Tình trạng hiện nay là cái mà Trần Huỳnh Duy Thức đã dự báo chính xác nhiêu năm trước và khẳng định rằng đất nước này chỉ có một con đường duy nhất là phải hình thành được một lực lượng chính trị dân tộc yêu nước thì mới tránh được họa bị thôn tính. Lực lượng này phải là sự kết hợp, hòa hợp giữa những người Cộng sản và không Cộng sản, đặc biệt là phải có sự tham gia của những trí thức ưu tú không đảng phái. Anh Thức phân tích kỹ và nhấn mạnh rằng bất kỳ sự loại trừ nào dành cho Cộng sản hoặc không Cộng sản đều sẽ dẫn đến sự suy yếu và thất bại của cả dân tộc chứ không riêng một đảng phái hay ý thức hệ nào. Sau 4 năm bắt và cầm tù anh, các lãnh đạo trong Bộ Chính trị mới nhìn ra được thực tế hiện nay và thấy rằng không còn con đường nào khác. Trừ cánh bảo thủ và thần phục Đại Hán của Nguyễn Phú Trọng là còn tin rằng tự thân Đảng Cộng sản Việt Nam có thể chỉnh đốn được. Nhưng các ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng có cách tiếp cận về việc hình thành liên minh chính trị khác nhau và đang chạy đua để giành lợi thế.
Chủ tịch nước tặng quà tại Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Thanh Niên
Chủ Tịch Nước vừa truy tặng huân chương Sao Vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng – một biểu tượng của nhân sĩ trí thức ưu tú không đảng phái nhưng ủng hộ và liên minh với Đảng Cộng sản trong Quốc hội và Chính phủ. Cụ đã mất 66 năm rồi, giá trị gì khiến người ta trao tặng loại huân chương cao quý nhất của chế độ cho cụ vào lúc này? Trong bài phát biểu biểu dương cụ, ông Sang đã nhắc lại công ơn của cụ trong việc cùng với cụ Phan Chu Trinh khởi xướng phong trào Duy Tân vì quyền con người với phương châm "Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh" – một triết lý được tiếp nối và phát triển bởi phong trào Con đường Việt Nam ngày nay. Trong hai ba tháng qua, ông Sang cũng thể hiện những quan điểm tiến bộ trong việc sửa Hiến pháp thông qua những buổi nói chuyện với các nhóm nhân sĩ, giới trí thức. Nhưng bộ máy tuyên truyền của Đảng đã không đứng về phía ông. Còn an ninh thì làm mọi cách ngăn cản những quan điểm này tiếp cận được với quảng đại quần chúng. Ông Trương Tấn Sang muốn quyền lực của Chủ Tịch Nước được tăng lên mạnh sau lần sửa đổi hiến pháp này, đồng thời mở rộng Quốc hội cũng như Chính phủ cho những nhân sĩ trí thức ngoài Đảng tham gia rộng rãi. Ông tin rằng cách này sẽ giúp ông và những người cộng sản cấp tiến kiểm soát được Đảng Cộng sản Việt Nam và tạo thành liên minh với các thành phần phi đảng phái. Nhờ vậy sẽ loại bỏ được các lực lượng cơ hội, thoái hóa trong Đảng. Có vẻ như ông đang đi theo sách lược của Hồ Chí Minh thời mới lập chính quyền, tạo ra một Chủ Tịch Nước có thực quyền và một liên minh dân tộc theo kiểu Việt Minh. Dù có được uy tín cá nhân cao hơn hẳn các ủy viên Bộ Chính trị khác, nhưng lại không có được những lực lượng cụ thể trong tay nên con đường của Trương Tấn Sang đang diễn ra rất khó khăn. Đáng tiếc là ông vẫn chưa biết dựa vào nhân dân để tạo nên sức mạnh.
Trong khi đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại tỏ ra là kẻ thức thời, biết lợi dụng sức mạnh của nhân dân. Sau lần thoát hiểm ở hội nghị trung ương 6, ông đã hiểu rất rõ rằng cuộc chiến trong nội bộ Đảng sẽ là một mất một còn đối với ông. Còn đối với nhân dân, ông đã không còn chút uy tín nào và bị oan thán đến tột cùng. Nguyễn Tấn Dũng có vẻ đã nhận ra rằng con đường sống duy nhất và an toàn lâu dài cho ông và gia đình là phải biết "dựa vào dân". Trong cuộc tranh đấu giữa lề dân và lề đảng về sửa đổi hiến pháp, Nguyễn Tấn Dũng đã hoàn toàn đứng ngoài. Nếu trước đây vài tháng ông là mục tiêu công phá chính của báo lề dân khi hội nghị trung ương 6 đang diễn ra thì lần này Nguyễn Phú Trọng đã tự thế vào chỗ này. Trong lúc đó Nguyễn Tấn Dũng bình yên để chỉ đạo những thay đổi nhằm lấy lòng dân ở những chỗ gây nhiều bức xúc như phạt xe không chính chủ hay bãi bỏ việc ghi tên cha mẹ trong chứng minh thư. Dù không có khả năng để vực dậy được nền kinh tế nhưng ông dồn hết mọi nguồn lực có thể để làm cho nó không bị sụp đổ nghiêm trọng trong năm nay. Cách thức này kéo dài sẽ gây ra những hệ lụy ghê gớm nhưng ông không còn cách nào khác. Nguyễn Tấn Dũng cần một khoảng thời gian không dậy sóng. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng cũng thừa hiểu rằng nó đã và sẽ không còn là tấm bình phong an toàn cho ông và phe cánh thân hữu. Bản tính cơ hội làm cho lực lượng này thực chất chẳng bị ràng buộc tình cảm gì với ý thức hệ cộng sản của Mác – Lê Nin hay mỹ từ xã hội chủ nghĩa. Tất cả chỉ là những tấm bình phong sẵn sàng bị vứt bỏ và thay thế khi không còn hữu dụng với cá nhân nữa. Nếu không thể trở thành tổng thống trong một thiết chế dân chủ cộng hòa thì tối thiểu cũng phải được ghi công to lớn trong cuộc "chuyển đổi vĩ đại" này để được nhân dân bỏ qua cho những sai trái tội lỗi là mục tiêu chiến lược mà Nguyễn Tấn Dũng đang hướng đến.
Cơ hội đến với Nguyễn Tấn Dũng khi phong trào đòi Quyền Con Người và ý thức làm chủ đất nước của nhân dân đang liên tục dâng cao. Đặc biệt trong việc đòi quyền phúc quyết và xóa bỏ điều 4 hiến pháp vừa rồi. Thật bất ngờ, khi các tuyên truyền viên được trang bị những bằng cấp, học hàm tiến sĩ, giáo sư cùng với rất nhiều phát thanh viên, biên tập viên truyền hình, truyền thanh xinh đẹp đang mở hết công suất cổ súy cho những giáo điều của Nguyễn Phú Trọng thì Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Chính phủ đưa ra thông điệp: Quyền lập hiến thuộc về nhân dân. Đơn giản nhưng lại phủ định tất cả giáo điều sai trái trên. Trong bài viết "Thời cơ quyết định đã đến" tôi đã phân tích răng sự tập trung vào mục tiêu Quyền Con Người và đòi hỏi quyền phúc quyết hiến pháp là giải pháp chiến lược trong giai đoạn hiện nay. Tiếc rằng rất ít các tổ chức đấu tranh dân chủ quan tâm đến chiến lược này. Trong khi đó Nguyễn Tấn Dũng đã khai thác nó rất tốt. Dù uy tín đã xuống rất thấp nhưng vẫn còn chi phối được nhiều lực lượng sức mạnh nên Nguyễn Tấn Dũng đã nhanh chóng ngăn chặn được xu hướng áp đặt sai trái lên hiến pháp của Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Sinh Hùng. Nhưng thực ra, Nguyễn Tấn Dũng làm được là nhờ đã nương theo được xu thế và sức mạnh của sự hợp lòng dân về hiến pháp. Trong khi những ông trùm giáo điều bảo thủ đang hí hửng với hàng "chục triệu ý kiến đồng ý của nhân dân" về bản dự thảo hiến pháp của Đảng thì một làn sóng ngầm nổi lên mạnh mẽ từ những cuộc họp chi bộ phường, xã, khu phố thể hiện sự bất mãn vì hành động coi thường nhân dân trong cách thu thập "ý kiến đồng ý" như vậy. Thái độ này làm cho lực lượng Nguyễn Phú Trọng choáng váng. Trong khi đó những quan điểm bị lực lượng này cho là sai trái thì lại đang được tiếp thu để điều chỉnh ra một bản dự thảo mới. Điều 4 cũng sẽ bị thay đổi. Hội nghị trung ương 7 sẽ quyết định vấn đề này vào đầu tháng 5. Lần đầu tiên có sự bất đồng thuận giữa các phe cánh trong Đảng Cộng sản Việt Nam về điều 4 nói riêng và cả Hiến pháp nói chung. Mà lại chia rẽ rất sâu sắc. Việc đổi tên nước không chỉ đơn giản là đổi tên. Nó có thể dẫn đến việc thay đổi chính thể theo kiểu của Hiến pháp 1946 hoặc một chế độ cộng hòa tổng thống theo ý muốn của các phe cánh. Điều 4 "thiêng liêng" của Đảng Cộng sản rất có thể sẽ phải thay đổi theo kiểu như Myanmar, duy trì một số đặc quyền nào đó cho Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng phải chấp nhận sự hoạt động hợp pháp của các chính đảng khác. Trương Tấn Sang hy vọng mô hình này sẽ trao cho ông ta chức Chủ Tịch Nước nó có đủ quyền lực để chi phối cả Đảng Cộng sản Việt Nam nhờ sự ủng hộ của các lực lượng phi đảng phái. Còn Nguyễn Tấn Dũng thì muốn trở thành một "Thein Sein" sau một cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên. Nó sẽ được dàn xếp để đảm bảo thắng lợi cho một đảng mới là liên minh của các lực lượng trung thành vời Nguyễn Tấn Dũng trong Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay và những lực lượng mới ngoài đảng này. Nguyễn Tấn Dũng thừa hiểu bị dân oán thán đến thế nào, nên cho dù có thể hiện là người thúc đẩy cho những cải cách chính trị mạnh mẽ sắp tới thì ông ta cũng không thể tự bảo đảm cho mình một thắng lợi từ các lá phiếu của dân. Do vậy việc hình thành nên một liên minh như trên là rất thiết yếu đối với chiến lược của ông ta hiện nay. Sử dụng một số tù nhân chính trị nổi bật có thể tạo ra niềm tin và kỳ vọng mới từ nhân dân là sách lược mà Nguyễn Tấn Dũng và bộ sậu của ông đang tính tới. Đây chính là động lực thúc đẩy nối lại cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ. Giới hành pháp Mỹ lầu nay rất sốt ruột muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam lên tầm đối tác chiến lược để thực hiện chiến lược đắp chặn (contaiment policy) Trung Quốc. Tuy nhiên họ không vượt qua được rào cản của giới lập pháp Mỹ về những thành tích nhân quyền yếu kém của Việt Nam. Hơn nữa bản thân Obama là một Tổng thống không dễ dàng hạ thấp tiêu chuẩn nhân quyền.
Do đó thả tù chính trị để chứng tỏ một biểu hiện rõ rệt về thiện chí cải thiện quyền tự do ngôn luận, tôn giáo ở Việt Nam là một đòi hỏi mạnh mẽ từ phía Mỹ đối với cuộc đối thoại nhân quyền. Điều này trước đây là rào cản nhưng bây giờ trở thành động lực của phe cánh Nguyễn Tấn Dũng cho nên nó đã trở thành kết quả của đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ hôm 12/4 vừa rồi. Qua đó phía Việt Nam thừa nhận rằng Việt Nam sẽ có nhiều lợi ích hơn khi thực hiện những cải thiện nhân quyền như nói trên, chứ không phải là tai hại. Phía Việt Nam cũng ghi nhận yêu cầu của phía Mỹ để trình lên các cấp cao hơn để có thể đi đến được những thoả thuận cam kết ở cấp cao nhất về chủ đề này. Nếu việc này diễn ra tốt đẹp thì tổng thống Obama sẽ tiếp đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ vào tháng 6 tới để nâng tầm đối tác chiến lược giữa 2 nước. Trước chuyến thăm (cũng có thể là sau) sẽ có một sự kiện thả các tù nhân chính trị rất ấn tượng ở Việt Nam. Trường hợp tù nhân chính trị nổi bật mà phía Mỹ đặt yêu cầu trả tự do với phía Việt Nam trong đối thoại nhân quyền vừa rồi chính là Trần Huỳnh Duy Thức. Trường hợp này được ủng hộ bởi cả giới hành pháp lẫn lập pháp Mỹ. Tuy nhiên đây cũng là trường hợp gặp nhiều trở ngại vì Việt Nam cho rằng Mỹ muốn thúc đẩy một hình ảnh đối lập mạnh. Tuy vậy cũng có những điểm thuận lợi vì Trần Huỳnh Duy Thức không tham gia đảng phái nào và uy tín của anh về sách lược kinh tế cũng như tư tưởng hòa hợp, không hận thù mà anh luôn hướng tới.
Phê duyệt hay bác bỏ thực hiện những yêu cầu về nhân quyền như trên sẽ là một nghị trình chính trong hội nghị trung ương 7 sắp tới. Nghị trình này sẽ dẫn tới hệ quả là việc quyết định xu thế cải cách chính trị ở Việt Nam từ nay đến 2016 (hết nhiệm kỳ khóa XI). Chính vì vậy mà hội nghị này đã bị trì hoãn đến tháng 5 này. Hiện nay sự chống đối duy nhất đối với xu thế này đến từ lực lượng bảo thủ của Nguyễn Phú Trọng. Nhưng nó đang trở nên lẻ loi và đuối sức sau những sai lầm ấu trĩ và coi thường dân chúng về góp ý sửa hiến pháp. Hơn nữa, dù không bắt tay nhau nhưng việc cùng "hướng đến quyền con người" của Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng đã tạo ra những lợi ích chung cho cả hai thế lực này. Việt Nam cũng sẽ đối diện với "thập diện mai phục" về nhân quyền từ cộng đồng quốc tế. Quốc hội Châu Âu đã ra nghị quyết. Sắp tới sẽ là Đức, Anh, Pháp gây sức ép mạnh mẽ. Trung Quốc vẫn còn cơ hội để phá bĩnh xu hướng này nhưng cách mà Đại Hán lâu nay dùng để khống chế Việt Nam cũng giống như cách khống chế của một tay đểu cáng đối với một cô gái đã có chồng nhưng ngoại tình với hắn và bị hắn quay phim sex. Do vậy nếu Trung Quốc làm quá thì sẽ dẫn đến sụp đổ cả Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặt khác các hậu quả về kinh tế, quốc phòng khi lệ thuộc vào Trung Quốc là điều đã trở nên quá rõ ràng mà khó ai dám liều lĩnh bán mình vào lúc này. Một yếu tố rất quan trọng khác sẽ bảo đảm cho xu thế cải cách chính trị tích cực ở Việt Nam như nói trên chính là tính quy luật của sự phát triển. Trong nhiều bài viết, tài liệu nghiên cứu, sách của Trần Huỳnh Duy Thức, anh nhiều lần nhấn mạnh rằng trong những bối cảnh chính trị tương tự như Việt Nam hiện nay, sự thay đổi sẽ diễn biến rất nhanh một khi lực lượng cơ hội phá vỡ thế cân bằng trong nội bộ của một Đảng toàn trị (như Đảng Cộng sản Việt Nam hay Liên Xô trước đây). Nguyễn Tấn Dũng không những đã phá sự cân bằng này mà còn buộc phải ủng hộ cho một xu thế tiến bộ. Đương nhiên, chỉ có những người ngây thơ mới tin vào sự thực tâm của ông ta. Nhưng một điều chắc chắn rằng cho dù là giả tạo thì sự xoay cờ của ông ấy sẽ tạo nên một thế cuộc rất đặc biệt và sẽ xuất hiện thiên thời cho những người có khả năng tính những nước cờ dài nhiều bước vì lợi ích thật sự của dân tộc.
Từ 6 năm trước Trần Huỳnh Duy Thức đã dự đoán đúng hiện trạng bây giờ của đất nước, đồng thời đưa ra giải pháp như sau: "Trong tình trạng nguy cấp hiện nay, vẫn còn một ngõ hẹp duy nhất để thoát khỏi sự thôn tính. Dùng khủng hoảng để chống khủng hoảng; dùng biến để hóa biến; dùng kẻ cơ hội để chống tham nhũng; dùng tham nhũng để chống thôn tính. Muốn làm được như vậy phải có hiền tài, nếu không làm cho Quốc hội thực sự trở thành một nơi tập hợp các hiền tài để thúc đẩy ý chí dân tộc, phát triển trí tuệ của toàn dân thì cho dù chính quyền theo thể chế chính trị nào đi nữa thì đất nước đó cũng sẽ bị thôn tính. Càng không thể đóng cửa lại mà bảo vệ chủ quyền như nhà Nguyễn đã từng làm rồi chuốc lấy thất bại." (trích MỘT NĂM SAU ĐẠI HỘI X – CẢNH BÁO NHỮNG NGUY CƠ QUỐC GIA)
Trước đây đọc đoạn này thấy ấn tượng nhưng không hiểu được làm như thế nào. Giờ thì thấy rất rõ cuộc cờ đang diễn ra không thể chính xác hơn.
Sự chống phá của các lực lượng bảo thủ, phản động đi ngược lại xu thế tiến bộ có lợi cho đất nước chắc chắn sẽ còn rất lớn và vẫn còn có thể thành công trong ngắn hạn (Hội nghị trung ương 7). Nhưng chúng cũng chắn chắn sẽ thất bại mau chóng nếu như tất cả mọi lực lượng đấu tranh vì sự phát triển dân chủ, tiến bộ, thịnh vượng cho Việt Nam biết gác lại những khác biệt để cùng hướng đến một đích nhắm chiến lược chung là Quyền Con Người. Khi cần có thể sẵn sàng hợp tác với nhau để chiến thắng sự bảo thủ, trì trệ, phản động đi ngược lại lợi ích của dân tộc.
Thanh Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét