Tác giả: Philippe Papin và Laurent Passicousset
Người dịch: Hoàng Hà. Hiệu đính: Diệu Linh
Tiếp theo 343. SỐNG VỚI NGƯỜI VIỆT (3); 354. SỐNG VỚI NGƯỜI VIỆT (4)
"BÀN TAY NHỚP NHÁP CỦA QUAN CHỨC"
Sớm hay muộn, mọi cuộc nói chuyện chân tình với người Việt bao giờ cũng đề cập đến chủ đề hối lộ hàng ngày. Việc cấp giấy tờ, xin giấy phép, đăng ký cho con đi học, đăng ký biển số xe máy : tất thảy đều phải qua khâu này. Hối lộ lặt vặt phổ biến đến nỗi được đặt tên là "nền văn minh phong bì". Phong bì cho phép làm tất cả : mở rộng vườn nhà ra tận mặt phố, xây ban công chòi ra ngoài, đổi hướng hệ thống ống dẫn, mua với giá rẻ bèo khu đất của hợp tác xã vừa giải thể, lên chức lên quyền, đi học trái tuyến…vv…
Phong bì loại nhỏ phải dùng thường xuyên thì người ta dùng tiền túi của mình để chi trả, nhưng khi phải đi cấp cứu hay mua một chân công chức, tóm lại là khi phải bỏ một khoản tiền lớn có thể tương đương với 20 năm làm việc (một nông dân chúng tôi quen đã phải trả khoản tiền như thế ở bệnh viện công), thì phải chấp nhận hy sinh, bắt cả nhà đóng góp và vay nặng lãi tứ phương. Muốn trả nợ thì làm việc thôi không đủ. Người đi vay và gia đình anh ta không có cách nào khác là hành xử y như thế, làm dăm ba điều khiếm nhã trong khả năng của mình để kiếm tiền. Kể cả những người lương thiện nhất cũng không tránh khỏi bị hút vào vòng xoáy của tham ô. Tham nhũng nuôi tham nhũng, tất nhiên, nhưng cái chính là nó mở rộng ra đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua trò chơi chia một khoản tiền lớn thành nhiều món nợ nhỏ. Nguy hiểm hơn cả những khoản hối lộ kếch sù mà tầng lớp trên trao đổi với nhau, (những khoản này ta không thấy được, mà chỉ có thể đoán và chặc lưỡi mà rằng ngày xưa quan lại cũng nhận đồ lễ đấy thôi), tham nhũng làm băng hoại đời sống xã hội hàng ngày, đến mức đôi khi ảnh hưởng cả đến những quan hệ thông thường, có những quan hệ lẽ ra chỉ là bạn bè mà dần dà lại thành ra vụ lợi.
Những khâu trung gian tốn kém mà không tránh được
Ở Việt Nam, ta buộc phải thỏa hiệp với nền hành chính "siêu cường". Phải phục tùng mọi thủ tục hành chính quan liêu, mọi loại giấy tờ, và cả chuỗi đủ loại con dấu mà làm việc dù nhỏ đến mấy cũng vẫn phải cần. Những phiền nhiễu này thực ra cũng chẳng sao ( chuyện hành chính rườm rà hoàn toàn không phải riêng Việt Nam mới có), nếu ta chỉ thỉnh thoảng phải gặp chúng thôi, khi có việc cần, và nếu thủ tục là miễn phí. Tuy nhiên, vì không có xã hội dân sự và những cơ quan trung gian, nên các thiết chế Nhà nước chỗ nào cũng có mặt để quản lý toàn bộ mọi lĩnh vực xã hội. Ở thành phố thì điều này quá rõ. Ở nông thôn cũng chẳng kém. Mỗi xã có đến cả trăm người đại diện cho chính quyền, dân sự và chính trị, việc gì họ cũng tham gia, kể cả chuyện hội hè lễ lạt. Không ai phủ định việc họ có thể làm được việc, nhưng thực tế là thế này: dù ta có làm gì đi chăng nữa thì cũng không thể thoát khỏi mấy người này, vì mọi việc đều phụ thuộc vào họ, và thiện chí của họ.
Số công chức viên chức ít nhất là 10 triệu. Con số này không đáng kể so với tổng dân số, nhưng gấp đôi số lượng cần thiết để quản lý các cơ quan Nhà nước, nhất là ở cấp cơ sở, nơi tập trung nhiều công chức, trong khi dịch vụ công lại kém phát triển. Trái với những gì nhiều người lầm tưởng, sự "lạm phát" việc làm trong lĩnh vực công này không phải do lịch sử để lại. Thời phong kiến, chưa đến 4 000 người cai trị Việt Nam, trong số đó chỉ có 1 000 người là quan lại triều đình; thời thực dân, số lượng công chức cả nước còn ít hơn so với một tỉnh lớn của Việt Nam bây giờ. Giáo dục chỉ là một lý do nhỏ, vì chỉ có 800 000 giáo viên bậc tiểu học và trung học, nghĩa là ít hơn 1/10 tổng số công chức và viên chức. Sở dĩ số lượng này quá đông là vì cơ quan Nhà nước được nhân bản từ cao xuống thấp trong hệ thống hành chính, từ thủ đô xuống tỉnh, từ tỉnh xuống huyện, từ huyện xuống các xã, thôn, mà chẳng để làm gì ngoài việc khẳng định sự có mặt của chính quyền trung ương. Quan liêu chính là kết quả của việc chế độ xã hội chủ nghĩa gắng sức để tham gia trực tiếp vào công việc của cấp làng xã, nơi trước đây người dân vẫn tự xoay xở được.
Việc có quá nhiều công chức với đồng lương bèo bọt chính là nguyên nhân của nạn tham nhũng. Phải qua họ vì họ làm ở đấy, phải đền bù cho họ vì họ nghèo – chính thức là từ 100 đến 200 EUR/tháng đối với công chức tầm trung. Trong lĩnh vực kinh doanh, bắt buộc phải cấu kết với hành chính mới có thể hoàn thành đủ thủ tục, như ở những lĩnh vực khác, nhưng nhất là để có cơ may lượm được vài mẩu bánh thừa từ các hợp đồng Nhà nước, mà trong đại bộ phận các trường hợp thì chỉ có doanh nghiệp quốc doanh kiếm được mà thôi. Những thủ tục đấu thầu mới, chặt chẽ hơn, vẫn có thể dễ dàng được giải quyết trên tinh thần địa phương, chung chung và rộng lượng hơn, cốt sao cho hợp thời là được.
Lấy ví dụ một công chức ủy ban nhân dân có một doanh nghiệp nhỏ, hay có cổ phần trong công ty của ông anh họ. Anh này hẳn sẽ tạo điều kiện cho hồ sơ dự thầu của doanh nghiệp nào cam kết sẽ không quên anh. Có người nói với chúng tôi : "Mở thầu chẳng qua cũng chỉ là mở phong bì mà thôi." Và, ngay cả nếu không có phong bì, thì cũng có những mạng lưới bạn bè mang màu sắc chính trị. Ở đây, lợi ích của việc phát triển địa phương cũng có thể được tính đến. Trong mọi trường hợp, phải biết cách xoay xở, đàm phán ngay từ ngọn, tranh thủ sự ủng hộ của đảng ủy, kiếm một chỗ trong đơn đặt hàng Nhà nước dựa vào những ơn huệ nho nhỏ và những ơn huệ ấy sẽ dẫn đến các ngoại lệ. Những vi phạm "lành mạnh" đó sẽ đem lại bổng lộc hậu hĩnh. Trong những điều kiện như thế, không có gì là chắc chắn, có chăng là việc nếu lỡ không canh ty với người chính quyền thì chắc chắn hỏng việc.
Làm sao khác được? Trên thực tế, không có hay chưa có những trường hợp thành công hoàn toàn tự thân, mà không phải ít nhiều dây dưa với guồng máy Nhà nước. Thực tế đó đúng ở cấp địa phương, với các doanh nghiệp nhỏ của tư nhân ở thị xã, và cũng đúng cả với các thành phố lớn. Nó đặc biệt rõ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu vốn cần giấy phép, các dự án du lịch có liên quan đến công chính và cần đất nằm ở vị trí đẹp. Xây dựng một khu khách sạn, khai thác và đảm bảo yên tĩnh cho nó, hay đơn giản là hợp đồng xây dựng đường ống cấp nước, tất cả đều nằm trong tay bộ, trong tay công an và chính quyền địa phương : họ sẽ không từ chối điều gì, nếu ta không từ chối họ điều gì. Thế nên chớ ngạc nhiên khi thấy Việt Nam xếp thứ 120/180 về chỉ số tham nhũng theo tiêu chí của Transparency International.
Ông bạn Luân của chúng tôi ở Đà Nẵng có thể nói cả ngày không hết về đề tài này. Ông kể chúng tôi nghe chuyện Tình, con rể út của ông. Nhờ các mối quan hệ của bố vợ, anh này lập một tuyến vận tải xe buýt đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, sau khi kiếm đủ tiền rồi thì anh lại muốn đầu tư vào những con đường mới đi về phía Tây, hướng Cam-pu-chia và Lào. Ý tưởng của anh là đúng vì những tuyến giao thông chạy ngang đất nước hiện còn ít được khai thác và chắc chắn sẽ là tương lai của Việt Nam. Để được cấp phép, và nếu có thể thì được độc quyền, Tình đã phải chạy vạy nhiều hơn. Vậy là anh chơi trò lobby dài hơi, từ hành lang đến văn phòng, từ tâm sự đến đòi hỏi, cuối cùng anh leo đến tận cấp cao nhất của các ủy ban nhân dân và cả một bộ nọ. Làm sao khác được? Hợp đồng đã được thông qua, giấy phép đã được cấp.
6 tháng sau, Tình rơi vào vòng xoáy địa ngục. Ông bố vợ không nhẹ nhàng với anh chút nào: "Nó thích độc lập, thích chơi trò ma lanh, rút bớt phong bì, thậm chí còn cắt không đưa cho cả mấy người. Tôi ấy à, trước đổi mới, tôi để cả nửa phần lãi của mình cho cán bộ ủy ban nhân dân, không nhiều hơn cũng không ít hơn, chưa bao giờ tôi cắt bớt phần của họ cả. Đấy là cái giá phải trả để người ta để yên cho tôi làm ăn. Giá bây giờ rẻ hơn chút rồi, nhưng họ vẫn ở đó, và họ vẫn có tay trái mà. Tình đã mua được những chỗ dựa rất cao ở tỉnh và ở thủ đô, nó làm thế là đúng; khổ nỗi, nó không hiểu phong bì là để thay cho thuế, ít ra một phần là thế, nên phải nộp thường xuyên. Nó thích tiết kiệm, thì đấy, hậu quả đấy." Thực vậy, Tình Bủn xỉn đã mất hết. Bị dính một vụ xì căng đan được dàn dựng liên quan đến chuyện lạm dụng của công, anh bị báo chí vu khống, kết tội tham nhũng và bị ra tòa. Anh đã phải ngồi tù suốt năm 2004, một phần năm 2005, và đến năm 2010 vẫn chưa được phục hồi. Tên tuổi anh bị ảnh hưởng nặng bởi vụ này, không ai muốn làm việc cùng nữa. Giống như mẹ vợ anh, bà Ngọc, đã nói, tuy với giọng đỡ gay gắt hơn chồng mình: "Nó gặp hạn thôi!".
Đúng là những người ít tằn tiện hơn thì cũng may mắn hơn thật. Muốn hiểu mọi việc ở đây diễn ra thế nào thì không có cách nào khác là nghe tâm sự của những người hàng ngày vẫn làm việc trên thực địa, họ hiểu biết hơn nhiều những tay ba hoa ngồi sa lông. Đó là trường hợp của người đàn ông mà chúng tôi tạm gọi là Tuân này. Chúng tôi ăn tối cùng anh tại nhà một cô bạn. Cô ấy cho rằng vị cai thầu này – nhân viên của một công ty tư nhân là chi nhánh của một doanh nghiệp quốc doanh lớn trong lĩnh vực xây dựng – sẽ khiến chúng tôi quan tâm. Cô ấy còn báo trước là chúng tôi sẽ không thất vọng đâu. Quả thế thật !
Ngồi xếp bằng dưới chiếu, quần soóc, áo may ô vén lên tận ngực, bụng phệ hết cả ra, Tuân ra dáng một tay anh chị ở Nam Định. Đầu tiên anh biểu lộ sự ngạc nhiên một cách rất ồn ào trước những câu hỏi ngây thơ của chúng tôi: ("Thế mà mất bao nhiêu năm dặt dẹo ở Việt Nam !"). Anh không tin ở tai mình, đang ăn lạc mà suýt nữa thì nghẹn. Chính trị á ? Là cái quái gì đâu, chỉ là một trở ngại kỹ thuật phải vượt qua, giống hệt như nối cáp điện 3 pha thôi. Và anh kể chúng tôi nghe các doanh nghiệp Việt Nam làm thế nào, vẫn bằng cái giọng hiển nhiên như thế, và với một bề dày kinh nghiệm khó làm ai có thể nghi ngờ.
Tuân thuyết phục các đồng chí của mình như thế nào ?
"Khi muốn lập một dự án, anh nói, việc đầu tiên phải làm là đến gặp bí thư đảng ủy địa phương. May quá, chính ông ấy gọi chúng tôi lên ! Thế là chúng tôi đến nhà ông ấy, làm một hai chén, rồi trình bày tại sao công ty chúng tôi lại là công ty tốt nhất để xây đường, xây cầu hay xây trạm xá. Thường thì ông ấy lắc đầu quầy quậy, nói lòng vòng, làm bộ khó khăn, rồi bảo trên thị trường có phải mỗi chúng tôi đâu. Đến lúc đó thì có hai cách, tùy theo tính cách của vị bí thư. Cách thứ nhất là cách xưa rồi, áp dụng đối với loại nửa nạc nửa mỡ, rất hiệu quả đối với vùng sâu vùng xa, là xì tiền luôn, kèm lời đảm bảo là sẽ còn đưa thêm, tháng trước tôi cũng vừa làm thế với một ông bí thư huyện ủy miền núi. Bao nhiêu à? Dự án ấy cụ thể là 40 tỷ đồng (tương đương với 1,6 triệu EUR), tôi chồng luôn 6%, hứa là sẽ thêm 2% trong khi tiến hành dự án, tổng cộng là 3,2 tỷ đồng (tương đương 128.000 EUR). Nhiều quá hả? Không đâu, trước khủng hoảng phải là 18-20% giá trị dự án cơ, 15% cho địa phương, phần còn lại cho cấp trên; bây giờ là khoảng 10-12%. Làm thế thì mất bớt lãi rồi, nhưng đó là giải pháp duy nhất. Cách thứ hai áp dụng với những người hay tự ái, có đạo đức, hay sợ, ở thành phố và dưới xuôi, đó là phương pháp "lại quả". Ví dụ, ông bí thư tỉnh nọ đã nháy ông bạn tôi làm ở một nhà máy gỗ mang đến tặng 3 khối gỗ lim to tướng, ông ta thản nhiên mang vào vườn coi như để trang trí; 15 ngày sau ông ta đem bán lại cho một tay cớm làm ra bộ tình cờ ghé qua nhà, giống như đã thỏa thuận với bạn tôi. Trò mèo thôi, nhưng lịch sự."
Tuân làm chúng tôi buồn cười. Anh nói như một tên lưu manh nhưng thực ra anh không phải thế : anh chỉ làm như tất cả mọi người trong nghề. Anh khẳng định lại cho chúng tôi con đường mà mọi nguồn vốn đầu tư phải đi qua ở một tỉnh của Việt Nam : một khi bí thư đã bật đèn xanh cho dự án, mọi thứ đều trở nên đơn giản. Công chức địa phương đều nghe lời ông. Chủ tịch ủy ban nhân dân, tương đương với thị trưởng, chỉ là nhân vật số hai trong đảng ủy, và tất cả lãnh đạo sở cũng đều nằm trong bộ máy. Trật tự ngôi thứ bí mật này trong đảng quan trọng hơn so với thứ bậc chính thức của Nhà nước. Như Tuân nói, chỉ cần bí thư trình bày ngắn gọn sự quan tâm của mình đến một dự án trong cuộc họp đảng uỷ là mọi người đều hiểu… bản chất sự quan tâm này là gì. Thế là cả guồng máy hành chính địa phương bắt đầu chạy theo. Càng hiệu quả hơn khi dự án ấy không những được ưu tiên lại còn được trực tiếp xử lý bởi các kiểu ban thường trực (đảng ủy, ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân…) là những nơi nắm quyền lực thực sự. "Ở tỉnh hay thành phố cỡ trung bình thì có khoảng chục người có quyền quyết định; cấp huyện chỉ có 3. Bí thư có nhiệm vụ phải đốc thúc họ. Chúng tôi trả tiền để ông ta làm thế. Nên giấy phép có rất nhanh, đấu thầu hay không cũng thế." Kéo lại áo may ô, Tuân chìa cho chúng tôi xem tấm thẻ ép plastic rồi kết luận : "Mọi việc là thế đấy ! Phải được gì tôi mới vào đảng chứ !".
Khi một vụ việc vỡ lở, ai cũng biết đó là hậu quả của việc thanh toán lẫn nhau, đấu đá nội bộ, chia chác không sòng phẳng. Tháng 2 năm 2010, khi được tin một phó giám đốc Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam bị kết án vì tội nhận hối lộ 40 ngàn EUR, dân Việt cười ngất : ở cấp ấy thì đương nhiên ông ta phải nhận gấp 100 lần số đó. Ai cũng hiểu đó chỉ là chuyện đấu đá nội bộ, và là một lời cảnh cáo : việc tố cáo một tội nhỏ, đưa đến một án phạt nhỏ, sẽ làm kẻ bị kết án biết điều hơn. Ông chủ tịch tỉnh Hà Giang bị dính vào một vụ bán đặc quyền cho một doanh nghiệp tháng 11/2009; chủ tịch tỉnh Bình Thuận bị cảnh cáo tháng 1/2010 vì tội cấp đất trái luật và xây nhà riêng bằng tiền của doanh nghiệp được ông tạo điều kiện. Những tay trùm sò ở Hà Nội không bao giờ bị làm sao cả.
Tiền của doanh nghiệp bị mất vào phong bì thì lấy lại được ở chỗ khác. Người ta cắt xén, tiết kiệm mọi thứ. Lương công nhân được giữ ở mức thấp nhất, đặc biệt là ở các doanh nghiệp tư nhân không bị khống chế mức lương tối thiểu (chỉ áp dụng cho lĩnh vực quốc doanh và các doanh nghiệp nước ngoài) ; nhân công tuyển theo thời vụ, ở các làng xã lân cận, lương thấp và không có bảo hiểm gì hết ; việc đầu tư không được quan tâm, đặc biệt là đầu tư cho thiết bị làm việc, thế cho nên mới có thảm cảnh kéo dài từ năm này qua năm khác những phụ nữ rải nhựa đường chỉ bằng bình tưới. Bị mất tiền từ đầu, nhà thầu không thể giữ báo giá như cũ, nên phải điều chỉnh trong quá trình tiến hành dự án bằng cách chi thêm phong bì : nhiều khu chung cư cao tầng ở Hà Nội không có chỗ đỗ xe dưới tầng hầm như trong thiết kế. Cuối cùng, phải nói rõ là chất lượng các công trình không phải là không có vấn đề. Trong lĩnh vực xây dựng, tỉ lệ xi măng trộn với cát không được tuân thủ, bê tông không phải lúc nào cũng đủ cốt thép và hậu quả đôi khi thật khủng khiếp. Một chiếc cầu ở Hải Phòng bị sập, và tháng 12/2009, năm người chết và 4 người bị thương nặng trong một vụ sập nhà 5 tầng ở Bình Dương. Tất cả những việc đó không phải là hậu quả của việc thi công ẩu, mà chính là hậu quả không tránh khỏi của nạn tham nhũng vì tham nhũng hút mất lãi của nhà thầu, nên buộc họ phải tìm mọi cách hòng kiếm lại ở nơi khác.
Sự khánh kiệt của Nhà nước là hậu quả thứ hai vì, suy cho cùng, các cá nhân đã đứng ra thu thuế thay Nhà nước. Chỉ trừ việc không hề có phân chia lại : cái gì đã vào túi cá nhân thì ở lại, hoặc chạy sang túi cá nhân khác, và tiền tham nhũng chạy từ túi này sang túi khác thành một mạch điện song song làm chảy máu Nhà nước. Trong hàng ngàn thí dụ, có thể kể ra việc thông quan hàng hóa ở cảng rốt cuộc chỉ còn lại một tẹo cho Nhà nước, kể cả lúc đi cũng như lúc đến ; thuế doanh thu, các loại thuế và phí khác đều có thể thương lượng với nhân viên thuế vụ ; thuế thu nhập đất đai biến mất trong những vụ miễn trừ đáng ngờ và trong các hợp đồng cho thuê đúp (tiền cho thuê nhà là 100, thì chỉ khai 30, rồi nộp cho nhân viên thuế vụ 10). Ngược lại, tiền vào két Nhà nước thì khó nhưng ra thì dễ. Ví dụ, người ta mua xe ô tô miễn thuế (rồi đem bán lại trên thị trường tự do) ; hoặc là, như đang là mốt hiện nay, người ta tăng số hộ cần giải tỏa để triển khai công trình công ích lên để bỏ túi số tiền đền bù : 180 ngàn EUR đã bị biển thủ tháng 9/2009 tại một khu dân cư ở Hà Nội, cùng lúc đó người ta phát hiện ra số hộ được đền bù nhiều gấp 7 lần số hộ có thực tại một xã miền Trung.
Tất nhiên ta không thể biết hết, nhưng số vụ xì-căng-đan nhỏ lẻ bị phát giác ở địa phương cũng cho ta một ý tưởng về hiện tượng này. Ở tỉnh Đồng Nai, 6 công chức bị điều tra vì tội nhận hối lộ dẫn đến việc thất thu 1,2 triệu EUR thuế doanh nghiệp và vụ việc lại nổi lên vì lương tâm quan tòa cuối cùng cũng bị mua chuộc. Ở thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện Bưu điện bé tí lại phụ thuộc một cách rất lạ lùng vào một công ty viễn thông quốc doanh, trốn trả 40 ngàn EUR tiền thuế, một nửa khoản này đã biến mất và nửa còn lại đem cho tư nhân vay lấy lãi.
Tại Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long, bà Trần Ngọc Sương, giám đốc nông trường Sông Hậu, nổi tiếng cả nước, tháng 8/2009 bị kết án 8 năm tù vì tội tổ chức biển thủ công quỹ 230 ngàn EUR, với sự đồng phạm của cấp phó và kế toán trưởng. Sau khi lén lút bán một số mảnh đất của nông trường, tức là của Nhà nước, bà đã dùng một phần tiền để mua đất dưới tên mình, mua sắm tài sản, du lịch nước ngoài, v.v… Trong quá trình điều tra, người ta không chỉ biết được rằng bà đã "thừa kế" vị trí của mình từ người cha, người sáng lập nông trường, mà còn biết được rằng việc duy trì quỹ đen, mà bà đang mưu toan rũ bỏ, đã có từ những năm 1980.
Thế nhưng, vấn đề là ở chỗ người đàn bà này không phải người tầm thường. Được vinh danh "anh hùng lao động" và "người phụ nữ ấn tượng châu Á", bà là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng của nhà văn Chu Lai (tiểu thuyết thời hậu chiến không được lòng dân miền Nam cho lắm). Mùa hè 2009 vụ việc là như vậy. Nhưng bà Sương quen biết rộng, và hình như các mối quen biết của bà không thích người ta xét xử, thông qua bà, cả các anh hùng giải phóng lẫn những vụ dàn xếp nhỏ ở địa phương. Công nhân và sinh viên nông trường gửi đi các bản kiến nghị rất đúng lúc, nhiều nhân vật cao cấp đứng ra bảo vệ bà, một số đại biểu quốc hội cũng vào cuộc và báo chí tràn ngập các bài viết ít nhiều được định hướng từ xa. Dần dà qua những thông tin được hé lộ, ta nhận thấy một trò chơi phức tạp giữa đảng, có vẻ như là kẻ chủ mưu kết tội bà, và thành phố Cần Thơ, có vẻ như có dự định lấy lại đất của nông trường để xây khu công nghiệp và đường cao tốc đi Cam-pu-chia. Đó là một trận đấu chính trị và tài chính đang diễn ra, làm cho một vụ tham ô nhỏ, quá đỗi bình thường, lại trở thành một xì căng đan công cộng.
Tất cả những trò gian xảo này làm Nhà nước nghèo đi, khi lần lượt từng nguồn thu thuế và đất đai vốn không thể thiếu cho việc duy trì các dịch vụ công cứ mất dần. Nên dịch vụ công đành phải tư hữu hóa vì thiếu tiền, bắt đầu bằng giáo dục và y tế. Theo nguồn chính thức, người ta ước tính trong lĩnh vực xây dựng chẳng hạn, Nhà nước chỉ thu được ít hơn 1/10 số thuế lẽ ra phải có. Nhà nước không còn khả năng kiểm soát : với diện tích và dân số tương đương với Đức, nguồn thu ngân sách của Việt Nam ít hơn 15 lần.
Nhà công vụ và bất động sản
Có thể nói mà không sợ nhầm rằng sự giàu có của công chức, hay của bất cứ ai cũng vậy, thể hiện qua nơi ở và số đất đai anh ta sở hữu. Trong một đất nước không có sản phẩm ngân hàng cũng như tài chính nào đáng để đầu tư, nơi thị trường chứng khoán chỉ như trò sổ xố dễ chết vì lạm phát, tài sản bẩn nếu không tuồn ra nước ngoài thì ắt sẽ phải đầu tư vào bất động sản. Phần lớn cán bộ bậc trung đầu tư luôn vào nơi mình đang ở. Họ trả bằng tiền mặt, như những người khác, dù giá một căn nhà loại trung bình cũng tương đương với lương của cả một cặp vợ chồng công chức trong 15 năm nếu sống ở ngoại ô xa tít của Hà Nội, 60 năm nếu sống ở trung tâm thành phố. Chỉ vài năm là gia đình có thể mua nhà, trong khi lương của cả hai vợ chồng không đủ để tiết kiệm : 200 EUR, cộng thêm làm thêm là 400 EUR, số này đã chi hết cho tiền ăn (250 EUR), phí các loại (80 EUR), tiền học cho con cái (50 EUR), y tế, giải trí, v.v… Những công chức ở vị trí cao hơn, do vậy giàu hơn, thì mua nhiều căn hộ hay nhà cửa mà họ cẩn thận để anh em họ hàng đứng tên. Trong cả hai trường hợp, giá trị gia tăng đều ổn vì bong bóng đầu cơ bất động sản vẫn không ngừng phồng to từ giữa thập kỷ 1990 đến nay. Một bí mật mà toàn dân đều biết ở Việt Nam là việc giá bất động sản tăng lên ở các thành phố lớn chính là bởi đó là nơi đồng tiền tham nhũng được tái chế. Thùng nấu bất động sản xử lý tiền bản địa và nhất là xử lý tiền từ các tỉnh lân cận kín đáo chuyển về.
Ai cũng biết rằng những ngôi nhà đẹp nhất đều thuộc sở hữu của công chức, ví dụ như những tòa biệt thự ven hồ Tây, Hà Nội vẫn dành cho Tây thuê. Chúng tôi quen một công chức có đến 4 ngôi nhà cực lớn cho người nước ngoài thuê theo hợp đồng đúp. Một trong số những ngôi nhà đó chỉ khai giá 550 USD/tháng, nộp thuế 140 USD nhờ đã lót tay 100 USD, còn lại đút túi 1 760 USD trên tổng số tiền cho thuê thực tế là 2 000 USD. Đem nhân với bốn thì cũng được một khoản khá. Ông này cũng hiểu thế nên cứ an nhàn mà hưởng thụ cuộc đời tại một căn hộ ông mua lại ngay giữa quận 6 Paris. Mỗi cuối tháng, một người nhà của ông, ăn mặc rất bình thường, đi dép xăng đan kín đáo, đi một vòng thu tiền nhà rồi gửi sang cho ông theo những mạng lưới chuyển tiền siêu đẳng của người Việt : tiền được chia làm nhiều phong bì nhỏ được nhiều hành khách mang sang theo tuyến bay Hà Nội-Paris, sang đến nơi thì được gộp lại rồi chuyển đến đúng địa chỉ.
Với những khoản lớn hơn, thì có những ngân hàng song song bí mật được đặt trong những ngôi nhà trông hết sức bình thường cuối ngõ (ví dụ gần đường sắt Hà Nội), nơi người ta có thể mang đến những túi nhựa kín đáo đựng từng xấp đô la, ngay cùng lúc đó bên Paris, tiền mặt được chuyển cho người nhận tại một căn hộ quận 13, chỉ cần xác minh qua số điện thoại đóng vai trò như mật mã ngân hàng : không cần giấy tờ, thời hạn, không thuế chuyển giao ngoại tệ. Rất tiện cho cả hai bên, mạng lưới này hoạt động được ở tất cả các nước, đặc biệt là các nước Đông Âu.
Việc chiếm nhà công vụ làm của riêng cũng rất phổ biến. Ở đây xin phép mở ngoặc để nói rõ rằng trong phần lớn trường hợp, điều này là hợp pháp : một quyết định của chính phủ cách đây 10 năm cho phép mua lại những căn nhà nhỏ được Nhà nước cấp trong thời xã hội chủ nghĩa chỉ với giá tượng trưng vài trăm EUR. Sự chuyển nhượng này cũng không phải là không có lý vì công chức thông thường sống khổ và nhà do Nhà nước cấp cho họ cũng chẳng mấy tiện nghi đẹp đẽ gì cho cam ; nên việc Nhà nước cho họ căn nhà ấy, trị giá trung bình khoảng 60 ngàn EUR, cũng coi như là đền bù cho mức lương rẻ mạt mà họ vẫn phải chịu. Đến đây xin đóng ngoặc đơn, vì đối với tầng lớp trên trong giới công chức thì khoản tiền và diện tích họ được hưởng lớn hơn rất nhiều.
Đó là những ngôi nhà tuyệt đẹp từ thời Pháp trị giá đến cả một gia tài. Trò ảo thuật tỏ ra cực kỳ hiệu quả và nếu so về tài chính, thì cũng tương đương với việc các công chức cao cấp Pháp chiếm được cả một khách sạn hay một dinh thự cộng hòa. Cho nên, một ngôi biệt thự từ những năm 1930 ngay giữa trung tâm Hà Nội được bảo quản bởi người vợ góa của một cựu bộ trưởng, rồi được bán lại cho một tay buôn bất động sản vốn là con của một cán bộ cấp cao, tay này đem phá luôn biệt thự đi để xây một toà tháp văn phòng; chúng tôi không biết toà tháp này giá bao nhiêu, nhưng ngôi biệt thự đã mang lại cho gia đình ông bộ trưởng quá cố nhiều triệu EUR. Dễ hiểu sự bất bình của rất nhiều người Việt Nam bình thường – một thùng cộng hưởng phi thường có thể cho ta biết, nếu ta quan tâm điều tra, về cuộc sống của cả một khu phố. Nhưng để làm gì nhỉ ? Khi sự bất công quá lớn, hoặc quá dễ thấy, họ bức xúc, tụ tập lại, rồi nhanh chóng bị công an giải tán, một cách nhẹ nhàng thôi, giống như ở Hà Nội năm 2006 khi ông chủ tịch mãn nhiệm của ủy ban nhân dân và cấp phó của mình lập hồ sơ định mua lại với giá bèo hai căn nhà cổ công vụ của mình. Một căn, giá trên thị trường là một triệu EUR, lẽ ra đã có thể mua lại với giá 40 000, căn kia có giá thị trường là 350 000, lẽ ra có thể mua lại với giá 10 000. Vụ xì-căng-đan được báo chí đăng tải, nên âm mưu này đã không thành. Còn bao nhiêu trường hợp, kín đáo hơn, không được biết đến ?
Các yếu tố làm tình hình thêm trầm trọng : phân quyền và mua quan bán chức
Công chức là những người được lợi nhất từ việc mở cửa đã biến đổi đất nước kể từ năm 1990, ở vị trí càng cao thì lợi càng lớn. Nếu là vụ trưởng một bộ thì rất ổn ; chủ tịch ủy ban nhân dân thì không có gì phải phàn nàn ; nhưng nhân viên địa phương hay cán bộ huyện thì còn phải nhăn nhó nhiều. Việc làm giàu cá nhân phụ thuộc vào mức độ gần xa với ngân sách công, vốn được nuôi dưỡng từ bên ngoài bằng tiền đi vay hoặc viện trợ quốc tế, và được duy trì ở đỉnh cao Nhà nước nhờ hiệu quả của tập trung dân chủ, làm cho những công chức bậc thấp cảm thấy mình bị lừa. Từ khi đất nước mở cửa, họ mới chỉ được tiếp cận với miệng ống ngân sách chứ chưa tới được cái đường ống khổng lồ cấp cho nó. Ở địa phương, họ không thể trông chờ vào sự hào phóng của những người dân mà họ quản lý vì bản thân những người này đâu giàu có gì cho cam. Vì thế, sự bất mãn gia tăng và ý tưởng đòi tự trị địa phương trở nên mãnh liệt. Một số tỉnh ra những quyết định mà họ không được phép ra, không đóng xu nào cho ngân sách Nhà nước, tự ký hợp đồng với nhà đầu tư nước ngoài, tự định ra luật lệ riêng, và lập nên một hệ thống thuế địa phương mà Nhà nước không kiểm soát nổi.
Ý thức được nguy cơ chính trị từ sự bất mãn này, đặc biệt là đối với các tỉnh phía Nam, các vị lãnh đạo ở Hà Nội từ vài năm nay cố gắng đáp ứng những đòi hỏi của những người bà con nghèo khó của mình từ các tỉnh, thành, huyện lị. Họ làm được vì Nhà nước kiểm soát nền kinh tế ngày càng nhiều hơn. Được nối với bên ngoài, "đường ống khổng lồ" có tốc độ chảy đủ lớn để họ có thể mở thêm van cho vốn chạy tới cả hàng ngàn đường nhánh của hệ thống ống ngân sách địa phương. Sau đó, vấn đề chỉ còn là điều chỉnh, định lượng, chia chác.
Đằng sau những bài diễn văn về hiệu quả quản lý và dân chủ cơ sở chính là chính sách phân quyền hành chính cho địa phương mà Đảng áp dụng từ 2006. Đưa quyền quyết định kinh tế, quản trị tài chính xuống dưới địa phương, nới lỏng kiểm tra ngân sách địa phương và kiểm tra việc sử dụng tài sản công : đó là các mục tiêu và trong một chừng mực nào đó, là những thông lệ mới. Tranh luận về phân quyền và "dân chủ đại diện" không phải là một tranh luận kỹ thuật mà là một sự nhượng bộ, theo nghĩa kinh tế của từ này, mà đỉnh hình tháp dành cho phần đáy để làm cho nó hài lòng và giữ cho nó ổn định.
Như đã lường trước, quan chức địa phương ngay lập tức sử dụng những phương tiện này để kín đáo tiến hành tư hữu hóa tài sản Nhà nước, hiện tượng này diễn ra ở khắp nơi. Vì những vụ lạm dụng có nhiều, mà báo chí lại đưa tin, nên Nhà nước còn đang đắn đo giữa việc nên mở hay đóng van lại tí chút. Chính sách bình ổn này cũng có phần khôn ngoan khi Nhà nước tiến hành thử nghiệm từng chút một, theo từng địa điểm và hoàn cảnh, theo cả tình hình công luận nữa, vì không gì cho thấy sự phân quyền này về lâu dài là có lợi cả. Không thể yên tâm khi soi kỹ vào từng địa phương và thấy ở đó cả tệ quan liêu, gian lận thuế, trộm cắp, lối sống ăn mồi của doanh nghiệp quốc doanh, đất nông nghiệp mất dần, sự xuất hiện của những "sứ quân", những bè phái lộng quyền, đấy là còn chưa kể đến "thái độ hống hách" của một số công chức, theo lời lẽ của báo chí chính thống, khi các vụ xì-căng-đan đi xa đến nỗi đương sự phải chịu hình phạt, có khi còn bị khởi tố. Việc quyền lực trung ương giảm đi một chút khiến cấp cơ sở hài lòng mà vẫn giữ được sự bảo trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, đứng từ góc độ người dân, phương thuốc này có thể còn tệ hơn cả tệ : thay đổi tiêu cự không có nghĩa là thay đổi chế độ, mà còn làm nó mạnh hơn.
Hơn nữa, tham nhũng đã mở rộng ra đến cả việc tuyển chọn công chức : phải chi một khoản lớn mới có được một chân trong bộ máy Nhà nước. Nói cách khác, một số vị trí là hoàn toàn do mua bán. Điều này không phải bí mật Nhà nước : ở Việt Nam ai cũng nói tới hiện tượng này và các báo miền Nam, bao giờ cũng táo bạo hơn, còn đăng những bức biếm hoạ xuất sắc về đề tài này. Một bức trong số đó cho thấy một chánh văn phòng gạt bỏ những hồ sơ xin việc ghi chữ "năng lực và bằng cấp" mà chỉ lấy hồ sơ chứa đầy đô la ; một bức khác vẽ một chiếc ghế ở tít trên cao một cầu thang làm bằng các phong bì chồng lên nhau.
Thông lệ này phổ biến nhanh chóng và từ đầu năm 2009 đến giờ, người ta nói về đề tài này khá thoải mái. Báo chí, lấy cớ ca ngợi các hình phạt do nhà chức trách ban ra, tha hồ kể chi tiết các trường hợp mua quan bán chức. Dần dà, độc giả hiểu ra rằng tính chất mua bán đã hằn sâu trong cả bộ máy Nhà nước, từ trên xuống dưới. Các nhà chức trách không thể không hành động. Hồi mùa thu 2010, một đại biểu quốc hội đã đặt câu hỏi về vấn đề này (nếu không được cho phép thì ông đã không thể liều mạng như vậy). Ngay trước hôm ông phát biểu, nguyên phó trưởng ban Tổ chức Đảng đầy quyền uy đã lên án tính chất mua bán đang gạt bỏ các nhân tài. Hai ngày sau, Bộ trưởng bộ Công Thương công khai chỉ trích căn bệnh mua quan bán chức đang "di căn". Chính quyền chính thức công nhận hiện tượng này. Dưới sức ép dư luận, người ta bắt đầu nghe thấy nói về việc công khai tài sản mà các Bộ trưởng và Chủ tịch Hội đồng nhân dân phải làm trước khi nhậm chức, nhưng trên thực tế họ không bao giờ làm.
Việc mua quan bán chức này không hẳn là mới. Nó tồn tại từ giữa thập niên 1990. Người ta biết chuyện ông bộ trưởng nọ vừa mới được bổ nhiệm đã phải đợi 6 tháng để có đủ tiền trả cho cái ghế của mình trước khi được ngồi vào đó. Gần đây hơn, năm 2007, một nữ chủ doanh nghiệp một thành phố lớn phía Bắc đã đề xuất chi 80 ngàn EUR để được một chân đại biểu quốc hội : ít quá, nếu so với những đề xuất khác, nên bà này đã bị loại từ vòng sơ tuyển do Mặt trận tổ quốc tổ chức, mà lọt qua vòng này thì coi như được bầu. Trái lại, năm 2009, cũng khoản tiền ấy đã đủ để mua chức phó giám đốc một doanh nghiệp lớn của Nhà nước mà chúng tôi tránh không nói tên. Năm 2010, nghe nói ngay cả Ban chấp hành trung ương Đảng cũng không thoát khỏi hiện tượng này…
Khu vực đại học đặc biệt bại hoại từ năm 2009 khi Nhà nước triển khai đề án đào tạo hơn 2 vạn công chức trở thành tiến sĩ. Năm 2010, giá một luận án kinh tế là 12 000 EUR : 4.000 cho sinh viên viết thuê cho tiến sĩ tương lai (nếu cần thì dịch từ một khóa luận Liên xô từ đời nảo đời nào), 8.000 cho ông thầy hướng dẫn luận án rởm, thế là viên công chức nhà ta có được tấm bằng danh giá (dù sẽ chóng mất giá thôi) hanh thông quan lộ. Chúng ta hãy xem số tiền đó khủng khiếp đến mức nào : 8.000 EUR là ba năm dạy học của một giáo sư Việt Nam đổi lấy một con dấu. Để so sánh, có thể tưởng tượng một giáo sư Pháp nhận một vali 100 000 EUR miễn thuế…
Từ năm 2005, tệ mua quan bán chức lan nhanh đến cả những vị trí bình thường. Một nữ hiệu trưởng, một trưởng phòng bưu điện, một nhân viên địa chính, một công an hay một lái xe đều phải trả những khoản tiền lớn mới được nhận vào làm. Một vị trí trung bình ở bộ Ngoại giao, ít bổng lộc, được thương lượng với giá 15 000 EUR, nếu là vị trí có thể được cử sang các sứ quán Việt Nam ở nước ngoài thì còn cao hơn nhiều. Một chân công nhân doanh nghiệp Nhà nước ở Hà Nội có giá từ 600 đến 800 EUR. Một chân giáo viên tỉnh lỵ giá trung bình 3 000 EUR.
Chúng ta cùng lấy một thí dụ cụ thể : cô gái tên Phương chấp nhận nói chuyện với chúng tôi vì chúng tôi quen gia đình cô. Năm nay (2010), Phương 23 tuổi, tốt nghiệp marketing và tài chính tháng 6/2009. Cô mong tìm được việc làm trong cơ quan Nhà nước, ổn định hơn, có nhiều phúc lợi xã hội, được tổ chức cho đi nghỉ mát, giờ làm thoải mái hơn, và, cô nói với một sự ngây thơ đáng ngưỡng mộ : "có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn trong tương lai vì ngân hàng quốc doanh kiểm soát tất cả". Không do dự, tháng 1/2010, cô mua một chân nhân viên thường trong một ngân hàng quốc doanh ở Hà Nội, với khoản tiền còm là 16 000 EUR, cô trả bằng tờ xanh đô la Mỹ. Cô kể chúng tôi nghe điều này với giọng vô cùng tự nhiên, như thể đương nhiên là phải thế.
Khi cô kể chuyện gia đình cô bàn bạc quyết định chuyện mua chỗ làm như thế nào (vì bố mẹ cô mới là người trả tiền chứ cô chẳng có xu nào), chúng tôi hiểu là vấn đề không phải là việc mua chỗ làm ấy, mà là việc đầu tư vào đấy có tốt không, có hiệu quả không, chỗ ấy có đảm bảo không. Nếu bỏ ra 16 000 EUR, thì bao lâu mới thu lại được ? Liệu vài năm sau con bé có bị đuổi vì một lý do trời ơi nào đấy để dành chỗ cho một đứa khác cũng chấp nhận trả tiền không ?
Còn về đường đi của đồng tiền, chúng tôi không biết chính xác số tiền trong phong bì được chia chác như thế nào, dù đương nhiên là nó sẽ được chia nhỏ cho tất cả mọi mắt xích trong "đường dây tuyển dụng", một đường dây dài và lên rất cao. Trái lại, chúng tôi biết đích xác một phó giám đốc chi nhánh quận của một ngân hàng quốc doanh ở Hà Nội kiếm được 40 ngàn EUR hối lộ mỗi năm, chủ yếu là từ các món quà nhỏ anh ta nhận được để dựng hồ sơ vay vốn ưu đãi. Dù Phương không phải là phó giám đốc, nhưng nhẩm nhanh thì cũng thấy số đầu tư ban đầu của cô sẽ chóng hoàn vốn thôi, cùng lắm cũng chỉ 2 năm. Cô chỉ có mỗi việc là làm sao đừng để bị sa thải trong hai năm ấy, nếu không thì mất hết. Nên thể nào cô cũng ngoan với các sếp, rất ngoan. Chu trình tham nhũng tạo ra kỷ luật…
Dù sao, trong khu vực công (khu vực tư có vẻ ít bị ảnh hưởng hơn), thường là một người mang nợ mới được đi làm. Để hoàn vốn, làm sao mà không rơi vào vòng xoáy tham nhũng cho được ? Một khi đã mua được chỗ làm rồi thì phải làm sao kiếm lại đủ số tiền ấy, trả cho bố mẹ, và trong nhiều trường hợp (không phải của Phương) thì còn phải trả nợ những người mình đã vay. Khách quan mà nói, làm sao tránh khỏi cám dỗ kiếm tiền bù lại số mình đã bỏ ra bằng cách tuyển cấp phó theo đúng cách ngày xưa mình đã được tuyển ? Bán dịch vụ của mình với giá cao ? Phổ biến thông lệ hối lộ để kiếm lại tiền một cách nhanh nhất ? Theo hệ thống, nạn hối lộ lây truyền ra khắp nơi, đến tất cả mọi người : vòng tròn đã khép kín.
Đầu tiên là tìm cách lấy lại tiền ; sau đó thành nếp rồi thì chuyển sang giai đoạn kiếm lời. Về chủ đề này, chúng tôi cảm thấy có một sự mỉa mai chua chát và đau khổ, rất đau khổ, trong những lời lẽ chán chường của một người bạn bác sĩ : "Suy cho cùng thì đây là một hệ thống tốt để tự gây tê sự liêm khiết của bản thân : giai đoạn lo kiếm đủ tiền bù lại số đã bỏ ra làm ta tỉnh táo mà làm quen dần với giai đoạn sau khi ta sẽ thu lời." Việc hoàn vốn trở thành bước đệm để đến với nạn hối lộ trên diện rộng hơn. Tuy nhiên, không phải ai mua chỗ làm cũng nằm trong hoàn cảnh này. Một tỉ lệ lớn con em cán bộ và công chức cao cấp ở tỉnh lấy tiền của bố mẹ mà mua chỗ làm ở thành phố ; họ chẳng phải lo kiếm tiền trả lại gì cả, chỉ việc ngoan ngoãn mà phát đạt, mà ăn ở tiện nghi tại căn hộ gia đình đã đầu tư cho.
Lạm dụng quyền lực địa phương, bán chức bán quyền và tham ô lặt vặt hàng ngày : thách thức là to lớn và muôn hình muôn trạng. Việt Nam, một trong những nước thụ hưởng nhiều nhất viện trợ phát triển và hợp tác quốc tế, nằm trong một vùng cực kỳ cạnh tranh, ngay bên cạnh người hàng xóm khổng lồ Trung Quốc, hiểu rằng mình cần vượt qua bằng được thách thức này nếu không muốn làm xấu hình ảnh đất nước. Hơn cả những lời tuyên bố đức hạnh chả mấy người thấy lọt tai, lối thoát chính là ở chỗ phải xây dựng một hệ thống thu thuế hiệu quả và phát triển các giao dịch ngân hàng thay cho giao dịch bằng tiền mặt. Những thử nghiệm đầu tiên đã đem lại kết quả tích cực, thu được nhiều thuế hơn và kết thúc xì-căng-đan biển thủ tiền lương đã kéo dài suốt bao lâu. Một chương trình áp dụng rộng rãi thuế thu nhập đang được triển khai, có thể thấy phía sau các xe taxi ở thành phố Hồ Chí Minh đều có dán tờ tuyên truyền động viên các gia đình khai thuế. Trong lĩnh vực thương mại cũng vậy, việc chuẩn hóa và tự động hóa các thủ tục đã giúp mang lại cho nền kinh tế chính thống một phần những hoạt động trước đây không được khai báo.
Người ta cảm thấy gì và suy nghĩ ra sao?
Báo chí đóng vai trò chủ yếu trong việc tố giác hối lộ. Tất nhiên, ở Việt Nam cũng như ở nơi khác, đại đa số các trường hợp là các nhân vật hạng hai bị đưa ra cho thiên hạ đàm tiếu, sỉ nhục, chứ mấy khi là các vị lãnh đạo chóp bu, và việc kết tội nhận hối lộ là một thứ vũ khí thuận tiện để hạ gục một kẻ thù chính trị hay loại bỏ một đối thủ cạnh tranh. Dù sao vẫn phải công nhận rằng những nhà báo dám tố giác tệ nạn này là rất dũng cảm.
Hè 2009, họ cho đăng một loạt biếm họa khiến người ta phải bàng hoàng. Một trong số đó vẽ cảnh một vị sếp hỉ hả đứng ngắm lực lượng chống tham nhũng mới của mình : trên một cái két sắt đầy tiền bẩn, hai con vẹt không ngừng hô khẩu hiệu chính thức chẳng có tính cam kết nào "Chống tham nhũng ! Chống tham nhũng ! Chống tham nhũng !". Biện pháp này thật quyết liệt, nhân viên của ông ta tung hô ; dù sao thì với họ, chống tham nhũng như thế là đủ và việc làm ăn cứ thế tiến triển. Một số biếm họa khác vẽ cảnh những phong bì dày cộp đang nhảy múa, những chiếc áo bác sĩ túi sâu hoắm, những cây xăng ăn gian, những tòa biệt thự được mua với giá bèo, viên chức Nhà nước làm việc cho tư nhân, tay công chức điền kinh đẩy tài sản công đến điểm đến tư nhân, v.v… Báo chí và blogs sử dụng nhiều cách diễn đạt dân dã nhưng rất chuẩn như "xà xẻo công quỹ", "ăn chặn", hay hình ảnh hơn là "bàn tay nhớp nháp của quan chức". Gõ từ "xà xẻo" trên Internet, bạn sẽ thấy hàng trăm tài liệu tham khảo, bài báo, thư độc giả, forums, blogs và bình luận bất bình việc xà xẻo tiền đền bù giải tỏa, gạo cứu trợ khẩn cấp sau lũ, tiền chính phủ cấp cho dân nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán.
Có thể thấy người dân khó chịu với nạn tham nhũng có mặt mọi lúc mọi nơi. Giới thanh niên, mơ tưởng sự hiện đại mà lại đối mặt với thất nghiệp, bức xúc. Lứa trung niên tìm cách xoay sở, giống như trường hợp người bạn chúng tôi đã nhắc đến ở trên, vì quá chán cảnh suốt ngày phải đưa phong bì nên đã quyết định rút con gái ra khỏi trường công (chương 3). Còn những người lớn tuổi hơn, những người từng chiến đấu hy sinh, nếu nói họ thất vọng thì e là chưa đủ : họ cảm thấy bị sỉ nhục, lòng tự hào dân tộc bị tổn thương sâu sắc đến nỗi họ cảm thấy nhớ tiếc thời xã hội chủ nghĩa liêm khiết, thời nghèo đói nhưng đạo đức. Một trong các tác giả cuốn sách này nhớ về một cựu chiến sĩ, một trí thức vỡ mộng, chán ngán chế độ nhưng yêu nước đến tận cùng : mắt ông nhòa lệ khi đọc số tháng 2/2009 của tạp chí Time phản ánh chuyện quan chức Việt Nam xà xẻo tiền xóa đói giảm nghèo cho khu vực nông thôn. Tính ô nhục của sự việc, sự phản bội lý tưởng, nỗi xấu hổ khi bị người Mỹ quở trách : tất cả những cái đó là một đòn nặng đối với ông.
Nhân đây, cũng phải nói rằng chủ nghĩa dân tộc có phần thái quá của người Việt, nỗi rung động mỗi khi nghe ai đó nhắc đến tên nước họ, cũng là cội nguồn của một phẩm cách lớn. Hàng trăm, hàng ngàn lần, nhất là sau vụ PMU 18 – biển thủ với số lượng lớn tiền đi vay Nhật Bản -, chúng tôi được nghe nói rằng tham nhũng và biển thủ công quỹ làm xấu hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài, làm cho chính phủ nước này bị liệt vào hạng "chuối" (vẻ ngoài là theo chính thể cộng hòa nhưng thực chất là chính phủ độc tài, tham nhũng – chú thích của người dịch). Vậy mà, chắc chắn đất nước này và nhân dân đất nước này xứng đáng được hơn thế rất nhiều.
Nhưng chớ có ngây thơ : với số lượng lớn công chức như thế, phần lớn các gia đình đều có ít nhiều tham gia vào hệ thống. Cái mà người này đem nộp cho công an hay cô giáo, người kia đã lấy từ một trong số những người dân mà mình cai trị ; bán giấy phép lái xe thì có tiền trả viện phí cho mẹ. Một viên chức quèn có thể tăng thêm hai, ba lần thu nhập, nhưng lại phải chia nó ra hai, ba lần ngay lập tức, vì anh ta cũng phải bôi trơn hệ thống. Tiền kiếm được do khai sai thuế kinh doanh hằng năm lại đi ngay vào túi người đến thu tiền điện. Tham nhũng tốn kém hay mang lại lợi ích là còn tùy trường hợp. Một hệ thống kế toán phức tạp, cả bên có cũng như bên nợ, làm cho việc tính toán mức sống thật của người dân là không thể, trừ phi phải điều tra từng trường hợp một.
Trước sự cần thiết phải kiếm vài ba xu để trang trải cho những khoản chi thường xuyên, làm việc cho Nhà nước suy cho cùng cũng không đến nỗi tệ lắm, dù có phải bỏ tiền ra mua chỗ. Làm ở đó coi như có bảo đảm về thu nhập, hay tối thiểu là đảm bảo có các phương tiện để kiếm thu nhập. Trong điều kiện đó, người ta sẽ bớt ngạc nhiên hơn khi thấy vài năm trở lại đây, có vẻ như làm việc cho Nhà nước lại trở nên hấp dẫn với nhiều người. Thời mới mở cửa, giới trẻ chỉ mê làm cho tư nhân, lương càng cao càng tốt, trong một doanh nghiệp nước ngoài, chứ Nhà nước hồi đó chỉ như vầng trăng đã cũ. Ngày nay thì khác : người ta chen nhau vào làm cho Nhà nước, nên mới có chuyện mua quan bán chức.
Đương nhiên, sự an toàn từ việc làm cho Nhà nước và sự teo tóp của khu vực tư nhân là những lý do chính. Tuy nhiên, còn phải tính đến những nguồn lợi tức "ngoài lương" trong khu vực công. Không phải khoản nào cũng phi pháp vì Nhà nước tặng cho nhân viên của mình một dạng độc quyền trong việc tham gia các dự án quốc tế với mức thù lao hậu hĩnh. Dù sao, có hợp pháp hay không thì cơ hội kiếm tiền trong lĩnh vực công cũng nhiều hơn so với làm ở doanh nghiệp tư nhân, trừ khi là được lãnh đạo doanh nghiệp. Vào biên chế chính thức và có thẻ Đảng là một, có đầu óc kinh doanh và có mạng lưới chắc chắn là hai, tất cả lại được cài trên một vị trí béo bở như một tấm đệm đỡ, đó chính là điều kiện lý tưởng để đối mặt với tương lai. Sự tù mù này không phải là tình cờ. Đó chính là trò chơi có tính toán của Đảng, hay của chính quyền nói chung. Nay họ chỉ còn việc để những người đã quá mệt mỏi đi tìm việc đến với mình, những người này cũng chỉ cần kiếm đủ sống thôi : trong khi thắt chặt lĩnh vực tư nhân, họ thu hút, sáp nhập và biến lĩnh vực tư thành đồng phạm.
Về tham nhũng, cũng như về những thứ khác, ta thấy ở Việt Nam có nhiều ý kiến trái ngược, bất ngờ, phản loạn và gây khó chịu. Chúng ta có thể đồng ý hoặc không. Nhưng chúng ta thấy rõ ràng là nghịch nhĩ. Có một điều mà nhắc đi nhắc lại bao nhiêu lần cũng không đủ : Việt Nam có thể là đủ thứ, nhưng quyết không phải là một tảng đá liền khối. Quả vậy, một số những người nói chuyện cùng chúng tôi có cách lập luận về tham nhũng thoạt tiên gây tò mò, nhưng sau đó khiến chúng tôi suy nghĩ. Họ không đồng ý coi tham nhũng là do lương công chức quá mạt hạng. Họ nói rằng phần lớn người Việt cũng chẳng kiếm hơn được bao nhiêu, nông dân thì còn tệ hơn trong khi công việc lại nặng nhọc. Hơn nữa, những kẻ đã tham nhũng thì trước hay sau khi giàu lên cũng vẫn cứ tham nhũng như thế, có khi lại còn hơn vì họ có nhu cầu mới ; nếu tham nhũng chỉ để nâng đỡ tầng lớp công chức nghèo khó, thì lý lẽ vì lương công chức quá mạt hạng mới sinh tham nhũng còn có thể đứng được, nhưng thực ra không phải vậy. Phân tích của họ vượt qua giới hạn những cá nhân để nghiên cứu cả cấu trúc hệ thống : họ nhấn mạnh rằng tham nhũng làm mềm đi một hệ thống về bản chất là không thể vận hành được. Các quy tắc của nó hiện nay không thể áp dụng được, trừ khi trở lại với sự ỳ trệ bảo thủ của những năm 1970-1980, mà hệ thống ấy đúng là được thiết kế ra để mà ỳ trệ bảo thủ, mãi đến bây giờ vẫn vậy, chỉ có điều không ai muốn quay lại thời kỳ đó nữa.
Nạn quan liêu nặng nề, chậm chạp, đầy giấy tờ phiền phức, không thể giải quyết những phức tạp mới nảy sinh và đòi hỏi sự nhanh nhậy của thời cuộc. Dưới 1/3 số công chức huyện có trình độ đại học, ở cấp làng xã là dưới 4%. Nên không có cái gì làm bộ máy chạy nhanh hơn, hiện đại hóa nó, cải tiến nó, nên nó cứ tiếp tục kêu ro ro như cũ, sa lầy trong những cách thức quản lý của thời xa xưa. Mỗi mình Đảng quyết định, làm cho Nhà nước ở dưới chỉ còn là một đám những nhân viên không phân biệt nổi bị tê liệt vì không ai trong số họ có được tiếng nói cuối cùng. Quản lý lạc hậu và hành động tê liệt : tham nhũng chính là để bôi trơn cho những bánh xe cũ kỹ ấy. Hay, như một phép ẩn dụ lạ lùng mà một người Việt đã sử dụng, "tham nhũng chia ba số bánh răng làm chạy cỗ máy Việt Nam". Cách nhìn kiểu cơ khí này, theo nghĩa đen, không sai. Đứng ở góc độ người đi hối lộ, một tờ tiền khéo léo nhét vào đúng chỗ làm đỡ tốn mấy ngày vô ích, thủ tục rườm rà, chẳng được việc gì mà cứ áp đặt người ta phải theo. Hối lộ làm cuộc sống khó khăn, nhưng nếu không có nó thì không sống nổi. Một ngày nào đó, nó sẽ lại vấp phải một trong số các bánh răng nhỏ vẫn cưỡng lại áp lực, mà điển hình nhất trong số đó từ lâu nay vẫn là : "Không hộ chiếu thì khỏi visa, không visa thì khỏi hộ chiếu".
Trò chơi phong bao, mất là được
Tuy nhiên sẽ là ngây thơ nếu nghĩ rằng trò chơi này là bình đẳng với tất cả mọi người. Không phải ai cũng có khả năng xoa dầu vào tay, hay nói theo kiểu thế kỷ XVII, là "tra mỡ cho búa" (lót tiền cho người gác cổng). Tháng 11/2009, Hiệu Minh đã viết trên blog của mình một bài chua xót nhẹ nhàng nhan đề "Phép số học phong bì", mở đầu như sau : "Ai đưa cũng thắng, ai nhận cũng thắng. Chắc chắn phải có người thua : họ là ai?".
Để biết được điều này, tay blogger học sâu hiểu rộng này giải thích cho chúng ta rằng trước hết phải hiểu được nguyên lí của tham nhũng. Nó gần giống như "trò chơi phong bao" của các quý tộc, quan lại ngày xưa : hai người chơi mỗi người bỏ vào phong bao một khoản tiền nhất định. Nếu khoản tiền bằng nhau thì coi như ván ấy hòa ; nếu không thì người bỏ số tiền ít hơn sẽ thắng và được luôn cả phần của người kia. Nghe có vẻ lạ đời. Người ta có thể tự nhủ thôi thì cứ bỏ số tiền ít nhất vào là sẽ thắng, và rằng trò này thật vô nghĩa vì đối phương cũng có thể làm y như vậy. Nếu để ngược lại thì nghe có vẻ hợp lý hơn: tiền to hơn sẽ thắng. Tuy nhiên, trò chơi cổ xưa này có cái logic của nó, một thứ logic cũng cổ xưa, làm cái được thua bị đảo ngược : kẻ thắng nhục nhã khi nhận tiền, người thua tự hào vì đã không thèm đếm tiền. Kẻ nhét được phong bao vào túi có chiến thắng của kẻ bòn từng xu, trong khi người hào phóng nhường chiến thắng lại làm cho kẻ đó hiểu rằng anh ta cũng chẳng thèm. Kẻ được đồng tiền, người được danh dự, và trò chơi phong bao mà người ta cứ tưởng là trò cờ bạc này lại là một trò chơi danh giá vì những bậc trí nhân quân tử đều không muốn bị coi là đồ keo bẩn. Một cách tinh tế, thách thức biến thất bại thành chiến thắng và chiến thắng thành điều nhục nhã. Tính chất "chơi" chuyển sang hướng khác: giành lấy danh dự bằng cách bỏ vào phong bao khoản tiền vừa đủ để chỉ vượt qua đối thủ một chút xíu.
Trong trò "mất là được" này, blogger của chúng ta viết tiếp, kẻ tham nhũng luôn mất. Vì suy cho cùng, khi đến kì kiểm tra, sinh viên có thể mua được kiến thức và danh dự của thầy với giá rẻ ; nông dân giàu có thể mua được phẩm giá của bác sĩ ở thành phố lớn ; và mỗi người đều có thể sắm với giá bèo đạo đức của Nhà nước bằng cách mua chuộc một quan chức hay mua một chỗ làm. Có sự thích thú của người chơi, nhưng là người chơi theo lối cổ, trong ý tưởng tinh tế là hạ thấp uy thế của kẻ đang thống trị. Cho nên, vượt lên những mục đích trước mắt, trên cả việc được điểm tốt trong kỳ kiểm tra, được chăm sóc tốt hay được hưởng các đặc ân, hành động nhường phong bao thể hiện sự thâm thúy của một sự phục thù xã hội, gần như là chính trị, từ phía kẻ được thật sự đối với kẻ chiến thắng giả.
Phân tích của Hiệu Minh không nhằm mục đích biện minh cho tham nhũng. Nó chỉ cố gắng, theo phép loại suy, nắm được những động lực tâm lý để giải thích cho những cách hành xử chúng tôi đã nhiều lần quan sát được ở Việt Nam. Trò chơi, cũng như tham nhũng, không đòi hỏi phải có khoản tiền cược lớn. Chỉ cần 100 ngàn đồng (4 EUR) nhét vào túi áo công an. Phần lớn người Việt Nam dị ứng với điều này (chúng tôi đã nói ở trên); những người khác không khó chịu với những chiến thắng nho nhỏ qua đó họ cho thấy họ không để cho người khác muốn làm gì thì làm. Tay công an tưởng trúng quả, nhưng anh thanh niên đi xe máy mới là kẻ cười khẩy khi thấy mình bỏ có mấy xu mà cũng được cái sướng là làm sa đọa lực lượng kiểm tra, nghĩa là làm cho họ yếu đi. Vả lại, anh ta ngay sau đó sẽ đi kể cho các bạn mình nghe và trong câu chuyện của anh ta sẽ có nửa phần cười cợt, một phần tư bức xúc và một phần tư khinh bỉ. Cảm giác cũng y như vậy với nhà văn bỏ tiền ra mua lòng khoan dung của kẻ kiểm duyệt, người cha chạy cho con thoát nghĩa vụ quân sự, bà bán hàng rong hối lộ công an, nhà báo hay nghe lời bỗng dưng phá lệnh, vị đại biểu quốc hội tự nhiên thành kẻ phản nghịch, hay những người miền Nam không thấy khó chịu khi được phục thù đối với miền Bắc bằng cách sỉ nhục họ với những vali đầy tiền.
Còn những người mất thật sự, vì kiểu gì cũng phải có người mất, thì, trái khoái thay, đó chính là những người không tham gia vào cuộc chơi : những người nghèo, những người không xu dính túi, những người tay trắng không có đủ tiền nhét vào phong bì. Tiền cược ban đầu, dù ít đến đâu, cũng quá sức họ. Họ dành thú vui phạm luật cho những kẻ có điều kiện, những kẻ nổi được, những kẻ khôn khéo, ma lanh, ở thành phố hay thị xã. Tờ tiền 100.000 đồng, với họ, đã là tương đương với 4 ngày quần quật dưới bùn nơi đồng ruộng hay trong đống xi măng nơi công trường : nếu đặt cược gấp 8 lần, họ sẽ mất hết. Cho nên ta không thấy họ, họ ở xa cuộc chơi và không ai nhắc đến họ cả. Không gì cho thấy họ sẽ còn chịu đựng lâu được việc mãi không được hưởng sự bình đẳng bề ngoài này, sự bình đẳng an ủi người ta và giúp người ta chịu đựng bất công. Trong khi kẻ có của, dù ít, chơi trò "mất là được", những kẻ khố rách chỉ biết lăn lưng ra mà làm.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét