Phát biểu của GS Vũ Khiêu
…cái chúng ta cần không phải là bao nhiêu luật gia nữa, mà chúng ta chỉ cần một chút rằng chúng ta xóa bỏ được cái đức trị kéo dài, nó làm khổ chúng ta hàng ngàn năm nay mà bây giờ trở lại pháp trị, pháp luật, để đất nước này duy trì bằng pháp luật chứ không phải lời nói suông, bằng những lời đạo đức.
(Mời xem lời giới thiệu cuộc Gặp gỡ đầu xuân Nhâm Thìn 2012, do Tia sáng và Trung nguyên tổ chức và phát biểu của ông Dương Trung Quốc, phát biểu của PGS-TS Trần Ngọc Vương).
Anh Vũ Khoan có nói là tôi nhiều tuổi thì quả thật năm nay tôi đã 97 tuổi.
Tôi đến đây thì cũng chưa biết là vấn đề gì, hỏi khẽ thì nghe nói là hôm nay xem thời đại như thế, thế giới như thế, trong nước như thế thì giới trí thức chúng ta nên làm như thế nào? Thì tôi đã được biết thế.
Rồi tôi lại nghe nhà chính trị Vũ Khoan nói phác qua về cái tình hình thế giới và có đặt niềm tin vào tương lai. Như thế là như thế nào? Thì đấy là một tinh thần đầy lạc quan. Tôì rất là vui mừng, nhưng dù là lạc quan chăng nữa, tôi cũng có rất nhiều cái điều băn khoăn.
Chưa thể lạc quan
Tôi nghĩ rằng quả là như thế. Chúng ta đang đứng trước thời đại được đặt ra rất nhiều vấn đề, từ vấn đề sự rối ren trên thế giới, rồi hiện nay là tình hình … thì tôi có lẽ là không lạc quan được như là đồng chí Vũ Khoan. Thì tôi thấy rằng bây giờ các siêu cường tranh chấp lẫn nhau. Rồi thì hiện nay cá lớn nuốt cá bé, rồi hiện nay những nước nhỏ cũng xung đột với nhau. Thì tôi thấy cái tình hình đó cũng chưa ổn định, và tôi cũng thấy là chưa đặt ra cái vấn đề có thể lạc quan được, cho nên là tôi cũng rất băn khoăn. Đó là một.
Điều thứ hai nữa bây giờ là chúng ta phải đối phó với thiên nhiên. Chưa bao giờ chúng ta thấy rằng thiên nhiên này, nào sóng thần, nào bão lụt liên miên hết nơi này tới nơi khác. Hình như bây giờ chúng ta sống trong thời đại thiên nhiên trả thù loài người từ trước kia đã tàn phá thiên nhiên cho tới bây giờ. Cho nên thiên nhiên chống lại con người và con người chống lại thiên nhiên. Tôi có cảm giác hình như là thiên nhiên và xã hội đang dắt tay nhau để cùng xuống dốc, cùng với nhau tự tử hay thế nào … Cho nên cái đó tôi thấy băn khoăn. Và điều đó tôi thấu lo lắng hơn là lạc quan.
Nhưng bây giờ tôi nghĩ rằng thực sự ra đất nước chúng ta trải qua nhiều cái khó khăn rồi, trong lịch sử bốn ngàn năm chúng ta. Và chủ yếu là từ hai ngàn năm gần đây thôi, bao nhiêu là khó khăn, chúng ta phụ thuộc vào nước ngoài hàng ngàn năm mà chúng ta vùng dậy được. Nếu chúng ta để mà phụ thuộc nước ngoài một ngàn năm nữa, một thời gian nữa thì chưa chắc một ngàn năm mà chúng ta có thể khôi phục được đất nước của chúng ta đâu. Cho nên cái này là một cái điều mà quả nhiên tôi chưa lạc quan và chưa có xê dịch cái suy nghĩ gì hơn. Thì vấn đề đó tôi rất là băn khoăn.
Tôi nghĩ rằng thời đại của chúng ta là một thời đại của trí tuệ mà chúng ta đặt ra vấn đề. Hiện nay cái sự mất còn của một nước, sự được thua, tồn vong của cả một dân tộc, của mỗi con người phụ thuộc vào đầu óc và trí tuệ. Và nói đến trí tuệ … thì tức là nói đến văn hóa mà anh Vũ vừa mới nói đầu tiên. Cho nên thực sự giờ thì chúng ta tài nguyên chỉ có như thế thôi, đất nước chỉ có thế thôi. Công nghiệp thì cũng như thế. Tất cả … tôi cảm thấy rằng tụt lại đằng sau mà cái đó thì chưa bao giờ ngang tầm với các nước và xung quanh chúng ta nữa.
.
Xóa bỏ đức trị đã làm khổ ta hàng ngàn năm, để trở lại pháp trị
Và tôi dự kiến là bây giờ lạc quan của Đảng, của chúng ta thì tôi sợ rằng lạc quan quá. Ngay sáng nay đọc cái bài báo phát biểu của đồng chí Chủ tịch của chúng ta tại Hội luật gia chẳng hạn, thì đồng chí vui vẻ, và tính ra bây giờ thì con số của Hội luật gia rất lớn, đào tạo bao nhiêu lớp, bao nhiêu trường. Rồi thì bây giờ đồng chí chúc cho Hội luật gia của chúng ta sẽ phát triển hơn nữa, học tập hơn nữa, thảo luận nhiều hơn nữa.
Nhưng mà cái chúng ta cần không phải là bao nhiêu luật gia nữa, mà chúng ta chỉ cần một chút rằng chúng ta xóa bỏ được cái đức trị kéo dài, nó làm khổ chúng ta hàng ngàn năm nay mà bây giờ trở lại pháp trị, pháp luật, để đất nước này duy trì bằng pháp luật chứ không phải lời nói suông, bằng những lời đạo đức. Cho nên chúng ta khốn khổ vì cái đức trị này. Cái đạo đức ngày xưa được nêu lên thay thế cho tư tưởng mới thì những cái kiểu đó chúng ta thấy rằng rất rất là phải gắn bó cái đó.
Cho nên tôi ngờ rằng, nói chỉ độ 20 năm nữa chúng ta sẽ đuổi kịp thế giới và vươn lên tiền tiến? Chúng ta thấy rằng nếu như bây giờ thì bao nhiêu năm nữa đây chúng ta có thể (thành nước) tiền tiến được? Nếu không có sự gì đổi mới thì tôi tính rằng ba mươi năm có được không? Năm mươi năm có được không? Trong khi nếu năm mươi năm nữa ta có đuổi kịp được họ như bây giờ thì họ đã có năm mươi năm của họ tiến nhanh hơn. Là vì chúng ta đuổi theo họ đi bằng máy bay, còn chúng ta đi bằng xe đạp. Thì bao giờ chúng ta đuổi kịp? Cho nên điều đó chúng ta phải tính như thế nào?
Lãnh đạo đi ít thôi!
Thì tôi nghĩ rằng cuộc họp hôm nay có lẽ là rất hay, bởi vì cho chúng ta nói rằng "xã tắc lâm nguy, sĩ phu hữu trách". Cho nên là khi mà đất nước khó khăn thì trách nhiệm thuộc về ai? Trách nhiệm thuộc về tất cả chúng ta ngồi ở đây … và anh em đồng nghiệp của chúng ta ở khắp cả trong nước. Cái quyết định giải quyết các vấn đề ở đây không phải có thể là bằng những lời động viên, không có thể chỉ là cổ vũ anh em nơi này nơi khác.
Mà cái thiết thực của chúng ta ngày nay là chúng tôi cũng mong rằng các lãnh đạo chúng ta đi ít thôi, các đồng chí ngồi trong nhà để các đồng chí suy nghĩ về những vấn đề lớn bây giờ. Thì một phút các đồng chí ở trong nhà, các đồng chí đọc được một ít sách và các đồng chí ngồi giảng dạy (?) hai ba ngày, ngồi liên tục không đi đâu cả để suy nghĩ rằng đất nước chúng ta thoát ra khỏi khó khăn như thế nào thì cái đó hạnh phúc vô cùng cho chúng ta. Cho nên điều đó là rất quan trọng.
Cảnh giác bài học tin "bạn" mất nước
… Dân tộc Việt Nam là dân tộc về trí tuệ. Hai nữa là dân tộc Việt Nam sống với lòng nhân ái. Trong khi người ta có thể lừa ta, nhưng mà chúng ta không lừa ai. Sở dĩ trước kia, (người ta) đem quân mà đánh dân ta thì vua An Dương Vương đã tiêu diệt được. Đến khi bắt tay hòa hiếu đối với nhau, thông gia với nhau thì chúng ta hoàn toàn (không tin được?). Cho nên khi đem bạo lực mà chống chúng ta thì chúng ta dễ dàng chống lại. (Nhưng) rồi thì đem cái sự xảo trá đối xử với ta, lừa ta thì cái đó rất khó. Cho nên cái việc đó là cái đầu tiên chúng ta mất nước là để cho ta bài học cảnh giác vô cùng.
Nhưng mà truyền thống của dân tộc chúng ta là lòng nhân ái. Tào Tháo xưa kia nói rằng: Thà rằng ta phụ người chứ không để người phụ ta. Rồi Lê Lợi trong "Lam Sơn thực Lục" nói rằng: Thà người phụ ta chứ ta không phụ người. Cho nên chúng ta quan hệ quốc tế dù ai có phụ ta trước thì chúng ta cũng …(không nghe rõ). Như thế đã là bè đảng với nhau là chúng ta không cảnh giác. Cho nên chỉ khi chúng ta bị lừa thì chúng ta mới bắt đầu phải cảnh giác. Cho nên cái cảnh giác chúng ta không bao giờ muốn cả. Đáng lẽ ra chúng ta yêu nhau thì tị nạnh nhau. Cho nên cái nhân nghĩa của chúng ta là sống hàng đầu.
Cho nên người ta nói Bác Hồ đại nhân, đại nghĩa, đại trí là như thế. Đại nhân là cái tình yêu thương đất nước bao trùm lên cả nhân loài, đại trí là tiếp thu cái trí thức quan trọng nhất trong thời đại, thì bây giờ cái trí thức đó là quyết định. Bây giờ thực sự cái trách nhiệm thuộc về mỗi chúng ta, anh em chúng ta trong toàn quốc. Không những trong toàn quốc mà chúng ta làm sao tập hợp được tất cả, đồng thời phát huy những cái trí tuệ cả trong và ngoài nước để chúng ta cùng nhau làm, giải quyết tất cả những khó khăn trước mắt chúng ta.
-
Mời xem: + Vũ Khiêu(Wikipedia); + Phỏng vấn GS Vũ Khiêu xung quanh vấn đề quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng (Chính phủ, 18/11/2010); + Giáo sư Vũ Khiêu: "Học chữ để làm người!" (Dân trí, 19/10/2005).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét