Hãy thử hình dung một kịch bản ở Kolontar Hungary sẽ diễn ra ở Tây Nguyên trong tương lai – có thể còn xa nhưng cũng có thể không xa lắm đâu – thì thế nào? Nhiều giọt nước mắt cá sấu sẽ chảy trên các báo lề phải, rất nhiều – nước mắt của những kẻ đã từng gào rất to lên rằng bọn trí thức dám lên tiếng cảnh báo về hiểm họa bauxite nhằm ngăn trở dự án lớn của Đảng ta là ăn phải bả của quân thù địch. Nhưng trên hiện trường thì cấm có bóng dáng một kẻ nào trong số những vị "võ mồm" đó đứng ra chịu trách nhiệm lo việc khắc phục hậu quả – họ đã lặm mất tăm với tay nải nặng trĩu. Trong khi bên kia biên giới, cái miệng của những kẻ "xúi trẻ ăn cứt gà" cốt phá hoại từ kinh tế, văn hóa, an ninh, cho đến môi trường sống của Việt Nam thì nhìn nhau và ngoác ra cười; sau đó, lại một ngài họ Đặng – hoặc họ Hồ hay họ gì thì cũng thế – sẽ quay mặt lại với đám đông đang dõi mắt quan sát hàng giờ trên sa bàn Tây Nguyên trong Trung Nam Hải, phẩy tay nói gọn: "Thôi chiến dịch đã xong, đi ăn cơm!"
Bauxite Việt Nam
Thái An (theo Reuters)
Đầu giờ chiều một ngày nắng cách đây tròn một năm – 4/10/2010, Janos Fuchs, 56 tuổi, đang làm việc trên cánh đồng ở phía tây Hungary. Bức tường hồ chứa gần đó đổ sập, dòng lũ bùn tràn xuống phá hủy mọi thứ trên đường đi.
Fuchs cố gắng lên vùng đất cao hơn trên chiếc máy kéo của mình nhưng không thể làm gì ngoài việc đứng nhìn dòng lũ bùn – chất thải từ nhà máy nhôm gần đó – quét qua làng, phá hủy căn nhà của mẹ ông và cả thị trấn. Ba ngày sau, người ta tìm thấy mẹ ông chết cách nhà gần 1 cây số.
"Khi về nhà, tôi tìm chìa khoá và hiểu ra rằng, cánh cửa đã biến mất",Fuchs nói.
Lũ bùn đỏ, thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử Hungary, đã làm 10 người thiệt mạng và 120 người bị thương, ô nhiễm cả một thị trấn và hai ngôi làng, trong đó có Kolontar, đổ xuống những con sông lân cận, làm tràn 1,9 triệu mét khối bùn đỏ và mùi hăng của axit bay xa nhiều cây số.
Một năm trôi qua. Công việc làm sạch đơn thuần gần như đã hoàn thành. Các công nhân đã đổ bỏ 53.000 xe tải bùn đỏ từ những cánh đồng, ủi phẳng hàng trăm ngôi nhà hư hỏng và khoảng một trăm ngôi nhà mới được gây dựng lại theo yêu cầu. Thảm thực vật và đất trồng được thay thế. Hai công viên tưởng niệm cũng mọc lên.
Nhưng những vết thương cảm xúc cần nhiều thời gian hơn để chữa lành.
Hungarian Aluminium (MAL), tập đoàn kim loại đứng sau vụ tràn bùn, nằm dưới sự quản lý của nhà nước nhiều tháng nay. 8 chủ lao động của công ty trở thành nghi phạm trong cuộc điều tra đang diễn ra, và công ty lãnh án phạt 632 triệu USD. MAL, nắm giữ khoảng 4% thị phần nhôm toàn cầu, đã gửi đi lời chia buồn và xin lỗi tới các nạn nhân, nhưng phủ nhận hành vi sai trái và tranh cãi về mức tiền phạt.
Dù đã làm sạch và chịu án phạt, nhưng sự giận giữ của người dân với các chủ tư nhân của MAL vẫn còn rất lớn. "Họ là những tỉ phú, họ không cần để ý gì tới chúng tôi", Fuchs nói. Ông là người đầu tiên khởi xuống vụ kiện tìm kiếm bồi thường tổn thất. "Thế nào là đủ? Những người vô tội đã chết trong khi họ vẫn sống hạnh phúc sau những gì xảy ra".
Vết thương khó lành
Kolontar giờ đây như rũ xuống. Nhà thờ từng là trung tâm của làng hiện đứng tận rìa ngoài, còn vùng lân cận như bị xóa khỏi bản đồ. Trên cột tưởng niệm Thế chiến II, giờ đây xuất hiện thêm phiến đá cẩm thạch mới khắc dòng chữ:"Ghi nhớ sự cẩu thả và tham lam của con người ngày 4/10/2010".
Thị trưởng Karoly Tili cho biết, mọi thứ trong ngôi làng – với phần lớn trong số 850 cư dân làm nông nghiệp hay công nhân trong nhà máy nhôm – rất khó có thể trở lại bình thường.
"Hàn gắn rất phức tạp", ông Tili nói. "Những ai mất người thân sẽ không bao giờ quên. Những người còn sống cũng khó có thể xóa đi ký ức. Chúng tôi đã có Bác sĩ tâm lý và rất nhiều người tìm đến cô ấy".
Ông nhấn mạnh rằng, mức phạt lớn với MAL có thể xoa dịu đi phần nào, nhưng ông không có nhiều hy vọng người dân có thể được đền bù thoả đáng."Đó chỉ là con số, nếu thực tế tổn thất có thể được phục hồi, thì ít nhất vẫn còn một điều rõ ràng là, không ai có thể tránh nổi hậu quả thảm họa như thế này".
Các nhà hoạt động môi trường và Chính phủ cũng không mong toàn bộ khoản tiền phạt được trả đầy đủ, nhưng nói rằng, nguyên tắc mới là vấn đề quan trọng. Zoltan Illes, Bộ trưởng Môi trường Hungary nói, không loại trừ khả năng nhà nước cuối cùng sẽ nắm giữ MAL.
"Thậm chí là 100% sở hữu nhà nước, thì luật lệ cũng phải được tuân thủ. Chính phủ Hungary sẽ nắm giữ tất cả hoạt động của công ty, sẽ đứng sau công ty này để giữ hàng nghìn việc làm trong khu vực đồng thời đảm bảo hoạt động sản xuất nhôm" - ông nói.
Bài học đắt giá
Khu vực Kolontar chỉ là một trong hàng chục nơi lưu giữ chất thải độc hại. Rất nhiều khu vực tương tự tồn tại trong điều kiện nguy hiểm, nhóm hoạt động môi trường Greenpeace cho biết.
Kim loại độc hại lan tràn khắp khu vực, nhà hoạt động môi trường Balazs Tomori nói. "Nhưng không hề có sự đảm bảo rằng, một Kolontar khác không xảy ra, một vụ tràn chất thải độc hại không tái diễn. Khối Liên Xô cũ tích trữ ngập tràn chất thải độc hại, trái phép và hợp pháp. Chúng tôi sẽ vui mừng hơn khi thấy hành động ngăn chặn mạnh mẽ hơn. Đó luôn là biện pháp rẻ nhất cho tất cả mọi người".
Chính phủ Hungary ý thức được nguy hiểm, Bộ trưởng Môi trường Illes nói, nhưng thậm chí ngay cả ở những nơi có hồ chứa chất thải của nhà máy nhôm bên bờ Danube, thì giải pháp an toàn duy nhất – di chuyển chất thải – cũng rất tốn kém.
Illes cho biết, ông đề xuất lên EU thành lập quỹ tương tự như quỹ do cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ quản lý, với vốn ban đầu vào khoảng 5-7 tỉ euro.
Các khu vực quanh Kolontar còn đối mặt với thực tế ô nhiễm lớn hơn. MAL đã chuyển sang công nghệ khác với chất thải khô, không phải thứ chất thải lỏng đã tàn phá khu vực. Nhưng vấn đề giờ đây là bụi đỏ bay trong không khí có thể gây ra các bệnh về hô hấp.
Jozsef Kovacs, người có nhà ở thị trấn Devecser bị phá hủy bởi lũ bùn đỏ, giờ chuyển cách xa nơi ở cũ vài km. "Chúng tôi rời thị trấn vì con gái tôi đang mang thai và tôi nghĩ khoảng cách xa hơn là ý tưởng tốt. Nhưng gió vẫn thổi bụi đỏ đi khắp nơi", ông nói.
"Giống như trong mọi sự cố môi trường, không hề có giải pháp nào hoàn hảo", Illes nhấn mạnh. Những người dân của Kolontar sẽ chỉ an tâm khi khôi phục lại cuộc sống bình thường sau nhiều tháng ở nhà thuê bằng tiền quyên góp.
Jozsef Holczer đã chuyển nhà hồi tháng 5, vừa nghỉ hưu ông đã có kế hoạch sản xuất rượu. Để ghi nhớ thảm họa, Holczer quyết định sẽ không cạo râu nữa. "Tôi đã tái sinh, thảm họa không thể nào quên, nhưng tôi không bao giờ sống ở nơi khác", ông nói.
T. A.
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/42006/tham-hoa-lu-bun-do-hungary–vet-thuong-kho-lanh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét