Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

RFA. Dự báo xám tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân

Nguồn RFA.

by Nam Nguyên, phóng viên RFA

 

Suy thoái toàn diện

Cần đột phá gì để đổi chiều nền kinh tế, trong bối cảnh "đất nước đang rơi vào tình trạng suy thoái toàn diện từ kinh tế, xã hội, văn hóa, đạo đức, giáo dục, y tế đến niềm tin, kỷ luật, kỷ cương, pháp luật." Chúng tôi xin mạn phép lồng ghép câu hỏi của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và ý kiến trong tham luận của TS Lê Đăng Doanh tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2013. Đây là diễn đàn thường niên do Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Nha Trang từ 5-6/4/2013.

Báo chí trong nước nhiều tờ đã đăng lại loạt bài tường thuật về Diễn đàn Kinh tế mùa xuân được ghi nhận khá công phu của Thời báo Kinh tế Việt Nam (VnEconomy). Hơn 30 bài tham luận của các chuyên gia đã phân tích "Triển vọng kinh tế Việt Nam 2013 và nhìn lại một năm tái cơ cấu nền kinh tế". Nhưng điều bất ngờ lớn, các ý kiến dù có khác nhau nhưng nhiều chuyên gia thiên về quan điểm là cần làm lại đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Ý kiến gây chấn động này xuất phát từ nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm, ông cũng là một Ủy viên của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Tại sao phải làm vậy, vì các chuyên gia cho rằng sau một năm tái cơ cấu kinh tế: "Chiếc xe ở ngã ba đường". Theo đó, tiến trình tái cơ cấu kinh tế chịu một lực cản quá lớn là các nhóm lợi ích từ thao túng chính sách tài chính, ngân hàng cho đến vấn đề thu hồi đất và bong bóng bất động sản. Các chuyên gia còn cho rằng vấn nạn lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam là tình trạng số liệu ảo dẫn đến những quyết định sai lầm.

Một số nhóm lợi ích nào đó có thể được hưởng lợi rất nhiều, trong khi những ngươi khác lại chịu hệ quả của tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô hoặc lạm phát lên cao. 
-Phạm Chi Lan

VnEconomy mô tả phiên họp ngày 6/4 tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân ở Nha Trang: "Tham gia thảo luận khi không khí tranh luận đang nóng rực, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định lực cản rất lớn của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chính là sự bùng lên của các nhóm lợi ích." Bà Chi Lan cho rằng, đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế mất những 5 năm bàn thảo, điều mà đại biểu Trần Du Lịch trước đó gọi là sự lãng phí thời gian. Nữ chuyên gia nhận định, trong quãng thời gian dài này nhiều vấn đề của nền kinh tế đã nghiêm trọng hơn rất nhiều.  Theo đó không chỉ việc mấy trăm nghìn doanh nghiệp chết mà cả cộng đồng doanh nghiệp đã suy yếu. Doanh nghiệp Nhà nước chao đảo, đầu tư ngoài ngành tràn lan sau 4 năm cuối cùng lại quay về với ngành nghề cốt lõi. Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh, chính là trong thời gian bỏ lỡ cơ hội tái cơ cấu đó, các nhóm lợi ích đã trở nên mạnh mẽ, không phải chỉ ở riêng khu vực doanh nghiệp nhà nước mà khu vực nào cũng có và là lực cản rất lớn cho tái cơ cấu.

Trong dịp trả lời chúng tôi bà Phạm Chi Lan, nữ chuyên gia từng là thành viên ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ đã nhận định:

"Trong quá trình phát triển có nhiều việc không kiểm soát được tốt. Nhất là trong mấy năm gần đây khi nền kinh tế phát triển quá nóng cũng không kiểm soát được tốt. Vì vậy làm cho một số nhóm lợi ích nào đó có thể được hưởng lợi rất nhiều, trong khi những ngươi khác lại chịu hệ quả của tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô hoặc lạm phát lên cao và làm cho vật giá leo thang và đời sống của họ khó khăn hơn. Đây cũng là một trong những điều quan trọng nhất mà chúng tôi cũng đang nỗ lực, để làm sao đóng góp cho Việt Nam có thể thay đổi theo hướng công bằng hơn trong phát triển."

Tham luận của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan được VnEconomy trích thuật,  theo đó năng lực thể chế bị bào mòn và mất mát lớn hơn nữa là sự hao tổn niềm tin. Đó là niềm tin giữa xã hội với nhà nước, giữa con người với con người, làm cho công cuộc tái cơ cấu khó thành công.

Nợ xấu đáng sợ và đáng ngờ

1-1-250.jpg
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2013 tại Nha Trang hôm 6/4/2013. Photo courtesy of VnEconomy.

Một vấn đề thứ nhì mà các diễn giả nêu ra trong Diễn đàn Kinh tế mùa xuân là tình trạng nợ xấu tại Việt Nam đáng sợ và đáng ngờ. VnEconomy trích lời TS Trịnh Quang Anh thuộc Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam cho rằng, tổng nợ xấu ngân hàng được ước tính sẽ vọt tới tầm nửa triệu tỷ đồng, nếu cộng cả những khoản nợ xấu tiềm tàng, gồm nợ khoanh, nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines… Chuyên gia này đã sử dụng những con số vừa nêu như một minh chứng mạnh để giải thích tại sao tín dụng cho nền kinh tế rơi vào đình trệ, thanh khoản hệ thống ngân hàng bất ổn và nền kinh tế chìm sâu hơn trong suy thoái.

Các chuyên gia tham dự diễn đàn đã bày tỏ sự nghi ngờ về tính trung thực của việc nợ xấu giảm mạnh theo công bố gần đây nhất của Ngân hàng Nhà nước.

Về vấn đề này chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu với chúng tôi:

"Nợ xấu của các ngân hàng hiện nay liên quan rất nhiều đến nợ xấu của các doanh nghiệp Nhà nước đối với Ngân hàng.  Theo thông tin thì 70% nợ của các ngân hàng thương mại là nợ của các doanh nghiệp Nhà nước; số nợ của các Doanh nghiệp Nhà nước đối với ngân hàng thương mại cũng tăng lên. Cụ thể theo cuộc họp của Thủ tướng với các doanh nghiệp lớn của Nhà nước vào hồi đầu năm nay thì con số đó là hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương với 60 tỷ USD rồi."

Theo báo chí tường thuật Diễn đàn Kinh tế mùa xuân, TS Tô Ánh Dương thuộc Viện Kinh tế Việt Nam nhận định rằng, nhiều khoản nợ xấu đã được làm đẹp bằng những khoản vay mới để trả nợ cũ quá hạn và nhờ tăng trưởng tín dụng ảo cuối năm thì tỷ lệ nợ xấu giảm 2% trong 60 ngày đầu năm nay chỉ là giảm số liệu không phải là bản chất. Còn TS Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng được Thời báo Kinh tế Việt Nam trích lời thì cho rằng cần xem xét lại việc nợ xấu được công bố đã giảm rất nhanh.

Cùng về vấn đề này, trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành hiện làm việc ở Hà Nội nhận định:

Thực sự không ai hiểu được cả, từ đâu mà nó (nợ xấu) có phép lạ gì mà giảm xuống trong khi nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp phá sản tràn lan như thế. 
-Bùi Kiến Thành

"Nợ xấu nợ khó đòi ở Việt Nam chưa thực sự rõ ràng minh bạch là bao nhiêu, khi mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra Quốc hội nói là 8% xong rồi ít lâu thì nói là 10%, cách đây mấy tuần lễ lại nói là bây giờ rút xuống còn 6% tức đã giảm 2%. Thực sự không ai hiểu được cả, từ đâu mà nó có phép lạ gì mà giảm xuống trong khi nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp phá sản tràn lan như thế. Tất cả những chuyện đó cần có sự nghiên cứu nghiêm túc và có lẽ Nhà nước cần thực sự có cố gắng hơn nữa để làm rõ."

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế được biết đến nhiều cả trong nước lẫn ngoại quốc được VnEconomy, VietnamNet, Tin tức Việt Nam Cafef và nhiều báo điện tử khác trích phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân cho rằng, số liệu thống kê "ảo" dẫn đến những quyết định sai lầm. TS Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi, trong hai năm 2011-2012 ở Việt Nam có khoảng 100.000 doanh nghiệp đóng cửa, cao hơn hẳn các nắm trước nhưng tỷ lệ thất nghiệp công bố chỉ 2,2%, thấp nhất trong nhiều năm. Theo TS Doanh quí 1/2013 có thêm 15.000 công ty phá sản, nhưng tỷ lệ thất nghiệp lại vẫn thấp, thực tế những người lao động này đã đi đâu, trong khi số doanh nghiệp thành lập mới không đáng kể.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên được báo chí trích lời, đưa ra ví dụ về số lượng việc làm mới được tạo ra mỗi năm dù năm khó khăn hay thuận lợi đều đại thể như nhau. Theo lời ông, cách làm mang tính hình thức đã làm mất niềm vào hệ thống thông tin và thống kê phát triển, đồng thời gây ra những ảo tưởng thành tích lúc nào cũng tốt đẹp của nền kinh tế.

TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, việc dựa trên những con số mà ông gọi là "ảo tưởng" nên các quyết định can thiệp thường đưa ra rất muộn, không phản ánh tính cấp bách của thực tiễn.

Trong tư liệu của chúng tôi chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nhận định.

"Thực sự con số thống kê nhiều khi đưa ra cũng làm chúng tôi bối rối, không biết tin cậy vào con số nào."

Các nhà báo đặc biệt là Thời báo Kinh tế Việt Nam dĩ nhiên không thể tường trình hết cả 30 tham luận được trình bày tại Diễn Đàn Kinh tế mùa xuân 2013, nhưng những ý kiến phản ánh tình hình thực tế đều đã được trình bày. Nếu các giải pháp được hình thành từ những số liệu ảo thì hậu quả thật khó lường, có lẽ đây là điểm cơ bản nhất cho toàn bộ vấn đề tái cơ cấu.

Dù nhiều chuyên gia ủng hộ ý kiến của ông Cao Sĩ Kiêm là nên làm lại Đề án Tổng thể Tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng phần chắc là Chính phủ không bận tâm tới việc này. Bản thân bà Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, nên thực hiện đề án đã có, làm tới đâu sửa tới đó, hơn là loay hoay làm cái mới.

Chúng tôi nhớ lại cách nói của Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long khi ông nhận định là Ngân hàng Nhà nước đang quản lý thị trường vàng theo cách "thủng đâu vá đó".

Popout

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét