Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Lê Dũng : Bộ trưởng khác không nên học anh Thăng. (Đinh La Thăng, bộ trưởng giao thông)

Nguồn quehuongcualua

Xem báo vi en ếch phét thấy đưa tin : anh Thăng bộ trưởng giao thông trong lần thăm dự án cảng hàng không Đà nẵng vừa rồi đã " cách chức tại chỗ " chỉ huy trưởng dự án ! 

 Về khía cạnh chuyên môn thì mình xin tham gia vài điều bởi mình đã có kinh nghiệm trên dưới hai chục năm làm dự án, chỉ huy trưởng cũng ngót chục năm. Việc anh Thăng trước khi ra quyết định om tỏi như báo đã đăng thế kia liệu sau khi quay về Hà nội thì anh có nghĩ lại hay không ? 
  Trước khi anh " trảm " tướng tại trận, chả biết anh đã đọc các hợp đồng ký tá giữa các bên hay chưa, điều khoản nào cho phép đích danh anh cách chức chỉ huy trưởng, khoản nào cho phép anh yêu cầu điều cán bộ có kinh nghiệm từ dự án sân bay Cần thơ hay gì đó nữa tập trung ra Đà nẵng ...? khi các dự án sân bay này khởi công thì anh Thăng đang làm gì, ai đang điều hành ở vị trí anh Thăng lúc ấy ?
 Mình làm dự án xây dựng lâu năm nên biết : đa số các nhà thầu xây dựng Việt nam thời trước 2007 chỉ ký hợp đồng xây lắp theo kiểu ...Việt nam, tức là không theo mẫu Quốc tế, chỉ vài trang giấy cho cả gói thầu hàng vài trăm thậm chí vài ngàn tỷ. Các điều khoản chi tiết để xử lý khi xảy ra các vấn đề tương tự như chậm, chất lượng kém, biện pháp không đúng như đã duyệt, công nhân không có bảo hộ, chưa học an toàn, chỉ huy trưởng chưa đủ các điều kiện như qui định của ND 16, thông tư 12 -Luật xây dựng -  hướng dẫn về quản lý dự án nói chung, quản lý chất lượng nói riêng. 
   Việc chậm tiến độ chưa biết là do ai gây ra, nếu đúng là phía Construcxim thì đương nhiên phải có các văn bản xác nhận của các bên : nhà thầu, ban quản lý, tư vấn, sau đó phải căn cứ vào các điều khoản ghi trong hợp đồng kinh tế để xử lý. Thưởng phạt đều theo hợp đồng cả, ngay cả ai là người có quyền chém gió chém bão trong cuộc họp cũng đều phải qui định trong hợp đồng đã.
 Chưa biết sự thể thế nào nhưng thấy chỉ huy trưởng của dự án bị trảm ngay tại trận thì mình thấy cần có sự đồng cảm với cá nhân anh nào làm chỉ huy trưởng kia. Dù sao cũng là anh em trong nghề nên hiểu : ở Việt nam chả có cái dự án nào liên quan đến vốn nhà nước mà đúng tiến độ. Ai biết công trình nào thì xin cho biết để học hỏi. 
 Thế nên việc anh Thăng làm theo mình chỉ gây ra tác dụng ngược về cách PR hình ảnh. Nếu anh Thăng vẫn cho việc anh ta trong lúc đó do đang bực bội việc gia đình, đang bị bà con chém gió trên mạng chê vì anh định tư vấn cấm xe máy, cấm này cấm nọ, đòi được trao gươm ra trận...vv nên giận cá chém thớt ? theo mình rất không nên.
 Người có năng lực thực sự không cần PR theo cách đó, ví dụ khi anh đi thăm dự án xong, yêu cầu các bên liên quan gửi văn bản chính thức của cuộc họp giữa các bên tại dự án, nêu rõ nội dung chậm tiến độ, công nhân thiếu bảo hộ, chất lượng, khối lượng hoàn thành không đạt như hợp đồng ...vv và có ký xác nhận của các bên. Sau đó trưởng ban quản lý có văn bản đối chiếu với hợp đồng để xem xét các điều khoản nào áp cho việc xử lý chậm nếu do nhà thầu gây ra để gửi cho anh Thăng. Nếu nhà thầu không có biên bản giải trình việc chậm tiến độ, các nguyên nhân gây chậm quả thực do nhà thầu thì khi ấy anh Thăng mới xem xét và ra quyết định. Chưa nói là anh Thăng có thẩm quyền ra quyết định hay không ?
 Tóm lại việc chém gió chém bão như vậy của anh Thăng theo mình là hơi ẩu,  thiếu kiềm chế tình cảm, thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý dự án và  chỉ thể hiện cái oai của cái ghế  mới nhận. Nó khẳng định thêm việc ở Việt nam cái kiểu : " mày biết tao là ai không " vẫn đang ngày càng nở hoa trăm miền.
 Nếu anh Thăng làm thế thì liệu các anh khác có học theo hay không ? 
   Chỉ việc làm thế nào để Hà nội khỏi tắc đường mà bao đời bộ trưởng cũng chỉ loanh quanh cấm xe máy, hạn chế ô tô, cho đi xe biển chẵn lẻ, phân làn, ngăn ngã tư, chặn chỗ rẽ, nhấc đèn xanh đỏ chỗ này ra chỗ kia...vv cứ như thày bói dọn cưới.
   Đơn giản ai cũng hiểu là để hết tắc đường chỉ có mỗi cách là : dân không đi nữa. Dân không đi có nghĩa là dân vẫn đi ở nơi khác, dân đi ở nơi khác có nghĩa là dân làm ăn ở nơi khác, dân học hành và chữa bệnh ở nơi khác, mua sắm ở nơi khác và tóm lại là dân sống ở nơi khác chứ không phải là chỉ ở nội thành. Xử lý mỗi vẫn đề gì thì cũng cần phải tỉnh táo, với cái đầu lạnh, không phải cứ nóng lên là được đâu, bác Trọng đã bảo rồi.
   Hai vấn đề dân số và tranh chấp giao thông nó có liên quan rất biện chứng với nhau, lý luận thế nào cũng sẽ quay về thực tế, thực tế là nếu các anh vẫn cho xây nhà chung cư nêm vào phố, vẫn để các trường đại học và bệnh viện trong phố như hiện nay thì đố cả bảy đời nhà anh nào sống lại làm sao cho hết tắc đường.

Ngã tư Thái hà - Tây sơn Hà nội gặp mưa. Ảnh : Lê Dũng.

  Còn chuyện trảm chỉ huy trưởng dự án ngay trong lúc thăm dự án thì không nên tái  diễn nữa bởi vì sao thì các anh hãy học và làm theo lời của bác Sinh Hùng nói trước Quốc hội. Trảm hết thì lấy ai làm ?

PS : Anh Thăng cũng là người đề xuất việc "Tịch thu xe đua, mang tiêu hủy" ! tuy nhiên chưa được chấp thuận. Chắc phải cho anh Thăng bơi cùng các em qua suối sâu thì việc có cây cầu treo hay cầu khỉ chỉ bằng tiền một cái xe đua nó giá trị ra sao.
 
Nếu anh Thăng thích người nói thẳng để làm việc thì nên gọi anh Tạch kỹ sư ô tô về làm cho bộ mảng công nghiệp ô tô, gọi tôi về làm cho mảng quản lý đầu tư xây dựng. Tôi làm thẳng lắm, thằng nào làm ăn léng phéng hay tham nhũng, chạy dự án kiểu tượng đài là tôi trảm liền.

*****************

Đọc thêm trên rfablog

Trảm tướng bằng dao..gỗ!

Dĩ nhiên muốn trảm tướng thì bản thân của người ra lệnh phải cao hơn tướng mới trảm được! Mà trảm theo kiểu của ông Đinh La Thăng thì phải nói ông đã dùng mã tấu bằng ..gỗ! Kiểu trảm của ông khiến người đọc báo có cảm giác đang xem một phim hài trong thời đại kinh tế cực kỳ…"phản động".

Nguyên văn bài viết đăng trên nhiều tờ báo có nội dung hoàn toàn giống nhau như sau: "Trong đợt thị sát việc xây dựng công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng ngày 4/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã thay ngay tổng chỉ huy công trình. Việc "trảm tướng" ngay giữa công trường của bộ trưởng Thăng quả thật xưa nay hiếm. Ngay chiều hôm đó, bộ trưởng Thăng đưa ông Đỗ Tất Bình – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng HK miền Nam, từ 5/10, thay ông Đặng Hồng Cương -Trưởng BQL dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng."
Đọc bài báo xong nghe sướng cả người. Ít ra thì sau bao năm cũng có một người đủ can đảm để … sa thải nhân viên của mình, hơn rất nhiều bộ trưởng khác! Cái cơ chế khôi hài này đã tạo cho xã hội thói quen dửng dưng trước thời cuộc vì sự thật cho thấy cả nước chỉ chú ý tới giá gạo, giá thịt và nhất là giá học phí vào đầu năm cũng như tiền học thêm cho thầy cô mỗi tháng.
Chuyện vui chưa ráo…mực thì cái nội dung phía sau bài báo làm mình mất hứng!
Báo Dân Trí cho ghi lại một chi tiết mà người đọc nếu không để ý rất dễ bị …qua mặt! Đó là ông Đỗ Tất Bình, người được bộ trưởng Thăng chỉ định là tổng chỉ huy công trình thay cho "tướng" Đặng Hồng Cương là người bị "trảm",  chỉ nhận làm "cố vấn bên cạnh BQL dự án". Tuy nhiên, Bộ trưởng Thăng tuyên bố ông Bình sẽ làm tổng chỉ huy điều hành các nhà thầu, quyết định mọi vấn đề, còn ông Cương vẫn làm trưởng BQL dự án nhưng chỉ ký các văn bản, giấy tờ theo quyết định của ông Bình.
Vậy là ông Cương thoát chết, vụ trảm tướng như báo chí bốc thơm chẳng qua là cách "lách" rất khéo tránh xa sự thật. Thì ra trảm một ông tướng dưới quyền khó hơn lên làm ..bộ trưởng nữa!
Bộ trưởng Đinh La Thăng còn có những màn ảo thuật khác hay không kém. Số là mấy ngày nay, ông luôn tuyên bố phải "tiêu diệt" đám xe máy đang làm cho các thành phố lớn ngập ngụa khói xăng, kẹt xe trầm kha và theo ông Thăng thì chỉ có cách sử dụng phương tiện công cộng là phương cách giải quyết hữu hiệu.
Ông Bộ trưởng tuyên bố sẽ là người đi ..xe buýt trước tiên đến chỗ làm việc! Ông còn ra lệnh nhân viên của Bộ GTVT phải noi gương ông đi làm bằng xe buýt thay vì xe máy để làm gương cho người dân! Mình thấy buồn cười và ngán ngẩm cho cái việc làm mị dân này. Nhà báo Huy Đức gọi ông là Thăng Thích tư lệnh thật không sai một mảy may nào.
Ông Bộ trưởng cũng tâm sự rằng hơn 7 năm nay ông không có dịp ngồi xe buýt nên chưa biết ra sao. Ngay khi bài báo lên khuôn, người dân tới tấp gửi phản hồi về vui đáo để! Người khen, kẻ ngờ vực và cũng không ít người cho là ông đang lừa thiên hạ! Của đáng tội, ngài bộ trưởng nếu đọc báo chắc không khỏi chạnh lòng vì những lời của bá tánh nói về mình.
Còn nữa, ông Đinh La Thăng hình như đã chuẩn bị những câu chuyện giật gân sau ngày nhậm chức nên liên tục đưa ra các quyết định có thể nói là hội chứng "hứa". Ông quên hẳn mình là Bộ trưởng của Bộ Giao thông Vận tải nên ngay lập tức tuyên bố sẽ nhận kỹ sư Lê Văn Tạch vào làm việc cho Bộ của ông vì công ty Toyota không thu nhận kỹ sư Tạch!
Người ta cho rằng ông Bộ trưởng lại hứa lèo như ông Thứ trưởng Bộ GTVT trước đây đã từng hứa với anh Tạch y như ông Thăng nhưng đâu vẫn còn đấy.
Kể cả việc nếu ông Thăng bố trí một vị trí nào đó cho kỹ sư Tạch cũng là làm trái với nguyên tắc nhân sự. Lời hứa bốc đồng của một bộ trưởng cho thấy khả năng điều hành của ông là hạn hẹp trong tư duy lèo lái sinh hoạt của một nhóm người  hơn là nắm chính sách và tổ chức theo dõi quy trình thực hiện chính sách của các cơ quan dưới quyền một bộ. Ông Thăng xài hơi nhiều và không đúng chỗ quyền lực của một bộ trưởng vào các quyết định lẩm cẩm có hình thái khoa trương hơn là chú ý đến thực chất của vấn đề.
Ông bắt chước nước Nhật trong việc vận động công chức nơi công sở tắt hết máy điều hòa không khí để tiết kiệm điện. Việc này đã được người Nhật thực hiện nghiêm túc. Họ thực hiện vì thấy đề nghị hợp lý, sự hy sinh của họ là nhỏ bé so với kết quả to lớn cho đất nước. Còn việc đi xe buýt theo gương ngài bộ trưởng thì sao? Hai việc khác nhau hoàn toàn!
Không có máy lạnh thì chỉ nóng và làm việc khó khăn một chút, nhưng bỏ xe máy đi xe buýt sẽ lập tức xáo trộn mọi sinh hoạt gia đình của một công chức ngay lập tức.
Đồng lương kém cỏi không cho phép họ thuê người đưa rước con đi học. Một chiêc xe máy phải cõng cả gia đình mỗi sáng là chuyện thường. Buổi sáng hai vợ chồng đèo thêm hai đứa con đến trường và sau đó cha mẹ tới sở làm mỗi nơi cách nhau hàng chục cây số là việc thường ngày ở nhiều thành phố. Nếu đi xe buýt theo gương ông Thăng thì đi bằng cách nào đây?
Ông Thăng giả vờ leo lên xe cửa trước và bước xuống xe cửa sau cũng không ai để ý cho mệt, đó là việc của ông. Còn cán bộ công nhân viên dưới quyền ông thì cứ lấm lét gọi nhau coi chừng có kẻ theo dõi, rồi lại bước xuống xe buýt để leo lên chiếc xe máy mà vợ hay chồng chạy theo đuôi để tới sở làm cho kịp giờ kẻo ngài bộ trưởng lại cho thôi việc vì đến sở trễ giờ.
Có tờ báo so sánh việc trảm tướng của Bộ trưởng Đinh La Thăng và hành động cứng rắn trước yêu cầu tăng giá xăng của Bộ trưởng Tài chánh Vương Đình Huệ. Thât ra so sánh như vậy hoàn toàn sai khi ông Huệ đối phó với cả một nhóm lợi ích với mầm mống bắt rễ chồng chéo và có khả năng thay ông Huệ vào bất cứ lúc nào nếu ông không thỏa hiệp với cái cơ chế hiện có. Còn ông Thăng toàn quyền thay thế nhân viên dưới dưới trướng mà không sợ bất cứ hậu quả nào. Vậy mà ông chỉ chém…gió chứ không chém tướng như báo chí bốc thơm. Hai câu chuyện khác nhau xa như vậy làm sao so sánh?
Mình tự nhủ trong lúc chờ nồi cơm sôi: Ông Thăng có thể ví với mấy ông quan trong truyện Tàu: Khi hứng lên có thể làm mọi thứ mà chừng như không làm gì cả, vì tiểu thuyết Tàu nổi tiếng là..xạo!
canhco

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét