Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Ngô Văn Tao : Mấy ký ức về bạn thơ Trịnh Công Sơn

Nguồn giangnamlangtu

Đôi lời giới thiệu

Sài Gòn trước 1975 có một tao đàn nho nhỏ gồm ba người: ông Ngô Văn Tao làm thơ chữ Hán, nhà thơ Bùi Giáng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dịch thơ ông ra Việt ngữ … Năm nay 2013 chỉ còn nhà thơ Ngô Văn Tao tại thế, hiện cư ngụ tại Bến Tre. Tuần trước Lãng tử gọi điện thăm hỏi sức khỏe cụ Ngô, cụ gửi cho Lãng tử bài viết mấy ký ức về Trịnh Công Sơn. Lãng tử đăng bài trên my blog nhân dịp những người yêu nhạc TCS tưởng niệm lần thứ 12 ngày nghệ sĩ tài hoa trở về  CÁT BỤI (1/4/2011 – 2013)

GNLT

Tranh Quế Anh, lời thơ Ngô Văn Tao  

Anh đi rồi

Ngọn gió hoang vu

Một cõi không người

Nhân ngày giỗ thứ 12 của Trịnh Công Sơn, ngày 1/04/2013. tôi thầm nhớ lại một vài ký ức-

Ngô Văn Tao

tranh 1

1 . Năm 1976

Đất nuớc phong tỏa, xã hội ngăn sông cấm chợ, tôi luôn luôn đau lòng tự hỏi anh đương làm gì, anh ở đâu…:

                     Đã lâu rồi không được tin anh

tôi tự hỏi

tại sao anh không là mây

để cùng gió ngao du khắp bốn phương

là gió để gió đến bên người có đôi môi nhớ nhung

tại sao anh không là mưa

để sông không đợi nước chảy về nguồn

là chim hải âu

để không ai cần đến đất liền cùng biên giới

tại sao anh không là biển

để gợn một đường trăng đụng đến chân mây

 

Anh chỉ là Thi Nhân

Và lòng người không có bến

(trích từ tập thơ Nuages-Mây, Montreal 1988)

      Năm 1992

Trịnh Công Sơn có dịp đi thăm Montréal. Tôi có hạnh phúc được cùng anh lang thang thành phố những ngày những tháng, cùng chung tự tạo một kỷ niệm cho ký ức : Journal des beaux Jeudis, Một tập thơ (100 bài "nhiên nhiên thi tức", với bút tích và ký họa của TCS)

  Xa đi và xa đi 

Những chai rượu rót hoài không cạn

những ly rượu uống hoài không cạn

những bàn tiệc vuông tròn

mỗi ngày dâng hiến

mênh mông

xa lạ

những tiếng hát

bao la

giọt lệ

mong manh

đời người đói rã cuộc tình

                    Ta ơi! Bên thềm

cuộc sống hàm oan

một nỗi gian nan mặn mà

con cá bống kho

chén đời lạnh giá

những ly rượu

vị đắng vô bờ

2

Em ơi! Hãy nhớ một ngày đã xa

                       Xa đi và xa đi

bờ sông ta đã biết

ánh sáng của ngày xưa

ngày xưa ta lớn

quen em

đởi có vị đắng

và người còn mang ta ly rượu

ta nhận ao đầy

như sông nuớc

như đất trời

của lòng ta,  ôi quá độ

(Trịnh Công Sơn – Ngô Văn Tao 1992)

 

 Ngày 30/07/1992

Ngày Trịnh Công Sơn từ giã Montreal!

 

 Tiễn bạn

Con chim bằng đã cất cánh và bay đi. Bay cùng gió, cùng mây. Trở lại mảnh đất kia, nơi có kẻ chờ đợi. Có niềm vui, giọt lệ và những nụ cười tiếp đón sự hồi hương của người tài.

Con chim bằng đã lại bay đi. Để tôi  ở nơi này; với vòm cây tháng bảy như đã vội vào thu, chớm vàng xanh của nhớ thương.

Tôi đưa tiễn anh ra về, vào cuối tháng bảy. Thành phố này bỗng hụt hẵng. Đâu rồi ánh sáng đầu xuân, khi anh vừa đến? Chén rượu mừng vui còn dư vị đắng trên môi. Còn lại cho tôi những chai không rượu đục. Một chút ngậm ngùi! Khi những ngày bên anh đã đi vào trong quá khứ.

Đã đi vào trong quá khứ, những đêm cô đơn, những ngày rộn rã, khi chúng ta cùng nhau trầm ngâm, khi anh vui hát tô điểm thêm màu thêm sắc cho cuộc sống. Người đàn bà của thành phố đã mất rồi dáng kiêu sa. Con đường của thành phố đã mất chiều sâu. Với đôi mắt xanh, anh đã cho nơi này, cho sự vật một thoáng trầm tư, một triết lý và muôn vời lưu luyến. Anh đã cho tôi hăng say và tuyệt vọng. Cho tôi thấy rạng rỡ phi thường. Tất cả như đều nằm trong một lời ca, một trang giấy vẽ hay mấy câu thơ chợt thành hình dưới nét bút.

Con chim bằng đã cất cánh. Tôi muốn tiễn anh đến tận chân trời, theo anh về lại với quê hương của chúng ta, với tuổi trẻ với những mối tình chúng ta đã mất.

Ôi! Những ước mơ, những người bạn chúng ta vẫn còn. Tiễn đưa anh, tôi đã tiễn đưa chính mình. Một cái gì vẫn thầm chết trong một buổi tiễn đưa

Thời gian trôi đi

và sông cũng trôi đi

còn đưa nhau

chỉ còn đưa nhau một lời hò hẹn.

30/07/1992  ngô văn tao

3   

Năm 1993-94

Sau những năm tháng uống rươu cùng T.C.Sơn, tôi nhận ra minh triết thông cảm chuyện đời, tiếp nhận những éo le của phận mình, cùng những hoài mong và ước mộng.

 Thông diễn học

 Anh đi ngất ngưởng

Đầu nghiêng mũ lệch

Hai tay trong túi quần

Chàng trai ngẫu hứng

Bước chân vô định

Lơ lửng hai giai điệu

Lạc lõng những vần thơ

Ngôn từ bất chợt

Trời đất chan hòa  ánh sáng

Tất cả theo anh nói

Là diễn giải chính mình

Và những gì ta có

Di sản của thời xưa

Đột phá của cuộc đời

Cảm thông ẩn dụ không cùng

Như thế mãi mãi anh đi 

Tôi mải miết tìm anh

Trên mọi ngả đường ký ức

(Trích từ tập thơ Tĩnh Lặng- Văn Hóa Sài Gòn 2006)

Vào những năm này, tôi soạn trình hai tập thơ: Hán Tự Hài Cú. Trong hai ba tháng, hầu như mỗi ngày tôi mang đến đưa T.C.Sơn đọc từng bài. Tuy không biết Hán Văn, T.C.Sơn thông hiểu đặc biệt những ẩn dụ tất yếu của Hài Cú, và phỏng dịch ra Việt Văn đến gần 100 bài. Bài dưới đây có lẽ là bài thứ nhất, và cũng là bài vô cùng sát nghĩa dễ dàng để lại nhiều ấn tượng cho bạn đọc.

Thiên biên cô phi hạc

Đái tự thiên thu thế hận thường

Kim dực mãn nguyệt quang

Bên trời hạc lẻ loi bay

Thiên thu hận ấy mờ  phai cõi người

Cánh vàng nặng ánh trăng soi

     Trịnh Công Sơn dịch

  4   

 Năm 1998

Hôm nay ta say, ôm đời ngủ muộn - TCS

HỆ LỤY  - sơn dầu trên bố 40x 50cm

tranh 2

Hồi  tưởng: Bức họa "Hệ lụy", Trịnh Công Sơn vẽ tặng tôi một đêm tháng 12 năm 1998. Trịnh Công Sơn vẽ sau khi đã uống cùng tôi đến nửa trai Johny-Walker black label. Chính đó là hệ lụy mà TCS không từ bỏ được, dù thân thể anh đã có triệu chứng suy giảm nhiều vì những ly rượu nóng bỏng. Nhưng thật cũng là hệ lụy của chung cho rất nhiều văn nghệ sĩ mà tôi biết. Những người nghệ sĩ đã quá đau khổ sống qua cuộc chiến tranh tương tàn của đất nước và nay phải sống cuộc cách mạng toàn diện xã hội chủ nghĩa, với đường lối khắt khe chỉ đạo ngay trong nghệ thuật.

Sau đây là mấy câu tôi viết bàn về  Trịnh Công Sơn họa sĩ nhân dịp anh triển lãm tranh của mình, cuộc triển lãm chung với một số bạn bè nghệ sĩ vào khoảng năm 1990;

Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ, nhà thơ, đã cầm cọ lên để vẽ  và "tiếp tục cuộc chơi" trong màu sắc. Đương nhiên anh đã là bạn cùng giai tầng với những họa sĩ có tên tuổi trong xã hội. Như những ca khúc của anh với khúc điệu vô hạn chuyển tình, như những sáng tác của anh với những lời thơ bình dị nhưng chấn động lòng người, tranh sơn dầu của Trịnh Công Sơn không phức tạp, từng bức một gợi thuần nhất một ý, một hoài niệm hay một ước mong…Qua giông tố lịch sử của đất nước, qua đổ vỡ trong cuộc sống của mỗi người với tang tóc chiến tranh, qua những cấu xé của chính mình và của xã hội mình, Trịnh Công Sơn đã cống hiến cho chúng ta rất nhiều – từng mảnh hồn của anh – để chúng ta, những người Việt Nam, có một chút thăng bằng trong cảm nghĩ, có một chút thành khẩn khi chúng ta đã biết tồn tại, khi chúng ta vẫn khát khao tình yêu và tình người. Những bức tranh sơn dầu của Trịnh Công Sơn là những nét vẽ cô đọng, những mảng màu đơn sắc. Trừu tượng. Viên tĩnh. Tiếng nói có ánh lửa của một người đã làm tròn một sứ mạng lịch sử, nay muốn tiếp tục sáng tác trong yên lặng, trong thiền tĩnh, cùng với một trực giác – ôi, bao nhiêu là trang trọng – rằng tất cả đều mong manh và hạn định.

5

Ngày 1 tháng 4 năm 2001  ("Le Poisson d'Avril ??")

Rồi củng phải đến, trời đất nhân sinh chỉ là "một cõi đi về". Đi về tìm lại thiên đàng đã mất. Ngày 1/4/2001 Trịnh Công Sơn đã bỏ chúng ta!

               Tĩnh lặng

Nắng chiều xuân như  đã chết

qua chùm bông giấy bên khung cửa

phản chiếu trên tường rêu

đưa gác vườn khách nhà anh chìm dần vào bóng tối

chúng tôi không hẹn nhưng cùng ngồi uống trà

trong sự vắng vẻ tuyệt vời như tiền định

bỗng anh nói rằng anh sẽ ra đi

và tôi ngồi yên tĩnh lặng

âm thầm ước định sẽ tìm anh

tìm anh ở bờ bên kia bến nước

 

Mươi ngày sau vẫn trên gác vườn hoa ấy

anh lại nói anh sẽ về quê

tôi lặng lẽ nhìn anh tha thiết

hiền hòa trong chiều tối ngoài vòng ánh điện

và cảm nhận tất cả bi tráng của phận người

lại đi và lại trở về

luân hồi giấc mộng cũng là không

 

Rồi mười ngàn người đưa tiễn anh đi

đưa tiễn anh ra Gò Dưa

họ vừa đi và vừa hát

những bài ca mà anh đã để lại

trong gác trọ một mình tôi nghe tiếng hát

tay ôm ly rượu mạnh

tôi nhớ lại chiều xưa

tôi nhớ đã không hỏi anh

có điều gì nhắn nhủ cho riêng tôi

tôi không hỏi vì tôi biết

anh sẽ trả lời cho tất cả bằng sự Tĩnh Lặng

tĩnh lặng của rừng sâu và biển rộng

của mây đen trên dãy núi ở chân trời

 

(trích từ tập thơ Tĩnh lặng- Văn hóa Sài Gòn 2006)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét