Vệt Khôi chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Vũ Đức Khanh, Asia Sentinel
Việt Nam sẽ thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, cách mà đất nước này thay đổi sẽ là vấn đề đầy tranh cãi.
Tranh biếm họa của Benjamin Franklin – "Tham gia hay là chết", với hình ảnh một con rắn bị chặt ra thành nhiều mảnh và mỗi mảnh biểu trưng cho một vùng miền thuộc British-American (ngoại trừ Delaware và Georgia), đã được xuất bản lần đầu tiên vào ngày 9 tháng Năm, năm 1754 trên tờ Pennsylvania Gazette nhằm kêu gọi sự đoàn kết của chính phủ các vùng miền để chống lại quân Pháp và những đồng minh người bản địa ở châu Mỹ của họ. Sau đó, vào thời gian nổ ra Cách mạng dành độc lập của Hoa Kỳ, lại một lần nữa bức biếm họa này được dùng để cổ súy 113 thuộc địa của Anh đứng lên chống lại chính quốc.
Bức tranh biếm họa thực sự là một tiếng kêu thống thiết vì hành động. Mặc dù vào lúc bấy giờ Benjamin Franklin chỉ muốn cho người dân thuộc địa thấy được tầm quan trọng của sự đoàn kết, nhưng bức biếm họa "Tham gia hay là chết" không chỉ thể hiện sự phản kháng và nổi dậy mà còn cả sự thay đổi nữa. Khi mà mọi chuyện đã trở nên không thể chấp nhận được đối với các thuộc địa ở châu Mỹ sống dưới ách thống trị của Anh Quốc thì đó chính là thời điểm để thay đổi.
Dù câu truyện Moses lãnh đạo người Do Thái thoát khỏi Ai Cập, hay phong trào nổi dậy Mùa Xuân Ả Rập gần đây chính là những minh chứng cho tính nhân văn – hay cội gốc của nó chính là về bản thân cuộc sống và cũng là những biểu hiện của sự thay đổi. Nếu không phải nhờ Moses thì liệu những đứa trẻ Israel liệu có được tự do? Nếu không phải vì Mohadmed Bouazizi đã tự sát thì liệu có phong trào Mùa Xuân Ả Rập như chúng ta biết vào lúc này? Rõ ràng, nếu thiếu vắng sự đoàn kết giữa các vùng thuộc địa thì cuộc Cách mạng dành độc lập của Mỹ đã vô vọng.
Nhưng còn đối với Việt Nam thì sao? Một trong những điều trong các câu truyện trên nhắn nhủ với chúng ta rằng thay đổi là không thể tránh được, và nếu không chịu thay đổi khi cần thiết thì đầu rơi máu chảy là cảnh hoàn toàn có thể xảy ra. Cái chết của Bouazizi hay hàng triệu người đã ngã xuống trong cuộc Cách mạng giành độc lập của Mỹ hay bất cứ cuộc cách mạng nào khác chính là những ví dụ hùng hồn đầy đau thương.
Đối với Việt Nam và những quốc gia tương tự, chỉ có một thông điệp duy nhất: "Thay đổi hay là chết".
Chết vì thất bại
Chết – tất nhiên ở đây không bàn tới nghĩa đen, không nên bị coi như là một mối đe dọa – mà là một cơ hội để giải phóng khỏi cái cũ, cái lạc hậu.
Thay đổi không phải là khái niệm xa lạ đối với các nhà lãnh đạo cũng như người dân Việt Nam. Đổi Mới – cuộc đại cải cách được tiến hành tư năm 1986, đã giải phóng nền kinh tế bao cấp trì trệ bao năm giam đói người dân Việt. Cuộc cải cách đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt đất nước, từ một nước bị cô lập và nghèo xơ xác biến thành một trong những nền kinh tế phát triển nóng nhất khu vực Đông Nam Á cho tới tận khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Tuy nhiên, những thay đổi này đơn thuần chỉ giúp giải quyết bài toán kinh tế của Việt Nam. Mặc dù mức sống của người dân đã được cải thiện đáng kể nhưng hệ thống chính trị vẫn còn đó như chẳng có gì thay đổi, và hiển nhiên sự thất bại về mặt hệ thống của Việt Nam vẫn còn bị né tránh. Sự thiếu vắng trách nhiệm và minh bạch trong hệ thống lãnh đạo đất nước đã dung túng cho tham nhũng và hoang phí, và điều này chính là một phần không nhỏ đóng góp vào cách quan lý sai lầm đối với nền kinh tế Việt Nam. Và hệ quả là người dân nay phải gồng mình lên để bon chen vì miếng ăn manh áo.
Giữa lúc nền kinh tế đang suy thoái, sự bất bình và mất lòng tin của người dân vào chính phủ, và sự yếu kém trông thấy của chính phủ trong việc đối phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, thì thay đổi là điều không tránh khỏi vào lúc này.
Những nổ lực của các nhà lãnh đạo Việt nam nhằm lấy lòng người dân (chỉnh sửa Hiến pháp chỉ đơn thuần nhằm giải quyết vấn đề khủng hoảng kinh tế) tính tới nay đã không được như mong đợi. Thay vì mở rộng quyền con người, bản Hiến pháp sửa đổi có vẻ như đặt ra thêm nhiều giới hạn đối với quyền con người.
Thay vì thay đổi để tiến tới điều tốt hơn thì có vẻ như những nhà lãnh đạo Việt Nam lại muốn đi theo chiều hướng ngược lại. Sự thay đổi không phải là một hành động tự phát. Nó là một kết quả của nhiều điều kiện và hiện nay ở Việt Nam đang hội tụ đủ những điều kiện đó. Thay vì thích ứng với bối cảnh thay đổi, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã chọn hướng bảo vệ hiện trạng – tình trạng dẫn đến nhiều khó khăn mà đất nước đang gánh chịu.
Trách nhiệm đối với tổ quốc
Thay đổi thực sự tới từ đáy chứ không phải từ đầu. Nó bắt đầu bằng việc người dân đòi hỏi thay đổi từ những nhà lãnh đạo. Không may thay, khả năng đó ở Việt Nam bị giới hạn khá nhiều bởi hệ thống chính trị hiện hành không có dân chủ. Tiếng kêu của người dân chẳng có nghĩa lý gì, và do đó những nhà lãnh đạo muốn làm gì thì làm, mặc các phản đối ở trong lẫn ngoài nước.
Do đó, người dân giờ đây không những đòi hỏi sự thay đổi mà còn phải tác động lên chính sự thay đổi. Việc này xảy ra như thế nào thì chỉ có chính người dân Việt Nam mới có thể trả lời được. Câu hỏi đầu tiên và có lẽ câu hỏi quan trọng nhất đó là liệu họ sẵn sàng đánh đổi những gì để có thể đạt được sự thay đổi trên đất nước này.
Việc chính phủ Việt Nam cho phép mức độ bất đồng quan điểm không phải là một điều sơ suất. Thay vào đó, điều này có thể chính là nổ lực nhằm xoa dịu những tức giận cũng như căng thẳng của người dân đối với những người lãnh đạo họ. Liệu có hại gì khi một người bình thường nhắc lại một điều mà ai cũng biết, rằng chính phủ tham nhũng và yếu kém? Liệu có nguy hại gì cho những lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và những người đồng cánh khi có người gọi tên họ vào những lúc không có mặt của họ? Chỉ khi cá nhân đó quyết định hành động chống lại chính phủ, ví dụ như châm ngòi cho nổi dậy, thì người đó mới hứng chịu hậu quả của việc "tuyên truyền" phá hoại nhà nước.
Sự ảo tưởng về tự do này đã cho phép người dân thể hiện sự bất đồng quan điểm trong khi họ không thực sự làm điều đó. Những hình phạt như ngồi tù chính là hậu quả cho hành động "tuyên truyền chống nhà nước", và do đó nhiều người dân – trong đó có cả những người đang tìm kiếm người lãnh đạo – chỉ biết ngồi ở nhà khi mà người lãnh đạo của họ đang bị cầm tù hoặc bị quản thúc tại gia.
Đợi chờ một ai đó để dẫn dắt sự nghiệp thay đổi cũng chẳng khá gì hơn so với thay đổi vì một số lý do sai lầm. Chúng giống hệt nhau bởi vì cả hai đều chỉ là những lý do cho việc giữ nguyên hiện trạng.
Thay đổi không phải là một trách nhiệm mang tính cá nhân, mặc dù nó đòi hỏi sự hi sinh của mỗi cá nhân. Thay đổi nằm ở tầm quốc gia và nó đòi hỏi nổ lực của toàn xã hội. Nó đòi hỏi sự hi sinh từ công dân nói chung và cả tầng lớp ưu tú. Việc xây dựng đất nước là một công cuộc xây dựng chung, được sự đồng tình nhất trí của số đông, và nếu thiếu đi sự tham gia của từng cá nhân cùng với mọi tầng lớp xã hội thì thay đổi để làm gì, bởi vì kết quả cuối cùng có thể lại chỉ là một xã hội mà trong đó vài người (thiểu số) kiểm soát phần đông còn lại.
Đáng sợ hơn cả sự đàn áp của chính phủ là nỗi sợ về điều không ai biết: Liệu một nước Việt Nam mới có tốt hơn? Việc tranh đấu vì một Việt Nam mới có đáng mạo hiểm hay không là câu hỏi mà mỗi người trong chúng ta cần trả lời. Những liệu Việt Nam có thay đổi hay không lại là câu hỏi dành cho chính đất nước này. Nhưng nhìn chung, đây chính là những câu hỏi cần được trả lời nhanh chóng.
Mặc dù thay đổi không thể thực hiện một cách tự phát, nhưng những người không sẵn sàng cho việc thay đổi thường là những người phải chịu nhiều thiệt hại nhất.
© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét