Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Nguyễn Trung Chính : Có đôi điều tiến bộ trong kiến nghị sửa đổi Hiến pháp của chính quyền?

Nguồn boxitvn

Nguyễn Trung Chính

Cái cày vẫn trước con trâu

Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (bản đầu tiên) chứa đựng tất cả những gì phải có của tư duy giáo điều, khép kín với tất cả những gì là tiến bộ của thế kỷ 21. Không hiểu đầu óc giới lãnh đạo quyền thế nghĩ gì khi áp đặt điều lệ đảng Cộng sản Việt Nam vào Hiến pháp, buộc Quân đội phải trung thành với Đảng trước Tổ quốc, đồng thời buộc toàn xã hội phải cúi đầu chấp nhận sự lãnh đạo của một đảng đang trên đà thoái hóa.

Ngay từ những ngày đầu tiên khi nói về sửa đổi Hiến pháp 1992, nhiều tiếng nói đã cảnh báo rằng phải đổi mới tư duy trước khi sửa đổi Hiến pháp, nếu không là lại "đặt cái cày trước con trâu". Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (bản đầu tiên) ra đời chứng tỏ thế lực lãnh đạo quyền thế của Đảng bịt tai trước tiếng nói người dân, tiếng nói của trí thức, tiếng nói của lô-gic.

Trước khi sửa đổi Hiến pháp, phải đặt lại trên bàn cân một số điều cơ bản: Tổ quốc, nhân dân, con người, đất đai, Đảng,...

Khi không cân rõ những điều cơ bản này thì sẽ loạn ngôn, kiểu "Quốc hội là quyền lực cao nhất", nhưng "Đảng là lực lượng lãnh đạo đất nước và toàn xã hội", hoặc thay Điều 45 ("Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân…"bằng Điều 70 ("Các lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng Cộng sản…"), gạt Tổ quốc ra đằng sau; hoặc doanh nghiệp nhà nước hết chủ đạo, nhưng nhà nước nắm toàn bộ ngân hàng; hoặc là nói nhân quyền và quyền công dân nhưng cấm tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do lập hội, cấm phản biện, cấm biểu tình yêu nước chống Trung Quốc, cấm công nhân đình công tự phát, cấm tụ tập đông người, cấm dân oan khiếu kiện tập thể, cấm đảng viên cùng ký khiếu kiện với dân dù quyền lợi cũng bị xâm phạm như dân, cấm đảng viên không được ứng cử vào Quốc hội nếu không được tổ chức đảng cho phép, để thế lực lãnh đạo quyền thế cài đặt người tín cẩn của họ...

Cho đến nay, thế lực lãnh đạo quyền thế của Đảng chỉ có một tâm niệm: Đảng trên hết. Họ đối kháng với nhân dân: Nhân dân đặt Tổ quốc trên hết chứ không phải Đảng.

Vì thế, cuộc thảo luận sửa đổi Hiến Pháp thực chất đã trở thành một cuộc thảo luận về Tư duy, mà tiếng pháo đầu tiên là bản Kiến nghị 72 (do 72 trí thức đưa ra và được ký tên bởi gần 15.000 người trong đó có mặt đủ thành phần xã hội. Điều đáng chú ý là rất đông nông dân, công nhân ở những tỉnh được xem là cái nôi của cách mạng như Nghệ an, Hà Tĩnh, Thái Bình... tham gia ký tên). Tư duy mới trong Kiến nghị 72 này, theo tôi, đặt trọng tâm trên một số nhận định hợp với tự nhiên:

- Lập pháp, Tư pháp, Hành pháp được phân định rõ ràng mới có công bằng xã hội và chống được tham nhũng; đất đai có sở hữu của tư nhân do tư nhân tự quản lý, có sở hữu của đất nước do nhà nước quản lý mới tránh được tham nhũng đất đai đang hoành hành.

- Quyền con người theo luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã ký kết phải được tôn trọng, không bị ràng buộc bởi "theo quy định của luật pháp/theo luật định" để tránh những vụ đàn áp trắng trợn những công dân có suy nghĩ độc lập như vừa qua, sự việc đã bị Quốc hội Âu Châu lên án, làm mất thể diện quốc gia.

- Phân biệt Đảng và đất nước, cái gì của Đảng thì trả lại cho Đảng (như "Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa") , cái gì của đất nước như biển đảo thì quyết tâm bảo vệ tích cực...

Cuộc quần thảo tư duy kiểu "châu chấu đá voi" đang diễn ra phức tạp nhưng dường như đang vượt khỏi sự bế quan tỏa cảng truyền thông của thế lực lãnh đạo quyền thế trong Đảng. Thời đại của truyền thông mạng thì không ai có thể ngăn chặn được tiếng nói của dân. Trên mạng còn xuất hiện rất nhiều phản kháng mà chính quyền quy kết là "lực lượng thù địch". Họ là cựu quan chức Đảng, là đảng viên lâu năm nay bức xúc trước những bầy sâu, những nhóm lợi ích đang tự tung tự tác đục khoét đất nước, họ là những sinh viên, học sinh, giới trẻ đang nhận diện ra được lẽ phải, họ là những người yêu nước, trong nước cũng như hải ngoại. Họ nói lên tư duy Hiến pháp mới mà không quan tâm việc Đảng có nghe hay không vì họ biết thừa rằng những đóng góp của họ là đóng góp với Dân chứ không phải với Ban soạn thảo Hiến pháp của Đảng.

Ngọn đèn đom đóm le lói

Thì đùng một cái có một tín hiệu gì đó đang le lói từ hai người có chức vụ cao trong Bộ chính trị: Chủ tịch nước quaBan chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương với "Chế độ chính trị, Đảng, Hội đồng Hiến pháp " và Thủ tướng qua cuộc họp chuyên đề về Hiến pháp của Chính phủ với "Quyền phúc quyết Hiến pháp, Quyền con người, Thu hồi đất và Quyền sử dụng đất". Những tín hiệu này còn rời rạc, kiểu chân phải đá chân trái, nhưng cũng đáng được nêu lên ở đây để suy ngẫm vì không biết thực chất ai đang chơi con bài gì, ai đang củng cố cái gì, ai đang cấu kết với ai, sau những sự việc nổi cộm thời gian gần đây như: Cụm từ đồng chí X; Việc đòi kỷ luật lãnh đạo Đà Nẵng, mặc nhiên trong đó có tân Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh; Việc đòi kỷ luật những thất thoát của thành phố Hà nội từ trước đến nay, mặc nhiên trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; rồi những cú đánh phá cá nhân được tung ra trên mạng qua những trang mạng mang tên những vị lãnh đạo cao cấp.

Phía Chủ tịch nước nói gì?

1- Về chế độ chính trị: "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc". Như thế là những ý niệm về "giai cấp, nguyên tắc tập trung dân chủ" không còn chỗ đứng trong Hiến pháp và được trả về cho Đảng.

2- Về Đảng: "Đảng Cộng sản VN, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc VN, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

Như vậy "đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng" bị loại ra khỏi Hiến pháp.

3 - Về Hội đồng Hiến pháp: do Chủ tịch nước đứng đầu. Hội đồng Hiến pháp có quyền Giải thích Hiến pháp, có quyền tạm đình chỉ thi hành các văn bản Quốc hội nếu phát hiện vi phạm Hiến pháp và có quyền ngưng thi hành các văn bản cơ quan nhà nước nếu phát hiện vi phạm Hiến pháp.

Xem ra đây là những tính chất phải có của một Hội đồng Bảo Hiến, nhưng nếu Hội đồng này không độc lập mà vẫn chịu sự lãnh đạo của Đảng (Chủ tịch nước là lãnh đạo Đảng) thì cũng như không.

Phía Thủ tướng nói gì?

4 - "Quốc hội không phải là cơ quan lập hiến, công dân có quyền biểu quyết về Hiến pháp và các việc trọng đại của quốc gia".

Khẳng định "Quốc hội không phải là cơ quan lập hiến" là đúng vì 98% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Cho Quốc hội quyền lập hiến chẳng khác nào giao cho Đảng quyền lập hiến!

5 - Quyền con người, quyền cơ bản của công dân: "chỉ có thể bị giới hạn bằng luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia và sức khỏe của cộng đồng".

"Trật tự, an toàn xã hội", "đạo đức xã hội" đã bị gạt bỏ do bị lạm dụng quá nhiều cho đến nay.

6- Thu hồi đất và quyền sử dụng đất: "Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản, hay thu hồi đất thì đều phải bồi thường theo giá thị trường".

"Bồi thường theo giá thị trường" nghe ra có vẻ tiến bộ, nhưng thực tế lại khác hẳn vì thời điểm nào thì một giá được gọi là giá thị trường: trước, trong hay sau khi dự án đã hình thành? Rốt cuộc quyết định giá thị trường vẫn dựa trên đối trọng giữa quan và dân. Có ai mơ hồ gì trong một thể chế không có tam quyền phân lập không?

Đánh giá thế nào về ngọn đèn đom đóm

Dù sao những ý kiến của phía Chủ tịch nước và phía Thủ tướng cũng có cái gì mới so với bản dự thảo Hiến pháp đầu tiên. "Vùng cấm", "nhạy cảm" đang teo lại. Sự kiện này sẽ có tác dụng như một sức bật khuyến khích người dân mạnh dạn đi vào các vùng "nhạy cảm". Vì thế không lạ gì khi trên báo chí nhà nước, người ta dám đặt ra việc đổi tên nước, đòi cạo bỏ cụm từ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa, lấy lại tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoặc ngon lành hơn là Cộng hòa Dân Chủ Việt Nam.

Xã hội sẽ bớt đi một ít "vùng cấm", "nhạy cảm" mở cửa cho dân chúng nói rộng hơn.

Nhưng những đề nghị nói trên của giới cầm quyền nếu được ghi trong Hiến pháp sẽ tạo ra nhiều kiểu "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" giữa những điều khoản của Hiến pháp.

Thí dụ khi nói "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân", thì làm sao chấp nhận được trên nhân dân còn có"Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội"? Lãnh đạo được hiều là người dẫn đưòng chỉ lối mà dân phải theo, Đảng vừa lãnh đạo vừa cầm quyền thì mặc nhiên "quyền lực nhà nước" nằm trong tay Đảng.

Cũng giống như nói "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước quản lý" thì cái sở hữu đó chẳng có nghĩa lý gì. Đã là sở hữu sao còn bị cưỡng chế lấy lại?

Cái "quyền lực", cái "sở hữu" như thế chỉ là bánh vẽ.

Lại nữa, tuy những đề nghị về Hội đồng Hiến pháp là một đòi hỏi mới, tiến bộ. Hội đồng Hiến pháp như là một ông trùm công an giao thông ở các ngã tư: Ai đi trái luật sẽ bị huýt còi chặn lại, xử phạt. Nhưng khi phủ nhận tam quyền phân lập thì Hội đồng Hiến pháp có còi cũng không thể tự ý huýt được vì không độc lập. Siêu quyền lực đang nằm đâu đó trên cả Hiến pháp.

Những điều được xem là có tiến bộ nói trên xuất phát từ hai lãnh đạo cao nhất nước, nếu được ghi vào Hiến pháp sẽ tạo ra được thay đổi gì không?

Câu trả lời là KHÔNG.

Như trên đã nói, khi chưa thay đổi được tư duy thì muốn thay đổi Hiến pháp cũng chỉ là chắp nối, vá đùm vá đụp để phục vụ cho đảng cầm quyền chứ không phải là dân.

Khi tư duy còn độc tài, còn Mác-Lê thì không thể nào viết ra một Hiến pháp cho người dân hưởng tự do dân chủ.

Vẫn chưa chịu vứt bỏ tư duy độc tài thì những ngọn đèn đom đóm kia chỉ là dấu hiệu của một sự tranh dành nội bộ giữa thế lực lãnh đạo quyền thế mà dù ai thắng thì đất nước vẫn thua.

23/04/2013

N.T.C.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét