Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Lương Kháu Lão : Báo mạng ơi ! Đừng “sống” vì tin giật gân .

Nguồn luongkhaulao

Ngày nay, báo mạng đang lấn lướt báo in vì thông tin ngắn gọn, nóng hổi, lại thêm hình ảnh màu sắc sinh động . Thế nhưng thật buồn khi mở bất cứ trang mạng nào kể cả các trang mạng "đứng đắn" có lượng truy cập "tự đánh giá" là đứng đầu trong các bảng xếp hạng , ta đều bắt gặp tràn lan các tin Cướp, Giết , Hiếp . Không phải ở phương Tây "thối nát" mà ngay trên đất nước Việt Nam  từng tự hào là "văn hiến"

Hãy lấy một số thí dụ gần nhất mà các tin tức còn nguyên vẹn .

Trên trang tin chính của Laodong onlines có 10 tin thì có đến 6 tin cướp- giết -hiếp . Đó là :Tám  năm tù dành cho siêu lừa đảo, Khởi tố đối tượng bắt cóc cháu đòi tiền chuộc, Cả nhà bị truy sát 5 người nhập viện, Kẻ cướp đi hỏi vợ bị sa lưới, Quấy rối tình dục còn cầm dao đâm chết người, Đang"yêu" nữ sinh lớp 7 bị bắt quả tang.

Trên trang Nóng trong ngày của Vietnamnet có 14 tin thì có đến 8 tin thuộc loại cướp -giết- hiếp . Đó là : Nhiều học sinh bị đầu độc bằng ma túy, Sự thật về cái chết của em trai đại gia phố Núi, Làm loạn đòi cưới nữ sinh 17 tuổi, Thiếu nứ bị tàu hỏa hất văng trước ngày cưới, Vượt đèn đỏ bị ô tô kéo lê hàng chục mét, Bị giải tỏa đâm hai cán bộ đất đai rồi tự sát, Nữ sinh đánh bạn hội đồng vì "vẻ tiểu thư", Nhóm trai làng truy sát cả một gia đình, Nữ ô sin nhiễm HIV và phi vụ bắt cóc trẻ em.

Có thể dẫn ra nhiều thí dụ khác tương tự trên các trang mạng được gọi "lề phải".

Tại sao lại có hiện tượng "thả nổi" các tin tức thuộc loại này ?

Trước hết nó thuộc loại tin giật gân dễ đánh vào tâm lí hiếu kì của người đọc. Quả thật trước cả đống thông tin kinh tế,chính trị, xã hội, văn hóa, thể dục thể thao, những thông tin thuộc lĩnh vực pháp luật dễ thu hút độc giả hơn cả. Một phần vì nó vô thưởng vô phạt, đọc xong quên ngay. Có chăng chỉ là để thông báo cho người chưa biết " Úi dà , hôm nay báo mạng đưa tin chỗ này cướp của chỗ kia giết người…ghê quá! ". Và cứ có người đọc là Ban biên tập "tự hào" là báo mình có lượng người truy cập hơn báo khác rồi .

Nhưng mặt trái của việc thông tin tràn lan không kiểm soát của các Ban biên tập đã phản ánh không đúng thực trạng trật tự an ninh của xã hội.

Nên chăng hãy để dành "trận địa" cướp-giết –hiếp cho các báo của ngành công an . Các báo khác đưa tin chừng mực , có chọn lọc và khai thác vừa phải thôi.

Đúng là trên cả nước , với hơn tám chục triệu người , với rất nhiều bức xúc do cuộc sống đặt ra, một bộ phận người dân rơi vào bế tắc và nảy sinh những hành động thú tính nhiều khi mất hết tính người . Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là cá biệt , không phản ánh thực chất cuộc sống của đại bộ phận dân cư . Việc thông tin tràn lan , quá nhiều các thông tin giật gân cướp-giết- hiếp đã làm méo mó hình ảnh đất nước chỉ thích hợp với những tờ báo lá cải câu khách chứ với những tờ báo có tên tuổi, có chính kiến như hai tờ báo dẫn chứng ở trên thì họ đã tự đánh mất mình khi kích thích độc giả bằng các thông tin rẻ tiền như vậy

Cũng có thể có bạn đọc phản đối ý kiến của người viết khi cho rằng việc phản ánh các thông tin cướp-giết hiếp là cần thiết, để nhà cầm quyền biết được thực trạng thối nát của xã hội để có sự điều chỉnh chứ cứ mũ ni che tai cái gì cũng tốt đẹp , tốt mã khoe ra xấu xa đậy lại thì đấy mới là điều nguy hại . Điều này tùy thuộc nhận thức của mỗi người . Xin không có lời bình.

Có một lí do khác nữa có thể giải thích vì sao các báo hay đăng các tin tức cướp -giết -hiếp vì các báo đang thiếu những bài viết chính luận sâu sắc, những bài viết phản biện mang tính phê phán và xây dựng rất cần thiết đối với xã hội lúc này . Dường như các báo lề phải đã "nhường" trận địa phản biện cho các báo lề trái . Mà các báo lề trái họ có đưa tin cướp giết hiếp đâu mà vẫn có nhiều người đọc ?

Đó là bởi vì họ đã biết khai thác các vấn đề gai góc trong xã hội,những vấn đề mà báo chí lề phải thường né tránh để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chiếc ghế của các Tổng biên tập

Nếu cho đăng quá nhiều các tin tức cướp- giết- hiếp, các Tổng biên tập có chăng chỉ bị nhắc nhở rút kinh nghiệm trong các cuộc họp giao ban của Ban Tuyên huấn  Trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông thứ ba hàng tuần. Nhưng nếu có một bài báo đụng chạm đến một vấn đề "nhạy cảm" là bị tuýt còi luôn và có khi mất ghế hoặc chiếc ghế bị lung lay dữ dội.  Đó là trường hợp đã xảy ra với các tờ Thanh Niên, Tuổi trẻ, Pháp luật TP Hồ Chí Minh , Đại Đoàn kết…

Thật buồn sau những vấp  váp đó,  một số tờ báo đã đánh mất niềm tin yêu nơi độc giả dành cho họ

Vì các Tổng biên tập đã ứng xử không đúng với bản chất của mình , không đúng với phẩm chất của các nhà báo là người định hướng dư luận và mang đến cho người đọc những món ăn tinh thần bổ ích. Tuy nhiên trong bối cảnh  báo chí chưa thực sự được cởi trói thì họ đành chui vào vỏ ốc cho nó lành !

Nhưng như người viết đã nói ở trên. Dù gì chăng nữa , các báo mạng cũng không nên lạm dụng các tin tức cướp-giết -hiếp để câu khách. Nó chẳng những không nâng cao uy tín của tờ báo mà ngược lại bị người đọc xếp vào loại lá cải . Xin thưa người đọc bây giờ rất tỉnh táo, rất có trình độ phân biệt đúng sai , xấu tốt. Không thể lừa phỉnh, nói không thành có , nói trắng thành đen được đâu.

Hình như ở các Tòa soạn, luôn luôn có sẵn một lực lượng đông đảo phóng viên hễ nghe tin chỗ nào có cướp -giết- hiếp là sẵn sàng lao đến ngay : quay phim, phỏng vấn, chụp hình và đưa lên mạng ngay tắp lự. Đưa càng nhanh càng tốt.  Đưa chậm hơn báo khác là bị phê bình, bị cắt thi đua , cắt thưởng. Nếu chỉ tác nghiệp kiểu đó, các phóng viên không thể "lớn" được.

Lương Kháu Lão

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét