Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Phạm Trần : Tại sao Nguyễn Phú Trọng phải đi Tàu ? (và Tư Ngộ : với ... thân phận gì?)

Nguồn danlambao

Phạm Trần Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng sẽ chính thức thăm Trung Cộng từ 11 đến 15 tháng 10 (2011) vào lúc quan hệ giữa hai nước Việt-Trung ở vào giai đoạn tồi tệ nhất kể từ cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Tại sao ?

Cuộc chiến mà Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình của Trung Cộng lúc bấy giớ gọi là để "dậy cho Việt Nam một bài học" đã gây cho 6 tỉnh Việt Nam dọc biên giới cửa nát nhà tan, nặng nhất là các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn.

Có trên 40 ngàn dân và binh sỹ Cộng sản chết và hàng trăm ngàn người khác bị thương và mất tích. Phía Tầu cũng bị thiệt hại nặng với khỏang 14 ngàn lính chết và bị thương, chưa kể số quân lính mất tích. 

Hai bên đã gián đoạn ngoại giao trong 12 năm cho đến khi tái lập năm 1991, sau khi Việt Nam phải rút quân khỏi chiến trường Cao Miên để thỏa mãn đòi hỏi của Trung Cộng, sau 11 năm chiếm đóng nước này từ 1978 đến 1989.

Trong cuộc chiến này, theo ước lượng của Tây phương thì phía Việt Nam chết khoảng 15 ngàn quân và lối 30 ngàn người khác bị thương. Quân đội Cao Miên (Khmer đỏ) cũng thiệt mạng khoảng 15 ngàn người, nhưng không biết số quân và dân bị thương là bao nhiêu.

VN TIẾP TỤC BỊ LÉP VẾ

Tuy nhiên Việt Nam đã phải trả một giá rất đắt cho hai cuộc chiến. Trên đất liền, theo lờiThiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Ðại Sứ Việt Nam tại Trung Quốc (1974-1989) thì: "Trong đàm phán biên giới, họ (Trung Hoa) ép ta làm ta mất một nửa thác Bản Giốcdân ta cũng không được đặt chân đến Ải Nam quan nữa, tất cả ta mất hàng trăm km2 đất. Họ xóa hiệp định phân định ranh giới vịnh Bắc Bộ giữa hai Chính phủ Pháp – Thanh (do lịch sử để lại) đòi chia lại, ăn hơn của ta một phần hải phận." (Trích Bauxite Việt Nam, ngày1/12/2010)

Ngoài ra quân Tầu còn chiếm núi Lão Sơn trong nội địa của Việt Nam, (phía Việt Nam gọi là Cao điểm 1509), nằm ở huyện Vị Xuyên, Tỉnh Hà Giang sau cuộc chiến năm 1984. 

Sau đó vào tháng 3 năm 1988, Hải quân Tầu bất ngờ tấn công và đánh chiếm 8 mỏm đá ngầm của Việt Nam trong Quần đảo Trường Sa, sau khi vào tháng 1/1974, lợi dụng những ngày cuối cùng của cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam mà Quân lực Việt Nam Cộng hòa không còn đủ súng đạn tự vệ, đã tiến đánh và chiếm quần đảo Hòang Sa từ tay quân đội miền Nam.

Quân đội Trung Cộng đã xây dựng căn cứ quân sự và sân bay ngắn hay sân bay trực thăng ở cả hai quần đảo này.

Sau khi Việt Nam và Tầu đạt "Hiệp ước biên giới trên đất liềnnăm 1999 và "Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ" trên Biển Đông năm 2000 thì Trung Cộng gia tăng áp lực đòi Việt Nam phải giải quyết chủ quyền trên các đảo và vùng biển còn lại, trong đó có vùng biển và quần đảo Trường Sa, nơi còn có tranh chấp của Đài Loan, Nam Dương, Mã Lai Á, Brunei và Phi Luật Tân. 

Tình hình nóng lên khi Chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Cộng công bố thành lập Huyện hành chính Tam Sa, gồm cả Hòang Sa và Trường Sa vào năm 2007 khiến người dân Sài Gòn, xuống đường lần đầu tiêng biểu tình chống Bắc Kinh có ý đồ xâm lược. 

Các cuộc biểu tình sau đó lan ra Hà Nội nhưng không bền lâu do chính quyền CSVN đàn áp, bắt bớ và khủng bố những người đi biểu tình.

Trong khi Trung Cộng tiếp tục đàn áp ngư dân và hàng năm ra lệnh cấm đánh bắt vào giữa mùa cá trên Biển Đông từ tháng 5 đến tháng 8 thì vào tháng 05 năm 2009, Bắc Kinh tự động nạp cho Liên Hiệp Quốc Bản đồ chủ quyền trên biển Đông có hình Lưỡi Bò hay "Đường 9 Đọan", khoanh vùng chiếm từ 80 đến 80% diện tích Biển Đông, gồm cả hai Quân đảo Hòang Sa và Trường Sa của Việt Nam. 

Việt Nam và các nước ven biển phản đối. Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước trong vùng Thái Bình Dương, quan trọng nhất là Úc và Tân Tây Lan cùng với các nước Âu Châu bị chi phối bởi đường biển kinh tế quan Biển Đông cũng lên tiếng chống lại âm mưu khống chế đường giao thông trên biển của Bắc Kinh. 

Cùng với thời điểm này, Trung Cộng gia tăng đánh, bắt và đàn áp ngư dân Việt Nam đánh cá trong khu vực Hòang Sa và Trường Sa. Hàng trăm ngư phủ đã bị giết, nhiều người khác mất tích và tài sản bị tịch thu và bắt chuộc tiền để được thả về. 

Mỗi lần như thế, ngư dân Việt Nam phải ký giấy nhìn nhận đã đánh cá và xâm phạm "vùng biển của Trung Quốc". 

Nhưng các tầu Hải quân của Trung Cộng và Tầu hải giám (cảnh sát biển) của Hải quân ngụy tranh dân sự thì lại ra sức bảo vệ cho khỏang 700 thuyền và tầu đánh cá của ngư dân Trung Quốc thường xuyên được tự do đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam. 

Hành động Trung Cộng xâm phạm chủ quyền lãnh hải, biển đảo và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam nghiêm trọng hơn kể từ ngày 26-05-011 các Tầu Hải giám và Quân sự của Tầu đã trắng trợn vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, theo tố cáo của Liên đòan Luật sư Việt Nam :

- Ngày 26/05/2011, 03 tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dòcủa tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại vị trí 12 độ48,25 phút Bắc và 111 độ 26,48 phút Đông cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên)(đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam) 116 hải lý,cách bờ biển đảo Hải Nam Trung Quốc là 340 hải lý.

- Chiều ngày31/05/2011, 04 tàu đánh cá của ngư dân thành phố Tuy Hòa đang đánh cá ởvị trí 8 độ 56 phút Bắc và 112 độ 45 phút Đông thuộc thềm lục địa ViệtNam bị 03 tàu Hải quân Trung Quốc nổ súng bắn xuống nước uy hiếp, đe dọakhông cho ngư dân Việt Nam hành nghề.

- Sáng ngày 09/06/2011, tàu cá Trung Quốc có sự yểm trợ của 02 tàu ngư chính Trung Quốc đã cố tình lao vào tuyến cáp khảo sát của tàu Viking II do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thuê khảo sát địa chấn trên vùng biển tại vị trí 6 độ 47,5phút Bắc và 109 độ 17,5 phút Đông thuộc thềm lục địa Việt Nam. 

Sau đó, kể từ tháng 5/2011, nhà cầm quyền Trung Cộng còn thăm dò dầu khí trong vịnh Bắc bộ của Việt Nam; ngang nhiên đe dọa các Công ty dầu khí nước ngòai hợp tác với Việt Nam tìm kiếm dầu ở Biển Đông. Bắc Kinh còn tuyên bố đem dàn khoan khổng lồ đến hoạt động tìm kiếm dầu khí ở Trường Sa.

Vào tháng 9, Tầu công khai xác nhận việc đem các tầu chiến của họ yểm trợ cho kế họach nuôi cá trên biển dài hạn của 500 tầu đánh cá của Tầu trong khu vực Trường Sa và ngăn chặn không cho ngư dân Việt Nam đến vùng này.

Đến ngày 24/09 (2011), tầu chiến của Trung Cộng đã công khai tấn công và đuổi bắn suốt 2 ngày đêm vào 2 thuyền đánh cá của ngư dân Tỉnh Quảng Ngãi đang khi lâm nguy tìm đường tránh bão ở vùng biển Hoàng Sa. Rất may các ngư dân đã thoát chết, dù thuyền của họ đã bị lính Tầu xả nước với mục đích làm cho thuyền chìm và bắn đạn cháy vào tầu.

Trong khi lính Tầu dã man đuổi bắn ngư dân Việt như thế thì phía lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã ra lệnh cho các báo không được đăng tin và nếu đã đăng thì phải gỡ xuống, mặc dù một số báo chỉ dám gọi tầu chiến của Hải quân Trung Cộng là "tàu nước ngoài" hay "tàu chiến nước ngoài".

Những hành động lấn chiếm biển đảo và lãnh thổ ngang ngược này của Trung Cộng là nguyên nhân của 11 Cuộc biểu tình của người dân ở Sài Gòn và Hà Nội từ tháng 6 (2011), nhưng cuối cùng Chính quyền VN đã nhượng bộ áp lực của Tầu và ra lệnh cấm biểu tình và bắt giam nhiều người chống Tầu. 

Thậm chí, Việt Nam còn hứa sẽ ngăn cấm tất cả những cuộc biểu tình chống Trung Cộng, qua lời cam kết của Nguyễn Chí Vịnh, Trung tướng, Thứ trường Quốc phòng Việt Nam tại Cuộc họp với Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Lời hứa này đã được Báo Quân đội Nhân dân của Bộ Quốc phòng Việt Nam tường thuật sau phiên họp ngày 28-8 (2011) tại Bắc Kinh : "Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng thông báo chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn." (Theo Bảo Trung của Báo Quân đội Nhân dân, 30-8-2011) 

Nếu ở một nước tự do, dân chủ và có lãnh đạo là một người biết tự trọng, có liêm sỉ và biết tôn trọng quyền lợi của đất nước thì không khi nào nói chuyện với lãnh đạo Tầu chứ đừng bàn đến chuyện ôm nhau và chìa tay ra "tay bắt mật mừng" như các Tổng Bí thư đảng CSVN đã từng làm trong các chuyến thăm Tầu trước Nguyễn Phú Trọng. 

Thử hỏi một người đứng đầu một đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam như Nguyễn Phú Trọng mà có mặt mũi nào lại hoan hỷ đi thăm một quốc gia mà Chính quyền nước đó đã và đang có những hành động lấn chiếm lãnh thồ và đe dọa chủ quyền của Việt Nam như nhà nước và đảng Cộng sản Trung Quốc ?

Vậy đâu là nguyên nhân của chuyến viếng thăm Tầu vào lúc này của Nguyễn Phú Trọng, sau 10 tháng được bầu vào chức Tổng Bí thư đảng CSVN ? 

Chỉ có 5 lý do được suy ra: 

1) Nhận khuyến cáo không được lung lay trước những áp lực của quần chúng có khuynh hướng chống Tầu lên cao. 

2) Phải nghiêm túc chận đứng mọi khả năng nổi lên bài Trung Cộng của "các thế lực thù địch" và thực thi những cam kết với Trung Cộng của những lãnh đạo trước Trọng từ thời Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu cho đến Nông Đức Mạnh. 

3) Hãy gác tranh chấp sang một bên để "cùng khai thác" tài nguyên ở Biển Đông. 

4) Giữ vững tư tưởng của cán bộ, đảng viên, lực lượng Công an và Quân đội để bảo vệ quyền cai trị độc quyền cho đảng CSVN. 

5) Tiếp tục duy trì hợp tác hữu nghị giữa hai nước dựa trên phương châm 16 chữ do lãnh đạo Tầu đưa ra cho Việt Nam thi hành là : "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

4 ĐỜI TỔNG BÍ THƯ ĐẢNG 

Trước Trọng cũng đã có các chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo đảng và nhà nước Tầu của các Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1990), Đỗ Mười (2 chuyến, 1991 và 1997), Lê Khả Phiêu (1 chuyến, 1999) và Nông Đức Mạnh (4 chuyến: 2001, 2003, 2006 và 2008).

Trong số các Tổng Bí Thư, Nguyễn Văn Linh đã mở đường tái lập quan hệ ngọai giao nhưng Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh đã tạo cơ hội cho Trung Hoa vào khai thác Bauxite trên Tây Nguyên và dành nhiều công trình xây dựng và dự án kinh tế cho các Công ty của Tầu. 

Theo lời Vũ Khoan, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tháp tùng Mạnh sang Bắc Kinh năm 2003 thì trong chuyến đi này, Khoan nói: "Đặc biệt, trong chuyến thăm, các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc đã dành cho nhân dân Việt Nam hai món quà: xóa các khoản nợ đồng rúp trước đây (khoảng 420 triệu nhân dân tệ) và xây tặng phía Việt Nam một Nhà hữu nghị Trung-Việt. Hai món quà này thể hiện tinh thần "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai". 

Đỗ Mười là người đã có công giữ vững chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam và duy trì quyền lãnh đạo độc tôn cho đảng, theo đúng đường lối của đảng Cộng sản Trung Cộng.

Phải chăng đó là những lý do thầm kín khiến đảng CSVN không dám ho he với Tầu dù có bị khống chế trên nhiều mặt, đặc biệt là sự thao túng công khai và bá chủ của Trung Cộng trên Biển Đông.

Vấn đề đặt ra là liệu trong 5 ngày ở Tầu từ 11 đến 15 tháng 10 (2011), Nguyễn Phú Trọng có đủ bản lĩnh và khả năng để chống trả áp lực của lãnh đạo Trung Cộng hay sẽ cắn răng chịu trận để được yên thân, vì Trọng đã là người "của" Bắc Kinh từ lâu như lời đồn đại ở Hà Nội ? -/- 

(10/011)

Phạm Trần (gửi Dân Làm Báo)
 
***************
Đọc thêm trên nguoi-viet

Ông Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc trong thân phận gì?

Tư Ngộ/Người Việt

 

HÀ NỘI - Tổng bí thư đảng CSVN, Nguyễn Phú Trọng, sẽ sang thăm Trung Quốc 5 ngày từ Thứ Ba tuần tới, một chuyến thăm viếng có thể dẫn tới nhiều bình luận khác nhau vào lúc hai nước đang có những tranh chấp về chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông.

Tấm hình chụp ngày 7 tháng 9, 2011 khi ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN tiếp Ðới Bỉnh Quốc, ủy viên Quốc Vụ Viện của Bắc Kinh, khi ông Quốc sang Việt Nam 6 ngày. (Hình: TTXVN/AFP/Getty Images)

Hãng thông tấn chính thức của Việt Nam (TTXVN) chỉ loan báo tin này vỏn vẹn có 2 câu, đưa tin cho có chuyện về chuyến đi của ông Trọng từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 10, 2011.

Trong khi đó, Tân Hoa Xã thì có một bản tin dài ca ngợi mối quan hệ giữa hai nước và còn bình luận rằng: "Chuyến thăm (của ông Trọng) sẽ đóng vai trò tiêu biểu để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước và đồng thời được coi như bước đi tích cực cho hai bên giải quyết các tranh chấp xuyên qua đàm phán."

Bản tin Tân Hoa Xã không nói thẳng ra đó là tranh chấp gì, nhưng ai cũng hiểu là tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông.

Suốt mấy tuần lễ gần đây khi Ấn Ðộ dự tính dò tìm dầu khí trên một số lô trong phạm vi 200 hải lý thuộc bờ biển miền Trung Việt Nam, phía đông các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, báo chí Bắc Kinh luân phiên nhau đe dọa đủ điều, kể cả thúc giục đánh Việt Nam ngay để tránh chiến tranh lớn hơn sau này.

Ông Trọng, theo giới phân tích thời sự quốc tế, là người có khuynh hướng dựa vào Bắc Kinh để tồn tại. Cho nên, chuyến đi Bắc Kinh của ông, lần đầu tiên trong vai trò tổng bí thư đảng CSVN, có thể làm cho những ai đang lo sợ Việt Nam ngày càng lún sâu vào sự lệ thuộc Trung Quốc, lo sợ nhiều hơn.

Trong bản tin loan báo chuyến thăm viếng của ông Trọng, Tân Hoa Xã kể lể dài dòng về lần ông tiếp Khổng Huyền Hựu, tân đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, ông đã nói Việt Nam luôn luôn gắn bó với sự tăng cường và phát triển mối quan hệ truyền thống và hợp tác với Trung Quốc. "Nâng mối quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược để tạo nền tảng vững chắc và động lực cho sự phát triển mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong tương lai," Tân Hoa Xã nói.

Bản tin Tân Hoa Xã cũng không quên nhắc lại khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Khổng Huyền Hựu đã nói là, "Nhân dân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ sự giúp đỡ vô giá của nhân dân Trung Quốc cho cuộc đấu tranh giải phóng đất nước trong quá khứ cũng như sự giúp đỡ phát triển kinh tế và xây dựng hiện nay."

Cuối tháng 7 sang đầu tháng 8, 2011, Việt Nam-Trung Quốc đàm phán lần thứ 7 về vấn đề Biển Ðông. Không có chi tiết nào được tiết lộ nhưng giới chuyên viên tin rằng Bắc Kinh từ chối đàm phán về quần đảo Hoàng Sa mà họ đánh cướp từ năm 1974.

Không những vậy, Bắc Kinh còn ngang ngược đưa ra bản đồ hình "Lưỡi Bò" chiếm 80% Biển Ðông mà nhiều khu vực, lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như Indonesia, Philippines.

Tân Hoa Xã nói hai bên sẽ giải quyết tranh chấp qua đàm phán thì có bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa hay không? Ðây là điều mà người dân Việt nào cũng muốn biết nhưng chế độ Hà Nội không bao giờ tiết lộ.

Ngư dân Việt Nam đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa đều bị tàu tuần Trung Quốc đâm chìm hay bắt giữ rồi đòi tiền chuộc, dù Việt Nam luôn luôn xác định chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thậm chí các tàu chạy tới đó tránh bão cũng bị bắn, xua đuổi. Ngư dân thì bị đánh, tài sản thì bị cướp.

Ðể lấy lòng Bắc Kinh, nhà cầm quyền Hà Nội đã khai thác bauxite ở Tân Rai, Lâm Ðồng, và tại Nhân Cơ, tỉnh Ðắc Nông, bất chấp lỗ vốn và bao nhiêu nguy cơ về thảm họa môi trường, phục vụ kỹ nghệ Trung Quốc. Ðường sá nhỏ hẹp thì đổ thêm tiền để "nâng cấp" cho đoàn xe chở quặng di chuyển.

Năm 2010, kim ngạch mậu dịch hai nước là $27.33 tỷ, tăng 28% so với năm 2009, trong đó, Việt Nam xuất khẩu chỉ được $7.3 tỷ, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc tới $20.2 tỷ, thâm thủng mậu dịch tới $12.9 tỉ.

Ngày 28 tháng 9, 2011, tờ Nhân Dân Nhật báo, cơ quan tuyên truyền chính thức của Ðảng Cộng Sản Trung Quốc có bài bình luận kêu gọi Hà Nội và các nước Á Châu khác "không nên núp bóng Hoa Kỳ." Lập luận của báo này từng được Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh lập lại nhiều lần là sự can dự của Hoa Thịnh Ðốn "chỉ làm cho tình hình xấu đi thêm và khó giải quyết hơn."

Bắc Kinh chỉ muốn dùng cái thế thượng phong của nước lớn để chèn ép các nước nhỏ láng giềng qua các cuộc đàm phán song phương. Trước đó chỉ một ngày, tờ Hoàn Cầu Thời Báo có bài bình luận kêu gọi nhà cầm quyền Bắc Kinh nên đánh Việt Nam và Philippines với lập luận 'đánh một ít trận nhỏ (chắc chắn thắng) để tránh những trận đánh lớn sau này.' Bài viết này còn nói ví dụ như "giết con gà để dọa bầy khỉ."

Vậy ông Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh vào tuần tới trong thân phận của con gà hay thận phận gì? (TN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét