22/03/2012
Những ngày vừa qua, ngoài những tin tức Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như cơm bữa thì có ba tin phát đi từ nước này được dư luận Việt Nam đặc biệt chú ý.
Một là tin ông thủ tướng Ôn Gia Bảo kêu gọi Trung Quốc phải khẩn cấp cải cách chính trị. Nếu không cải cách kịp thời thì những thành tựu đã đạt được có thể bị biến mất, những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội Trung Quốc sẽ không được giải quyết căn bản và các thảm kịch lịch sử kiểu như đại cách mạng văn hóa vô sản (1966-1976) có thể lại xảy ra.
Hai là tin Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói về sự suy đồi của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay. Theo ông Tập thì Đảng Cộng sản Trung Quốc là nơi tập trung thành phần giá áo túi cơm cần phải được trong sạch hóa. Những tệ nạn trong Đảng cầm quyền hơn 63 năm qua tại Trung Quốc là thiếu lý tưởng, sa đọa, vô nguyên tắc và vô trách nhiệm đã xâm nhập mọi cấp Đảng viên với những mức độ khác nhau và làm mất uy tín trong dân chúng.
Thứ ba là tin ông Bạc Hy Lai đương kim Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Trùng Khánh bị cách chức. Ông Bạc Hy Lai được cho là người bảo thủ, tả khuynh, sùng bái Mao Trạch Đông. Ông này cũng là người đã phát động chiến dịch càn quét tham nhũng với 9000 người bị điều tra, trong đó có rất nhiều cán bộ cao cấp, quan chức công an và tòa án, 13 người bị tử hình. Sự kiện Bạc Hy Lai bị Hồ Cẩm Đào cho thất sủng cho thấy sự lục đục, nghi ngờ, mất đoàn kết trong giới lãnh đạo chóp bu của Bắc Kinh hiện thời.
Những thông tin trên đã vén lên bức màn che đậy sự bất ổn của nền chính trị Trung Quốc. Khách quan mà nói nước họ có nhiều nhân tài và họ thường tìm được người tài để giao trọng trách, đặc biệt ở chức Thủ tướng. Các ông Thủ tướng Trung Quốc như Chu Ân Lai, Triệu Tử Dương, Chu Dung Cơ, Ôn Gia Bảo đều là những người có tài và trung thực, hết lòng tận tụy với tổ quốc của họ. Chính nhờ có những người như thế mà nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển làm kinh ngạc thế giới, phát triển song song với sự bất ổn thiếu tự do, dân chủ.
Ông Ôn Gia Bảo đã nhận ra mâu thuẫn gay gắt giữa xã hội Trung Quốc với hệ thống chính trị của nó. Để cứu vãn tình hình ông Ôn đã nhiều lần kêu gọi cải cách chính trị từ đầu năm 2009. Lời kêu gọi mới đây của ông có thêm từ "khẩn cấp".
Những lời lẽ phê phán của ông Tập Cận Bình cho thấy thái độ quyết liệt "trong sạch hóa" Đảng.
Vì nhiều lý do, cả trong lịch sử ngàn năm và đặc biệt là trong hơn 60 năm qua hai nước có chung "con đường xã hội chủ nghĩa" tươi sáng, Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều điểm tương đồng. Nghe phát ngôn của hai ông Ôn Gia Bảo và Tập Cận Bình nói về hiện trạng Trung Quốc mà cứ ngỡ như ai đó đang nói về hiện trạng Việt Nam.
Những vấn đề nổi cộm của Trung Quốc như nạn tham nhũng, quan chức quan liêu vô cảm, thoái hóa biến chất; bất bình đẳng xã hội gia tăng; đạo đức xuống cấp; tội ác hoành hành; dân chúng biểu tình khiếu kiện triền miên; hàng giả, thực phẩm độc hại; công trình bị rút ruột; tai nạn giao thông và tai nạn hầm mỏ, v.v. – tất cả đều thấy có ở Việt Nam, không kém phần trầm trọng.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Việt Nam có cần khẩn cấp cải cách chính trị như Trung Quốc không?
Câu hỏi tiếp theo là các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay có muốn thực hiện cải cách chính trị không?
Đòi hỏi này đã được nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và rất nhiều chính trị gia, nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước đề cập trên báo chí và trong các văn bản kiến nghị. Đối với đại bộ phận nhân dân, đòi hỏi cải cách chính trị đã như một làn sóng ngầm. Người dân giờ đây không còn ấu trĩ như vài chục năm trước, họ biết rõ một thể chế văn minh phải như thế nào.
Thể chế hiện thời đã lỗi thời. Pháp luật không hoàn chỉnh. Chính quyền quản lí xã hội kém hiệu quả, để tồn tại nhiều vấn nạn như tham nhũng, tội phạm, kinh tế suy thoái, phân hóa giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên kể cả cán bộ cao cấp suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống; nhiều nơi nhân dân còn nghèo đói. Dân thiếu tin tưởng ở Đảng và chính quyền, cán bộ nhiều khi lại coi dân là kẻ chống đối.
Cải cách chính trị đi trước một bước mở đường cho cải cách kinh tế. Không có cải cách chính trị thì không thể thực hiện được mục tiêu xây dựng nước Việt Nam độc lập tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Mục tiêu "định hướng xã hội chủ nghĩa" rất mù mờ, chỉ tổ làm phân tâm con người, chệch hướng phát triển và không đoàn kết được toàn dân tộc.
Tiêu chí tuyển chọn lãnh đạo phải là Đảng viên đã tước bỏ quyền của đại bộ phận nhân dân tham gia quản lí đất nước. Hệ lụy là trong guồng máy lắm kẻ giá áo túi cơm, câu kết trục lợi.
Cần phải có một hiến pháp hoàn chỉnh, đầy đủ mọi điều khoản như các bản hiến pháp của các quốc gia văn minh, phù hợp với trào lưu tiến bộ của nhân loại. Những điều khoản dư luận không đồng thuận thì cần trưng cầu dân ý.
Đồng thời cần có những người sáng suốt nhất, dũng cảm nhất, cấp tiến, vì tương lai dân tộc và đất nước mà đứng ra thực hiện cải cách chính trị.
Quyền lực phải thuộc về nhân dân thật sự, thể hiện ở chỗ dân có quyền ứng cử, bầu cử tự do thật sự (tôi nhấn mạnh thật sự). Người dân có quyền bầu trực tiếp nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính quyền các cấp. Dân có quyền phúc quyết những vấn đề hệ trọng quốc gia thông qua trưng cầu dân ý. Dân có quyền biểu tình, quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền sở hữu đất đai lâu dài của mình.
Để đảm bảo công bằng, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật thì tòa án phải được độc lập.
Cần có cơ chế cho nhân tài có cơ hội phụng sự đất nước.
Để trả lại quyền lực cho nhân dân thì phải xác định lại vai trò vị trí của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lòng dân tộc Việt Nam. Nói "mọi quyền lực thuộc về nhân dân", rồi lại nói "Đảng cầm quyền mãi mãi" thì có mâu thuẫn chăng?
Có một khả năng là những người có trách nhiệm ai cũng nói cải cách chính trị nhưng chỉ thực hiện nửa vời cuối cùng kết quả bằng không.
Câu hỏi đặt ra là: Sau 67 năm đất nước độc lập, nhân dân ta đã thực sự có quyền tự do dân chủ chưa?
"Cải cách chính trị" nên bắt đầu từ việc trả lời câu hỏi trên!
TPHCM, 19/03/2012.
B. C. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét