* Quang Cẩn, Jaya Hamu Tanran, Inrasara, Trà Vigia – 1994.
3 đoạn chữ nghĩa hay nhứt mà tôi được đọc trong đời. Nó gây xúc động mãnh liệt nhứt, bằng 3 cách thức hoàn toàn khác nhau, được viết bởi ba đứa con Chăm trong ba vị thế khác nhau. Tôi xin ghi ra đây cảm nhận thô thiển của mình như một lời chia sẻ.
1.
Đó là tiếng kêu bằng thơ. Bài thơ "phản hồi" không đăng của một người vô danh được nhà thơ Inrasara đưa vào bài "đối thoại" với độc giả Inrasara.com. Có lẽ anh sợ. Anh sợ cho độc giả ấy thì ít, sợ cho anh nhiều hơn, và có lẽ anh sợ hơn cả là tiếng kêu cứu kia lan truyền như loài dịch không thể khống chế. Bởi đó là tiếng kêu bi thương nhứt mà một sinh linh có thể thốt ra. Nó quá não nề.
Độc giả ấy tên là Ma Kaiapa. Anh là ai không ai biết. Cần gì phải biết. Anh là MỘT TIẾNG KÊU tuyệt vọng.
Ngày mai 11-3… Panduranga khải hoàn!
mơ ước là thế
nói làm gì chứ
chúng ta luôn được vỗ vỗ rồi cho về
luôn được tôn trọng mời tham dự, tham quan lan man
luôn được hỏi han trong tâm thế phải chấp nhận
nói làm gì chứ
rồi chúng ta sẽ được thế giới biết đến như một điểm nóng
bởi chẳng ai liều mạng, liều chết hơn chúng ta
biết đâu được mót những mảnh rơi của dự án
được dúi một mớ đôla đền bù giải toả,
giải tán đất đai, nhà cửa, mồ mả ông bà
biết đâu được cân nhắc cho đủ thành phần
và chắc chắn được điểm danh trong bảng kê thảm hoạ
nói làm gì chứ
ừ, thôi không nói nữa
lo kiếm tiền vào Sài Gòn mua nhà ở như các vị nhà mình thôi.
nói mà làm gì chứ !!!
Thôi, không nói nữa, không có gì để nói nữa, vì không biết nói để làm gì nữa!…
Bởi chúng ta đã được "vỗ về", được "tôn trọng", sắp nhận được mớ đôla đền bù. Được tất! Đền bù bằng mồ mả của cha ông chúng ta, đất đai của cha mẹ chúng ta, bằng sinh mạng cóc nhái của chính chúng ta. Để rồi chúng ta được hân hạnh "mót những mảnh rơi" của dự án. Và sau rốt ở chặng cuối của sinh phận dân tộc, chúng ta sẽ là "điểm nóng" của thế giới. Pangdurangga ca khúc khải hoàn, khải hoàn về cõi chết! Vĩnh viễn…
Không nói nữa…
2.
Tôi lại đọc sang phần cuối bài "đối thoại" dài của nhà thơ lớn của dân tộc Chăm Inrasara. Khác với bạn đọc kia, Inrasara là nhân vật nổi tiếng nhứt trong cộng đồng Chăm.
"Buổi tối, đứng trên sân thượng nhà em vợ, tôi nhìn về phía "đó" lần nữa. Trời lặng gió đến tiếng rắn nước con lội qua mương cũng nghe được. Tôi nhìn sâu vào vùng trăng sáng vằng vặc. Caklaing cách nó chỉ mươi cây số. Gần nhứt là làng Ia Li-u: năm cây. Chục làng Chăm lân cận cũng không quá hai mươi. Ba năm nữa, Nhà máy đầu tiên sẽ được khởi động thi công. Những cột sắt Fukushima sẽ mọc lên, ở đó.
Bạn ở California hay Paris, nghe tin về dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, có thể bạn cảm thương cho người Chăm. Ở Sài Gòn hay Hà Nội, đọc tin, có thể bạn lo lắng cho sinh phận con dân Chăm. Từ mấy ngàn năm qua, tổ tiên họ trụ nơi đó, cùng đất cằn, nắng, cát và gió. Họ – vỏn vẹn sáu vạn người, là cộng đồng còn truyền lưu đậm bản sắc văn hóa dân tộc xa xưa. Có thể bạn lên tiếng phản đối. Trên báo chí, ở diễn đàn quốc tế. Có thể…
Riêng tôi, tối hôm đó, đứng trên sân thượng đó, trong sát-na thời gian, tôi đã nhìn thấy định mệnh tôi, và phần nào đó – sinh phận Chăm. Không phải bằng suy niệm siêu hình hay qua phương tiện của thế giới ảo, mà bằng hiện thực trần trụi lồ lộ. Chỉ có giây phút đó của ngày đó trong không gian đó, tôi mới chứng ngộ được nó. Và tôi phần nào hiểu được văn chương – ít ra là của/ cho tôi – để làm gì và không để làm gì."
Đoạn văn nói lên sự đau đớn tột cùng, nhưng nó lại tỏ vẻ bình tĩnh, rất bình tĩnh. Đây là con người luôn luôn giữ được bình tĩnh ở mọi tình huống, theo tôi được biết. Nhưng sau cái bình tĩnh là cái gì? – Vẫn là tiếng kêu tuyệt vọng vang lên. Sâu và xa hơn bao giờ.
"Những cột sắt Fukushima sẽ mọc lên, ở đó…". Chắc chắn! Vậy văn chương tôi để làm gì? Sự nổi tiếng của tôi để làm gì? Tôi sống để làm gì?
3.
Và mới nhứt là Trà Vigia.
Tài năng không kém cạnh Inrasara, nhưng anh ít xuất hiện. Vì biết mình cũng không đủ bình tĩnh như Inrasara, cho nên anh chỉ biết dám nói trong mơ. Kêu trong mơ.
"Nói như vậy không có nghĩa là ai cũng chống đối, cũng có nhiều người Chăm ủng hộ triệt để. Nếu con mắt quáng gà của tôi nhìn thấy vận mệnh Chăm nằm lọt thỏm trong nồi hạt nhân thì nhiều người khác lại phấn khích hô hào ĐHN trong trái tim người Chăm và sẵn sàng làm nguyên liệu để đốt lò. Cũng không nên làm khó cho Đại biểu Quốc hội Chăm hay hy vọng vào một ai đó có chức năng thẩm quyền vì nếu có trách nhiệm họ đã lên tiếng từ lâu dù trong vô vọng. Chỉ là một tiếng kêu cứu cho người đời sau không oán trách tại sao lúc đó cha ông họ không một phản đối hay trần tình?!
Tối qua tôi gặp cơn ác mộng kinh hoàng, có lẽ tôi bị ám ảnh quá nhiều về hiểm họa hat nhân nên tôi thấy bão lửa từ Hiroshima hay Fukushima gì đó với nhiều xác chết dị hình. Viễn cảnh hạt nhân còn liên quan đến chiến tranh từ Iran, Bắc Triều Tiên hay một nước nào đó lấy hạt nhân làm vũ khí răn đe dưới chiêu bài hòa bình. Tôi rùng mình tỉnh dậy trong hơi thở gấp và tim đập mạnh, hình như tôi đã la lên lúc đầu còn ú ớ nhưng rồi cũng thét thành lời:
- Trời biển ơi cứu tôi với, cứu Chăm tôi với!
Bạn chú bác mày ơi, tôi đã kêu cứu rồi đó, dù chỉ trong giấc mơ!"
Có lạ không, kêu cũng không dám kêu nữa, mà chỉ dám trong mơ. Tôi không thể tưởng tượng được sự tuyệt vọng cùng cực đó của con người, sự sợ hãi thâm căn đó của con người. Ngoài đời Trà Vigia thường được biết đến là nghệ sĩ đầy cá tính và liều lĩnh. Vậy mà anh chỉ dám nói trong mơ. Thì còn mong gì một ai đó đang hưởng ơn trời lộc nước… làm cái gì đó cho dân tộc được nhờ.
Trọn gói dân tộc Chăm đang trong nồi hạt nhân, khoán trắng cho sự may rủi.
- Trời biển ơi cứu tôi với, cứu Chăm tôi với!
Đa tạ!!!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét