Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Tô Văn Trường : VÌ SAO TÔI BUỒN?

Nguồn nguoilotgach




Tô Văn Trường

Nói về nỗi buồn, nhiều người ngộ nhận nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu đã từng trải lòng qua vần thơ "Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn". Thực ra, ý thơ này, Xuân Diệu học được từ nhà thơ Đức Heinrich Heine, thế kỷ 19, trong bài thơ Die Lorelei đã được dịch ra tiếng Pháp.( Xem nguyên bản bài thơ ở cuối bài này).
Thời sinh viên của chúng tôi, cuối thập niên 60, buồn vì đói khổ qúa, học hành dưới ngọn đèn dầu ở nơi sơ tán, phải luôn che giấu các cơn đói, vẫn cười tươi khi phải lên sân khấu hát hò, đóng kịch! Tuy buồn, nhưng vẫn thích nghi, biết khỏa lấp, bột phát thành thơ:

"Đóng kịch phải hóa trang
Tô đỏ đôi môi tô đen đôi mắt
Bắt đêm đen thức dậy làm ngày
Cười lúc đau nước mắt lúc vui
Sân khấu và cuộc đời
Cánh gà là khoảng cách" 

Hôm nay, đọc tâm sự của Anh Bảy Nhị (An Giang) nói về nỗi buồn, thật day dứt. "Hồi xưa, nghèo đói, chết chóc ly tan mà hiếm khi thấy buồn như bây giờ: Một nỗi buồn man mác... như người mắc bịnh "thất tình" thứ phát. Sáng đọc báo, trưa nghe đài tiếng nói Việt Nam, tối xem VTV1...và cả trên mạng...đều là "lề phải" cả. Ra đường gặp người những là người, vào tiệc gặp nhậu những là nhậu, vào cơ quan gặp quan những là quan. Cuộc sống cá nhân không có gì đáng phàn nàn, vì tự tay mình có thể làm việc nuôi nổi gia đình một cách rộng rãi. "Nhìn lên tuy không bằng ai. Nhưng nhìn xuống còn biết bao người không ai bằng mình".
Vậy hà cớ gì buồn?. Có lẽ tôi buồn vì nước mình nhập siêu thái quá. Nhất là "công nghệ nói dối" và "văn hóa bắt chước"! Tội ác, tội phạm, nhà tù, tai nạn giao thông...hình như có tốc độ tăng cao hơn GDP bình quân của nền kinh tế quốc gia. Niềm kiêu hãnh ngự trị trong tôi, kể cả lúc lâm nguy cận kề cái chết trong chiến tranh, lúc vào tù... sao đang bị thử thách ghê gớm?!.
Hà Nội trong mắt tôi tuần trước, chốc chốc lại có xe máy chở đôi, chở ba mà người không đội nón bảo hiểm, xe không biển số!???. Cháu tôi ở quê, đi chợ quê, quên gài dây nón bảo hiểm bị công an xã phạt 200 ngàn đóng đủ, có biên lai!??? Hình ảnh người bạn trẻ Hà Nội - thế hệ tương lai vàng của đất nước 4.000 năm - hôn ghế "thần tượng" nhạc Hàn mới tuần rồi tuy cá biệt nhưng là "đỉnh cao" của sự bất trắc nhân cách con người!. Dân tộc nầy không thể chấp nhận!. Và còn biết bao tin nóng, giật gân...nhưng mà có thiệt: Cha giết con, vợ đốt chồng, con - cháu giết mẹ cha, ông bà nội ngoại...như cái thời mà dân tộc Trung Nguyên cần có Khổng Tử dạy dỗ đạo làm người.  Một người anh bạn vong niên hàng U 90, trước công tác ở Văn phòng Trung ương sau khi đọc báo thấy tin PN có chồng ngoại, rồi anh điện thoại hỏi tôi tại ai?. Tôi trả lời: Anh hỏi sai địa chỉ rồi. Còn giữa hai người, thì tôi hỏi anh mới phải. Hai anh em cùng cười qua điện thoại mà nghe như mếu!"
Chia sẻ, đồng cảm với nỗi buồn của Anh Bảy Nhị, tôi thử đi tìm hiểu, phân tích đôi nét về các nỗi buồn. Trong cuộc sống có nhiều chất buồn. Có những người buồn nhất là các bạn trẻ mới ra trường, gặp môi trường sống "nói một đằng làm một nẻo", cách ứng xử thiếu văn hóa của lớp người đi trước làm cho bi quan, chán nản, mất tin tưởng, đổ sụp hoài bão gọi là buồn thất vọng!
Trong thơ văn nghệ thuật, các văn nghệ sỹ, nhà thơ tâm hồn nhạy cảm luôn bắt nhịp được tần số mọi biểu hiện không vui trong cuộc sống tình người, mối quan hệ xã hội, buồn không thất vọng nhưng hàm chứa nỗi đau!    
Có thứ buồn không tin vào nhân tình thế thái như cụ Nguyễn Khuyến đã viết :
"Câu thơ viết đắn đo chẳng viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa"
Đây là thứ buồn đi "ở ẩn". Đụng thứ gì cũng thấy chán mớ đời! Thấy mình bất lực trước tấm "màn nhung" của thể chế, không thay đổi được tình hình xã hội, không thấy tương lai, xa lánh, thu về trong cuộc sống riêng tư hơi bàng quan nhưng không đến mức vô cảm. Mỗi khi muốn bình luận điều gì, họ chỉ viết ngắn ngọn mấy từ "haha, huhu" thay cho nỗi niềm chứa chất trong lòng.  
Nói về buồn, tôi biết có cả vị trưởng thượng còn buồn đến mức thấy lúc này "câm - điếc – mù" là cái tốt nhất có thể làm cho nước mình lúc này tại đoạn trường này, vì bất lực!. Song chính ý nghĩ này đã hành hạ ông một cách kinh khủng!
Ngược lại, có thứ buồn tích cực nhất, chứa đựng sự căm phẫn bất công trong xã hội, khiến cho cuộc sống của người dân không đuợc như phải có. Nỗi buồn này thường đi sâu vào nguyên nhân, tìm ra tác nhân. Đây là buồn chuyển trạng thái đi tìm sự thật, xóa bỏ các luận điệu sai trái, méo mó làm tổn hại cho sự phát triển của đất nước. Tinh thần chiến thắng luôn nằm trong nỗi buồn tích cực này.  
Hàng ngày, Anh Bảy Nhị vẫn ra đồng làm ruộng, nuôi cá tra, giúp vợ mở trường tiểu học. Tôi tin rằng Bảy Nhị,  người Anh, người bạn đồng tâm thuộc loại buồn tích cực vì cả cuộc đời trong thời chiến không quản ngại hy sinh, gian khổ, tù đày, trong thời bình, vắt óc nghĩ suy để đóng góp công sức của mình tạo nên xã hội này. Tiếc thay, xã hội, nay đã bị hoen ố nhiều cho nên phải thúc dục mọi người cùng chí hướng, động não, làm cho nỗi buồn tiêu tan đi. Các bài viết của Bẩy Nhị đúng như người đời nhận xét rất hay, thể hiện một thái độ mềm mỏng mà quyết liệt, với cái nhìn đầy sắc sảo, và bản lĩnh vì những trí tuệ gắn bó với thực tiễn và nguyện vọng của người dân.
Mong rằng, Anh Bẩy luôn có nhưng bài viết mới như tiếng kèn xung trận, đầy trí tuệ, tâm huyết và chúng không bị rơi vào khoảng không hư vô! Để kết luận bài viết này, xin gửi tặng Anh Bẩy Nhị mấy vần thơ: 

"GÓI BUỒN ANH BẢY NHỊ"
       
Chuyện đời, buồn cũng phải thôi
Đời như thế ấy, đứng ngồi sao yên
Kẻ thù móc nối kẻ điên
Ai đời ếch nhái nhảy lên bàn thờ
Phượng hoàng ướt cánh ngẩn ngơ
Văn minh đâu tận bến bờ xa xăm
Chức quyền một lũ dở, hâm
Đã tham, lại dốt cười nhăn giữa đời
Nỗi buồn lặng lẽ, chơi vơi
Chỉ còn biết tỏ đôi lời tâm giao
Anh Bảy ơi! Biết làm sao
Thôi, gói buồn đem thả tầm phào vào thơ…


PS. Toàn văn bài thơ của  Heinrich Heine, 1822 (1799-1856)

1. Ich weiß nicht, was soll es bedeuten,
Daß ich so traurig bin,
Ein Märchen aus uralten Zeiten,
Das kommt mir nicht aus dem Sinn.
Die Luft ist kühl und es dunkelt,
Und ruhig fließt der Rhein;
Der Gipfel des Berges funkelt,
Im Abendsonnenschein.
2. Die schönste Jungfrau sitzet
Dort oben wunderbar,
Ihr gold'nes Geschmeide blitzet,
Sie kämmt ihr goldenes Haar,
Sie kämmt es mit goldenem Kamme,
Und singt ein Lied dabei;
Das hat eine wundersame,
Gewalt'ge Melodei.
3. Den Schiffer im kleinen Schiffe,
Ergreift es mit wildem Weh;
Er schaut nicht die Felsenriffe,
Er schaut nur hinauf in die Höh'.
Ich glaube, die Wellen verschlingen
Am Ende Schiffer und Kahn,
Und das hat mit ihrem Singen,
Die Loreley getan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét