Tám rưỡi sáng, đang cho bố uống sữa thì điện thoại réo:
- Có xe xuống Phủ Lý với Nga Thụy, đi được không?
Chờ bố uống sữa xong rồi vội thay đồ, cuống quýt dặn bố, bảo con phải đi ứng cứu bạn biểu tình đang bị "lâm nguy". Chắc phải đầu giờ chiều con mới về.
Phóng xe tít mù. Qua đón chị Hương rồi phi thẳng đến nhà Xuân Diện. Thấy chúng tôi, Xuân Diện và bác Phan Khang đang ngồi chờ ở quán nước vội bỏ dở cốc trà mới gọi, cùng chúng tôi lên đường ngay. Dọc đường đón thêm JB Vinh. Tất cả chúng tôi đều rất sốt ruột và lo lắng khi nhận được Nga Thụy báo tin, vào lúc sáng nay đã bị côn đồ tấn công và cướp máy ảnh ngay trước cửa nhà.
Hình ảnh hai mẹ con Nga Thụy đã rất quen thuộc với những biểu tình viên của mùa hè năm 2011. Chúng tôi ai nấy đều quý mến hai mẹ con nhà họ, bởi vậy làm sao không thể lo lắng cho được, khi sự đe dọa bấy lâu nay của những kẻ côn đồ (gần như được sự làm ngơ của công an Hà Nam bảo kê) đối với hai mẹ con ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Có lẽ sự việc khá đột xuất, nên hôm nay chỉ có hai xe gồm 10 người đi Phủ Lý hỗ trợ mẹ con nhà Nga Thụy. Xe bác Phan Khang đi trước cũng phải hơn mười rưỡi mới tới nơi. Dọc đường chúng tôi nghe Nga Thụy thông báo hai mẹ con đang cố thủ trong nhà, không mở cửa cho bất cứ ai kể cả công an. Rồi có kẻ cố xâm nhập vào nhà bằng cách trèo lên mái nhà, khi Nga Thụy kêu ầm lên thì bọn chúng lại tụt xuống. Còn nghe nói cả đêm qua hai mẹ con gần như không ngủ, cứ lắng nghe từng động tĩnh quanh nhà.
Khi xe chúng tôi dừng lại trước cửa nhà Nga Thụy và JB Vinh nhảy xuống gọi cửa, Nga Thụy gần như mở cửa ngay tức thì. Tôi ôm lấy bé Phú, thơm lấy thơm để vào đôi má phúng phính của bé mặc dù trông nó nhem nhuốc quá. Nịnh mãi nó mới cho tôi lau mặt bằng khăn giấy ướt.
Hai bên hỏi han chuyện trò được dăm phút thì công an áo xanh có mặt liền. Ngay lúc xe rẽ vào đường nhà Nga Thụy, chúng tôi đã cảm nhận được sự có mặt có vẻ rất mẫn cán của lực lượng công an vào ngày nghỉ như thế này, ở một cái thành phố vừa mới được nâng cấp lên từ một thị trấn nhỏ.
Hàng phố bắt đầu tò mò kéo đến khá đông. Một anh công an trẻ đầy đủ mũ áo quân hiệu, thái độ thân thiện và lễ phép, vào gặp Nga Thụy để đưa giấy mời. Anh ta như có ý thanh minh rằng anh ta đến từ sáng, nhưng Nga Thụy dứt khoát không mở cửa. Chúng tôi bảo cô ấy cảnh giác cũng có lý do đấy, vì thực sự cô ấy đã bị đe dọa bao lâu nay, đã trình báo rất nhiều lần, nhưng công an phường sở tại không hề có một động thái gì để điều tra hay bảo vệ mẹ con cô ấy.
Bên ngoài mỗi lúc một đông người đến xem. Công an áo vàng tích cực xua những người đi qua không được dừng lại. Chị Hương kể có nghe một cậu tre trẻ bảo:
- Đuổi thì đuổi, sợ đ... gì, cứ về lên you – tu - be là biết hết.
Mặc dù đã gần trưa, công an vẫn cố mời Nga Thụy ra phường làm việc. Tuy nhiên Nga Thụy từ chối vì đã muộn, vả lại bé Phú từ sáng chưa được ăn gì. Sau khi Nga Thuy hẹn 2 giờ chiều sẽ ra phường, cậu công an trẻ vẫn cố lập cái biên bản cho mỗi việc đưa giấy mời cho Nga Thụy (tốn thêm một tờ giấy). Mặc dù cái việc lập biên bản giao giấy mời ấy nó thật kỳ quặc, nhưng tranh cãi với một người cứ cố tình hiểu vậy cũng bằng thừa, chúng tôi bảo Nga Thụy ký cho xong việc để cả bọn còn đi ăn trưa.
Đi ăn cũng không xong, mấy cô cậu an ninh đi theo nhằng nhằng. Tôi thấy họ thật rỗi hơi. Chúng tôi đi đứng đàng hoàng, đường đường chính chính, công khai giữa ban ngày ban mặt. Còn họ thì thật khổ sở, cứ phải ngồi vạ vật, canh chừng chúng tôi ở góc đường này, đầu đường kia...
Chúng tôi bấy giờ mới tranh thủ đi quan sát, chụp ảnh ngôi nhà. Theo như lời Nga Thụy nói thì hàng xóm mách, cái hàng rào kẽm gai mới được hàn bịt lối thoát hiểm đằng sau nhà là do công an làm. Chúng tôi bảo Nga Thụy làm cái đơn tố cáo ra chính quyền phường về việc bị tấn công và cướp máy ảnh sáng nay, đồng thời đề nghị xác minh kẻ làm cái hàng rào kẽm gai kia là ai. Trong khi chúng tôi đứng quan sát phố xá nơi Nga Thụy ở, ngạc nhiên khi thấy ở đây không hề vắng vẻ, hẻo lánh như chúng tôi tưởng lại có thể xảy ra những chuyện ngang nhiên như vậy, thì một số người đàn ông ở ngôi nhà đang xây dở bên kia đường hùng hổ xông sang, chửi rủa một cách tục tĩu, cho rằng chúng tôi chụp ảnh họ. Khi những người đàn ông này tỏ vẻ muốn gây hấn thì bên kia đường, một anh công an đầy đủ mũ áo, gậy giao thông cùng chiếc xe mô tô vẫn đứng im ở một vị trí chả thích hợp cho một cảnh sát giao thông tẹo nào. Một vài người trong số chúng tôi đi trên vỉa hè, thì thấy có viên đá nào đó ném tới như có ý hăm dọa. Giữa ban ngày ban mặt, đông người là thế, có cả sự có mặt của công an mà còn bị khủng bố thế, huống hồ một mẹ một con như mẹ con Nga Thụy?
Quan sát thái độ hàng phố thì trừ một hai người có vẻ không thiện cảm, còn phần lớn họ đều có thái độ dễ chịu. Chắc là họ vẫn e ngại chính quyền và bọn côn đồ nên không dám ra mặt bênh vực hai mẹ con Nga Thụy thôi. Họ còn bảo: sai thì cứ bắt, chứ việc gì phải làm thế ????
Ối giời ơi, không sai họ còn bắt nữa là sai! Chỉ mỗi tội cứ bắt rồi lại thả như "bắt cóc bỏ đĩa" chứ lại chả bắt một cách đàng hoàng, đưa ra tòa kết án đàng hoàng cho nó "vinh dự" chứ lại cứ ngấm ngầm lôi đi cải tạo và giáo dục nghe nó hơi bị "tẹp nhẹp" quá.
Chúng tôi bảo Nga Thụy ngồi viết tay cái đơn khiếu nại, tố cáo về việc bị khủng bố, bị cướp giật, bị rào lối thoát hiểm...
Gần 2 giờ chiều, tất cả chúng tôi theo mẹ con Nga Thụy lên phòng tiếp dân của công an Phường Hai Bà Trưng – TP Phủ Lý như đã hẹn.
Đương nhiên công an biết tất cả chúng tôi đến đây làm gì, nhưng cũng cứ hỏi cho nó đúng "quy định". Thì chúng tôi trình bày! Rồi có vẻ đương nhiên là họ không đồng ý, rằng chỉ làm việc với người đứng đơn khiếu nại tố cáo thôi. Và đương nhiên là chúng tôi cũng không đồng ý.
Ối giời ơi! Đến có "số má" như cụ Lê Hiền Đức – người mà bộ trưởng công an Trần Đại Quang còn phải làm việc trực tiếp - còn sợ không dám làm việc với công an một mình ngay tại nhà cụ nữa là mẹ con nhà dân đen như Nga Thụy?
Phải nói rằng cái kinh nghiệm từ vụ làm việc với cụ Lê Hiền Đức khá là bổ ích đối với chúng tôi. Chúng tôi kiên quyết không để cho mẹ con Nga Thụy đơn độc một mình tại trụ sở công an. Thoạt đầu công an kéo vào phòng tiếp dân khá đông, thái độ gay gắt, yêu cầu chúng tôi ra ngoài. Chúng tôi nhất định không chịu. Hai bên cùng ồn ào đưa ra lý lẽ của mình đến mức tôi ong hết cả "thủ".
Ông Thanh trưởng công an phường mặc thường phục chỉ tay ra lệnh này nọ, sau khi bị chúng tôi chất vấn đã phải vào mặc cảnh phục để ra tiếp tục chỉ đạo (nhưng vẫn không đội mũ). Một tay khác tên Hậu tỏ thái độ thách thức lúc bị chỉ trích thái độ đứng chắp tay sau lưng khi làm việc với dân, đã phải bỏ vội tay xuống khi bị chúng tôi hỏi có dám để chúng tôi quay phim không (miệng nói tay giở máy quay ra luôn). Chúng tôi trước sau khẳng định một điều rằng chúng tôi phải ở bên cạnh mẹ con Nga Thụy, để giám sát việc làm của công an (xem Nga Thụy có bị uy hiếp không).
Sau một hồi đấu lý, bên công an rút hết vào trong, để lại hai người ngồi trực nhưng không làm gì cả, chỉ ngồi cười ruồi thôi. Tôi thấy buồn cười về cái cách làm việc của công an nói chung. Ở đâu cũng vậy, ban đầu luôn đưa ra số đông để áp đảo, sau thấy không uy hiếp được thì bỏ trận địa (đi đâu sạch), cứ để mặc dân chúng tôi ngồi đấy (kiểu chán thì thôi).
Đến ba rưỡi chiều, thấy họ vẫn không chịu làm việc, chúng tôi bảo không nhận đơn cũng được, anh cứ ký vào đây cho cô ấy một chữ xác nhận là không nhận đơn, để chúng tôi còn về Hà Nội, kẻo sau này anh lại bảo làm gì có đơn nào. Đấy, như vừa nãy cô Nga Thụy bảo gửi đơn nhiều lắm rồi, anh lại hỏi đơn nào? Vậy là có thể chả có cái đơn nào cả, hoặc nhiều đơn quá, không biết hỏi chính xác cái đơn nào trong số rất nhiều đơn ấy.
Nói đến chuyện người bị hại cứ phải có đơn mới giải quyết. thế người ta gặp tai nạn, người còn đi cấp cứu mê man bất tỉnh, lại bảo đợi khi tỉnh rồi viết đơn mới giải quyết à? Lạ hơn nữa là đưa giấy mời thì lập biên bản bằng được, thế mà đưa đơn thì dứt khoát không nhận. Vậy là sao hả?
Rốt cuộc vẫn nhất định không ký, cứ ngồi cười hề hề. Không ký thì thôi. Tự chúng tôi làm một cái biên bản tóm tắt sự việc rồi đồng ký tên vào. Tuyên bố sau này có sự việc gì xảy ra với mẹ con Nga Thụy, thì công an phường sở tại phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Khi chúng tôi kéo nhau ra xe để về Hà Nội, cái anh công an cứ cười hề hề ấy lại ời ời gọi với theo rất buồn cười:
- Nga ơi , thế không làm việc à?
Rõ chán! Ngồi chán chê mê mỏi, nói lý lẽ hết nước hết cái thì không chịu làm, giờ lại gọi vuốt đuôi thế. Nhưng chúng tôi biết nếu muốn giải quyết, họ đã đã làm ngay từ đầu chứ chẳng để sự việc ỏm tỏi lên thế này.
Chúng tôi lên đường về Hà Nội, mang theo cả hai mẹ con bé Phú. Luôn luôn cảnh giác cao độ vì trước đó được người dân tốt bụng cảnh báo, đã có âm mưu dàn xếp đụng xe chúng tôi trên đường.
Một ngày dài mệt mỏi với bao nhiêu chuyện khó tin cứ khiến người ta day dứt mãi. Liệu bây giờ, khi cuộc sống của người dân lương thiện bị côn đồ đe dọa thì biết kêu ai đây? Những người ăn lương do dân đóng thuế không bảo vệ dân thì bảo vệ ai đây?
Vâng, bao giờ cho đến những ngày tháng bình yên? Nhưng trước mắt, chúng tôi sẽ không bỏ rơi bất cứ một người bạn nào khi họ lâm nạn. Tôi tin trên đời vẫn còn rất nhiều người tốt, và một ngày không xa, họ sẽ vượt qua nỗi sợ hãi vô cớ của chính mình để mà cưu mang, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét