Cảnh sát bắt giữ Nguyễn Trí Dũng và mẹ anh nhằm ngăn họ tham dự phiên toà xét xử ba blogger nổi tiếng, trong đó có bố anh là Nguyễn Văn Hải, ngày 24/12/2012. Sau khi toà tuyên án, cảnh sát đã lột chiếc áo phông trên đó có in dòng biểu ngữ "Tự Do Cho Người Yêu Nước" của Dũng.
© 2012 VRNs
Bản dịch của Lê Thiên Hà (Defend the Defenders)
Đã đến lúc chính phủ bắt tay vào việc thực thi quyền con người
(Washington, DC) APRIL 10, 2013 – Tổ chức giám sát nhân quyền Human Rights Watch (HRW) phát biểu ngày hôm nay là Chính phủ Việt Nam cần nhân cơ hội cuộc Đối thoại Nhân quyền Mỹ – Việt sắp tới để phóng thích các tù nhân chính trị và cam kết chấm dứt việc truy bức các blogger, các nhà hoạt động về chủ quyền đất đai cũng như những người chỉ trích ôn hoà khác. Cuộc Đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 12/4/2013.
Brad Adams, giám đốc phụ trách Châu Á của HRW, phát biểu: "Chính phủ Việt Nam đã dựng lên một loạt phiên toà mang tính trình diễn khi tìm cách ngăn chặn làn sóng bất mãn đang ngày một dâng cao. Hoa Kỳ cần tận dụng cơ hội này để nêu rõ rằng Việt Nam cần tiến hành cải cách nghiêm chỉnh nhằm cải thiện tình hình nhân quyền, nếu không họ sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng, kể cả việc tổn hại đến mối quan hệ với Hoa Kỳ."
Theo phía Hoa Kỳ, mục đích của các cuộc đối thoại nhân quyền là tạo ra những kết quả cụ thể nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các chuẩn mực nhân quyền quốc tế và chính sách cũng như sự thực hành nhân quyền ở Vietnam. HRW nói, Hoa Kỳ cần nêu rõ rằng nếu muốn được coi là một đối tác có trách nhiệm trên trường quốc tế, Việt Nam cần ngay lập tức thúc đẩy mạnh mẽ việc thực thi nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền của mình.
Việt Nam đang ứng cử một ghế trong Hội đồng Nhân quyền LHQ và không khỏi phải đối mặt với sự thẩm tra thành tích kỹ lưỡng hơn trong quy trình Kiểm điểm Định kỳ Phổ cập (Universal Periodic Review) của Hội đồng Nhân quyền.
HRW chỉ ra con số những người phản đối ôn hoà bị chính quyền Việt Nam kết tội hình sự là lớn và đang không ngừng gia tăng. Năm 2012, ít nhất 40 người được biết là đã bị kết tội và tuyên án tù trong các phiên toà không đáp ứng quy trình chuẩn mực quốc tế (international due process) và các tiêu chuẩn xét xử công bằng (fair trials standards). Đáng báo động là ít nhất 40 người đã bị kết tội trong các phiên toà chính trị chỉ trong vòng 6 tuần đầu tiên của năm 2013.
Adams nói: "Năm vừa qua là một năm tồi tệ với những người bất đồng chính kiến, khi hàng loạt người bị bỏ tù. Nhưng số nhà hoạt động bị kết án tù sau các phiên toà chính trị trong hai tháng đầu năm 2013 thậm chí còn nhiều hơn cả năm 2012. Chính phủ Việt Nam cần hiểu rằng họ không thể giải quyết những vấn đề chính trị – xã hội lớn của đất nước bằng cách tống giam tất cả những người chỉ trích."
Mấy tháng gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch nhằm trấn áp những bình luận mang tính phê phán về tiến trình sửa đổi hiến pháp. Chiến dịch này dường như là một nhân tố trong vụ bắt giữ luật sư bảo vệ nhân quyền Lê Quốc Quân ngày 27/12/2012, cũng như trong việc sách nhiễu và đe doạ suốt tháng 2 & tháng 3/2013 đối với những người chỉ trích như nhà báo Nguyễn Đắc Kiên và nhà hoạt động Phật giáo Lê Công Cầu. Những tên côn đồ giấu mặt đã đổ nước mắm thối và ruột cá vào tư gia của nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn, người được trao giải thưởng nhân quyền Hellman/Hammett năm 2012. Ngày 8 & 9/4, hai blogger Bùi Thị Minh Hằng và Nguyễn Chí Đức bị tấn công mà cảnh sát không can thiệp.
Việt Nam vẫn giam giữ một số tù nhân chính trị suốt hàng chục năm. Trong một số trường hợp, những tù nhân này đã bị từ chối chăm sóc y tế chu đáo khi mà điều kiện sức khoẻ của họ ngày càng xấu đi. Một trong số đó là tù nhân 66 tuổiNguyễn Hữu Cầu, bị bắt giữ lần đầu tiên năm 1975, sau đấy bị bắt lại năm 1982 và bị giam từ đó đến nay. Sức khoẻ của ông được thông báo là đã xấu đi thời gian gần đây.
Như một bước đi khẩn cấp và nhân đạo, HRW đã hối thúc chính phủ Việt Nam cho phép tất cả các tù nhân chính trị và những người bị giam giữ có vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng, như trường hợp tù nhân Nguyễn Hữu Cầu, được tại ngoại để chăm sóc y tế, tiếp theo là nhanh chóng xem xét lại vụ việc của họ một cách độc lập và công bằng để xác định những ai cần được phóng thích vĩnh viễn và vô điều kiện do họ bị giam giữ chỉ vì đã thực hành các quyền con người cơ bản của mình một cách ôn hoà.
Những người xem ra nằm trong danh sách trên bao gồm: Nguyễn Hữu Cầu, Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hoà, Đặng Xuân Diệu, Lê Văn Sơn, Nguyễn Văn Hải, Mai Thị Dung, Nguyễn Công Chính, Phạm Thị Phương, Tạ Phong Tần, Nguyễn Hoàng Quốc Hưng, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Trần Thị Thuỷ, Phùng Lãm, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Văn Thông, Nguyễn Ngọc Cường, Đinh Đăng Định, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Vũ Anh Bình, Nguyễn Kim Nhàn, Hồ Thị Bích Khương, Lê Thanh Tùng, Phan Ngọc Tuấn, Vi Đức Hồi, Nguyễn Văn Lia, Võ Minh Trí, Lê Quốc Quân – và nhiều người khác nữa.
HRW kêu gọi chính phủ Việt Nam, nhân tiến trình sửa đổi hiến pháp hiện nay, phát động một chương trình cải cách pháp luật khẩn cấp nhằm:
- Sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định pháp lý nào mà trên thực tế đã hình sự hoá sự bất đồng chính kiến ôn hoà, quyền tự do ngôn luận, và tổ chức của người lao động (labour organising);
- Xoá bỏ những rào cản pháp lý đối với các tổ chức tôn giáo độc lập trong việc tiến hành các hoạt động tôn giáo ôn hoà;
- Từ bỏ kế hoạch thực hiện "Nghị định về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet", đồng thời dỡ bỏ các biện pháp sàng lọc, giám sát và những hạn chế khác trong việc sử dụng internet;
- Bãi bỏ tất cả cơ sở pháp lý cho biện pháp lao động cưỡng bức và giam giữ mà không thông qua xét xử cho cái gọi là "liệu pháp lao động" trong trường hợp sử dụng ma tuý hay cho những mục đích khác; và
- Xoá bỏ tất cả những quy định cho phép tịch thu đất đai mà không xét tới quy trình chuẩn mực (due procees), sự đền bù thoả đáng, cũng như việc xem xét độc lập và công bằng.
Adams nói: "Chính phủ Việt Nam đã được hành xử thoải mái về vấn đề nhân quyền trong một thời gian quá lâu, kết quả là người dân Việt Nam phải chịu sự lạm dụng ngày càng tăng. Lộ trình cải cách là rõ ràng, song điều đó đòi hỏi Đảng CSVN phải chấp nhận bất đồng chính kiến và thừa nhận quyền của người dân trong việc cổ suý những quan điểm khác nhau."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét