Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Ghé thăm các Blogs: 09/04/2013 (Diễn Đàn Thế Kỷ)

Nguồn diendantheky


BLOG CÁNH CÒ

Mấy ngày này, dư luận không mấy để ý tới một đề nghị rất…văn hóa của Thủ tướng, đó là tìm cho Việt Nam một cái tên khả dĩ có thể chấp nhận làm quốc hoa như lúc đầu, kể từ khi vụ án Đoàn Văn Vươn mở ra tại Hải Phòng vào ngày 2 tháng 4 vừa rồi.

Suy ra cũng đúng, hoa có thế nào chăng nữa, kể cả quốc hoa, cũng không bằng sinh mệnh của một gia đình, một giai cấp. Anh Vươn thuộc giai cấp nông dân mới với khả năng tư duy và phấn đấu để lấp cả biển làm nông mà báo chí một thời gọi là anh hùng. Không biết anh có thích thú những mỹ từ có cánh này hay không nhưng rõ ràng hành động đầy cam go của anh đối với thiên nhiên là dũng cảm và đáng được khen ngợi.

Từ sự dũng cảm ấy lần hồi gia đình anh cũng thấy được thành quả do mình tạo ra khi quai đê lấn biển. Nhưng cũng thật không may cho anh, cái thành quả này đã tác động đến lòng tham của bọn cường hào khiến cả nhà lại lâm vào điều khốn quẫn khác qua bản án nặng nề cho cả gia đình. Bản án có tên của một loài hoa, hoa Cải.

Tiếng súng hoa cải của anh Vươn làm người ta liên tưởng tới hoa Cải. Loài hoa này có lẽ nhiều người không biết mặc dù từng thấy. Chúng mọc thành từng khu đan xen nhau dày dặc. Màu vàng hay trắng và nở thành từng chùm, cấu tạo như hoa mai ngày tết nhưng lá và thân khác xa mai. Hoa Cải quần tụ thành cộng đồng và khi nở nó cũng nở hàng loạt. Nó giống như nông dân, trắng tinh khiết với ruộng đồng hay vàng tươm màu nắng, dấu hiệu của một ngày mới bắt đầu.

Hoa Cải của gia đình anh Vươn lại không đẹp như thế. Nó bùng nổ để kêu gào vì bị đàn áp. Tiếng nổ của súng hoa cải đã đánh thức lương tâm cả nước và chấm dứt bởi một phiên tòa mang tên nó. Hoa Cải bắt đầu một chuỗi các sự kiện nhức nhối hàng chục năm đè lên vai người nông dân qua chính sách tịch điền đơn giản với danh xưng đất đai là sở hữu chung do nhà nước quản lý.

Đất hoang khi tưới mồ hôi nước mắt người dân bỗng nghiễm nhiên trở thành của chung nên sự quản lý của nhà nước đối với cái chung đó đã làm nên tiếng súng hoa cải. Có nhiều người nhìn hành động của anh Vươn cho là một sự phản kháng nông nổi, quá sức cần thiết. Cũng có nhà báo tự hỏi nếu để xã hội tự xử hết như anh Vươn thì lấy đâu ra luật pháp. Những ông nhà báo lãnh lương Đảng sẵn sàng tô đen lương tâm vẫn luôn sung sướng đứng trên lập trường bảo vệ luật pháp bất cứ giá nào, vì luật pháp ở xứ này là chính quyền, là Đảng.

Dân tình viết bài, comment hàng ngàn lần vẫn chưa tả hết nỗi uất hận của gia đình này. Nỗi đau đó phần nào được chia sẻ nhưng không ai hiểu nỗi xót xa cô quạnh của gia đình họ trong lúc này. Tiếng súng hoa cải thật ra chỉ làm rơi rớt vài mảnh vỡ của một cơ thể đã quá sơ cứng, nhưng lại tàn phá tới tâm can mọi hy vọng của gia đình nạn nhân. Cơ thể xử án ấy có thể tồn tại bao lâu thì không ai chắc nhưng hình ảnh lụn bại tang thương của cả nhà họ Đoàn thì ai cũng có thể thấy được ngay từ bây giờ.

Vụ án Nọc Nạn kết thúc nhưng có làm cho người nông dân khá lên được chút nào đâu? Họ vẫn thế, đời sau khổ hơn đời trước vì dã tâm khống chế của hết tập đoàn này tới tập đoàn khác. Mảnh đất canh tác làm ra những hạt lúa, con tôm trên những cơ thể dày dạn nắng gió vẫn là mồi ngon cho bất cứ tập đoàn nào nói chi Tiên Lãng. Giải pháp mà xã hội cần tìm để trị dứt căn bệnh mãn tính này là một xã hội dân chủ thật sự chứ không phải thứ dân chủ bị trói gô vào bánh xe độc đảng lăn theo vòng quay không phanh mà chính bản thân nó cũng không hề biết rõ sẽ lăn tới tận nơi nào của trái đất này.

Tiếng súng hoa cải chắc chắn sẽ đi vào lịch sử. Lấy hoa cải làm quốc hoa sẽ nhắc cho thế hệ sau này một điều mà hàng trăm năm nay tổ tiên chúng phải chịu đựng, đó là nỗi lầm than của người nông dân khi mất đất.
Chỉ có điều khi cả đất nước đang có cuộc chiến âm thầm này mà lại cổ vũ chuyện tìm kiếm quốc hoa có phải là hoang đường và vô cảm đến mất trí quá hay không?


BLOG ĐÀO TUẤN

40% điền vào ô "nguồn thu khác" để giải thích cho thu nhập ngoài lương. Thu khác ở đây có nghĩa là ngoài phong bì hội họp, ngoài chia hoa hồng, quỹ riêng, ngoài cả "lì xì" biếu tặng.

3 căn nhà có tổng diện tích 900 m², 1 khu nghỉ dưỡng diện tích 150 m², 3 khu đất trồng cây lâu năm với tổng diện tích 20.765 m², 2 ô tô trị giá 2 tỉ đồng. Đây là khoản tài sản tăng thêm trong chỉ một năm của một quan chức cấp phòng thuộc sở TT và TT Hà Nội đang gây bàn tán xôn xao suốt cả tuần qua.

Hàng chục tỷ đồng tiền thật chứ không phải tiền âm phủ.

Trả lời báo chí, bà này giải thích "Số tài sản này có được là do chồng tôi làm thêm ở bên ngoài". Mở ngoặc nói thêm, người chồng cũng là quan chức cấp sở, hiện đang công tác tại Sở Kế hoạch và đầu tư, cũng trong diện phải kê khai tài sản. Và có lẽ, cũng sắp giải thích là do "làm thêm bên ngoài".

Dư luận, có lẽ sẽ cười rớt răng trước lời giải thích đó là số tài sản có được do "làm thêm bên ngoài". Một tờ báo còn dẫn ý kiến bạn đọc, chạy hàng tít "Cán bộ ơi, chỉ dân cách làm giàu với!". Sự thật thà trong các bản kê khai tài sản thật đáng biểu dương. Chỉ cần sự thật thà đó không phải là để "chạy luật" khi quy định nghĩa vụ phải chứng minh nguồn gốc tài sản tăng thêm sắp có hiệu lực trong Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi. Và xin đừng coi nhân dân là trẻ con khi giải thích đó là tài sản do "làm thêm bên ngoài".

Huống chi đó mới chỉ là những thứ người dân có thể nhìn thấy bằng mắt.

Đúng lúc dư luận đang bàn tán quanh vụ làm thêm vô tiền khoáng hậu này, Thanh tra Chính phủ, dựa trên một khảo sát, đưa ra con số: 79% cán bộ công chức có thu nhập ngoài lương. (20% trả lời không có và 1% không trả lời). Chẻ nhỏ số 79% cho thấy rất nhiều điều đáng suy nghĩ: "11,1% số người có thu nhập ngoài bằng khoảng 50% đến 100% tiền lương; 2,1% người có thu nhập ngoài cao hơn lương nhưng tối đa không quá 5 lần tiền lương; 0,2% số người thu nhập ngoài bằng 5 – 10 lần tiền lương. Số người có thu nhập ngoài cao hơn 10 lần tiền lương chiếm 0,2%".  Và đáng để nói nhất là "Có 3,6% số người không trả lời khi được hỏi về mức thu nhập ngoài lương". Và 40% điền vào ô "nguồn thu khác" để giải thích cho thu nhập ngoài lương. Thu khác ở đây có nghĩa là ngoài phong bì hội họp, ngoài chia hoa hồng, quỹ riêng, ngoài cả "lì xì" biếu tặng.

Vậy thì "Các nguồn thu khác" là gì? Đến Thanh tra Chính phủ cũng chịu. Tất nhiên, không ai khai là mình tham ô, tham nhũng. Và cũng nhãn tiền, người ta sẽ khai là do "làm thêm bên ngoài", hoặc "tạo lập bằng mồ hôi công sức của mình".

Đối tượng kê khai đã được mở rộng tới hàng quan chức cấp xã. Tài sản kê khai cũng đã cụ tỷ tới đến giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Hình thức kỷ luật đối với những lời khai gian dối cũng chả thiếu. Cái thiếu là chúng ta có muốn làm hay không mà thôi.

Còn nhớ, sau vụ mất trộm tại Kom Tum, khi gia chủ, cũng thuộc tầng lớp "phi dân chúng" khai mất có 4 lượng vàng, trong khi "bọn trộm" khai khoắng được tới 64 lượng, có người đã nói đầy mỉa mai, rằng giờ đây số tài sản thực của quan chức, chỉ "bọn trộm" thực sự biết.

Và điều này sẽ còn tồn tại nhức nhối như một sự "bất khả thi" của cuộc chiến chống tham nhũng khi mà chúng ta vẫn sẽ chấp nhận cách thức giải thích chung chung kiểu dỗ trẻ con, rằng đó là những thứ do "làm thêm bên ngoài".



BLOG ĐÀO TUẤN

Tuổi trẻ, thậm chí đưa hẳn lên báo một cái chặc lưỡi "Thu được đồng nào hay đồng đó".

Thật khốn nạn. Đó là những chiếc tàu biển với giá cả ngàn tỷ chứ đâu phải là chiếc bè tre.

Ngày 19.11-2007, trước Quốc hội, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, bấy giờ là ông Nguyễn Sinh Hùng đã công khai thừa nhận những sai sót trong đề án Tin học hóa hành chính Nhà nước (Đề án 112).

Cực kỳ thẳng thắn, người đại diện của Chính phủ đã chỉ rõ những nguyên nhân cho sự thất bại của Đề án, với thời giá của năm 2001, lên tới 3.800 tỷ này: "Ban quản lý không có kinh nghiệm trong vấn đề được giao, nhiệm vụ được giao quá nặng so với khả năng". Rồi thì "Thiếu minh bạch trong đấu thầu mua sắm, trong thu chi ngân sách". Và cả việc "Sơ sót buông lỏng trong quản lý đã tạo kẽ hở cho Trưởng ban điều hành dự án và ủy viên thư ký lộng quyền, tiêu cực, tham nhũng và gây lãng phí, thất thoát".

Bấy giờ, một Phó chủ nhiệm VPCP và 11 người đã bị khởi tố, sau đó ra tòa.

Và lời hứa của Chính phủ trước quốc dân đồng bào khi đó là "Chấn chỉnh và tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án, chương trình đầu tư phát triển để ngăn ngừa lãng phí tiêu cực, kiên quyết không để xảy ra các vụ việc tiêu cực tương tự đề án 112".

Nhưng nói chỉ là một chuyện.

Cũng trong năm 2007, Vinashin móc hầu bao nhân dân 60 triệu USD, tương đương 1.300 tỷ mua về chiếc phà thủng đáy từ Italia, đặt một cái tên mỹ miều là tàu Hoa Sen. Tất nhiên, Hoa Sen chỉ là sự khởi đầu cho việc nhập về ồ ạt những con tàu đồng nát.

Cũng mới chỉ vài năm thôi. Ngày hôm qua, một đề xuất bán tàu kiểu "phá dỡ" đã được trình lên Chính phủ. Theo số liệu của Cục Hàng hải, hiện có 41 tàu biển neo đậu tại các cảng VN không đảm bảo điều kiện an toàn, an ninh hàng hải. 54 con tàu khác, chiếm 14% tổng tải đội tàu VN) thì đang neo đậu dài ngày ở nước ngoài. Nói kiểu dân giã: Chúng là những con tàu ma. Chúng già và đồng nát đến nỗi ngay cả pháp luật Việt Nam cũng không cho phép đăng ký tồn tại.

Tuổi trẻ, thậm chí đưa hẳn lên báo một cái chặc lưỡi "Thu được đồng nào hay đồng đó".

Thật khốn nạn. Đó là những chiếc tàu biển với giá cả ngàn tỷ chứ đâu phải là chiếc bè tre.

Nhưng thật khôi hài, ngay cả khi bán "giá sắt vụn", dân "ve chai" cũng lắc đầu. Tờ SGTT vừa làm một cái điều tra nho nhỏ kể về con tàu 5.300 tấn mang cái tên Dynamic Bright giờ nom như một "ông lão" với toàn thân gỉ sét, hà và rong rêu phủ kín. Đây là "ông lão" bị bắt xiết nợ với giá chào mời dân ve chai là 16 tỷ đồng, tức là tương đương 10 ngàn/kg sắt. "Cao hơn giá sắt vụn từ 1.000 đến 1.600 đồng/kg". Dân ve chai tất nhiên kêu đắt, lắc đầu, đọc thấy đắng hết cả miệng, rằng: "Mỗi ngày, tôi nhận được không dưới mười cuộc điện thoại của các ngân hàng, công ty tài chính chào mời mua tàu nhưng đành lắc đầu".

Bài học về những dự án ngàn tỷ, sau đó thành "ve chai, đồng nát" không thiếu. Cũng vô số kể những "Hoành tráng bỏ hoang". Nhưng dường như bây giờ, người ta quan tâm đến chuyện tiêu tiền, hơn là nghĩ xem tiêu để làm gì.

Hai hôm nay, cần lao xôn xao khi một tỉnh như Đồng Nai rục rịch khởi động cho dự án Bảo tàng tự nhiên rộng 250.000 m2, với giá trị "quy thóc" lên tới 70 triệu USD, tức hơn 1.400 tỷ đồng. Tiền Phong đưa ra một so sánh: 1.400 tỷ ước bằng bằng 7% tổng mức đầu tư cho toàn ngành KH&CN cả nước trong một năm.

Đây hoàn toàn không phải chuyện "cá tháng tư" khi cả HĐND và UBND đều đã gật, thậm chí đã cắm đất, đã ra thông báo thu hồi đất giải phóng mặt bằng cho dự án.

Nhưng rụng rời nhất là nghe lời "tiết lộ" của một quan chức "tỉnh ta": Kinh phí xây dựng bảo tàng sẽ là 50-50, tức là nhà nước sẽ chi 30-35 triệu USD còn lại sẽ huy động từ nhân dân.

Ô hay, chả nhẽ tiền trong kho bạc nhà nước là tiền từ trên giời rơi xuống?

Nhưng khó chịu nhất là nghe giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai Phạm Văn Sáng giải thích nguyên nhân xây dựng bảo tàng ngàn tỷ, trên Vnexpress, là vì "trẻ em Việt Nam quá thiệt thòi, trẻ em mong muốn nhà nước có bảo tàng như vậy".

Thưa Phó thủ tướng, nay đương nhiệm Chủ tịch Quốc hội, cái thiếu trong những câu chuyện ngàn tỷ này, có lẽ, là trách nhiệm, thậm chí, là quan niệm đối với đồng tiền của dân, là cơ chế kiểm soát để tiền thuế của dân không trở thành vô chủ ai muốn làm gì thì làm.

Muốn tránh những "đề án 112", có lẽ, Chính phủ, Quốc hội nên stop những dự án ngàn tỷ, viễn vông và tối  tăm này ngay khi mới manh nha với những lý do lãng xẹt là "vì trẻ em".

Bởi tày liếp là cha mẹ chúng đã phải bớt sữa bớt cháo của con mình để đóng thuế xây nên những công viên nước cho nòng nọc tập bơi mang tên Hòa Bình hay "bảo tàng lau sậy" hình kim tự tháp lộn.



BLOG HIỆU MINH

Còn nhớ sau 1954, tại miền Bắc, hàng chục triệu nông dân vui sướng khi tên mình được ghi trên cái biển cắm trên mảnh ruộng.

Nhưng giấc mơ làm chủ của người nông dân ngắn chẳng tầy gang. Vài năm sau tất cả đã được hợp tác hóa. Từ mảnh ruộng đến con trâu, cái cầy đều thuộc vào sở hữu tập thể, một khái niệm cóp nhặt của Liên Xô và Trung Quốc.

Sự thất bại thảm hại của làm chủ tập thể và hợp tác xã không nằm ngoài tiên lượng. Cũng may, năm 1986, họ cũng biết "đổi mới", thực chất là sửa sai, hợp tác xã bị xóa bỏ.

Do chính sách khoán 10 "trả lại ruộng cho người nông dân", từ một nước phải đi xin viện trợ từng bao bo bo mà nước bạn dùng cho bò ăn, về phân phối cho dân chống đói, Việt Nam thành nước thừa gạo.

Diện tích cấy trồng vẫn thế, dân số tăng gần gấp đôi, thế mà xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới.

Nông dân được trả lại "giấc mơ người cày có ruộng" dù chỉ là 50 năm, sự kỳ diệu đã xảy ra trên đất nước này mà không cần bất kỳ sự chỉ đạo nào.

Hơn nửa thế kỷ sau, nhân danh hội nhập, phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đi tắt đón đầu, chuyện cướp đất của nông dân xảy ra như cơm bữa.

Ngày 22-7-2010, tờ báo Đời sống & Pháp luật đăng bài về Đoàn Văn Vươn, một kỳ tài đất Tiên Lãng và cuộc chinh phục biển. Hơn một năm sau, người hùng lấn biển nay đã ngồi tù.

Tôi nhớ bài viết có đoạn kết rất lãng mạn "Đứng với anh trên con đê nơi có cống Rộc, phóng tầm mắt nhìn ra, ngút ngát một mầu xanh, mầu xanh tươi từng thấm đẫm cả máu, mồ hôi và công sức. Phía xa hình như đang có một cơn giông."

Cơn giông thiên tai đã nghiệt ngã, từng cuốn trôi bao công sức và cả đứa con gái của anh, nhưng cuối cùng đã phải thua Đoàn Văn Vươn vì ý chí lấn biển làm giầu.

Nhưng cả tác giả bài viết và anh Vươn lại không tiên liệu "cơn giông nhân tai" mới thực sự tàn nhẫn.
Hơn một năm sau khi bài báo được đăng, tháng 1-2012, một cuộc cưỡng chế sai trái của chính quyền huyện Tiên Lãng đã xảy ra.

Tất cả chỉ vì miếng đất đẹp cạnh biển do người nông dân Vươn cùng gia đình khai khẩn mà nên và kẻ khác tìm cách cưỡng đoạt dưới danh nghĩa "Đất đai là sở hữu toàn dân và do nhà nước quản lý".

Ngày 4-4-2013, tòa án Hải Phòng đã tuyên án anh Vươn tù 5 năm. "Cơn giông nhân tai" ấy đã đưa anh và toàn bộ gia đình vào vòng lao lý, kết thúc giấc mơ lấn biển của một người nông dân từng mang áo lính.

Hôm nay, nếu anh Đoàn Văn Vươn được tha bổng tại tòa, về cống Rộc, nhìn lại cơ ngơi đã tan hoang, con gái bị biển cuốn trôi, anh em bị tù tội, thì liệu rằng anh còn ước mong chinh phục biển như xưa.

Kẻ nào đã đang tâm phá tan giấc mơ của Đoàn Văn Vươn cũng như của bất kỳ người nông dân nào có ý định khai phá ruộng hoang và ước làm chủ ruộng đồng.

Năm năm tù giam với một người đã đáng sợ. Nhưng đáng sợ hơn là sự tù đầy sức sáng tạo và ý chí vươn lên của mấy chục triệu người nông dân xứ Việt với giấc mơ muốn làm chủ mảnh ruộng của chính mình.

Ở thế kỷ 21 không phải quốc gia nào sở hữu vũ khí nguyên tử mới thống trị thế giới, mà chính là đất nước nào là nguồn cung cấp lương thực cho nhân loại sẽ lãnh đạo trái đất.

Hiểu điều đó rồi thì bàn về Hiến pháp và sở hữu đất đai sẽ dễ hơn nhiều, giúp cho giấc mơ của những người nông dân như Đoàn Văn Vươn không thể thành ác mộng.

HM. 5-4-2013
Tham khảo "Kỳ tài đất Tiên Lãng và cuộc chinh phục biển" trên viet-studies



BLOG NGUYỄN DUY XUÂN

Học sinh ở trường tiểu học Tân Thạch A, huyện Châu Thành (Bến Tre) đang bị cuốn hút vào trò chơi săn tìm những tấm thẻ nhựa in hình quốc huy Trung Quốc (XEM Ở đây). Tấm thẻ không có gì độc đáo, hình ảnh cũng không bắt mắt lắm đối với trẻ em ngoại trừ hình con "robot trái cây" nhưng tại sao lại thu hút sự chú ý của các cháu đến vậy ? Bảo là tìm mua đồ chơi này để khẳng định mình cũng có một mã số chứng minh như người lớn theo cách giải thích của các cháu ư ? Tôi không tin dù đấy là câu trả lời rất thực của trẻ con khi người lớn hỏi đến. Tôi nghĩ, không phải bỗng dưng các cháu học sinh tiểu học lại nghĩ ra cái trò này, một thứ trò chơi không ăn nhập gì với tâm lí lứa tuổi. Có hay không ai đó đã và đang lợi dụng trẻ thơ để thực hiện mưu đồ của mình ? Không phải chỉ để kinh doanh mấy cái thẻ có giá vài ngàn đồng bạc ?

Xâu chuỗi bao nhiêu sự việc từ trước tới nay bỗng thấy giật mình.

Từ chuyện thương lái Trung Quốc tận thu theo cách tận diệt mọi sản phẩm nông nghiệp, cây trái với mục đích sâu xa phá hoại sản xuất, hủy diệt môi trường, nguồn gen động thực vật; tuồn hàng hóa, thực phẩm độc hại vào nước ta đến chuyện quảng bá đường lưỡi bò qua sách báo, ấn phẩm, nhãn hiệu hàng hóa; xuất khẩu sách dạy cho trẻ em về lịch sử Trung Quốc, cờ năm sao, thẻ đồ chơi in hình quốc huy…Đáng buồn hơn, không hiểu do vô tình hay hữu ý, mưu đồ trên lại được sự "tiếp tay" tích cực của một số doanh nghiệp, cơ quan xuất bản…trong nước. Khi sự việc bị phát giác, tất cả đều có chung câu trả lời là do sơ suất, do nhân viên không cẩn thận để lẩn tránh trách nhiệm và tiếp tục cái sai của mình. Mới đây nhất, ngày 1-4, cư dân mạng lại phát hiện Big C Thăng Long tiếp tục dán cờ Trung Quốc 6 sao (chứ không phải 5 sao) lên trái cây. Nhầm lẫn ư ? Sơ suất ư ? Chỉ có những ai quen giả dối mới tin sự ngụy biện ấy.

Trong muôn hình của cái sự xâm nhập văn hóa ngoại bang, thâm hiểm nhất là nhắm vào thế hệ trẻ, rất trẻ. Một loạt sách học tiếng Anh vỡ lòng, sách dạy kiến thức, sách rèn trí thông minh cho trẻ em Việt Nam lại có nguồn gốc từ Trung Quốc. Và đương nhiên, từ nội dung cho đến hình ảnh minh họa đều là của Trung quốc. Người ta giải thích cái chuyện này là do phải tuân thủ hợp đồng bản quyền, bạn có tin được không ? Trẻ em Việt vừa bước vào ngưỡng cửa nhà trường đã thuộc lòng những câu chuyện lịch sử Trung Hoa, biết rõ cờ và quốc huy Trung Quốc như thế nào nhưng lịch sử nước nhà, hình hài Tổ quốc ra sao thì lại rất lơ mơ. Điều đó có đáng để chúng ta lo ngại không ? Mươi mười lăm năm nữa thế hệ hôm nay đang ở lứa tuổi lên sáu lên bảy sẽ ra sao ? Đã có ai trong chúng ta – những người lớn có trách nhiệm suy ngẫm một cách nghiêm túc về điều này ?

Tục ngữ có câu: "Mưa dầm thấm đất". Những chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ. Nếu các cấp chính quyền và cơ quan chức năng không vào cuộc một cách quyết liệt và thống nhất thì hậu quả sẽ khôn lường. Lúc đó, liệu chúng ta muốn "sửa sai" cho cả một thế hệ phỏng có được không ?

"Mưa dầm thấm đất" hay là âm mưu thâm độc của ai?

01-04-2013
Nguyễn Duy Xuân
Xem Văn hóa Nghệ An



BLOG QUÊ CHOA

Nguyễn Tuân

Nhân đọc bài báo "Cổ súy cho "tự xử" là triệt tiêu công lý!" của Đức Hiển, tôi muốn trao đổi lại một số vấn đề dưới đây, nhờ Bọ Lập Quê choa đăng giùm.

1.     Tác giả viết: "Không thể có công lý nếu mọi người bất chấp pháp luật và hành xử theo cách của mình!". Như ta đã biết, công lý và pháp luật là 2 khái niệm khác nhau nhưng có quan hệ hữu cơ và biện chứng với nhau. Pháp luật (bao gồm cả thực thi pháp luật) phục vụ cho phẩm giá của con người (nền tảng là các quyền tự nhiên của con người), tức là phục vụ cho lẽ phải, cho công bằng thì mới đưa lại công lý và ngược lại công lý sẽ không bao giờ có được nếu pháp luật bất công và không vì phẩm giá con người.

Do đó, khó có thể nói rằng cứ tuân thủ pháp luật là có công lý và bất chấp pháp luật là xa rời công lý.

2.      Tác giả viết: "Điều gì sẽ xảy ra nếu bất kỳ ai cũng có thể chọn con đường dùng vũ lực, vũ khí chống lại lực lượng cưỡng chế khi cho rằng mình bị chính quyền xử ép? Cổ súy cho điều đó là vô hiệu hóa pháp luật, trật tự xã hội sẽ đảo lộn".

Soi rọi từ lịch sử, ta thấy rằng không có một nhà nước nào tồn tại vĩnh hằng cả. Nếu nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân thì nhà nước ấy đứng vững vì được dân thương yêu, ủng hộ. Ngược lại, nếu nhà nước ấy dùng cường quyền xử ép, hà hiếp, áp bức dân thì tức nước vỡ bờ hay con giun xéo lắm cũng quằn là chuyện tất yếu, cho dù cổ súy hay không cổ súy. Nhìn rộng ra, trong thế giới vạn vật cũng vậy, vật chất tồn tại bằng cách vận động, thay đổi không ngừng. Xã hội cũng vận động, phát triển bằng cách thay đổi hình thái này bằng một hình thái khác. Nếu không vận động thì xã hội làm sao thay đổi, phát triển? Nếu không làm cách mạng làm sao chúng ta giành được độc lập từ ách đô hộ tàn bạo từ Pháp, Nhật? Nếu tôi nhớ không lầm thì chính học thuyết Mars dạy rằng "đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội".

Chưa dám nói rằng hành vi của Đoàn Văn Vươn là biểu hiện của đấu tranh giai cấp nhưng phải nhìn nhận rằng Đoàn Văn Vươn đã gây một tiếng vang khiến cho chính quyền phải nhìn nhận sai lầm của mình và một số quan chức đã bị trừng phạt. Nếu Đoàn Văn Vươn cứ cúi đầu cam chịu thì liệu "trật tự xã hội" đến bao giờ được "đảo lộn" như vậy? Mặt khác, hành vi của Đoàn Văn Vươn nên được nhìn nhận như là một sự phản kháng tự nhiên nhằm bảo vệ phẩm giá của mình khi không còn con đường nào khác. Phải đặt mình vào hoàn cảnh bức bách của ông ấy thì mọi chuyện ta sẽ rất dễ thông cảm (cần phải thấy rằng việc ông Vươn dùng vũ khí là bất đắc đĩ, không còn cách nào khác vì thực tế đã áp dụng mọi biện pháp "chống đối" mà pháp luật cho phép rồi nhưng đều không được giải quyết thỏa đáng, ví như khiếu nại, khởi kiện). Chắc chắn sẽ có nhiều người đồng tình với nghệ sĩ Kim Chi khi bà trả lời BBC rằng "Ai mà cướp đi sự sống của tôi một cách vô lý thì tôi cũng hành động như thế".

N.T
Tác giả gửi Quê choa
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét