Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Ghé thăm các blogs: 12/04/2013 (Diễn Đàn Thế Kỷ)

Nguồn diendantheky


BLOG ĐÀO TUẤN

Đồng Nai "sẽ bảo vệ quan điểm đến cùng"- Phó trưởng Đoàn ĐBQH Trương Văn Vở từng khẳng định. Đà Nẵng sẽ đưa vấn đề thủy điện không xả nước ra trước Quốc hội- Phó trưởng Đoàn ĐBQH Huỳnh Nghĩa tuần trước vừa tuyên bố. Còn ở Quảng Ngãi, Sông Tranh lại "rung rinh". Không ai nhớ đã là lần rung rinh thứ mấy trăm, hay đã đến con số cả ngàn.

Tất cả chúng đều có một điểm chung không khó để nhận ra: Thủy điện.

Ngày hôm qua, trước Quốc hội, khi bàn về nội dung giám sát tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thẳng thắn đề nghị Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao đối với "thủy điện". "Năm nào cũng có vấn đề về thủy điện". Nhắc đến hai chữ "Sông Tranh", bà Mai nói "Dù đã có các báo cáo nhưng chúng tôi chưa thỏa mãn, chưa yên tâm".

Ừ thì nói như một vị ĐBQH khác, rằng chọn giám sát đối với thủy điện chỉ là "Chọn vấn đề bức xúc của xã hội". Bởi "Nhưng Thủy điện chỉ giải quyết được vấn đề dư luận". Nhưng liệu có vấn đề nào "tầm cỡ" hơn, đáng quan tâm hơn là những điều mà dư luận xã hội đang bức xúc, nhân dân đang bất an. Liệu có vấn đề nào là ít ý nghĩa hơn khi một chính sách, phát triển thủy điện, nhân danh nhân dân, đang gây ra sự phản ứng ở hầu khắp các địa phương, trong đa số nhân dân?!

Đồng Nai cho biết họ "bảo vệ quan điểm của mình tới cùng", "bằng tất cả cách kênh", "kiên quyết không đồng ý với việc xây hai thủy điện Đồng Nai 6, 6A". Bởi thủy điện 6, 6A đồng nghĩa với việc lấp sông, cắt Vườn với những hệ lụy xảy ra "ngay tại vùng lõi".

Trong khi đó, ở Đà Nẵng, thời tiết khô hạn khiến hạ lưu sông Vu Gia nguồn cung nước cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của 1,7 triệu dân 2 tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng bị nhiễm mặn nghiêm trọng, thậm chí, có thời điểm gấp đến 26 lần mức cho phép. Thậm chí, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản yêu cầu thủy điện Đắk Mi4 phải xả nước. Đổi lại, là lý do "phải tiết kiệm nước".

Ấy thế mà không biết chừng vào mùa lũ, Đắk Mi4 sẽ lại "xả lũ".

Còn ở Quảng Nam, vụ Động đất mới nhất xảy ra hôm 7.4. Trước đó là trận ngày 5.3. Trước đó…Trước đó…

Từ thủa…thủy điện, 1.777 ngôi nhà, 32 công trình công cộng, trường học ở Bắc Trà My bị động đất làm hư hại, xuống. Nhớ hôm Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đi thị sát, Chủ tịch Bắc Trà My Đặng Phong nói run run : "Người dân bỏ bê hết ruộng rẫy. Đã có 5 hộ bán nhà đi, 34 hộ dân khác bỏ nhà đi nơi khác, rất nhiều nhà dân dọn xuống lều riêng để ở vì sợ sập nhà bêtông. Tết năm nay nơi này trầm lắng chưa từng thấy".
Tàn phá môi sinh. Đe dọa nguồn nước và uy hiếp đời sống, tính mạng của người dân. Tất cả những thứ đó, thật kinh khủng, lại đang được gây ra bởi thủy điện, thứ năng lượng sạch tưởng chừng được phát triển là vì dân.

Hôm qua, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng khẳng định sẽ tổ chức phiên điều trần về các vấn đề liên quan đến thủy điện. Điều đó là cần thiết, nhưng chưa đủ. Bởi việc phát triển thủy điện một cách ồ ạt cần phải được đặt ra và xem xét nghiêm túc bằng một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội. Bởi không thể phát triển bằng mọi giá. Lại càng không thể đánh đổi sự phát triển bằng nỗi bất an của người dân.


BLOG ĐÀO TUẤN

Vì sao người ta chán sử? Bởi trong sử, ngoài sử toàn zombi. Bởi cách học sử, chỉ đơn giản, nhồi như nhồi bánh đúc vào mề gà. Và nền sử học thiếu hẳn những người dám đổi cái đầu để lấy vài chữ "Thôi Trữ giết vua" chẳng hạn.

Đề cương môn sử, tất nhiên cả những thứ người ta thanh minh rằng "chỉ là giấy nháp", đã "bay như bướm" tại một trường học, trong một cảnh tượng "như bãi chiến trường", và sau chỉ một thông báo nho nhỏ của Bộ Giáo dục rằng năm nay sẽ không thi tốt nghiệp môn sử.

Chỉ sau một buổi chiều, mạng internet đã ngập tràn những bình luận. Báo chí, với tính nhanh nhạy thường trực, đã phỏng vấn cả chục giáo sư, tiến sĩ, nhà sử học, nhà giáo dục…

"Tôi thấy buồn"- một thầy giáo dạy sử nói.

"Sử là môn bị coi thường nhất trong các môn học…Đến tiết sử, trò không muốn học, thầy cũng không muốn dạy"- một thầy giáo khác nói.

Phải "làm thay đổi nhận thức, phải làm sao cho thầy cô, học sinh và cả xã hội nhận thức lại giá trị môn sử trong chương trình họ"- Một tiến sĩ nói.

Rồi thì "Cái hỏng nhất của giáo dục hiện nay là người ta chỉ lo học để đối phó, dạy đối phó chứ không phải là thực học". Rồi thì "Môn sử cũng được xem là môn phụ" và "ngành giáo dục sắp xếp lại cơ cấu môn sử ở một vị trí quan trọng sẽ khôi phục vị trí môn sử".

5 người 10 ý. Ai cũng nói buồn.

Và thật tình cờ, nỗi buồn nào cũng có vẻ rất đạo mạo.

Nhưng câu chuyện xé sách của học sinh, mà hẳn là ngành giáo dục sẽ cho là cá biệt, xem ra, nên mừng hơn là nên lo.

Cái mừng, bởi chính những học sinh với hành vi kể cả nói theo kiểu "to chuyện" là "xé sách", đang chứng tỏ cho các nhà sử học, các nhà giáo dục, và người lớn thấy lịch sử là món bồ hòn đến như thế nào.

Có người nói sử của ta chỉ đơn giản là ta thắng địch thua (Nếu ta có thua, cũng là thua trên thế thắng, hoặc thua để mà thắng).

Sử học của chúng ta là vô số những con số, là bao nhiêu bao nhiêu đó quân địch bị tiêu diệt. Vô hồn. Vô nghĩa. Mà muốn lĩnh hội, cách thức duy nhất là nhét hết vào… sọ.

Đó là nền sử học mà cuộc tàn sát cả một dòng họ được mô tả là cuộc chuyển giao đẹp đẽ nhất trong lịch sử phong kiến. Trong khi một triều đại có công thống nhất giang sơn, mở cõi sơn hà nhận được một cái gạch chéo chỉ vì đã để mất nước, như bao triều đại khác.

Và đó là một thứ sử sách mà những nhân vật chết khô như zombi, bởi họ chỉ tốt, không xấu. Chỉ anh hùng, không được làm người với ái ố hỉ nộ. Hậu quả của một nền sử học thiếu hẳn những sử gia dám đổi cái đầu lấy 4 chữ, chẳng hạn "Thôi Trữ giết vua".

Năm ngoái, trả lời Tuổi trẻ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận thản nhiên nói "Hàng ngàn điểm 0 môn sử là bình thường".

"Nhớ ngày tháng cũng cần- Bộ trưởng nói- Ngày thành lập Đảng, ngày sinh Bác Hồ có cần nhớ không? Vì vậy, tôi cho rằng không nên cực đoan một chiều. Có những thứ máy móc phải bỏ, nhưng có những ngày tháng sự kiện máu thịt buộc phải nhớ và sẽ không thay đổi yêu cầu này. Ngày giỗ bố, mẹ, ông bà phải nhớ chứ. Anh có thể ra nước ngoài nhưng ngày giỗ bố mẹ anh thì phải nhớ, hay ngày Tết cổ truyền anh không được phép quên.

Nhưng ghê nhất là câu này:
"Tôi đồng ý là nhiều bạn trẻ VN thuộc lịch sử Trung Quốc nhưng đó không phải là chuyện của giáo dục mà là chuyện của xã hội. Người ta thuộc sử Trung Quốc hơn không phải do được dạy, phải học lịch sử, cách dạy sử Trung Quốc hay mà là do đọc truyện, xem phim. Đừng nhầm lẫn chỗ này. Người ta có thể xem phim Tam Quốc, Thủy Hử, Đường Minh Hoàng… nên không chỉ thanh niên thuộc sử Trung Quốc mà cả người lớn nữa cũng có thể thuộc sử, hiểu sử Trung Quốc hơn sử VN. Cái đó không phải giáo dục từ trường học. Đó là câu chuyện không chỉ của ngành giáo dục nữa và một mình ngành giáo dục không làm được".

Và, với tư cách tư lệnh ngành giáo dục, Bộ trưởng Luận hứa "Sẽ cần bàn bạc, tìm tòi để thay đổi, có thể thay đổi mục tiêu, chương trình, phương pháp dạy và học hoặc thay đổi toàn diện…".

Cứ tưởng ông sẽ làm một cuộc cách mạng giáo dục. Nhưng hóa ra, cuộc cách mạng đó bắt đầu bằng việc bỏ sử.

Vì sao người ta chán sử? Bởi trong sử, ngoài sử toàn zombi. Và cách học sử, chỉ đơn giản, nhồi như nhồi bánh đúc vào mề gà.



BLOG ĐÀO TUẤN

Nhắc đến VietNam Airline, hẳn nhiều người sẽ mỉm cười nghĩ đến diễn viên hài Công Lý với "Bài ca Sorry Airline" nổi tiếng. Người khác sẽ thở dài trước những chướng tai gai mắt. Hoặc tệ hơn, sẽ chửi thề
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu hôm 4.4 bất ngờ ký một công văn gửi Vietnam Airlines và một số hãng hàng không khác yêu cầu "chấn chỉnh thái độ và chất lượng phục vụ hành khách trên các chuyến bay và tại các cảng hàng không".

Công văn này có nhắc tới "chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ của nhân viên hàng không trên một số chuyến bay và tình trạng hủy chuyến bay.." dù là trong phòng khách VIP. Có lẽ là không vô tình, công văn không nêu đích danh, nhưng nhắc tới "kể cả một số hành khách là khách ưu tiên và cán bộ cấp cao Nhà nước".

Nhắc đến VietNam Airline, hẳn nhiều người sẽ mỉm cười nghĩ đến diễn viên hài Công Lý với "Bài ca Sorry Airline" nổi tiếng. Người khác sẽ thở dài trước những chướng tai gai mắt. Hoặc tệ hơn, sẽ chửi thề.

Người cần phải cảm ơn, không phải là Thứ trưởng Tiêu, khi cái công văn chấn chỉnh này giờ là quá chậm trễ, và cũng chẳng ai tin là văn hóa sẽ được tạo lập luôn và ngay chỉ sau một mệnh lệnh hành chính chung chung- Người cần cảm ơn chính là vị "cán bộ cao cấp Nhà nước" nào đó khi ông bị đối xử và có phản ứng về những điều người dân vẫn bị đối xử và không bao giờ dám phản ứng nếu không muốn bị gô cổ, phạt tiền, thậm chí, bị "cấm bay".

Nếu bạn không nhớ, thì xin nhắc lại, người từng bị còng tay như tội phạm là một HLV tuyển Taekwondo quốc gia chứ không phải diện quần thoa, hay thư sinh trói gà không chặt như đa số "khách bị hành". Hồi đầu năm 2011, sau vụ còng tay, cư dân mạng đã sáng tác ra một nội quy mới, dành cho khách hàng của "hãng Sorry Airline", đến giờ vẫn là câu chuyện cười ra nước mắt:
1. Khi bạn không gọi đồ ăn, nếu tiếp viên mang đến cho bạn, bạn bắt buộc phải ăn vì nếu không sẽ bị khép vào tội "Dám bật lại tiếp viên".
2. Khi hành khách đã lên máy bay nếu muốn xuống phải được sự đồng ý của tiếp viên, nếu không sẽ phải xuống theo phương song song với mặt đất.
3. Khi hành khách trọn đời không muốn bay với Sorry Airline, hãy lên báo và có ý kiến "góp ý, xây dựng".
4. Đừng bao giờ cố gắng tranh cãi với Sorry Airline, hoặc bạn sai hoặc Sorry Airline luôn đúng.
5. 80% tiếp viên của Sorry Airline là bất lịch sự, 20% còn lại thì không biết "lịch sự" nghĩa là gì.
6.Nếu bạn bay với Sorry Airline và chuyến bay của bạn đến sân bay đích đúng giờ, bạn nên xem lại đồng hồ, có thể bạn đã bị trễ chuyến 24 tiếng.

Thưa thứ trưởng Tiêu, những điều ông hôm nay ra công văn chấn chỉnh đã ít nhất tồn tại từ bấy giờ.

Lê la sân bay đã trở thành "Chuyện thường ngày ở huyện".

18% số chuyến bay bị chậm, hủy. 540 chuyến bay phải "sorry" chỉ trong mấy ngày tết. Và, với một giọng dịu dàng nhất, chúng ta được giải thích là do "Lỗi kỹ thuật".

Xin lỗi là một hành vi văn hóa, đáng được trân trọng, nhưng một lời xin lỗi sáo rỗng, với một lý do nhạt toẹt "sự cố kỹ thuật" nói đi nói lại cả vạn lần, tạo ra sự bất bình, ức chế đến nỗi người ta gán luôn cho hàng hàng không là "Sorry Airline" thì nói thật, đó không còn là văn hóa nữa.

Êm ái quá, êm ái đến phát sởn da gà. Cười nhạt quá, lạnh quá, đôi khi nó giống với việc nhe răng. Liệu có văn hóa nào tạo lập trên sự độc quyền?

Có người nói lối hành xử của ngành hàng không y như ngành điện, lơ mơ là cắt điện liền, không nói nhiều. Và lối hành xử đó chỉ có thể tồn tại khi khách hàng của những ngành này không còn bất cứ sự lựa chọn nào khác.

Trong những lời đàm tiếu về "Sorry Airlines", có những điều hoàn toàn nghiêm túc: "Từ Sorry Airlines, hiệp hội hàng không thế giới đưa ra định nghĩa mới về hãng hàng không mẫu mực như sau: "Một hãng hàng không mẫu mực là hãng hàng không biết tha thứ cho khách hàng khi… chính họ sai". "Sorry Airline không có thời gian để sửa hình ảnh của mình bởi vì họ quá bận rộn trong việc quảng bá hình ảnh của đất nước".

Khi người dân đàm tiếu, diễu nhại, có nghĩa họ không còn tin vào sự nghiêm túc nữa rồi.



BLOG GÓC CỎ  MAY

Chuyện gia đình anh em họ Đoàn dùng súng bắn chim (bắn đạn ghém chì) hay còn gọi "súng hoa cải" để giữ mảnh đất khai hoang lấn biển của mình đã được dư luận bàn tán nhiều rồi. Đồng chí X thì dù chê trách các đệ tử của mình ở Hải Phòng là "sai toàn diện", nhưng cũng không quên nhắc nhở thuộc cấp bên dưới phải "khẩn trương đưa vụ án "giết người và chống người thi hành công vụ" ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật". (Xem ở đây).

Đó chính là lý do khiến anh em nhà ông Vươn bị tuyên án 15 năm rưỡi tù giam. Còn 2 bà vợ bị 33 tháng án treo (chắc tội chi tiền mua súng?).

Quan điểm của chính quyền từ cấp thượng tầng thì đã rõ. Còn tầng lớp thảo dân bên dưới, đa phần khen ngợi hành động của anh Vươn và gia đình chống lại lệnh cưỡng chế là đúng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chống bằng cách nổ súng là sai. Vậy phải làm cách nào cho hay và tốt hơn?
Ta thử tham khảo qua mấy trường hợp sau đây!

- Cách đây ngót một năm, vào trưa ngày 22/5/2012, tại Quận Cái Răng TP Cần Thơ, do không tán thành với mức đền bù qúa rẻ mạt của Công ty cổ phần xây dựng số 8 thuộc CIC 18 (Bộ Xây dựng) trên miếng đất của mình đã bỏ tiền ra mua và sống hợp pháp tại đó suốt mấy chục năm, bà Phạm Thị Lài (sinh năm 1960) và con gái là Hồ Nguyên Thủy (sinh năm 1979), cực chẳng đã phải cởi truồng để giữ đất. Mà cũng không tài nào giữ được. Hai mẹ con bà đã bị đám vệ sĩ dùng vũ lực thô bạo đàn áp bằng cách lôi sềnh sệch trên cát, bãi cỏ và các đống vật liệu trong tình trạng khoả thân dưới cái nắng gay gắt. (Xem tại đây). Sau đó còn bị Công an quận Cái Răng (Cần Thơ) đề nghị xử phạt gia đình bà Lài 1,5 triệu đồng về hành vi cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và phạt 80.000 đồng vì vi phạm thuần phong mỹ tục vào ngày 19/6/2012. (Xem ở đây).

- Trước vụ "khoả thân giữ đất" đúng hai năm, một vụ cũng khá ầm ĩ nhưng nay cũng đi vào quên lãng đó là vào ngày 25/5/2010, trong cuộc biểu tình giữ đất vì mức đền bù chưa thỏa đáng tại địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu Nghi Sơn Thanh Hóa, em Lê Xuân Dũng, 13 tuổi, một học sinh ngoan học giỏi ở xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, đã bị trúng đạn của sỹ quan CA Nguyễn Mạnh Thư (CA huyện Tĩnh Gia) vào bụng chết ngay tại chỗ. Một người nữa dính đạn và chết vào 5 hôm sau là anh Lê Hữu Nam, 43 tuổi bị đạn bắn vào đầu. Ngoài ra có Bà Lê Thị Thanh, 37 tuổi bị trúng đạn xuyên táo vào tay, bị thương. Cả hai nạn nhân người lớn đều cùng làng với em Dũng. Các phát đạn bắn gần, bắn thẳng này được cho là "bắn chỉ thiên" cảnh cáo và cướp cò. (Xem ở đây và ở đây).

- Nhắc đến cái tên Dũng, ở quê, tôi có thằng bạn đồng môn cấp 1, 2 trường làng là thằng Dũng (trong giấy khai sinh tên là Lê Đình Hỷ). Nhà nó có mấy sào đất được sở hữu hợp pháp từ sau cải cách ruộng đất. Đến năm 2008, Hà Nội mở rộng, đất bị qui hoạch (treo) thành Khu đô thị mới Thăng Long 9. Mức đền bù giá bèo chỉ được 45 triệu VNĐ/sào (360 m²), trong khi giá thị trường đất sát đường QL.32 lúc đó tới hơn trăm triệu một m². Tiếc của, không nhận đền bù, Dũng-Hỷ mang bàn thờ tổ tiên ra giữ đất. Bị chính quyền bắt giam và truy tố ra toà về tội "chống người thi hành công vụ". Kết cục đất vẫn không giữ được và còn bị 2 năm bóc lịch nữa. (Xem ở đây).

Dân oan cả nước kéo về vườn hoa Mai Xuân Thưởng Hà Nội khiếu kiện về đất đai. Ảnh: Vietnamexodus
Như vậy, nếu gia đình anh Đoàn Văn Vươn mà cứ ngoan ngoãn chấp hành nghiêm lệnh cưỡng chế "sai toàn diện" của huyện Tiên Lãng, thì chắc chắn vụ này sẽ rơi tõm vào quên lãng. Đất cũng không giữ được. Mà tù tội là ở nhãn tiền. Bởi trong thực tế ở ta, chính quyền là luôn luôn đúng. Toàn bộ gia đình anh sẽ mang công nợ (các khoản "nợ xấu") và anh sẽ phải đối diện với các án phạt tù với các tội "lừa đảo chiếm dụng vốn" của ngân hàng cũng chưa biết chừng. May hơn chút nữa, thoát tù tội thì suốt đời vợ chồng mấy anh em nhà anh sẽ sống trong bần cùng và sẽ phải gia nhập đội quân dân oan đi khiếu kiện vượt cấp ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Ba Đình, Hà Nội: "làm xấu hình ảnh thủ đô" (Lời Nguyễn Thế Thảo - Tổng đốc HN thời nay) là không cần phải bàn cãi.

Trong các tình huống đặng chẳng đừng đó, rõ ràng tiếng súng hoa cải (không làm chết ai) của anh em Đoàn Văn Vươn là sự lựa chọn sáng suốt nhất. Tiếng súng ấy"đã khiến cả một xã hội choàng tỉnh, nó khởi đầu cho một thời kỳ mà người ta không còn nghĩ rằng, cứ người nhà nước là bất khả xâm phạm. Nó buộc những kẻ nhân danh nhà nước để làm bậy phải chùn tay…" (nhận định của blogger Phương Bích)

Về ý nghĩa sâu xa, "tiếng súng hoa cải" Đoàn Văn Vươn còn là tiếng súng yêu thương nhằm lay động một chút lương tri còn sót lại của cái thể chế mà bố anh đã từng hàng chục năm phụng sự (là Bí thư Chi bộ đảng ở địa phương). Rồi đến lượt anh từng là sỹ quan quân đội. Phục viên cởi áo lính anh lao vào học thành kỹ sư canh nông trồng rừng. Nhận bằng tốt nghiệp, anh không màng chốn quan trường. Để lao vào chinh phục một vùng đồng biển khó khăn gian khổ vào bậc nhất nước này. Điều đó cho thấy cái bản án "giết người" mà đảng, nhà nước ở Hải Phòng nói riêng và ở cả nước nói chung đối với anh em họ Đoàn chính là sự kết tội và bỏ tù chính cái động lực phát triển đáng qúi nhất trên đất nước giữa cơn suy thoái kinh tế trầm trọng hiện nay.

Nó lại diễn ra trong thời điểm quan trọng: sửa đổi Hiến pháp 1992! Đã cho thấy cái"Đảng cầm quyền thay vì nắm bắt tư duy của thời đại và ý chí của nhân dân, chỉ có thể loay hoay trong một cái vòng tự vẽ". Và cái "Hệ thống chính trị, trải qua nhiều thế hệ, càng về sau lại càng có ít khả năng khắc phục sai lầm". Như nhận xét của nhà báoHuy Đức là chính xác hoàn toàn!



BLOG NGUYỄN QUANG VINH

Mấy ngày tòa xử anh em nhà họ Đoàn, cả trên báo chí chính thống (dù chỉ được đưa tin theo kiểu tăng phản ánh kết quả, giảm bình luận), trên các kênh truyền thông xã hội, truyền thông chém gió vỉa hè, âm ỉ trong từng gia đình, công sở, bàn phát sốt. Có thể quan điểm có khác, thậm chí chênh nhau, thậm chí còn bị soi là có kẻ thù địch ở đâu đó giật dây kích động, thì vẫn phải khẳng định là mối quan tâm của cộng đồng với số phận anh em họ Đoàn rất nóng, từng buổi một, từng ngày một, từng chi tiết một.

Đến giờ, qua hai ngày xét xử các quan phạm tội trong vụ cưỡng chế đầm Vươn, gọi nôm là vụ Vươn 2, thì không khí chùng xuống đến ngạc nhiên: Báo chí đưa tin một cách trể nãi và đơn điệu, công chúng thì chẳng mấy ngó ngàng gì đến, trên mạng xã hội hình như cũng quên…Nói theo ngôn ngữ sân khấu hồi kịch Vươn 1 viết khá, đạo khá, âm thanh, tiếng động, nhạc khá, cuốn, hấp dẫn , nhưng đến hồi kịch Vươn 2, nhạt hẳn, đuối, chán, chẳng bõ xem.

Vì sao nhạt?

Nhạt 1: Vì sai kịch. Vấn đề kịch ở Vươn 2 hoàn toàn không chỉ là cái nhà hai tầng (lúc xảy ra nhiều bác quan cứ đau đáu ghi vào tim mình cái chữ lều cơ). Cái nhà ấy chỉ là một trong nhiều thứ thiệt hai mà gia đình họ Đoàn đã cay đắng gặt hái phải vụ cưỡng chế trái pháp luật. Hàng mấy năm đi khiếu nại, rồi xử, rồi khiếu nại, thậm chí còn bị tòa lừa, là ngần ấy thời gian gia đình họ Đoàn thấp thỏm, không dám đầu tư, không dám làm ăn lớn, cò cưa sinh sống vậy qua ngày qua tháng để đợi kết quả khiếu nại. Và tới khi một lệnh cưỡng chế sai bét tung ra, cộng tất tần tật thiệt hại thì nói như anh Vươn phát biểu trước tòa là không thể biết đã thiệt hại bao nhiêu tỉ, chứ không hẳn là con số mấy trăm triệu được tòa công bố. Kịch sai nên nhạt. Người ta chăm chú vào việc xử việc bắn chết một con chim và đền một con chim mà không thèm tính đến, vì phát súng bắn chết con chim đó mà cả đàn chim ngàn con bay mất. Khi xem kịch, khán giả thấy kịch sai thì chán, ngáp, bỏ về, nói chuyện, hoặc ngủ, thì vụ án này cũng thế, nhận định thiệt hại chưa tới nơi tới chốn, chưa tổng quát, chưa chính xác thì còn gì để xem? Nếu đặt lên bàn cân công lý phép cộng của những thiệt hại sau mấy năm chính quyền gây khó cho dân, ngáng trở dân, dọa dẫm dân, thì tội của mấy quan kia cộng lại sẽ là bao nhiêu năm tù cho xứng, và đó không còn là tội " hủy hoại tài sản" nữa.

Nhạt 2: Ừ thì nếu cứ coi kết tội loanh quanh việc phá cái nhà anh em họ Đoàn đi, làm sao mà điều tra khó nhọc đến thế, làm sao mà phải nhiều tháng mới bắt, mới túm được tay day được trán người phạm tội như vậy, chắc chắn, với tài năng và kinh nghiệm của các điều tra viên, việc tóm cổ lũ phạm tội chỉ trong khoảnh khắc. Một vụ điều tra tội phạm như vụ này dễ lắm, vì nó không phức tạp, xe ủi của ai, biết rồi, ai thuê biết rồi, ai gọi biết rồi, hỏi lui hỏi tới vài ngày ra cả dây. Dân cũng biết thừa. Và không cãi được vì nó rành rành ra đó. Nhưng mà mãi không khởi tố bị can được, mãi không kết tội được. Dư luận không ai nói gì nhưng họ biết cả đấy. Kịch như thế gọi là kịch kẹo kéo, hết kịch rồi còn kéo, thấy rõ can phạm rồi vẫn kéo, vẫn chưa kết luận, vì thế nó nhạt, chán không muốn bàn. Đụng vào dân thì hăng thế, ầm ầm, đàn bà con trẻ đang đứng trên đê xa cả cây số cũng bắt ngay, còn mấy bác quan rõ tội, rõ lệnh, rõ hành vi mà kéo những nửa năm…Kẹo kéo thế là nghĩa làm sao? Nhạt.

Nhạt 3: Cái nhạt này nằm ở tình hình chung, dân gian biết rồi, xử quan bao giờ mà chẳng nâng lên thật cao rồi quạt gió phát mát rười rượi, người ta không còn tin vào sự nghiêm minh khi xử quan, trái lại người ta lo lắng sợ pháp luật chồng chềnh quả tạ rơi mạnh vào đầu dân đen khốn khổ. Thì hóa ra đúng trong vụ này, cáo trạng lừng lững tội danh, lừng lững điều khoản, lừng lững án phạt những 5 năm, những 10 năm, những 12 năm, vèo cái chẳng hiểu sao, tình tiết không thay đổi, chứng cứ không thay đổi mà cuối cùng thì treo treo treo treo. Làm thế dư luận không buồn theo dõi là phải, nhạt là phải. Nhạt này là nguy cơ, nguy cơ mất niềm tin vào cơ quan công quyền, nguy cơ này tất nhiên cao gấp triệu lần nguy cơ khán giả quay lưng với vở kịch nhạt ở nhà hát.'

Nói thế không có nghĩa là mong người ra toà phải chịu án nặng. Nhà tù không phải là nơi mong muốn của con người. Nhưng khi đã sinh ra nhà tù, sinh ra án phạt, thì mọi thứ đều phải rành mạch, rõ ràng, tội đã kết phải xử đúng tội. Xử anh Vươn tội giết người mà án 5 năm ( dù dư luận mong anh Vươn trắng án) cũng là xử sai. Xử các quan thấp tụt dưới khung cáo trạng mà không có lấy lý do thuyết phục nào cũng là xử sai.
Kịch sai thì không thành tác phẩm.

Nếu cứ xử sai kiểu này bất thành tòa.

Bất thành tòa thì bất thành công lý.

Rứa thôi.


BLOG PHƯƠNG BÍCH

Phương Bích - Tôi vẫn cho rằng, tiếng súng Đoàn Văn Vươn rất có ý nghĩa. Nó đã khiến cả một xã hội choàng tỉnh, nó khởi đầu cho một thời kỳ mà người ta không còn nghĩ rằng, cứ người nhà nước là bất khả xâm phạm. Nó buộc những kẻ nhân danh nhà nước để làm bậy phải chùn tay. Điều đó đã được chứng minh rằng, những người dân còn lại đã được yên ổn làm ăn trên mảnh đất mà họ đã dày công khai khẩn. Rất nhiều người biết ơn Đoàn Văn Vươn...

*

Trong cuốn 17 khoảnh khắc của mùa xuân (tác giả Yulian Semyonovich Semyonov), có một đoạn viết về suy nghĩ của một sĩ quan ghetapo như sau: "không có gì làm con chó săn điên tiết bằng sự chạy trốn của con thỏ. Nhưng quả thật hắn không biết điều gì sẽ xảy ra, nếu con thỏ nằm xuống và chổng bốn vó lên trời?"

Giả thiết trên khiến tôi liên tưởng đến trường hợp nổ súng tự vệ của anh em Đoàn Văn Vươn. Nhiều người cho rằng hành động chống lại việc cưỡng chế là đúng, nhưng chống lại bằng việc nổ súng lại là sai. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Đoàn Văn Vươn không nổ súng mà hành động giống như con thỏ kia? Hoặc điều gì sẽ đến nếu cả Đoàn gia lấy thân mình dàn hàng ngang, để ngăn cản cảnh sát cơ động cùng chó becgiê?

Tôi đồ rằng, Vươn chỉ cần động thủ là sẽ bị khép ngay vào tội chống người thi hành công vụ. Thế nên tôi rất lấy làm thắc mắc, vậy anh em họ Đoàn phải chống lại bằng cách gì, thì hành động chống cự đó mới có thể hữu hiệu?

Môt lần công an bắt nhà báo Đoan Trang, đưa về trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà cùng nhiều người biểu tình khác. Khi bị "lấy lời khai", nhà báo Đoan Trang vặn lại: "Thế theo anh, người dân phải làm thế nào để nói lên được chính kiến của mình?" Viên công an trả lời loanh quanh, là phải gửi đơn đến phòng tiếp dân theo đúng trình tự.

Thằng cha này đúng là quan liêu. Lẽ ra nên điều hắn về phòng tiếp dân, cho hắn chết ngạt dưới đống đơn từ khiếu nại của người dân thì hắn mới biết thân.

Một người trên facebook viết:

"Những Đoàn Văn Vươn không nổ súng đang nằm đầy các vỉa hè...
Có ai xử cho họ không???
Người ta gọi họ là "Dân Oan"
Và họ bị chìm vào quên lãng..."

Trở lại hành động nổ súng của anh em Đoàn Văn Vươn, tôi nhớ có một ý trong lời khai của Đoàn Văn Vươn, rằng anh buộc phải hành động như vậy để vụ việc được hình sự hóa, mới khiến cho cái bộ máy quan liêu này nhúc nhích và thực sự vào cuộc. Còn cứ đi khiếu nại thì sẽ không một ai giải quyết cho anh cả. (Thực tế, anh đã đi khiếu nại suốt cả mấy năm trước đó).

Cái ước muốn phiên tòa xử anh em họ Đoàn, không được công minh hơn thì chí ít cũng phải bằng với phiên tòa thực dân Pháp nó xử dân anamit nhà mình, cách đây hơn tám chục năm ở Nọc Nạng nghe sao mà giễu cợt?

Tôi vẫn cho rằng, tiếng súng Đoàn Văn Vươn rất có ý nghĩa. Nó đã khiến cả một xã hội choàng tỉnh, nó khởi đầu cho một thời kỳ mà người ta không còn nghĩ rằng, cứ người nhà nước là bất khả xâm phạm. Nó buộc những kẻ nhân danh nhà nước để làm bậy phải chùn tay. Điều đó đã được chứng minh rằng, những người dân còn lại đã được yên ổn làm ăn trên mảnh đất mà họ đã dày công khai khẩn. Rất nhiều người biết ơn Đoàn Văn Vươn. Vậy tại sao lại có thể kết luận hành động nổ súng đó là sai? Không một ai chỉ ra được bằng cách nào để Vươn bảo vệ được tài sản của mình, và bằng cách nào để chống lại cái sai kia của việc cưỡng chế? Điều gì sẽ xảy ra nếu có người trong ngôi nhà đó và bị bắn chết dưới làn mưa đạn của đội quân cưỡng chế? Chính quyền Tiên Lãng phải lấy đó làm may, vì không có người dân nào bị bắn chết. Nếu không, có khi hậu quả sẽ là khó lường.

Nếu không giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân của vụ án này, hẳn sẽ còn nhiều Đoàn Văn Vươn nữa như nhận định của nhiều người. Tôi rất khâm phục những người trong gia đình họ Đoàn. Mặc dù vẫn cảm ơn những luật sư, đã hết lòng bảo vệ anh em Đoàn Văn Vươn theo hướng giảm nhẹ tội, nhưng họ vẫn một mực giữ vững niềm tin rằng những người đàn ông trong gia đình họ là vô tội.

Luật pháp nào cũng do con người xây dựng nên, nhằm bảo vệ những quyền lợi đích thực của con người. Nó không bất di bất dịch, và hoàn toàn có thể thay đổi khi có những biến cố như thế này xảy đến. Không chỉ riêng những người trong gia đình họ Đoàn, những người dân Tiên Lãng và rất nhiều người khác nữa tin rằng anh em Đoàn Văn Vươn vô tội.

Vâng! Đoàn Văn Vươn vô tội.

Tự do cho Đoàn Văn Vươn!



BLOG QUÊ CHOA

Luật sư Trần Hồng Phong

Thế là một vụ án có thể nói là đặc biệt nghiêm trọng (xét về bản chất, tầm vóc, đối tượng phạm tội), có tầm ảnh hưởng và quan tâm của tòan xã hội cuối cùng đã kết thúc với kết quả cực kỳ nhẹ nhàng. Bị cáo được dư luận quan tâm nhất, đứng đầu cơ quan hành chính địa phương, là khởi nguồn của vụ án tiếng súng hoa cải Đoàn Văn Vươn, ông Lê Văn Hiền, nguyên chủ tịch UBND huyện Tiên Lãnh chỉ phải nhận hình phạt nhẹ nhàng nhất (trong số 5 bị cáo): 15 tháng tù treo. Nói tóm gọn là chẳng phải ở tù ngày nào.

 Vấn đề tội danh của ông Hiền, nhiều người đã phân tích, nên tôi chỉ muốn nói "thêm" về băn khoăn của mình liên quan đến cái gọi là "án treo" trong pháp luật hình sự Việt Nam. .

 Trước hết, tôi là người phản đối án treo. Cách nay vài năm, tôi đã có lần đề nghị (được đăng trên báo Pháp luật TP.HCM) cần bỏ hẳn "án treo". Vì theo tôi, án treo thực chất đã tạo ra sự bất công chứ không hề có ý nghĩa "nhân đạo" như lý thuyết của nó.

 Trong Bộ luật hình sự qui định thế này : "Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo".

 Chính qui định về áp dụng án treo quá rộng và mơ hồ như vậy, đã vô tình tạo ra "điểm tựa vững chắc" để Tòa án tiêu cực (hối lộ, chạy án) hoặc "bao che" cho đối tượng cán bộ, đảng viên khi họ phạm tội. Gây phản ứng rất nhiều trong xã hội.

 Tới nay không có văn bản nào định nghĩa hay giải thích án treo là gì, kể cả trong Bộ luật hình sự. Mọi người thường chỉ hiểu nôm na án treo là "bị tù nhưng… không ở tù". Điều này là không thể chấp nhận được về mặt lý luận pháp lý hình sự.

 Mặt khác, án treo không phải là "hình phạt" – vốn được qui định trong Bộ luật hình sự, nhưng lại đem áp dụng cho kẻ phạm tội – tức là người đáng phải chịu hình phạt tù, là không hợp lý.

 Theo qui định, căn cứ để tòa áp dụng cho hưởng án treo đối với người phạm tội là là "nhân thân" và "tình tiết giảm nhẹ". Vậy thử hỏi "nhân thân" là sao? Chẳng lẽ một người từng là cán bộ, đảng viên thì hiển nhiên được xem là có nhân thân tốt? Vậy thì qui định "mọi người điều bình đẳng trước pháp luật" phải được hiểu như thế nào?

 Hơn nữa, trong bất kỳ vụ án hình sự nào, các yếu tố "nhân thân" và "tình tiết giảm nhẹ" trên thực tế đã được cơ quan công tố và cả tòa án xem xét khi quyết định truy tố và tuyên hình phạt rồi. Sau đó, lại cho người phạm tội dược hưởng án treo, tức các yếu tố này được xem xét tới hai lần. Điều này có hợp lý không?

 Chưa kể, án treo còn dẫn đến tình trạng người bị kết những tội nhẹ có thể lại bị xử nặng hơn người tội nặng. Chẳng hạn một người bị phạt 6 tháng tù, phải ở tù thật, trong khi một người khác bị tuyên tới 3 năm tù, nhưng lại được ở ngoài nhờ án treo. Trong khi ai cũng biết rõ "một ngày trong ngục bằng ngàn thu ở ngoài". Sự tự do về thân thể là vô giá.

 Một điểm nữa, là trong khi luật qui định hình phạt nhẹ nhất là "cải tạo không giam giữ" chỉ áp dụng với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Thì án treo được áp dụng đối với tất cả các loại tội, kể cả tội nghiêm trọng, tham nhũng … là không hợp lý. Thực tế cho thấy tòa rất "khoái" tuyên án treo đối với bọn quan tham !

 Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay chí ít cũng cần qui định rõ là án treo không được áp dụng cho những kẻ phạm tội từng là đảng viên, cán bộ cấp trung cao – vì những người này mặc dù đã được rèn luyện về phẩm chất đạo đức, chính trị, có nghĩa vụ gương mẫu, đi đầu – mà vẫn cố tình phạm tội thì còn làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của đảng, của Nhà nước, cần phải nghiêm trị.

 Trong thâm tâm, tôi hy vọng và tin rằng tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét và không cho các bị cáo trong vụ án này được hưởng án treo như sự ưu ái của tòa án Hải Phòng. Nhưng điều mà tôi "lo" nhất là có lẽ sẽ chẳng có bị cáo nào kháng cáo, vì án đã quá nhẹ rồi thì dại gì mà kháng cáo?

Tác giả gửi Quê Choa
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng cuả tác giả)



BLOG TRƯƠNG DUY NHẤT

Đà Nẵng nên phát triển theo hướng khác, không nên cứ mãi ăn vào đất.

Từ chuyện pháo hoa

Lễ hội pháo hoa lần này, Đà Nẵng chỉ vận động tài trợ được khoảng 22 tỷ đồng. Một mức quá ít so với tổng dự chi 41 tỷ.

Chỉ còn đúng 20 ngày, tìm đâu ra thêm hơn 20 tỷ nữa?

Tiền vận động không ra, trong khi nhiều khoản chi nhảy chóng mặt.

Chỉ riêng chương trình hát hò làm mồi trước màn trình diễn pháo hoa, phía công ty tổ chức sự kiện đã đòi hơn 4,7 tỷ.

Cát-sê của một số ca sĩ cũng bị hét trên trời. Riêng Mỹ Tâm đòi tới 6.000 USD.

Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch Đà Nẵng bức xúc: "Trong thời điểm khó khăn như thế này, lẽ ra phải chia sẻ với thành phố. Ca sĩ Uyên Linh hát cũng hay thế nhưng lấy cát-sê chỉ 60 triệu đồng, trong khi ca sĩ Mỹ Tâm chỉ hát mỗi đêm một bài mà đòi cát-sê bằng tiền đô, lên đến 6.000 đô, rồi làm tròn thành 110 triệu đồng và buộc thành phố phải chịu luôn cả tiền thuế VAT 10% là vô lý quá!". (nguồn: infonet)

Không chịu nổi mức cát-sê trời hành này, hôm qua 9/4, ông Chiến đã quyết định hủy, không đồng ý cho 3 ca sĩ Mỹ Tâm, Kasim Hoàng Vũ và Bùi Anh Tuấn hát trong chương trình lễ hội pháo hoa Đà Nẵng.'

Cũng dễ hiểu khi thấy ngay lập tức Mỹ Tâm, Kasim Hoàng Vũ và Bùi Anh Tuấn bị ném đá tơi bời. Nhưng ở đây tôi không bàn chuyện này. Mà qua đó để thấy một Đà Nẵng thời hậu Bá Thanh đã không còn rỉnh roảng nữa.

Chắc cũng không riêng chỉ chuyện hát hò.

Pháo hoa chưa bắn đã có vẻ rối bời.

Chỉ nhìn sơ từ chuyện pháo hoa, Đà Nẵng hậu Bá Thanh đã bắt đầu… có chuyện!

Và không chỉ pháo hoa

Sau pháo hoa sẽ là gì nữa? Tôi đoán sẽ là bóng đá, rồi đến kinh tế, hạ tầng…

Đà Nẵng xưa nay chủ yếu sống nhờ đất. Trong khi kinh tế lao dốc, đất đai chẳng ai mua.

Một comment của bạn đọc đáng suy ngẫm: Thời cụ Bá, khách quan mà nói Đà Nẵng phát triển nhờ gì, được nhiều tiếng tăm do đâu? Phải chăng là qui hoạch, chỉnh trang đô thị thành công để dược khang trang như ngày hôm nay là do bán đất? Từ nay trở đi, đất cát không còn hot nữa, bán không được, Đà Nẵng đang lộ dần… gót chân Asin!

Cũng chính vì thế, kế vị Bí thư Đà Nẵng sắp tới phải là người biết nhìn ra được hướng đi khác, chứ không phải lại tiếp tục cắm đầu vào đất. Một đô thị chả thấy doanh nghiệp sản xuất nào ra hồn, quay đi ngoảnh lại toàn mấy anh cò đất.

Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển như thế nào khi mãi chỉ biết ăn vào đất? Để đến khi đất cát đóng băng, một cú cát-sê hét 6.000 USD của Mỹ Tâm đã giật nảy mình.

Một Đà Nẵng hậu Bá Thanh chưa gì đã báo hiệu nhiều vị đắng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét