Mất chủ quyền! đau đã ... chín! lại còn ... "mất kiến thức chủ quyền"! Thôi rồi ... mười ... mươi! Nhưng mà ... vì sao? vì đâu?
Mất kiến thức chủ quyền-nỗi đau mất mát lớn |
Trong khi ông Hồ Cương Quyết đi trình chiếu nỗi đau mất mát ở trời tây thì báo Thanh Niên kể về một câu chuyện nỗi đau mất mát kiến thức của một du học sinh Việt đã đau khổ như thế nào trước việc bị một du học sinh khác có bài thuyết trình Hoàng Sa-Trường Sa là của Trung Quốc được thầy khen ngợi là hayđọc (ở đây)
Bài viết cứa vào tâm can những ai quan tâm đến da thịt Việt Nam. Cháu du học sinh đó bực tức, bỏ cơm, nhưng không thấy tác giả phản ứng là có tìm hiểu tài liệu để phản bác lại bài luận của du học sinh Trung Quốc?
Bài bản của du học sinh Trung Hoa là được bồi dưỡng kiến thức lịch sử, địa lí tự bịa của các sử gia Trung Hoa về câu chuyện này nhằm để cho thế hệ trẻ ở đây học và đi thuyết trình khắp nơi trên thế giới, bất cứ chỗ nào họ muốn, bất cứ nơi đâu có con người. Quả là một mưu kế rất thâm hậu để ru ngủ thế giới về một chủ quyền tự xưng thành sự thật của các học giả Trung Hoa.
Ngay chính quê hương nước mình, cá nhân tôi thừa nhận, từ nhỏ đến lớn, đi học không thấy có cuốn sách giáo khoa nào nói đầy đủ lịch sử, địa lý kinh qua các triều đại là Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam. Phải tự bồi dưỡng kiến thức này qua tài liệu ở các thư viện của Huế, và nhiều nơi khác, phải tự tìm biết một cách không chính thống trên không gian mạng, phải tự suy nghĩ đó là của ông cha để lại, phải tin một niềm tin mãnh liệt về cá nhân như thế mà không có sự yểm trợ chắc chắn nào từ giáo dục nhà trường khi cá nhân tôi còn nhỏ. Lớn lên nữa, mới biết tiến sĩ Nguyễn Nhã, ròng rã hàng chục năm nghiên cứu các tấm bản đồ cổ xưa của người Tây, được công bố trên mạng. Những ai hiển nhiên nghĩ rằng, Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam thì tin chắc rằng chủ yếu tự tìm hiểu để biết, chứ nhà trường, hay đúng hơn là bộ giáo dục đào tạo không chủ động một cách hệ thống, đầy đủ giáo dục quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam một cách miệt mài và bài bản.
Thật sự, sách giáo khoa chỉ vẻ bản đồ và điền tên Hoàng Sa-Trường Sa vào, không nói những tài nguyên thiên nhiên, triều đại nào có người trấn giữ, dòng họ nào, miền đất nào xem Trường Sa, Hoàng Sa là đơn vị hành chính.
Nếu với cách học ở nhà trường như thế, có đi làm bài luận với du học sinh Trung Quốc, tôi cũng thua đau nếu không vận dụng những gì mình tự tìm hiểu thêm trong mấy năm vừa qua. Chỉ xét riêng kiến thức nhà trường về lịch sử, địa lý được sách giáo khoa trang bị, chắc chắn thua, thua đau.
Một nỗi đau mất mát kiến thức chủ quyền, không gì đau bằng. Nó quan trọng như lời ăn tiếng nói, như không khí ta thở mỗi ngày.
Mỗi ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ trên biển Việt là nỗi đau mất mát rõ ràng, nhưng khắc phục được, và thuốc thang chia sẽ cho nhau được, nhưng nỗi đau mất mát kiến thức chủ quyền nó bào mòn từng thế hệ cháu con, bào mòn hàng triệu hàng triệu tấm lòng, trí óc. Nỗi đau mất mát đó, đè nát con đường Hoàng Sa trở về với đất mẹ thân yêu.
Cu Làng Cát
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét