Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Khủng và Bố và Cái Hố của Hoa Kỳ

Nguồn dainamax

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Ngày 120330

Cuộc chiến lâu dài nhất mà cũng mơ hồ nhất về mục tiêu


 * Đường xa hun hút, bên này là bạn, góc kia là thù... * 


Hoa Kỳ đã trải qua một cuộc chiến dài nhất lịch sử quốc gia. Mà vẫn là một cuộc chiến chưa có tên. Lồng trong đó là thảm kịch của thượng sĩ Robert Bales khi anh nổi điên và hạ sát 17 thường dân Afghanistan tại tỉnh Kandahar. Sau vụ thảm sát, đa số dân Mỹ đều thất vọng về cuộc chiến....


Suy từ kinh nghiệm lâm chiến của nước Mỹ trong thế kỷ 20, người ta thường cho rằng Hoa Kỳ khó tham dự trận chiến nào quá bốn năm vì sự thiếu kiên nhẫn của người dân và vì lịch bầu cử tổng thống. Bốn năm một lần, các ứng cử viên có thể khai thác phản ứng của cử tri để lại thay đổi chủ trương, có khi từ chiến sang hòa.... Trong bối cảnh đó ta mới nghĩ đến việc Hoa Kỳ mở ra cuộc chiến Afghanistan – xin viết A Phú Hãn vì cái tên quá dài, in lên cột báo thì dễ lệch!

Đây là cuộc chiến dài nhất lịch sử của Hoa Kỳ.

Một tháng sau vụ khủng bố 9-11, mùng bảy Tháng 10 năm 2001, Hoa Kỳ mở chiến dịch "Tự do Trường cửu" (Operation Enduring Freedom) tại A Phú Hãn bên chín đồng minh trong Minh ước NATO và 35 quốc gia khác. Khi ấy, Tổng thống đương nhiệm George W. Bush gọi đó là "cuộc thập tự chinh, một cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, và sẽ mất khá nhiều thời gian"....

Ông nói thật, mà sai.

Sai từ đầu khi dùng chữ "thập tự chinh", crusade, là cuộc chiến tôn giáo kéo dài nhiều thế kỷ của Âu Châu, với sự ủng hộ của đức Giáo hoàng và Toà thánh La Mã, chống các lực lượng Hồi giáo tại Trung Đông. Biết là sai, sau đó lãnh đạo Hoa Kỳ tránh dùng lại từ ngữ tôn giáo để khỏi khơi dậy tinh thần nghi kỵ và thù hằn của thế giới Hồi giáo. Sai thứ nhì là chữ "cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố" – terrorism – hoặc chủ nghĩa chống khủng bố toàn cầu, global terrorism. Sự sai lầm thứ hai này thì có thể thông cảm được vì Hoa Kỳ và các nước khác... thiếu chữ.

Nhưng ông Bush nói thật khi báo trước sự dai dẳng của cuộc chiến.

Trong lịch sử Hoa Kỳ từ thời lập quốc, đây là một trận địa chiến lâu dài nhất ở cấp quân đoàn - nhiều sư đoàn. Trong Thế chiến I, Hoa Kỳ nhập cuộc rất trễ và tham dự chiến tranh chưa đầy hai năm. Thế chiến II thì kéo dài hơn ba năm. Cuộc chiến Việt Nam mất tám năm, tính từ khi Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng Tháng Ba năm 1965 và triệt thoái với Hiệp định Paris đầu năm 1973. Qua hơn 10 năm của cuộc chiến A Phú Hãn, Hoa Kỳ lại còn có bảy năm chiến tranh tại Iraq - chưa kể nhiều chiến dịch "Tự do Trường cửu" chống lại quân khủng bố Hồi giáo ở các nơi khác, từ Bắc Phi qua Đông Phi và đến tận Phi Luật Tân.....


***


Bây giờ, trở lại cách gọi tên và sự lúng túng của nước Mỹ.

Chính quyền Bush gọi đó là cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, viết tắt ra chống khủng bố. Chính quyền Barack Obama thì tránh chữ khủng bố mà dùng nhiều cách gọi sáng tạo và mơ hồ không kém, thí dụ như "chống hành vi bạo ngược do con người gây ra". Lý do là để khỏi xúc phạm thế giới Hồi giáo và đồng thời nhấn mạnh đến nội dung dời đổi từ quân sự qua pháp lý.

Bỏ qua chuyện ngôn từ thì ai cũng có thể hiểu khủng bố là gì.

Đó là sử dụng bạo lực thực tế hoặc tiềm thế (dọa sẽ dùng) nhằm reo rắc sự sợ hãi để làm thay đổi quan niệm chính trị hoặc tôn giáo của người khác. Mục đích của phương pháp đấu tranh này là giết một người - thường là vô can và thiếu bảo vệ - để làm vạn người hãi sợ, hầu đạt kết quả... rẻ hơn là chiến tranh trực diện. Khủng bố chỉ là một phương pháp chiến tranh bất cân xứng. Còn mục tiêu của quân khủng bố thì mỗi trường hợp lại mỗi khác. Có chính nghĩa hay không thì còn tùy!

Nhưng khi Hoa Kỳ định nghĩa cuộc chiến ở phương pháp của đối thủ thì đấy là vấn đề. Đó cũng là bế tắc  trong cuộc chiến dài nhất lịch sử xứ này.

Bây giờ, hãy nói về mục tiêu: "Chiến dịch A Phú Hãn" nhằm 1) tiêu diệt lực lượng khủng bố đầu não là al-Qaeda, 2) chế độ Taliban đã dung chứa và bảo vệ al-Qaeda, 3) ngăn ngừa ảnh hưởng lan rộng của al-Qaeda trong thế giới Hồi giáo. Vì mục tiêu thứ ba này, Hoa Kỳ ý thức được tính chất lâu dài của cuộc chiến.

Khi mở chiến dịch Iraq, Hoa Kỳ muốn đánh phủ đầu: tiêu diệt nguy cơ sử dụng võ khí tàn sát hàng loạt của chế độ Saddam Hussein vì lầm tưởng họ đã có và sẽ dùng trong các hành động khủng bố sau này. Cuộc tranh luận về sau, khi thấy Saddam Hussein không có loại võ khí ấy, chỉ là sự lật lọng của các chính khách Mỹ, chứ đầu năm 2003, hầu hết mọi người đều tin rằng Saddam có vì đã từng dùng võ khí tàn sát với dân Kurd và hệ phái Shia. Cựu Tổng thống Bill Clinton, người đã từng ra lệnh tấn công Iraq từ trước để duy trì lệnh cấm bay của Liên hiệp quốc, còn úy lạo các chiến binh khi tiến vào Iraq là hãy coi chừng võ khí hóa học.

Thật ra, mục tiêu ngầm mà chính của Mỹ tại Iraq có thể là dằn mặt: hăm dọa các chế độ Hồi giáo chống Mỹ hầu trấn an các chế độ Hồi giáo ôn hòa hay thân Mỹ. Đó là một mục tiêu chiến lược, khá xa rời chuyện khủng bố, mà có khi lại là mục tiêu quan trọng nhất.

Bây giờ, nếu nhớ lại sự chuyển dịch mục tiêu, người ta thấy ra sự thiểu chuẩn bị của lãnh đạo.

Sau tám năm thừa hưởng "cổ tức hoà bình" thời Bill Clinton nhờ Chiến tranh lạnh kết thúc – là tám năm chuẩn bị của al-Qaeda nếu ta nhớ đến cuộc thử nghiệm là tấn công cao ốc World Trade Center năm 1993 – Hoa Kỳ bước vào một cuộc chiến dai dẳng trên nhiều mặt trận mà không có chuẩn bị. Chỉ vì lấy phương pháp khủng bố của đối thủ làm mục tiêu.

Do thiếu chuẩn bị, Hoa Kỳ tham chiến mà không yêu cầu dân chúng hy sinh, như tăng thuế theo khẩu hiệu "tất cả cho tiền tuyến". Ngược lại, Chính quyền Bush còn khuyến kích dân Mỹ tiêu xài - và mắc nợ - vì nhất quyết không để quân khủng bố làm thay đổi lối sống của người dân.

Vì thiếu chuẩn bị, Hoa Kỳ lần lượt khai triển hình thái chiến tranh chống phá hoại, chống du kích, rồi chống nổi dậy. Vừa áp dụng lối đánh của biệt kích vừa đưa quân vào trận địa chiến và trải mỏng lực lượng để chiếm đóng hay bảo vệ hoặc tranh thủ nhân tâm trong một môi trường rất khó xác định bạn và thù: toàn là những người có vẻ thường dân cả!

Vì thiếu chuẩn bị, Hoa Kỳ liên tục dời đổi mục tiêu, ban đầu là tiêu diệt đầu não khủng bố al-Qaeda, lật đổ chế độ Taliban tại A Phú Hãn hay Saddam Hussein và đảng Baath tại Iraq, rồi xây dựng quốc gia hoặc phát huy dân chủ, hoặc tìm thế quân bình chiến lược tại Trung Đông hay Nam Á, v.v.... Mục tiêu nào cũng có thể là chính đáng, nhưng vì liên tục thay đổi qua hai chính quyền Bush và Obama, cuộc chiến coi như không có kết cuộc. Hoặc có thể chấm dứt bất cứ lúc nào.

Xin nhắc lại: với những mục tiêu dời đổi như vậy, bất cứ lúc nào lãnh đạo Mỹ cũng có thể kết luận là đã hoàn tất mục tiêu, chiến thắng và triệt thoái. Các đồng minh có thể bị hụt hẫng, còn đối thủ thì biết là Mỹ sẽ lại rút và họ tiến hành chiến tranh trong giả thuyết đó.

Nhưng những người lính tác chiến ngoài trận tiền, lính Mỹ hoặc đồng minh như Anh, Pháp, nghĩ sao về nhiệm vụ cụ thể của họ trong từng đợt phục vụ? Ít ai quan tâm đến câu hỏi này.



***


Hơn 10 năm qua, Hoa Kỳ làm ngần ấy việc với một đạo quân thiện nguyện - sau khi bãi bỏ chế độ trưng binh từ cuối năm 1972, khi triệt thoái khỏi Việt Nam.

Trong lớp tuổi thanh niên, ai thích làm giàu cho mình hay cho quốc gia thì có học đường và doanh trường, người muốn bảo vệ quốc gia thì có chiến trường, với đồng lương thật ra rất thấp so với các bạn đồng tuổi ở nhà! Hy sinh cả mạng sống lẫn sự ấm êm của gia đình với lợi tức chừng 18 ngàn Mỹ kim một năm cho một binh nhất là một mâu thuẫn của xã hội tư bản này.

Hậu quả là sự tách rời tâm lý giữa "hậu phương" và "tiền tuyến".

Hậu phương ngày nay đang vui sống - hoặc ưu lo về kinh tế hay thất nghiệp - còn tiền tuyến là phần vụ của một đạo quân thiện chiến bị căng mỏng và lâm chiến lâu dài mà chưa thấy ngày về. Việc thượng sĩ Robert Bales nổi điên tàn sát 17 thường dân A Phú Hãn sau ba lần phục vụ đến phát ớn tại chiến trường Iraq rồi lại được gửi qua chiến trường A Phú Hãn là mặt nổi của những mâu thuẫn khó chấp nhận được.

Từ Thế chiến II qua chiến tranh Cao Ly và Việt Nam (là các cuộc chiến cấp quân đoàn) chưa khi nào chiến binh Mỹ lại phải phục vụ lâu dài như vậy ở vùng hỏa tuyến. Với sự vụ lệnh khó chấp hành là chống du kích, chống nổi dậy, huấn luyện bộ máy an ninh hay quân sự của đồng minh, hay bình định qua công tác tâm lý chiến. Tranh thủ ai mà không mất mạng trong trò chơi bịt mắy này?

Trong khi ấy, hậu phương lại là vùng dọa nạt tự do của quân khủng bố, với sức yểm trợ hữu hiệu của... truyền thông! 

Khủng bố là phương pháp đấu tranh nhắm vào tâm lý: tạo ra hãi sợ mù quáng, sự hốt hoảng của những người vô can vô tội. Sự hãi sợ ấy khiến khủng bố sẽ còn tồn tại mà Hoa Kỳ bị lạc quẻ, loạn chiêu vì cách trình bày của truyền thông.

Với phương pháp hiện đại, hệ thống truyền thông có khả năng khuếch đại và gửi sự hãi hùng của khủng bố vào từng gia đình ở hậu phương. Lối phòng ngừa của cơ quan nội an lẫn cách thủ thế của giới chính trị - nhằm chạy tội nếu bị tuột tay - càng gây tâm lý bất an: tuột giầy hay cởi áo trong phi cảng là chuyện thường tình. Họ sống với hiện tượng khủng bố như một sự phiền nhiễu đành phải chịu đựng, rồi thôi.

Nhưng chi tiết ly kỳ về các tay khủng bố lại được phanh phui và nhắc lại liên tục trên truyền hình còn là nguồn cổ võ cho nhiều tay mơ muốn thành đặc công cho đời biết tiếng. Hoặc giết người rồi tự sát với hy vọng sẽ lên Thiên đàng của đạo Hồi. Việc cả nước Pháp rung chuyển, nội các họp khẩn giữa cơn tranh cử vì vụ tay súng Mohamed Merah lạnh lùng giết người là hình thức quảng cáo bất ngờ cho tội ác.

"Khủng bá bất thành" là một thành ngữ có nghĩa là sợ việc không thành.

Lãnh đạo Hoa Kỳ dưới cả hai triều đại Bush và Obama chẳng sợ là việc không thành mà còn tin rằng về dài cuộc chiến trường kỳ vẫn thắng, rằng các chiến dịch quy mô tại Iraq hay A Phú Hãn có góp phần cho chiến thắng đó. Và Hoa Kỳ có thể đương đầu với thách đố trường kỳ.

Thực tế thì cuộc chiến dai dẳng dẫn đến sự mệt mỏi đến phát cuồng của người phơi áo trận và banh ngực quá lâu ngoài chiến tuyến. Trong khi hậu phương đã nhìn qua hướng khác.

Nguy hại hơn cả, cuộc chiến dai dẳng này còn thu hút sự chú ý và tài nguyên của Hoa Kỳ vượt hẳn những thách đố cho nước Mỹ, ở nơi khác. Như sự hung hăng của Trung Quốc, lật lọng của Bắc Hàn, hay tráo trở của Liên bang Nga. Vì cuộc chiến này, Hoa Kỳ đã nhượng bộ Vladimir Putin, Chính quyền Obama còn có thái độ quay quắt với các đồng minh Đông Âu, như Ba Lan và Cộng hoà Tiệp, về lá chắn chiến lược. Và nước Mỹ lãng quên một mối nguy nằm ngay sau lưng là động loạn tại Mexico vì các tổ chức tội ác buôn bán ma túy....

Hoa Kỳ không thể sụp đổ vì nạn khủng bố - xin lỗi vong hồn của hơn 3.000 người vô tội trong vụ 9-11: số nạn nhân chưa bằng 1/10 của số thương vong vì tai nạn xe cộ - nhưng lại bị hại nặng vì cách đối phó. Bi kịch của thượng sĩ Robert Bales là một nhắc nhở. Nó sẽ thúc đẩy Hoa Kỳ triệt thoái trong hoàn cảnh còn bất lợi hơn.

Trong khi căn nguyên của khủng bố Hồi giáo vẫn còn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét