"...Người dân có hiểu biết hãy luôn tâm niệm và hãy nói với những người dân khác xung quanh mình rằng: Nếu không có sự hiện diện của một lực lượng đối lập trong chính trường Việt Nam thì mọi sự thay đổi hay mọi sự hứa hẹn chỉ là giả tạo và không bao giờ là có thực..."
Cục diện chính trị Việt Nam đang xoay chuyển một cách kỳ lạ và nhanh chóng. Trong bản Dự thảo Hiến pháp mà quốc hội Việt Nam đưa ra để lấy ý kiến của người dân có những điều gây tranh cãi gay gắt trong dư luận như việc dự thảo Hiến pháp vẫn giữ nguyên điều 4 (trong đó qui định Đảng cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo đất nước), quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng CSVN, không công nhận quyền tư hữu hóa đất đai… Các giáo sư, tiến sĩ, tướng tá ăn lương của đảng lên ti vi và báo chí khăng khăng bảo vệ cho sự đúng đắn của bản dự thảo này. Đùng một cái, sau một cuộc làm việc của thủ tướng với ban soạn thảo hiến pháp thì mọi sự thay đổi đến bất ngờ: Có thể sẽ đổi tên nước, công nhận quyền lập hiến của người dân, sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về hiến pháp, quân đội phải trung thành với tổ quốc và nhân dân sau đó mới đến đảng… Sắp tới đây, có lẽ, sẽ đến việc "công nhận quyền tư hữu đất đai" và "bỏ điều 4 hiến pháp" hai tử huyệt của chế độ cộng sản (như nhận định của GS Hoàng Xuân Phú).
Chuyện gì đang xảy ra? Có những bài viết đáng chú ý như bài "TPP hay khúc quanh Việt – Mỹ?" của tác giả Phạm Chí Dũng, bài "Vì sao sắp có một liên minh chính trị ở Việt Nam" của tác giả Thanh Hương và "lạ lùng" nhất là bài "Khả năng xuất hiện bước ngoặt chính trị ở Việt Nam" của Đảng Dân Chủ Việt Nam. "Lạ lùng" ở chổ dường như nó dọn đường cho Nguyễn Tấn Dũng lên làm tổng thống. Các phân tích của các tác giả trên cho thấy, sau cuộc hạ bệ bất thành thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của liên minh Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang tại hội nghị trung ương 6 thì sinh mệnh chính trị của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch nước Trương Tấn Sang trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Theo các dự đoán thì trong hội nghị trung ương 7 vào tháng 5 tới đây, thủ tướng Dũng sẽ loại bỏ hai nhân vật này khỏi chính trường Việt Nam và lên ngôi "tổng thống" hay một cái gì đấy tương tự.
Quá trình chuyển đổi thể chế chính trị từ mô hình "độc tài đảng trị" sang mô hình "độc tài cá nhân trị" là một diễn tiến tất yếu của lịch sử và là quá trình đào thải của mọi thể chế độc tài, đúng như nhận định của ông Nguyễn Gia Kiểng.
Một sự thay đổi bắt buộc sẽ phải đến vì nó đã chín muồi. Tình hình kinh tế Việt Nam ngày càng bi thảm và khó tránh khỏi một cuộc đổ vỡ trong những ngày sắp tới. Bong bóng bất động sản, bong bóng ngân hàng… đáng ra phải nổ từ lâu nhưng chính quyền vẫn cố giữ, nhưng càng giữ thì khi nổ, hậu quả càng lớn, càng tang thương.
Kinh tế thế giới vẫn tiếp tục suy giảm và sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào các thị trường dân chủ như Mỹ, Nhật, Châu Âu ngày càng lớn và trở nên quan trọng. Những nước này sẽ không bỏ qua cơ hội này để gây áp lực lên vấn đề nhân quyền tồi tệ của Việt Nam. Việt Nam khó lòng tiếp tục chơi trò đu dây giữa Trung Quốc và khối dân chủ, nhất là sau khi Miến Điện đã chuyển đổi thành công một cách ngoạn mục từ độc tài quân sự sang thể chế dân chủ.
Việt Nam đang đứng trước sự lựa chọn sống còn: Thay đổi theo con đường của Miến Điện hay rơi vào hỗn loạn? Nhiều chỉ dấu cho thấy phương án thay đổi đang được đặt ra và quả bóng đang nằm trong chân Nguyễn Tấn Dũng. Thế nhưng, liệu ông Dũng có thể làm một nhà độc tài được không? Theo nhận định của xã luận báo Tổ Quốc (số 156) thì: "Không phải ai cũng có thể làm một nhà độc tài. Muốn làm một nhà độc tài cũng phải có tài hùng biện, bản lĩnh chính trị và sức thu hút mà không một lãnh tụ cộng sản Việt Nam nào có cả. Bộ máy sàng lọc của một đảng cộng sản quá lỗi thời đã chỉ để lại những con người mờ nhạt thiếu cả tài đức lẫn nhân cách. Con người nhiều quyền lực nhất hiện nay trong chế độ, ông Nguyễn Tấn Dũng, cũng là con người ít uy tín nhất trong cả đảng lẫn xã hội. Tình trạng của ĐCSVN hiện nay không khác tình trạng của một bệnh nhân phải giải phẫu khẩn cấp dù chắc chắn không qua khỏi cuộc giải phẫu".
Câu hỏi quan trọng cần đặt ra cho mọi người Việt còn quan tâm đến vận mệnh dân tộc là: Người dân Việt Nam phải làm gì trước tình thế này? Phong trào dân chủ đối lập cần làm gì khi cơ hội đến?
Với người dân Việt Nam, ngay cả khi không còn cộng sản nữa thì với chế độ độc tài cá nhân trị, tình hình vẫn không có gì thay đổi. Tác giả Thanh Hương nói đúng khi cho rằng: "Nếu ai đó ảo tưởng và hy vọng "tổng thống" Nguyễn Tấn Dũng sẽ phá bỏ cái xã hội chủ nghĩa, cộng sản và lấy đó làm vui mừng thì chính họ sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên của "tân tổng thống"". Muốn hay không phải có sự đa nguyên về chính trị, đa đảng trong xã hội thì mới có sự đổi mới thật sự. Chỉ có cạnh tranh mới sinh ra công bằng, đạo đức và lẽ phải. Nếu người dân Việt Nam muốn thay đổi tận gốc rễ cuộc sống bất ổn của mình thì chỉ còn một cách duy nhất là phải ủng hộ một tổ chức dân chủ đối lập lương thiện và có chiều sâu. (Xin xem thêm bài "Vì sao cần ủng hộ một đảng đối lập dân chủ?")
Người dân có hiểu biết hãy luôn tâm niệm và hãy nói với những người dân khác xung quanh mình rằng: Nếu không có sự hiện diện của một lực lượng đối lập trong chính trường Việt Nam thì mọi sự thay đổi hay mọi sự hứa hẹn chỉ là giả tạo và không bao giờ là có thực.
Và như vậy, phong trào đối lập dân chủ cần phải làm gì trong lúc này? Có một điều rất mừng là dù có bất đồng về cách thức hoạt động và cơ cấu tổ chức… nhưng hầu hết những người quan tâm đến dân chủ cho Việt Nam đều đã đồng ý với nhau rằng, muốn thành công, phải có tổ chức. Tổ chức đây là "tổ chức chính trị". Điều này ông Nguyễn Gia Kiểng và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã "đề nghị" suốt… 30 năm nay.
Trước thời cơ và trước vận mệnh sống còn của đất nước thì các lực lượng dân chủ phải đoàn kết lại. Đó là điều tất yếu, nhưng muốn các lực lượng dân chủ đoàn kết với nhau thì ngay trong các nhóm dân chủ đó phải có tổ chức và lãnh đạo. Ví dụ nhóm 72 nhân sĩ trí thức tham gia kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992, nhóm "Lời tuyên bố của các công dân tự do", nhóm "Con đường Việt Nam"…cũng cần thống nhất với nhau về tư tưởng, phương pháp hành động và cơ cấu tổ chức… để có thể điều hành các hoạt động của nhóm một cách suôn sẻ và trôi chảy, tránh những "sự cố" ngoài ý muốn như "sự cố Nguyễn Đình Lộc".
Người dân Việt Nam nói chung và các nhân vật đấu tranh cho dân chủ nói riêng không nên đặt nặng vấn đề về sự dấn thân vào chính trị của người Việt ở trong hay ngoài nước. Cái quan trọng nhất, theo tôi, miễn là người đó, tổ chức đó lương thiện và làm được việc. Dân chủ hóa đất nước là nhiệm vụ của mọi công dân Việt Nam, dù bất cứ họ đang sống nơi đâu trên thế giới. Mạng Internet đã làm cho con người sống trên mọi miền của thế giới xích lại gần nhau. Người Việt cũng không là ngoại lệ.
Trong bài viết "Ba kịch bản, một kỳ vọng" tác giả Nguyễn Gia Dương đã nhận ra một điều rất quan trọng đang diễn ra tại Việt Nam, đó là bánh xe lịch sử vẫn đang tiến về phía trước. Mặc cho các nhân sĩ trí thức đứng tuổi đang phân vân và tranh cãi thế nào là trí thức? Và trí thức phải làm gì cho đất nước? Trí thức nên hành động như thế nào trước tình thế hiện nay?... thì một lớp người tranh đấu mới, rất trẻ trung và đầy lòng nhiệt huyết đã xuất hiện với những phong cách sinh hoạt khác hẳn với những tập quán cũ trước đây. "Có thể xem họ là những nhà đạo diễn thuộc trào lưu mới. Họ sẽ tích cực góp phần gầy dựng kịch bản tự do chính trị cho Việt Nam. Và các diễn viên chính chắc chắn sẽ là những người tự xem mình như những công dân tự do có quyền và có trách nhiệm đối với đất nước".
Tôi đồng ý với tác giả rằng: "Phải làm tất cả những gì cần làm để những đạo diễn và những diễn viên này có được cơ hội phát huy tài năng của họ". "Với thời gian, rất nhiều tổ chức dấn dần biến mất, nhường chỗ lại cho một vài tổ chức có viễn kiến và có định hướng đúng. Khi hai đợt sàng lọc đã hoàn tất công việc của nó, những con người kiên trì còn lại – trong và ngoài nước – chắc chắn sẽ kỳ phùng trong một mặt trận dân chủ".
Cơ hội cho những người Việt Nam yêu nước, những người muốn phụng sự cho tổ quốc và nhân dân đang ở trước mặt. Liệu chúng ta có quyết tâm và sự sáng suốt để giành lấy chiến thắng cuối cùng này hay không? Liên minh chính trị nào sẽ hình thành? Các lực lượng tiến bộ trong đảng đã sẵn sàng vượt qua những bất đồng chính kiến để kết hợp với các lực lượng chính trị dân chủ ngoài đảng hay chưa?
Việt Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét