Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Hà Văn Thịnh : Xin cảm ơn và xin góp ý với Bộ trưởng Phạm Bình Minh

Nguồn BVN.

Cách đây gần 10 năm, tôi có đọc cuốn sách Nồi cơm và ngọn lửa của  TBT Thanh niên (nay là cựu) Nguyễn Công Khế, trong đó có kể câu chuyện: Một phóng viên nước ngoài hỏi ông Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch rằng có phải vì chiến tranh (ý nói chuyện đưa quân sang Căm-pu-chia) nên Việt Nam nghèo khổ hay không? Ông Ngoại trưởng Nguyễn Cơ thạch đã trả lời đại ý, dân tộc chúng tôi nhiều năm chỉ biết dùng lửa để đốt nhà, nay đang học cách dùng lửa để nấu cơm, đun nước. Sách tôi đọc đã lâu, ý tứ và văn từ nhiều khi không chính xác nhưng cái ý chủ đạo là thế. Tôi cảm phục từ Nguyễn Cơ Thạch đến Nguyễn Công Khế. Chỉ tiếc là sau lần trả lời phỏng vấn ấy một thời gian, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ thạch không còn làm Ngoại trưởng nữa…

Hôm nay (4.10.2011) đọc từ BBC (11:48 GMC, 4.10.2011), tôi được biết Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã trả lời bằng tiếng Anh trong buổi giao lưu kéo dài ởNew York, ngày 27.9.2011. Tôi viết bài này để cảm ơn ông Ngoại trưởng vì từ lâu lắm rồi, tôi mới được thấy một cán bộ cấp cao ViệtNamtrả lời báo chí hay và đủ nội dung cần nói như thế.

Thứ nhất, Ngoại trưởng nói cho mọi người biết rằng TQ chỉ là một trong bảy đối tác chiến lược – thứ một hay thứ number seven để mọi người tự hiểu. Và, một hay bảy còn do các nước quan hệ thế nào với ViệtNam và ngược lại. Và, đường lưỡi bò là vấn đề tồn đọng duy nhất trong mọi quan hệ Việt – Trung (tuyệt, nó là biểu trưng cho tất cả sự tham lam và vô lý không thể chấp nhận được) – đồng thời Ngoại trưởng khẳng định rằng cái đường lưỡi bò đó "hoàn toàn không có cơ sở pháp lý" (tuyệt nốt).

Thứ hai, Ngoại trưởng đã khẳng định rằng ViệtNam"có đủ vũ khí để bảo vệ đất nước". Theo tôi, đây là câu trả lời là đủ nghĩa, đủ sức mạnh của một thông điệp gửi tới tận địa chỉ của lòng tham của bất cứ kẻ ngang ngược nào; đồng thời, giải quyết mọi vướng mắc trong tôi lâu nay về quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước của Chính phủ ta. Vũ khí của sức mạnh quật cường bất khuất, vũ khí của lòng tự tin không bao giờ bị khuất phục… Nói tóm lại, vũ khí đến sau cái không thể chấp nhận của "đường lưỡi bò" là vũ khí của mọi điều muốn nói.

Thứ ba, Ngoại trưởng nói rằng vấn đề Biển Đông là vấn đề của thế giới bởi vì "Bất kỳ điều gì xảy ra ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng tới tự do lưu thông và dĩ nhiên ảnh hưởng tới không chỉ Hoa Kỳ, Nhật Bản mà cả các nước khác như Ấn Độ" (Quá đúng). Là một giáo viên nên mắc bệnh nghề nghiệp, tôi đánh giá câu trả lời này 10 điểm, tương đương với hai câu trên. Rõ ràng, các anh cần bảo vệ tôi, giúp tôi hay ủng hộ tôi không chỉ là vì tôi mà là vì tất cả chúng ta – đang cùng ở trên một chiếc bè "ổn định", tại một vùng biển có tên gọi là Biển Đông!

Sau 3 câu trả lời 10 điểm trên đây, ông Ngoại trưởng chỉ được có 4 điểm và 1 điểm của tôi cho hai câu sau. Một là, khi người ta hỏi ông Ngoại trưởng về nhân quyền, ông cố tình không hiểu để chờ phiên dịch (để có thời gian nghĩ – trả lời, cái mẹo muôn đời mà thầy giáo mô cũng biết, khi học sinh giở trò). Câu này 4 điểm. Hai là, ông Ngoại trưởng rất giỏi khi chơi chữ trong cách trả lời câu hỏi cuối cùng – rằng, các vị đã đến, thấy rất nhiều thay đổi ở Việt Nam, nhưng các vị có thể thấy "một thứ có thể không đổi – đó là cam kết bảo vệ quyền con người ở Việt Nam" (tôi nhấn mạnh – HVT, sic). Câu này 1 điểm.

Tại sao về chuyện ngôn từ ngoại giao để bảo vệ chủ quyền đất nước ông nói hay thế (tôi sẽ ít mất ngủ rất nhiều) mà khi động đến chuyện của mình lại khó nói đến khó hiểu? Đặc biệt, phải hiểu cụm từ bảo vệ nhân quyền có thể không đổi theo nghĩa nào đây? Về nguyên tắc, việc đã bảo vệ nhân quyền – của một Chính phủ chính nghĩa, vì dân thì không bao giờ thay đổi!!! Còn, đã muốn thay đổi, thì theo chiều tốt hay xấu là không thể lý giải được? Muốn thay đổi hay không, hay chỉ là "có thể"? Trước chưa tốt hay sau còn xấu hơn? Như vậy, một lần nữa, vấn đề dân chủ – nhân quyền của người dân ViệtNam đang được dạt trôi trong nồi canh rau tập tàng mà nước dùng chủ đạo là… nước hến? Xin ông Ngoại trưởng trả lời giúp tôi (một phó thường dân, theo cách dùng từ của cố GS Trần Quốc Vượng): Có thể hay là không thể? Có "học sinh" nào vừa đạt ba điểm 10 xong lại xơi ngay điểm 1 hay không?

Huế, 4.10.2011.
H.V.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét