Thanh Quang, phóng viên RFA
2012-03-20
Ngày 14 tháng 3 năm nay là kỷ niệm 24 năm trận hải chiến Trường Sa khiến 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam thiệt mạng.
Nỗi đau và nỗi nhục
Trong mấy ngày qua, nhiều blogger trong nước phản ứng mạnh mẽ trước tình trạng nhà cầm quyền VN im hơi bặt tiếng, đồng thời không cho tổ chức biến cố Gạc Ma 14 tháng 3 năm 1988 để đánh dấu thời điểm mà những người lính hải quân VN bị TQ sát hại khi đang bảo vệ biển đảo của quê hương tại vùng Trường Sa. Đó là lý do khiến blogger Tô Hải "buồn bực, căm giận, tủi nhục chưa từng thấy!", khai bút vào "những ngày tháng 3…cười không nổi", như sau:
"Không thể nào con cháu chúng ta, trăm đời sau, ngàn đời sau lại không thể không tổ chức cái ngày quốc vinh và cả quốc nhục 14 tháng 3 này….Cùng với thời gian, với phương pháp bịt mồm báo chí, truyền thông, nhằm "dìm sâu đáy biển" sự hy sinh của 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam ở Trường Sa suốt 24 năm qua… , những kẻ coi những đứa giết người mình, đồng bào mình, binh sĩ mình... là đồng chí bốn tốt tưởng thời gian sẽ xóa đi hết thảy....Nhưng, trái lại, mỗi năm, nỗi căm hờn, đắng cay vì không được công khai thương tiếc những anh hùng liệt sỹ của đất nước càng sục sôi hơn, đặc biệt năm nay chuyện hải quân Việt Nam Cộng Hòa với cái tên Ngụy văn Thà đã được công khai khắp nơi và đã đi cả vào thi ca, vào tâm khảm của những lớp trẻ bị nhồi sọ cả chục năm trời bởi những tài liệu nói láo, nói láo và… nói láo!!!"
Cũng trong tâm trạng ấy, blogger Hà Văn Thịnh viết bài "Tháng Ba, ngày 14, VN ơi", với những dòng thơ, chẳng hạn như:
Nỗi đau Ngày Mười Bốn Tháng Ba
Năm có hai số tận cùng Phát Phát (1988)
Các anh chết để cho ai phát tài, phát nhát?
Phát cả tai ương – dân tộc đoạ đày
Phát cả nỗi căm hờn thành hữu hảo chua cay…
Không thể nào con cháu chúng ta, trăm đời sau, ngàn đời sau lại không thể không tổ chức cái ngày quốc vinh và cả quốc nhục 14 tháng 3 này….
Blogger Tô Hải
…
Tháng Ba
Chúng muốn ta quỳ mỏi gối xin cho
Để Hoàng Sa, Trường Sa máu cuộn cùng nước mắt
Các anh đã hy sinh để hôm nay, sự thật
Tổ Quốc biết những gì CÒN – MẤT
Từ những ngọn sóng xanh bầm đỏ căm thù!
…
Qua blog Quê Choa, nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng nói lên "14 tháng 3 – Ngày của nỗi đau và uất hận", kể lại rằng:
"Trong một cuộc thẩm vấn người biểu tình chống Trung Quốc, một sĩ quan công an đã hỏi Gạc Ma là cái gì? Nếu anh ta hỏi Gạc Ma ở đâu, chuyện gì xảy ra ở đó thì hãy còn dễ hiểu, đằng này anh ta lại hỏi Gạc Ma là cái gì? Thật là kinh khủng. Đó là hậu quả cuả những nỗ lực thảm hại đánh đu với 16 chữ vàng. Sự ngu tín hóa toàn dân đã dẫn đến những hậu quả đau lòng và nhục nhã. Đảm bảo cho đến bây giờ vẫn có nhiều người như sĩ quan công an kia không biết Gạc Ma là cái gì, như một ông bí thư chi bộ vẫn đinh ninh Hoàng Sa chỉ là bãi chim ỉa.
Hôm nay không một tờ báo nào trên tất cả các báo lề phải nhắc đến sự kiện Gạc Ma 14/3/1988. Đó cũng là một nỗi đau và nhục nhã. Nực cười thay, sự im lặng khốn cùng ấy được đánh tráo bằng hai chữ hữu nghị!"
Ngậm bồ hòn làm ngọt
Trang blog Bauxite VN và nhiều mạng nhật ký khác phổ biến bài phỏng vấn tựa đề "Vẫn không bình đẳng trong quan hệ Việt-Trung", qua đó, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Đại sứ VN tại TQ, trả lời nhà báo Trần Ngọc Kha, có đoạn lưu ý "Miệng hô "đồng chí" tươi trên mặt/Tay đấm "anh em" vỡ cả đầu". Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết:"Trong một bài xã luận, Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc cảnh báo rằng: Các nước nhỏ như Philippines và Việt Nam nên chấm dứt thách thức quyền lợi của Trung Quốc nếu không thì cần chuẩn bị đón tiếng đại bác. Đấy, tình hữu nghị mà ông Tập Cận Bình nói với chúng ta là như thế đấy! Cho nên thiên hạ đã tổng kết rằng: "Chớ tin vào những lời nhà cầm quyền Trung Quốc nói, hãy xem việc họ làm!". Đừng cho rằng Trung Quốc đón các đoàn của ta sang thăm có vẻ trọng thị, tiếp đãi nồng hậu, có khi có cả "biếu xén" nữa là rất "bình đẳng", "hữu nghị". Đấy chỉ là giả dối, hình thức mà thôi…Với Trung Quốc, phải cương kết hợp với nhu, nhưng lúc nào cũng cần hết sức cảnh giác và không được nhược như vậy!"
Trước tình cảnh đó, qua blog Quê Choa, nhà văn Nguyễn Quang Lập mới báo động "Anh Tư ơi, buồn trong cửa bể chiều hôm" khi nhà văn đọc thấy bài "Chủ tịch nước: Tránh xung đột, tránh bị lệ thuộc" bày tỏ mục tiêu kiên định của Bộ Quốc Phòng VN về "độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội". Sự kiên định như vậy khiến nhà văn Nguyễn Quang Lập không khỏi thắc mắc rằng "…ít ai hiểu vì sao độc lập tự do của Tổ quốc lại phải gắn liền với CNXH. CNXH giống cô nàng xinh đẹp mà Tổ quốc cưới về làm vợ. Hợp duyên thì sống với nhau trọn kiếp, không hợp duyên thì ai đi đường nấy. Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên, phải không anh Tư?".
Rồi nhà văn lại "bị sốc" khi đọc bài "Tàu TQ áp sát giàn khoan và kho nổi chứa xuất dầu thô của VN" đến mức "có thể thấy rõ số đăng ký 75 và dòng chữ Chinese Marine Surveillance (tức tàu Hải giám TQ) ở mạn tàu. Dù phía VN ra sức bắt liên lạc trên nhiều kênh khác nhau nhưng tàu TQ nhất quyết làm ngơ, cho đến khi đưa tàu Sapa đến thì tàu TQ mới bỏ đi. Nhưng nhà văn thắc mắc rằng "Điều đáng chú ý là cho đến nay toàn bộ vụ việc hoàn toàn không được công khai".
Hôm nay không một tờ báo nào trên tất cả các báo lề phải nhắc đến sự kiện Gạc Ma 14/3/1988. Đó cũng là một nỗi đau và nhục nhã. Nực cười thay, sự im lặng khốn cùng ấy được đánh tráo bằng hai chữ hữu nghị!
Nhà văn Nguyễn Quang Lập
"Rõ ràng là tàu hải giám TQ, không phải "tàu lạ" đâu nhé. Thấy cảnh biển nhà ta giống cái sân nhà Trung quốc mà buồn quá. Nghĩ mãi không ra tại sao "toàn bộ vụ việc hoàn toàn không được công khai." Tại sao nhỉ? A, đúng rồi! Tàu TQ là tàu CNXH anh em nên ta mới phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Nếu đó là tàu của bọn tư bản giãy chết, đời nào ta để cho chúng dám trâng tráo làm càn cỡ đó, phải không anh Tư?Anh Tư ơi hu hu, bây giờ mới hiểu vì sao độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội !"
Có lẽ cũng vì "CNXH anh em nên ta mới phải ngậm bồ hòn làm ngọt" như vậy nên blogger JB Nguyễn Hữu Vinh mới xót xa mà nêu lên câu hỏi rằng:
Con đường hàng tỉnh tôi đi
Tám mươi năm ấy, có gì đổi thay?
Vâng, có đổi thay nhiều lắm, từ ruộng xưa giờ "đã thành dự án cho vừa lòng quan", nông dân xưa kia làm chủ đất đã "thành dân lưu lạc, vật vờ hôm nay", cho tới:
Hỏi thăm em gái Cần Thơ
Nước da trắng mịn bây giờ còn không?
Thưa rằng: Em đã lấy chồng
Tận bên Đài Bắc, còn trông đợi gì
"Sinh có hạn, tử bất kỳ"
Xác em mới được đưa về hôm qua.
Cư xử với dân bằng bạo lực
Nhưng có lẽ đổi thay đáng ngại nhất dọc theo "con đường hàng tỉnh tôi đi" do "nhân tai" gây nên, theo nhận xét của blogger JB Nguyễn Hữu Vinh:
Đèn lồng, chữ Hán treo đầy
Chào nhau "nỉ hảo", bạn – thầy đổi ngôi
Bước chân đến Thủ đô rồi
Tưởng rằng mình vẫn đang ngồi Quảng Châu
Hỏi rằng, đường cũ nơi đâu
Thưa rằng là chuyện bể dâu thưở nào
Một khi chữ Hán treo cao
Đường xưa sẽ phải đi vào trong mơ.
Nhà nước ứng xử với dân bằng bạo lực là bằng chứng rõ nhất về một nền chính trị suy vi, không còn lý tưởng, không còn chính danh, là biểu hiện của một thời bất ổn, thời bạo lực lên ngôi...
Nhà văn Phạm Đình Trọng
Và tác giả nhấn mạnh: "Những gì Trung Quốc đang lo lắng cho tương lai của Đảng, của đất nước khiến ta không thể không nhìn lại mình. Chống cửa ngó sang nhà hàng xóm để suy ngẫm."
Qua bài "Chính quyền CS hay nhà cầm quyền côn đồ", tác giả Đại Nghĩa cũng lưu ý rằng "Chưa từng bao giờ uy tín của đảng CSVN xuống đến mức tàn tệ, thê thảm như ngày hôm nay", khiến Tổng Bí thứ Nguyễn Phú Trọng phải ra sức "chỉnh đốn đảng". Theo tác giả thì ngoài những điểm suy thoái của đảng mà ông Nguyễn Phú Trọng nêu lên vừa qua, còn nhiều việc "ném đá giấu tay" của đảng khiến nhân dân VN và công luận thế giới "khinh khi và thù ghét". Tác giả phân tích:
"Đảng CSVN là đảng cầm quyền, ấy thế mà hành xử như một tà quyền không minh chính, chuyên dùng bọn công an núp dưới quần chúng tự phát, thương binh ma, côn đồ xã hội đen để khủng bố, đàn áp những người chống Trung quốc xâm lược, những người đấu tranh đòi tự do dân chủ và ngay với những nhà tu của các tôn giáo."
Và tác giả trích dẫn lời nhà văn Phạm Đình Trọng nhận định về sự tha hoá của đảng sau 82 năm được thành lập:
"Nhà nước ứng xử với dân bằng bạo lực là bằng chứng rõ nhất về một nền chính trị suy vi, không còn lý tưởng, không còn chính danh, là biểu hiện của một thời bất ổn, thời bạo lực lên ngôi, thời Nhà nước phải xây nhiều nhà tù công khai và nhiều nhà tù trá hình như cơ sở giáo dục đang giam cầm chị Bùi Minh Hằng. Còn ngoài xã hội những vụ giết người man rợ xảy ra khắp nơi! Mạng sống của dân lành quá rẻ rúng, máu dân lành đang lênh láng bởi bạo lực Nhà nước và bạo lực côn đồ."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét