Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Diễn Đàn Thế Kỷ : Ghé thăm các blogs: 31/01/2013

Nguồn diendantheky


BLOG NHƯ CÂY TRE VIỆT NAM

Hoàng Tiến 1933-2013
Nhà văn Hoàng Tiến, sinh năm 1933 tại Hà Nội, sau một thời gian lâm bệnh do tai biến mạch não và suy thận, đã qua đời tại nhà riêng lúc 00:50 ngày 28 tháng Một năm 2013. Gia đình kể lại Nhà văn Hoàng Tiến đã ra đi rất chủ động và thanh thản, đúng tinh thần Phật tử.

Tang lễ Nhà văn Hoàng Tiến sẽ cử hành tại nhà tang lễ bệnh viện 354, phố Đốc Ngữ - Hà Nội, 13:00-15:00, ngày 01/02/2013. Theo di nguyện, thi hài sẽ được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ Văn Điển và tro hài sẽ táng tại nghĩa trang Yên Kỳ.

Bạn bè ông kể lại, Hoàng Tiến nhà văn chính thống đã biến thành một người bất đồng chính kiến công khai là vì ông Hoàng Tiến thương bạn, uất ức vì thấy bạn ông (ông Hà Sỹ Phu) bị bỏ tù một cách oan nghiệt vào đầu những năm 1990.

Giới bất đồng chính kiến, hoạt động dân chủ cách đây khoảng 10 năm, 20 năm, dù già hay trẻ, Bắc hay Nam, đều không thể quên sự chu đáo, nhiệt tình của ông Hoàng Tiến. Gần như bất cứ một "sự cố" nào xảy đến với anh em, đều thấy xuất hiện sự chia sẻ, ủng hộ của "Hoàng Tiến, Nhà văn, Địa chỉ: Nhà A 11 Phòng 420 Thanh Xuân Bắc - Hà Nội." – những thông tin bất biến ở dưới tất cả những bài viết của ông Hoàng Tiến mỗi khi ông gióng tiếng phản đối những hành động phi pháp, phi nghĩa của chính quyền.

Còn thân nhân những người trẻ tuổi bị bắt vì tiếng nói phản kháng chế độ vào đầu những năm 2000 tại Hà Nội chắc chắn cũng không bao giờ quên được hình ảnh một ông già gầy nhỏ với chiếc xe máy Chaly xộc xệch, thỉnh thoảng lại lọc cọc một mình hay đi với vài cụ khác, tới nhà thăm hỏi, chia sẻ, động viên trong cái không khí xã hội gần như còn kín bưng – cái thời điện thoại di động cũng hiếm gần bằng Chaly bây giờ.

Tưởng nhớ ông Hoàng Tiến - một nhà văn, một người bất đồng chính kiến, và hơn hết, một người tín nghĩa với bạn, khảng khái với cường quyền – Như Cây Tre Việt Nam trân trọng đăng lại nguyên văn bài tường thuật đặc sắc về đám tang Tướng Trần Độ do ông Hoàng Tiến viết cách đây gần 11 năm:

Tiếng vỗ tay trong một đám tang

Đám tang ai mà có chuyện lạ vậy? Xin thưa, đó là đám tang tướng quân nhà văn Trần Độ tổ chức ngày 14-8-2002 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông.

Trung tướng Trần Độ là một vị lão thành cách mạng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước cũng như trong tổ chức quân đội, những năm cuối Đảng, bị chính quyền coi là phần tử nguy hiểm, và công an gây nhiều phiền hà.

Cho nên đám tang ông khiến mọi người rất quan tâm. Nghĩa tử là nghĩa tận. Người ta chú ý xem lãnh đạo cư xử với đám tang ông ra sao?

Trần Độ (Tạ Ngọc Phách) 1923-2002

Ông mất từ hôm mồng 9-8, việc đưa tin trên báo và tivi rất chậm. Mãi đến ngày 13-8 báo chí mới loan tin, và tối ngày 13-8 cô phát thanh viên trên tivi mới đọc tin tang lễ. Cô vẫn mặc áo màu hoa đẹp hàng ngày, không mặc áo tang đen. Đưa tin sát ngày như thế, thì người các tỉnh xa, trong đó có nhiều đồng đội, đồng nghiệp, và những người ái mộ ông không thể về kịp, vì ngày mai 14 đã lễ tang rồi.

Ngày 14, từ 8 giờ sáng bắt đầu lễ viếng. Tuy nhiên những người yêu quý ông Độ ở Hà Nội và những tỉnh sát Hà Nội đã về kịp. Họ đi cá nhân, hoặc thành nhóm. Không thấy những viên chức cao cấp đương nhiệm, hoặc các cơ quan đoàn thể đến viếng. Hình như có chỉ thị của Ban Bí Thư (có người nói của Bộ Chính Trị) gửi các cơ quan đoàn thể về tang lễ này, hạn chế sự tham gia.

Các vòng hoa đề chữ Vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ bị ách lại từ ngoài cổng. Phải bỏ chữ Vô cùng thương tiếc và quân hàm trung tướng đi. Thắc mắc thì anh em nhà tang lễ giải thích: "Chúng cháu chỉ biết làm theo lệnh ở trên"(!)

Vòng hoa của đại tướng Võ Nguyên Giáp đề hàng chữ: "Vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp" cũng bị ách lại, đưa vào phòng đợi ngoài cổng, và đề nghị sửa (có anh em chuyên môn sửa ngay). Nghĩa là phải bỏ hàng chữ Vô cùng thương tiếc, và các quân hàm trung tướng, đại tướng, chỉ còn là ông Võ Nguyên Giáp viếng ông Trần Độ. Thư ký của đại tướng là ông Huyên, phản đối. Chuyện đôi co lằng nhằng, hai bên đều phải xin ý kiến cấp trên của mình. Mỗi bên đều xuống thang một chút. Cuối cùng vòng hoa còn là: "Thương tiếc trung tướng Trần Độ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp". Có lẽ (đó) là vòng hoa duy nhất được giữ gần như nguyên vẹn lời viếng. Nhưng khi Ban Tang Lễ gọi loa đọc tên người viếng thì lại gọi là: "Vòng hoa của ông Võ Nguyên Giáp viếng ông Trần Độ".

Những người đứng đợi trong sân nhà tang lễ, nghe thấy thế, đều xì xào bàn tán. Ông Kim Sơn, một lão thành cách mạng, tham gia từ hồi quân giải phóng, không chịu nổi đã tiến lên cự nự Ban Tang Lễ. Quân hàm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là do Bác Hồ phong. Ai dám tự ý tước bỏ? Sao các anh làm ăn bậy bạ thế? Vòng hoa vẫn đề chữ đại tướng, mà các anh đọc sai đi là nghĩa sao?

Thì quân hàm trung tướng của ông Trần Độ cũng thế, muốn tước bỏ phải có quyết định của quốc hội hoặc chủ tịch nước. Báo chí vẫn đăng là trung tướng, mà tang lễ lại bỏ đi. Thật chẳng ra làm sao! Rõ là trống đánh xuôi kèn thổi ngược!

Lại nói đến vòng hoa của thượng tướng Lê Ngọc Hiền đề là đồng chí Trần Độ, cũng bị bỏ đi chữ đồng chí. Chắc sự chỉ đạo ở trên cho rằng, ông Trần Độ đã bị khai trừ khỏi Đảng thì không còn gọi là đồng chí nữa. Nhưng họ đã lầm, theo điều lệnh của quân đội, thì từ binh nhì đến tướng lĩnh đều xưng hô với nhau là đồng chí. Ông Lê Ngọc Hiền mặc quân phục, đeo quân hàm thượng tướng trang nghiêm, đến viếng ông Trần Độ, mà cũng chỉ được giới thiệu trên loa là ông Lê Ngọc Hiền đến viếng ông Trần Độ.

Trung tướng Nguyễn Hòa cũng quân phục, quân hàm, huân chương đầy đủ và cũng chịu cảnh ngộ như trên.

Vòng hoa của anh em dân chủ Hải Phòng đề là "Vô cùng kính phục và thương nhớ bác Trần Độ. Các bạn đồng hành ở Hải Phòng" phải sửa thành "Kính viếng bác Trần Độ. Các bạn đồng hành ở Hải Phòng". Vòng hoa cá nhân Vũ Cao Quận, đi cùng đoàn Hải Phòng, đề "Kính viếng lão tướng Trần Độ. Người lính già Vũ Cao Quận" bị giữ lại. Tranh cãi hồi lâu, không có cụm từ vô cùng thương tiếc, không có trung tướng hay đồng chí, lại không có gì sai phạm về ngữ pháp tiếng Việt, vậy cớ gì phải sửa, ai sửa được đúng hơn, xin mời. Mãi rồi cũng được vào.

Những vòng hoa mẫu mực có băng chữ ghi phải là "Vòng hoa của ông Nguyễn Văn An kính viếng ông Trần Độ", "Vòng hoa của ông Lê Đức Anh kính viếng ông Trần Độ", "Vòng hoa của Văn phòng Quốc hội kính viếng ông Trần Độ ..v..v.. Không thấy vòng hoa của ông Nông Đức Mạnh.

Chúng tôi để ý thấy nhiều bức trướng chữ vàng trên nền đỏ vẫn đề trung tướng, tướng quân, danh tướng ..v..v... không thể gỡ bỏ vì đã thêu bằng chỉ vàng bám chắc trên vải. Trong đó nổi bật bức trướng của các cụ dân chủ, trướng dài khổ to sát đất phải có gậy treo lên, thêu tám chữ vàng "Nhân văn danh tướng. Trung dũng vẹn toàn". Bên dưới ghi tên tuổi các vị kính viếng. Trưởng đoàn là cụ Lê Giản, rồi đến các ông Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang ...vv..., hơn hai mươi ông. Mọi người xúm lại xem. Chụp ảnh. Quay phim. Có tiếng gọi bằng máy di động, đề nghị tịch thu. Rồi cũng không thấy gì. Mọi việc vẫn êm trôi. Tịch thu bức trướng trưởng đoàn là cụ Lê Giản thì cũng phiền đấy. Hơn nữa các cụ dân chủ đã đứng vây quanh bức trướng. Công an dùng bạo lực thì lôi thôi to.

Đoàn của các cụ dân chủ chỉ bị kìm lại thôi. Nhiều đoàn đăng ký sau đã vào trước. Ban tang lễ gây khó khăn cho các cụ phải đứng chờ dưới bóng cây, nắng chang chang, nhưng lại có cái hay là nhờ thế, mọi người hết tốp này tốp khác đến chiêm ngưỡng, bàn tán về các bức trướng. Bức trướng của nhà nghiên cứu Trần Khuê bị quản chế từ Sài Gòn gửi ra:

Công thần không làm phách
Danh toại chẳng cầu nhàn
Bút thần vung mấy độ
Ðáng mặt đại nghĩa quân.

(Ta chú ý bài thơ có chữ phách và chữ độ. Tên khai sinh là Tạ Ngọc Phách, tên tham gia cách mạng là Trần Độ).

Bức trướng của nhà thơ Bùi Minh Quốc bị quản chế từ Đà Lạt gửi ra, người anh ruột là cụ Bùi Minh Đức gần 90 tuổi, cựu chiến binh chống Pháp, thay mặt em mang đến:

Vì đại nghĩa nhân chân, thân mấy độ trần thân
Tướng dẫu không nguyên giáp, hồn vẫn vẹn tình dân.

(Tạm dịch: Người chân chính vì nghĩa lớn, cái thân mình bị mấy lần vùi dập
Viên tướng không còn nguyên giáp, tâm hồn ông vẫn trọn vẹn tình dân).

Bức trướng của tiến sĩ khoa học Hà Sĩ Phu cũng bị quản chế, từ Đà Lạt gửi ra, viết bẵng chữ Hán, do các cụ trong nhóm thư pháp Cảo Thơm thực hiện:

Văn võ tung hoành, trung tướng phong trần, thế sự song kiên song trọng đảm
Bắc Nam xuất nhập, đại quân tế độ, hùng binh nhất trượng nhất đan tâm.

(Câu đối vế trên có Trần vế dưới có Độ. Trung tướng phong trần là trung tướng gian nan, lại có thể hiểu là ông Trần được phong trung tướng. Đại quân tế độ là đội quân cứu đời, tức quân giải phóng miền Nam. Đây nhắc đến việc ông Trần Độ là phó tư lệnh quân giải phóng miền Nam. Vậy câu đối trên có thể tạm dịch là:

Văn võ dọc ngang, ông Trần được phong hàm trung tướng, việc đời hai vai gánh vác hai trách nhiệm lớn;
Nam Bắc vào ra, tướng Ðộ chỉ huy quân giải phóng, cứu nước một gậy trường sơn một trái tim hồng).

Bức trướng của nhóm Cảo Thơm trên nền giấy bồi khổ lớn đề 3 chữ đại tự "Vị dân tâm" (Tấm lòng vì dân), với hàng phụ đề bằng những câu thơ chữ Hán ca ngợi tướng quân Trần Độ. Ông Tú Sót mái đầu bạc phơ, trong nhóm thư pháp Cảo Thơm, luôn miệng giải thích cho mọi người rõ nghĩa:

Vô tình vị tất chân hào kiệt
Hữu độ phương vi đại trượng phu

(Nghĩa là : Sống vô tình (như chủ nghĩa MACKENO (Mặc-kệ-nó) bây giờ), không phải là người hào kiệt. Có đức độ (vì dân vì nước) mới đáng mặt gọi trượng phu).

Lại nghe được tin, cụ Độ vừa mất, công an đến đòi khám nhà, không có lệnh. Bà Độ phản đối. Công an đe dọa những người con, bắt hai con trai lên đồn, gây căng thẳng. Cuối cùng gia đình phải nộp 5 thùng sách vở của cụ Độ. Mọi người nghe tin đều phẫn nộ. Quá thể! Gia đình người ta đang tang gia bối rối. Thật nhẫn tâm!

12 giờ 15 phút, lễ truy điệu bắt đầu. Giới thiệu vị đại diện Văn phòng Quốc hội là ông Vũ Mão đọc điếu văn. Ông Mão có nhắc đến lý lịch, quê quán, ngày sinh, quá trình tham gia cách mạng và những chức vụ ông Trần Độ đã đảm nhiệm. Phần hai, ông ta nói rất tiếc là ông Trần Độ cuối đời đã mắc những lỗi lầm nghiêm trọng... Phần hai tuy không dài, nhưng cả hội trường lặng đi. Không khí như nén lại, ngột ngạt.

Đến mục gia đình lên đáp từ, người con trưởng cụ Độ là anh Thắng, sau khi kể những tình cảm về người bố, và sau khi cám ơn tất cả các cụ, các ông, bà, chú, bác, các anh chị ... đến tham dự tang lễ, lời cuối của bài đáp từ là câu: "Tôi thay mặt gia đình xin phép không tiếp nhận lời điếu của vị đại diện Văn phòng Quốc hội" (Chưa bao giờ lại có chuyện như vậy, tang gia khước từ lời điếu của chủ lễ !!??).

Như một kho thuốc nổ được châm ngòi, cả hội trường vỗ tay ran lên tán đồng. Tiếng hoan hô lẫn tiếng vỗ tay nổi lên càng to, kéo dài không ngờ, như hội bắn pháo hoa. Các đợt liên tiếp cao hơn, to hơn, dài hơn, càng âm vang cộng hưởng hết cỡ trong vòm nhà hội trường tang lễ. Có cảm tưởng như nóc hội trường sắp bật tung. Nhiều tiếng hét đến lạc giọng, nghe không rõ. Loáng thoáng những từ hoan hô! phản đối! ngu dốt!, bất nhân!... lẫn trong những tràng vỗ tay rền vang như sấm động.

Những uẩn ức trong lòng mọi người bị dồn nén từ sáng đến giờ được dịp nổ tung. Tôi phải trèo lên chiếc ghế, đưa tay lên vành tai, nghiêng đầu lắng nghe. Một người hét to, giọng như người miền núi, tay giơ lên chỉ chỉ vào chiếc khung đen có hàng chữ Lễ tang ông Trần Độ ở trên cao, dưới là chiếc ảnh bán thân của ông mặc thường phục: "Ai cho phép chúng nó bỏ hàng chữ Vô cùng thương tiếc đi. Chúng nó không vô cùng thương tiếc, nhưng chúng tôi vô cùng thương tiếc ..."

- Thật là bọn ăn cháo đá bát.

- Không có tướng Trần Độ và anh em chúng tôi thì làm sao có chúng nó ngày nay.

- Nghĩa tử là nghĩa tận, không có ai đi kiểm điểm người chết trước linh cữu cả.

- Chuyện này cổ kim chưa thấy bao giờ.

- Mà đã chắc là ai đúng, chắc là ai sai? Quan tòa là nhân dân.

- Chúng nó phỉ báng lên truyền thống dân tộc.

Nơi này, chỗ kia, ầm ầm những tiếng thét, tiếng quát tháo: Bọn phản nhân dân! Phản bội đường lối Hồ Chí Minh! Phản văn hóa! Đề nghị Bộ Chính Trị phải nghiêm trị!

Có ai nói khẽ: "Đây là chỉ đạo của Bộ Chính Trị".

Tiếng quát to: "Nói láo! Bộ Chính Trị sáng suốt, không làm điều ngu dốt như thế. Nói thế là không đúng".

Có ai đó lại hô lên: "Trần Độ muôn năm!".

Nhân viên an ninh mặc thường phục vây quanh những người quá nóng nảy, đề phòng. Có tiếng hỏi: "Vũ Mão đâu? Vũ Mão đâu?".

"Hắn chạy rồi! Lủi ra xe rồi!" Thật là may cho Vũ Mão. Hắn ta đứng đực ra, mặt chảy xị, tái xám, ngơ ngác. Có ai giục, hắn như chợt tỉnh, vội lách ra phía sau, chuồn mất.

Cũng may cho đám tang nữa. Sự tức giận của khối người đông đảo trong hội trường này, mà túm được Vũ Mão, thì không biết rồi những gì sẽ xảy ra.

Các cụ dân chủ đều biết kìm mình. Trước đám tang vài ngày, cơ quan an ninh đã cử người đến dò la thái độ các cụ. Lo sợ các cụ dân chủ lợi dụng chiếm diễn đàn, cướp mi-crô, gây ra căng thẳng. Các cụ đã tin lại cho công an biết. Chỉ có đầu óc ngu tối mới nghĩ như thế. Những người yêu quý ông Độ, ai lại muốn phá rối đám tang. Chính lúc các cựu chiến binh, các lão thành cách mạng, bừng bừng nổi giận, thì các ông dân chủ lại bình tĩnh, tìm cách khuyên can, chứ không có thái độ quá khích nào cả.

Toàn là những người hiểu biết. Sự nóng giận liền dịu xuống. Tang lễ lại tiếp tục. Mọi người đều đứng rẽ ra hai bên làm thành một con đường để đội danh dự mặc lễ phục trắng khiêng linh cữu trong nhà tang lễ ra xe ô tô đã đỗ ở giữa sân. Lúc này nắng lắm!

Một số phóng viên người nước ngoài tranh thủ phỏng vấn, ghi âm mấy cụ còn chưa nguôi cơn giận.

Ai cùng đi đến nghĩa trang Hoàn Vũ (hỏa táng) thì lên xe. Tôi chậm chân nên xe tang đã ra ngoài cổng rồi, tôi vẫn còn trong sân để xe đạp xe máy. Gặp chị Ngọc, vợ ông Hoàng Minh Chính, hỏi tôi có đi nghĩa trang? Tôi trả lời sẽ đi bằng xe máy. Chị khuyên tôi nên đi ô tô, đỡ mệt. Các ông ấy đều lên ô tô cả. Tôi chạy vội ra cổng, thì đoàn xe đã đi xa. Lại gặp các cụ dân chủ đứng túm lại ở đầu cổng. Hỏi ra mới rõ, xe còn rộng chỗ lắm, nhưng lái xe không chịu mở cửa cho các cụ lên (đều do công an lái xe). Một cử chỉ nhỏ nhen! Các cụ bèn quyết định thuê tắc-xi đi.

Trên xe, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nhận định một cách tổng quát: "Chúng nó đểu một cách rất ngu, và đểu đến từng chi tiết". Nhà báo đại tá chính ủy Phạm Quế Dương lại cười hề hề: "Trò đùa ấy mà! Có gì đâu!".

Xe tắc-xi chạy nhanh, bám kịp đoàn xe tang lễ. Quả thật, nhiều xe rất vắng, mang biển số 80B. Biển số này là của công an, nhiều người biết. Hai xe cam-nhông chở đầy vòng hoa viếng, những vòng hoa bên ngoài đều bị bóc hết các băng chữ. Lại nhỏ nhen!

Dự hỏa táng xong, trở về nhà tang lễ Bộ Quốc phòng thì đã gần 3 giờ chiều. Chúng tôi lấy xe ra về, người mệt nhoài, vì nóng, vì nắng. Rủ nhau vào uống giải khát để lấy sức ngày mai còn đưa hài cốt hỏa táng cụ Độ về Thái Bình.

Sẩm tối mới về tới nhà, đã thấy mấy ông bạn cựu chiến binh đón từ đầu đường hỏi về chuyện đám tang ông Trần Độ. Thì ra chuyện ở đám tang trưa nay đã đồn ầm lên trong dân chúng. Giấu làm sao được nhân dân! Che làm sao được miệng thế gian! Và bản tin chiều của hãng BBC mãi tít nước Anh đã đưa tin về đám tang. Có cả tiếng nói của cháu Thắng và tiếng vỗ tay rền vang như sấm. Nhanh thật! Trái đất cùng chung một mái nhà.

Vài lời kết thúc:

Sáng sớm hôm sau (15-8-2002) chúng tôi tập trung tại 37 Lý Nam Đế, nhà ông Phạm Quế Dương, để di Thái Bình cho trọn tình trọn nghĩa. Công an mật đã đến lởn vởn trước cổng, từ 5 giờ sáng.

Chúng tôi gọi tắc-xi, đúng 6 giờ 30 sáng lên đường. Nhìn sang lịch ta là ngày mồng 7. Ông cha ta dạy: "Chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3". Chúng tôi biết là chuyến đi này sẽ gặp trắc trở đây.

Quả không sai, quãng đường hơn 100 km về quê cụ Độ bị 4 lần ách xe. Công an giao thông kiểm soát giấy tờ lái xe, phương tiện xe cộ có an toàn, để đảm bảo cho khách đi đường được yên tâm. Lại còn điều tra một tai nạn xe cộ, lái xe bỏ chạy, là một trong 300 chiếc tắc-xi của hãng này. Màu sơn này. Nên công an chúng cháu phải làm nhiệm vụ, mong các cụ thông cảm. Lần ách xe ở đất Thái Bình lâu nhất, mất gần 2 giờ đồng hồ. Đến nơi thì đã 1 giờ 30 chiều, tang lễ hạ huyệt đã xong. Tổng cộng mất hơn 7 tiếng đồng hồ mới đi nổi quãng đường hơn 100 km. Mọi người đang ăn cỗ. Phong tục nông thôn bà con xa gần kéo đến rất đông.

Chúng tôi thắp hương, dâng lễ vật ở bàn thờ gia đình và bàn thờ ông Trần Độ. Lại phải ngồi ăn cỗ, thôi thì chiều nay ra mộ thắp hương trước khi về.

Được gặp con cái cụ Độ, chúng tôi tranh thủ tìm hiểu việc công an định khám nhà và lấy đi 5 thùng sách báo. Các cháu đều trả lời lấp lửng, không rõ ràng, hình như e ngại điều gì. Gặp cháu Thắng, con trai trưởng, người đã nói được câu tuyệt vời hôm qua, thì hôm nay cũng không đậm đà bắt chuyện, muốn lảng tránh câu hỏi. Có thể tối qua cơ quan nơi cháu làm việc họ đã ấn huyệt. Thôi, thông cảm cho các cháu. Các cháu cần làm ăn, cuộc đời các cháu còn dài.

Được biết thêm, có cả thảy 220 vòng hoa tang lễ ở Hà Nội. Các băng chữ bị lấy hết, gia đình chỉ giữ được 7 băng. Gia đình đòi lại được 5 cuốn sổ tang, một số trang bị xé rách.

Toàn là những cử chỉ nhỏ nhen!

Ngôi mộ ông Trần Độ được nằm cạnh ngôi mộ bà mẹ. Đó là ý nguyện của ông. Đây là nghĩa trang xóm làng, mỗi gia đình được một khoanh đất, để chôn cất những người thân trong gia đình. Ông Độ đã trở về với bà con xóm làng. Mộ ông cũng rất bình thường, như mọi ngôi mộ ở đây. Nằm ở đây thì yên ổn rồi, ấm lòng rồi. Chúng tôi tin chắc là ông Trần Độ rất thanh thản. Nhớ đến một đoạn thơ của ai đó:

Sống tranh luồn cúi vào ra,
Chết còn xí cả (cái) nhà mồ to
Phải là những bậc anh hào,
Sống thiêng - chết lại đi vào trong dân,
Mả to bia nhớn chẳng cần...

Những ngày tang lễ ông Trần Độ
Hà Nội, tháng 8-2002
Hoàng Tiến, nhà văn.
Địa chỉ: Nhà A 11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc- Hà Nội.



BLOG HIÊU MINH

Bài viết của bác Lê Minh.

HM Blog vừa nhận được thư góp ý về đài phát thanh dùng loa phường của bác Lê Minh ở phường Phú Thượng, Hà Nôi. Xin trân trọng đăng lại để may ra phường Phú Thượng có thay đổi được gì chăng.
Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2012

THƯ GÓP Ý(Về đài phát thanh phường)

Kính gửi: Ban văn hóa thông tin; Ủy ban nhân dân phường Phú Thượng. Hà Nội.

Tôi: Công dân của phường, xin đóng góp vài ý kiến về việc đài phát thanh phường như sau:
  1/. Về âm lượng loa truyền thanh: Các loa truyền thanh của phường quá to (tôi chưa thấy ở phường nào có loại loa to như thế). Vì loa là loại loa nén, được đặt thấp mà xung quanh có nhiều nhà cao tầng nên âm thanh bị vang vọng ầm ầm rất khó nghe (thậm chí nhức đầu). Ở gần không nghe rõ mà ở xa cũng không nghe được vì tiếng vọng dội đi dội lại. Cho nên cần phải thay loại loa công suất bé hơn và bố trí loa ở những nơi thoáng.
2/. Về thời gian phát thanh: Phát thanh vào thời điểm hiện tại là không hợp lý, vì: Lúc đó, những người đáng được nghe tin tức thì đã đi làm rồi, ở nhà chỉ còn lại người già, người ốm và những người làm ca đêm, mà những đối tượng này lại cần được yên tĩnh. Như vậy mục đích tuyên truyền của đài phát thanh là phản tác dụng. Nên phát thanh vào thời gian từ 17giờ đến 19giờ là hợp lý nhất, vì lúc đó mọi người đã về nhà. Cũng như chương trình thời sự, không thể phát vào giờ hành chính được (vì nếu phát vào giờ hành chính thì chỉ là để tính đầu việc chứ mục đích không phải để cho mọi người nghe).

3/. Về phát thanh viên: Nếu không có giọng đọc truyền cảm thì cũng nên có giọng đọc dễ nghe một chút (ở đây giọng đọc ồm ồm, khô khốc, nhiều lúc như hụt hơi) rất khó chịu. Đọc câu từ không lưu loát, ê a ngắc ngứ (chưa đọc thông viết thạo). Vừa đọc vừa đánh vần, ngắt câu chưa đúng ngữ pháp làm cho bài phát thanh rời rạc, khó hiểu. Đọc ngọng 100% các chữ L(en lờ) thành N(en nờ), và chữ Tr(tê en rờ) thành chữ Ch(cê hát). Chẳng hạn: Đường Nạc Nong Quân; Thông báo tìm chẻ nạc; Một chăm phần chăm diện tích đất chồng chọt; Ný nuận chính chị.v.v…Trong văn phong của phát thanh viên không có 2 chữ cái là L(en lờ) và Tr(tê en rờ). Khi cả thành phố Hà Nội đang phát động phong trào chữa ngọng cho học sinh tiểu học thì đài phát thanh phường lại đọc ngọng 100%? Lúc cần đọc vắn tắt thì đọc dài dòng (ví dụ: Đọc thông báo của ai đó thì chỉ cần đọc 1 lần trước chứ không cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần người ra thông báo), thậm chí người ta không cần biết đó là thông báo của ai, chỉ cần biết nội dung là được. Lúc cần đọc đầy đủ chính xác thì lại đọc vắn tắt (ví dụ: Kỷ niệm ngày mồng 2 tháng 9, lẽ ra phải đọc là: Ngày mồng hai tháng chín năm một ngàn chín trăm bốn mươi lăm. Thì ở đây lại đọc là ngày hai chín năm bốn lăm, như vậy người nghe sẽ hiểu có thể là ngày thứ hai mươi chín của năm bốn lăm (tức là thế kỷ thứ nhất). Trong một bài phát thanh mà đọc như vậy hàng chục lần. Chẳng lẽ cả phường Phú Thượng rộng lớn như thế mà không tìm được một người biết đọc tốt hơn hay sao?

4/. Các nội dung trong buổi phát thanh: Có một số nội dung rất ít tác dụng như lịch cắt điện, phát lương hưu, thông báo tin buồn.v.v… Vì trên địa bàn phường không có nhà máy xí nghiệp (nếu có thì điện lực phải gửi thông báo về tận nơi) nên cắt điện lúc nào không ảnh hưởng mấy đến đời sống người dân, lấy lương hưu hay tin buồn thì chỉ cần truyền miệng thông qua tổ trưởng dân phố (vì những người có liên quan, họ sẽ để tâm đến chuyện đó). Còn các diễn văn, nghị quyết thì đã có cả một hệ thống cán bộ tổ, cụm, chi bộ, phụ nữ.v.v…Có thể in thành văn bản gửi trực tiếp đến các đối tượng đó có trách nhiệm tuyên truyền, chứ đọc như vậy cả trăm ngàn lần cũng không ai chú ý lắng nghe và có nghe cũng không thể hiểu được. Tìm hiểu các vấn đề xã hội khác thì ai quan tâm đến vấn đề gì họ sẽ tự tìm hiểu trên intenet.v.v… Và rất nhiều những nội dung khác không có tác dụng gì.

Nhiều lúc không có nội dung gì nhưng vẫn phát thanh vài bài hát cũ kỹ, những bài đọc vô thưởng vô phạt rất lãng phí. Hình như phát thanh cho xong để lấy thành tích thôi chứ không quan tâm đến chất lượng hay tác dụng của nó.

5/. Các bài hát trong buổi phát thanh: Chỉ có vài bài hát được phát đi phát lại hàng chục năm nay, trở nên nhàm chán, chất lượng băng đĩa nhạc rất kém cộng với hệ thống âm thanh kém chất lượng nên nghe cứ ầm ầm, réo rắt, chát chúa rất nhức đầu, được một lúc thì léo nhéo, loẹt xoẹt, rú rít rồi tắt hẳn và tiếng phát thanh viên nói "buổi phát thanh của phường Phú Thượng đến đây là hết". Như vậy là không tôn trọng người nghe. (Bây giờ nhà nào mà chẳng có hệ thống âm thanh nổi để nghe ca nhạc mà phải nghe loa phường?).

Đài phát thanh của phường là tiếng nói của Đảng nên không thể tùy tiện được. Tôi gửi mấy lời góp ý, mong ban Văn hóa thông tin và Ủy ban nhân dân phường có biện pháp cải thiện để các buổi phát thanh có tác dụng tuyên truyền hơn và gây thiện cảm cho người nghe.

Suốt nhiều năm nay vẫn tình trạng như vậy mà không hề có một sự thay đổi nào? Như vậy có thể không có một ai nghe hoặc tất cả mọi người đã vô cảm, không quan tâm đến chuyện này(kể cả người có trách nhiệm).
 Lời kết: Nếu được, theo tôi nên chấm dứt sứ mạng lịch sử của cái loa phường. Vì đó là sản phẩm của thời chiến tranh, bao cấp. Thời mà cả phường chỉ có vài cái radio. Gần nửa thế kỷ trôi qua, dân trí đã được nâng cao, phương tiện thông tin tràn ngập, nhà nào cũng có tivi, intenet.v.v… Nên cái loa phường thực sự là không có tác dụng gì (thậm chí phản tác dụng).

Nên trả lại một không gian trong lành, bình an cho mỗi buổi sáng sớm. Và bớt đi một khoản chi phí đáng kể cho xã hội.

Tác giả: Lê Minh.

Bài của Tổng Cua trên TPO: Loa phường, e-Phường và e-Government
Bài của Kim Dung: Loa mẹ Đốp



BLOG LÊ MAI

Thăng yên hạ mã bách thiên nan
Quốc thế như kim thực vị an
Nùng mạt, đạm trang, nhân tính cựu
Nguyên nhung bát thập bất tri nhàn
(Lên yên xuống ngựa khó muôn vàn
Thế nước hôm nay thực chửa an
Đậm, nhạt, mau, thưa người nếp cũ
Tám mươi lão tướng chẳng mong nhàn)

Tôi mở đầu vài cảm nghĩ về cuốn sách "Quyền Bính" (Tập 2 – Bên Thắng Cuộc, Huy Đức) bằng bài thơ của Tào Mạt: "Gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi bộ ứng khẩu làm ngay". Năm 1991 ấy, tướng Giáp tròn 80 tuổi. Sau Đại hội VII ĐCSVN, ông Võ Nguyên Giáp – một đại công thần của chế độ, chính thức rời khỏi chính trường. Rồi những cuốn hồi ký nổi tiếng, rất có giá trị sử học của ông liên tiếp ra đời: Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng…Nhưng, trong những cuốn hồi ký ấy, ông chỉ nói rất ít về bản thân mình.

Thì đây, "Quyền Bính" có một chương riêng về tướng Giáp. Tác giả đã cho chúng ta biết một câu nói rợn người đầy kinh hãi của Lê Đức Thọ qua lời kể của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, con rể Lê Duẩn: "Có lần ông Thọ nói ông còn để cái đầu ông Giáp trên cổ là đã may lắm". Than ôi! Một ông Đại tướng Tổng tư lệnh, người Anh Cả đầu tiên và duy nhất của quân đội, đã làm nên biết bao công tích, được thế giới ca ngợi, đã phạm "tội" gì mà Lê Đức Thọ dám đưa ra một lời kết án tai ác đến cỡ đó?

Trong Quân ủy Trung ương, ông Thọ chỉ là Phó Bí thư, cấp dưới của ông Giáp. Ông ta dĩ nhiên không phải là nhà quân sự chuyên nghiệp. Chiến lược, chiến thuật quân sự, điều quân đánh đông dẹp bắc là nhờ tài năng của các tướng lĩnh. Thế mà trong chiến dịch Quảng Trị (không chỉ chiến dịch Quảng Trị), "Lê Đức Thọ không hiểu bằng con đường nào, thường xuyên điện thẳng cho các sư đoàn không qua điện đài của Bộ Tổng Tham mưu, vừa để nắm tình hình vừa tự ý đôn đốc đánh. Kỳ quặc!".

Lê Đức Thọ thường gọi ông Trần Bạch Đằng, một người cộng sản cấp tiến cực kỳ tài hoa, tiếng tăm lẫy lừng là "thằng trời đánh" – điều cay đắng là ông Đằng không bao giờ được vào Trung ương, dù có ông Lê Duẩn đỡ đầu. Chính Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng đã một phen hoảng hốt sau khi bố vợ mất, ông hỏi Đoàn Duy Thành, "Ba cháu mất rồi, liệu họ… có giết gia đình nhà cháu không?" (Làm người là khó – Đoàn Duy Thành). Quả thật, quyền bính – vấn đề muôn thuở trong lịch sử VN hiện đại.

Người làm chính trị, nắm quyền bính, điều quan trọng nhất là để lại tiếng thơm trong sử sách. Tôi xin lưu ý, một Giáo sư người Mỹ sau khi nghiên cứu về Mao Trạch Đông đã kết luận, cuộc đời ông ta làm được 31 việc nhưng có tới 20 việc liên quan đến việc hủy hoại tinh thần và đạo đức con người!

Quan sát sự vận hành quyền bính tại VN cho thấy, dường như không ít nhà lãnh đạo cao cấp ghen tỵ với tài năng và vinh quang của tướng Giáp, họ muốn hạ bệ uy tín cực lớn của ông trong đảng và dân chúng. Đến như ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, thay vì bác bỏ bản báo cáo sai sự thật của Nguyễn Đức Tâm về vụ Sáu Sứ, ông lại chỉ đạo điều tra hai ông Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Trà; thay vì minh oan cho ông Giáp và ông Trà sau khi biết kết quả điều tra, ông và Bộ Chính trị lại im lặng "đáng sợ".

Có nhà nghiên cứu cho rằng, ông Võ Nguyên Giáp là điển hình của một tài năng không được phát huy hết trong một xã hội mà sự vận hành quyền lực tập trung vào tay một số người, lại thiếu công cụ để khống chế, kiểm soát quyền lực ấy. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tham nhũng tuyệt đối và quyền lực tuyệt đối cũng sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối.

Đúng như tác giả Huy Đức nhận xét, ông "mưu lược và quyết liệt không chỉ trong những cuộc chiến quy ước như Điện Biên Phủ, năm 1946, khi Hồ Chí Minh đi Pháp nhân Hội nghị Fontainebleau, ở Hà Nội, Tướng Giáp đã cùng với Trường Chinh thanh trừng đối lập gần như triệt để. Nhưng trước những đối thủ chính trị nhân danh Đảng, Tướng Giáp trở nên cam chịu và thụ động. Có lẽ lòng trung thành với tổ chức và ý thức tuân thủ kỷ luật đã rút đi thanh gươm trận của ông".

Thêm một điểm cần lưu ý, đó là ông Võ Nguyên Giáp đã xử lý mâu thuẫn "địch – ta" khác hẳn việc xử lý mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Xử lý mâu thuẫn "địch – ta" là xử lý mâu thuẫn đối kháng, một mất một còn – chiến tranh là như thế. Song, xử lý mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân thì phải khác. Ông Trần Bạch Đằng từng nói: "Đành rằng làm chính trị là phải thủ đoạn. Nhưng làm chính trị thì cũng phải có tình nghĩa, bạn bè chứ". Chỉ có điều, đối thủ chính trị của các ông không nghĩ và làm như vậy.

Quyền bính (quyền hành) và quyền lực đều có điểm chung là quyền định đoạt mọi công việc và sức mạnh để đảm bảo thực hiện quyền ấy. Quyền lực đồng nghĩa với sức mạnh và như vậy, kẻ mạnh nắm quyền lực sẽ thống trị và chi phối kẻ yếu. "Quyền Bính" đã làm nổi bật tư duy và quyền lực của nhiều nhà lãnh đạo cao cấp VN, của tập thể, của cả chế độ, trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, con người và tư tưởng; sự vận hành và chi phối của quyền lực, kết quả của việc thực thi quyền lực. Có thể nói, "Quyền Bính" đã cho chúng ta thấy sự vận hành quyền lực ảnh hưởng như thế nào đến tương lai đất nước và dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử VN hiện đại.

Anh Doan Tran, một người bạn thân của tôi ở Hoa Kỳ, rất am hiểu văn hóa và lịch sử VN – người đã gửi tặng tôi ấn bản điện tử "Quyền Bính" ngay sau khi phát hành, bằng một sự liên tưởng và tinh tế hiếm có, nhận xét: "Hãy lưu ý hình bìa cuốn sách với chiếc xe hơi Lada, dây điện, đèn tín hiệu giao thông rồi đọc chi tiết này trong cuốn sách để thấy sự thú vị:
"Khi nhậm chức, Nguyễn Văn Linh vẫn sử dụng một chiếc xe hơi hiệu Lada của Liên Xô đã cũ thay vì tiêu chuẩn của Tổng bí thư phải là "Volga đen" hoặc Toyota. Theo ông Bùi Văn Giao, trợ lý của Nguyễn Văn Linh: "Ông không biết rằng, để Lada có thể chở Tổng bí thư, Văn phòng phải gắn thêm máy lạnh. Vì tải thêm máy lạnh mà tuổi thọ của những chiếc Lada này bị giảm đi rất nhanh, cứ sau một hai năm là phá luôn giàn máy. Một lần ông Linh đi công tác về tỉnh, chiếc máy lạnh tự chế phát nổ. May mà khi đó, ông Linh đang ngồi trong phòng họp còn chiếc xe thì đậu ngoài sân".

Phải chăng, đưa "cái lạnh" của tư bản vào "cái nóng" của xã hội chủ nghĩa, nó sẽ "trung hòa" và "bộ máy" sẽ vận hành tốt hơn? Không phải! Trên thực tế, làm như vậy "bộ máy" bị hỏng nhanh hơn và tệ hơn nữa – nó phát "nổ" rất nguy hiểm. Không thể "lắp ghép" một cách tùy tiện, bởi nó không thể tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, dù gắn cho nó cái "đầu" hay cái "đuôi" gì đi nữa ("đuôi" định hướng XHCN chăng – một gợi ý!). Tri thức nhân loại đã kết tinh hàng ngàn năm, sao người ta không tiến cùng văn minh thời đại, mà lại "sáng tạo" ra con đường đi mới chưa có tiền lệ trong lịch sử và than ôi, sự "sáng tạo" đó đã cho kết quả nhãn tiền rồi!

Cũng như "Giải Phóng", "Quyền Bính" – dù khách quan đến đâu, chúng ta vẫn nhận thấy tác giả tiếp tục dành cho ông Võ Văn Kiệt nhiều thiện cảm. Anh Doan Tran cho rằng tác giả dường như "thần tượng hóa" ông Kiệt – tôi nghĩ nhận xét đó hơi quá. Dù sao, cách sử dụng quyền lực và việc nắm quyền bính của ông Kiệt được nhiều người ủng hộ, dù ông Tố Hữu bóng gió: "Sáu Dân muốn làm vua Saigon".

Ông Võ Văn Kiệt có cách giải quyết mâu thuẫn về chính trị khá hay. Đã một lần ông nói với người lãnh đạo văn nghệ: "Ở Sài Gòn nếu đòi hỏi người xứng đáng theo tiêu chuẩn chính trị để đóng Hai Bà Trưng thì chỉ có Bà Định; đóng Lênin thì chỉ có Bác Tôn thôi. Các anh cứ mời các vị ấy đóng xem thử có ai đi coi không?". Lại một lần khác, khi họp Bộ Chính trị để thông qua việc chọn BHP làm đối tác thăm dò dầu ở mỏ Đại
Hùng, Nguyễn Hà Phan phản đối: "Đồng bào miền Nam chắc chắn không một ai đồng tình chọn Úc làm đối tác khai thác dầu khí vì bọn Úc đã từng đưa quân vào tàn sát đồng bào ta". Ông Võ Văn Kiệt liền đứng dậy: "Nếu nói như Sáu Phan thì tôi đề nghị Bộ Chính trị nên chọn Lào đầu tư. Mỹ là kẻ thù mới đánh ta; Pháp đô hộ 80 năm; Nhật khiến cho 2 triệu người chết đói; Úc, Hàn theo Mỹ mang quân sang… Không có nước nào có công nghệ tốt lại không có dính líu vào một 'tội ác' nào đó".

Đọc "Quyền Bính" và "Giải Phóng", chúng ta nhận thấy có một điểm nổi bật nữa là tính tự trọng của nhiều nhà lãnh đạo cao cấp thời ấy. Họ dám làm và dám chịu trách nhiệm. Các ông Trường Chinh từ chức Tổng bí thư, Lê Văn Lương ra khỏi Bộ Chính trị, Hồ Viết Thắng bị kỷ luật do sai lầm của cải cách ruộng đất. Ông Linh cũng đã phải một lần ra khỏi Bộ Chính trị. Ông Kiệt xé rào, đổi mới. Ông Trần Phương quyết định từ chức sau vụ "giá – lương – tiền" cho dù ông không phải là người chịu trách nhiệm chính. Ông Lê Duẩn thấy rằng, sau vụ "giá – lương – tiền", Tố Hữu không còn khả năng làm Tổng bí thư, dù đã được chọn vào hàng ngũ kế cận. Và thực tế, tại Đại hội VI, Tố Hữu thậm chí không được bầu vào Trung ương.

Phải thừa nhận, thời ấy đa số các nhà lãnh đạo cao cấp không được đào tạo bài bản, song họ rất có trình độ, chỉ bằng tự học. Còn gần đây và hiện nay thì sao? Không ít người gần như "mất trí" vì ham mê quyền bính: dấu bệnh để mong làm Chủ tịch nước, dấu bệnh để làm Thường trực Ban bí thư, sợ ra khỏi Bộ Chính trị thì chết không nhắm được mắt…Rồi một Tổng bí thư hai nhiệm kỳ mà Phó Ban Tổ chức Trung ương nhận xét trình độ chỉ tầm cỡ cán bộ cấp huyện, một Thủ tướng mà chỉ mới nghe tên thôi, người dân đã lắc đầu ngán ngẩm. Liệu đất nước có thể phát triển sánh vai với thế giới nếu vấn đề quyền bính được vận hành như thế?

Rốt cuộc, ai là người có quyền lực nhất? Nhà tương lai học người Mỹ, Alvin Toffler, trong tác phẩm Thăng trầm quyền lực, đã phân tích rất sâu sắc về quyền lực. Bạo lực, của cải và tri thức là ba đỉnh của một tam giác quyền lực. Bạo lực chủ yếu dùng để trừng phạt, làm người ta khiếp sợ nhưng là nguồn quyền lực ít linh hoạt nhất. Đọc Bên Thắng Cuộc ("Giải Phóng" và "Quyền Bính"), chúng ta đã rõ nhân vật nào, thời nào ưa sử dụng nguồn quyền lực bạo lực nhất.

Của cải được dùng vừa trừng phạt lại vừa ban thưởng và có thể được chuyển thành nhiều nguồn khác, là một công cụ quyền lực rất uyển chuyển. Đọc Bên Thắng Cuộc cũng như quan sát tình hình hiện nay, chúng ta đã rõ nhân vật nào, thời nào ưa sử dụng và sử dụng hết sức "thành công" nguồn quyền lực của cải nhất.

Tuy vậy, tri thức mới là nguồn quyền lực cơ bản và linh hoạt nhất, vì một người có tri thức có thể tránh được những thử thách đòi hỏi sử dụng bạo lực hay của cải và có thể thuyết phục được những người khác để hoàn tất những ý định mình mong ước. Tri thức tạo ra quyền lực có phẩm chất cao nhất. Đọc Bên Thắng Cuộc, chúng ta đã rõ nhân vật nào thường sử dụng nguồn quyền lực tri thức nhất. Nếu nhân vật ấy sử dụng nguồn quyền lực bạo lực, chắc chắn lịch sử VN hiện đại đã khác rồi.

Và một khi quyền lực được tạo ra từ quyền mưu hay từ những yếu tố khác thay vì tri thức thì quyền lực đó không thể bền vững, khiến cho những người nắm quyền lực kiểu đó trở nên đáng sợ – ngay cả với bạn bè, đồng chí, người thân của họ. Lịch sử hiện đại VN không thiếu thí dụ minh họa điều này.

"Quyền Bính" – vấn đề muôn thuở trong lịch sử VN hiện đại. Một xã hội chỉ có thể phát triển tốt khi "quyền bính" được cân bằng, không bị lũng đoạn hoặc tập trung vào trong tay một số người – cũng tức là phải tạo ra một tam giác đều quyền lực trong đó ba đỉnh của nó chính là bạo lực, của cải và tri thức.

Để kết thúc, tôi xin nhìn đôi nét tổng quát về Bên Thắng Cuộc. Điểm mạnh của "Quyền Bính" cũng như "Giải Phóng" là nhiều tư liệu, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp, được thể hiện bởi một nhà báo lão luyện – công trình mang phong cách báo chí. Tuy nhiên, tác giả Bên Thắng Cuộc tái hiện một giai đoạn lịch sử VN hiện đại nhưng tư liệu gốc chiếm tỷ trọng không nhiều lắm, chỉ có một số bức điện, một số báo cáo, một số biên bản, một số nghị quyết, còn chủ yếu sử dụng các hồi ký và phỏng vấn nhân chứng. Đối với những người am hiểu, còn rất nhiều sự kiện lịch sử VN cực kỳ quan trọng, song có thể vì lẽ này, lẽ khác chưa được tác giả đề cập. Vì vậy, tính đầy đủ và chính xác của nó chắc rằng còn phải thảo luận nhiều. Các Phụ lục cuối mỗi tập sách không có gì đặc biệt, chưa tương xứng với nội dung phong phú và những vấn đề rất lớn mà bộ sách đặt ra. Và, tác giả chỉ nêu các sự kiện lịch sử nhưng không phân tích, không bình luận làm cho bộ sách thiếu hẳn tính "hàn lâm" – đó không hẳn là một phương pháp tốt nhất?

Dẫu sao, Bên Thắng Cuộc thực sự là một công trình rất đáng đọc, rất đáng tìm hiểu, rất đáng suy ngẫm, với tất cả ý nghĩa đầy đủ của nó. Đọc Bên Thắng Cuộc, chúng ta càng hiểu thêm nhận xét "có một lịch sử như nó diễn ra và một lịch sử như nhà sử học viết ra". Thử hỏi, đến nay, đã có công trình nào phản ánh đầy đủ, trung thực và hấp dẫn lịch sử VN hiện đại do các nhà sử học VN "nổi tiếng" thể hiện? Cho nên, chúng ta không đòi hỏi tác giả Bên Thắng Cuộc, song chúng ta có quyền hy vọng…



BLOG BS HỒ HẢI

Ngồi điểm lại, hầu hết những cái tên nước mỹ miều đều là tấm mặt nạ che đậy cái thú tính của chính khách hòng mỵ dân để kiếm ăn, và kiếm danh.

Sau khi hoàn thành các cuộc cách mạng vô sản tắm máu, hầu hết các chính khách theo con đường của Lenin vạch ra đều đặt cái tên nước rất mỹ miều, để che đậy tham vọng thú tính của mình.

Đứng đầu là anh cả đỏ Trung Hoa, Mao đã đặt cái tên có chữ nhân dân, để thể hiện con đường đi của mình là theo con đường tam dân của Tôn Dật Tiên sao chép từ nước Mỹ. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nghe rất đẹp, rất vì dân, của dân, và do dân, nhưng trải qua hơn 60 năm qua, Trung Hoa chưa bao giờ là một chế độ vì nhân dân, của dân và do dân.

Một số nước còn sót lại có cái tên nước gắn với chữ nhân dân, cũng bắt đầu bằng con đường cách mạng vô sản, tắm máu dân, rồi sau đó đàn áp nhân dân và bóc lột nhân dân cũng không kém Trung Hoa là, Cộng Hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng Hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Cộng Hòa Nhân dân Banglades, và sau 1945 thì Việt Nam cũng có cái tên, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!

Sau sụp đổ Đông Âu và Liên Xô, đầu thập niên 1990s hàng loạt khoảng gần 30 quốc gia đổi tên và bỏ chữ Nhân dân mỹ miều, mỵ dân của nước để trở thành các nước Cộng hòa hoặc Liên bang. Và hầu hết các nước  này sau khi đổi tên đều hướng nền chính trị đi theo con đường mà người dân có chút cái gì gọi là của dân, vì dân và do dân.

Sau khi Myanmar rút cái tên dài dằng dặt gắn với mỹ từ Xã hội chủ nghĩa là, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên Bang Myanmar để đổi thành Cộng hòa Liên bang Miến Điện thì có một điều đặc biệt là, cái tên nước còn gắn với cái ngữ "Xã hội chủ nghĩa" thì trên thế giới này chỉ còn có 2 quốc gia. Đó là, đứng đầu có nước Việt Nam - Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - cái tên này chính thức ra mắt cái mặt nạ thú tính vào ngày 02/7/1976, sau cuộc trường kỳ tắm máu 20 năm, mà cả 2 miền các chính khách đều làm tay sai cho ngoại bang, để dân tộc và tổ quốc làm tấm bia đỡ đạn cho các cường quốc 2 phe hắc bạch chạy đua vũ trang và thử vũ khí. Một nước thứ hai, đến giờ này vẫn còn nội chiến, nhưng tên nước gắn với "mỹ từ" Xã hội chủa nghĩa là, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka. Hiến pháp của 2 nước Xã hội chủ nghĩa này viết theo Chủ nghĩa xã hội, nhưng cho tới giờ này cả thế giới loài người chưa có đủ khả năng trí tuệ hiểu chủ nghĩa xã hội là gì ngoài cái chủ nghĩa xã hội Phát Xít Đức, nên bèn copy cái điều 6 hiến pháp của Hitler và của Liên Xô cũ để làm điều tiên quyết trong hiến pháp của mình, hòng độc quyền ăn chia và cai trị dân.

Nhân dân, nhưng chưa bao giờ là của nhân dân, mà là của các ông chủ chính khách độc tài, thú tính và bẩn kiệt. Dân chủ mà không dân chủ vì hầu hết các nước này có hiến pháp và luật pháp chỉ để làm kiểng, còn việc hoạt động cả hành pháp, tư pháp lại xem lập pháp là cái bồn cầu để ngồi lên xả chất thải. Xã hội chủ nghĩa lại càng là khoa học viễn tưởng giữa thế giới loài người. Đó là thực tế khách quan của lịch sử nhân loại đã minh chứng trên hầu hết các nước có các "mỹ từ" và "mỵ từ" này.

Tên nước càng mỹ miều thì ẩn sau nó là một mưu đồ xấu xa và bẩn kiệt nhất của chính khách cầm quyền. Thà cái tên đơn giản như Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ mà lại rất nhân bản, rất dân chủ và rất tự do, luôn thực hiện đúng với tuyên ngôn độc lập mà ngay cả hầu hết các nước có cái tên mỹ miều kia đều phải mượn làm chiếc mặt nạ để mỵ dân.

Gần đây các lãnh đạo và think tanks của đất nước mình bắt đầu bạch hóa chuyện lừa dối và thảm kịch suy đồi văn hóa có thể làm sụp đổ chế độ. Chiếc mặt nạ đã được mang vác hơn nửa thế kỷ đã đến lúc ai cũng không thể mang để lừa dối nhau. Thôi thì đã đến lúc cần thay đổi tên nước, và hiến pháp để có một sự thay đổi chính trị toàn diện cho con người ta sống với nhau tử tế hơn.

Asia Clinic, 10h24' Chúa nhựt, 27/01/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét