán, lạm phát, nợ công và nhập siêu sao cho hợp lý.
Về vấn đề điều lệ Đảng và quy định về những điều đảng viên không được làm, ông nói quá trình thực hiện đã bộc lộ 'những hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới'.
Một trong những nội dung mới sẽ được thảo luận lần này là bổ sung quy định về trách nhiệm của đảng viên trong vệc phê bình, chất vấn đối với cá nhân, tổ chức Đảng.
Quy định những ̣điều đảng viên không được làm, vốn được Bộ Chính trị ban hành bốn năm trước, nay cần được tiếp tục bổ sung những vấn đề quan trọng về 'rèn luyện tư tưởng chính trị' để góp phần ngăn ngừa những biểu hiện suy thoái tư tưởng trong Đảng, ông Trọng cho biết.
Dân chủ trong Đảng
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một đảng viên kỳ cựu, cho BBC biết ông tin rằng việc sửa đổi điều lệ Đảng và những vấn đề đảng viên không được làm lần này sẽ càng 'thắt chặt' hơn nữa và sẽ có 'nhiều điều cấm' hơn nữa đối với đảng viên.
Ông cũng than phiền về một số điều cấm đã hạn chế dân chủ trong Đảng, chẳng hạn như đảng viên không được ứng cử nếu không được cấp ủy quản lý trực tiếp cho phép và đảng viên chỉ được phép đưa kiến nghị cá nhân chứ không được ký tập thể.
Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TPHCM, cũng có cùng ý kiến với ông Vĩnh về hai điều cấm này.
"Đảng viên trước hết là công dân. Đảng viên không thể bị tước các quyền công dân," ông Đằng nói với BBC.
Về vấn đề đảng viên tự ra ứng cử, ông nói hãy để người dân có quyết định cuối cùng là có tín nhiệm người đó hay không, chứ Đảng không thể loại ra người đó ngay từ đầu qua việc lấy ý kiến chi bộ.
"Như vậy là Đảng đã hạn chế quyền ứng cử và bầu cử của công dân theo luật định," ông nói, than phiền rằng những quy định như thế đã làm cho không có dân chủ ngay trong nội bộ Đảng.
"Đảng viên trước hết là công dân. Đảng viên không thể bị tước các quyền công dân"
Lê Hiếu Đằng, nguyên phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TPHCM
"Các quy định không được đi ngược lại với xu thế, bằng không chúng sẽ hạn chế sự phát triển của đất nước," ông nói.
Ông Đằng cũng cho biết trong các cuộc trao đổi với ông, nhiều đảng viên cũng mong muốn Đảng phải thoải mái hơn để đảng viên được tự do đóng góp ý kiến cũng như khả năng để xây dựng đất nước.
Ngay sau hội nghị trung ương lần này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có các chuyến thăm đồng thời đến Trung Quốc và Ấn Độ.
Ông Đằng tin rằng vấn đề Biển Đông sẽ không được đưa ra bàn thảo trong toàn thể hội nghị trung ương, nhưng chắc chắn sẽ được bàn ở 'phạm vi nhỏ hơn' là trong Bộ Chính trị để thống nhất lập trường của Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét