Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

GS Phan Đình Diệu góp ý về dự thảo Hiến pháp 1992 (phát biểu cách đây 21 năm)

Nguồn diendan

Một bài phát biểu cách đây 21 năm nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự

Phan Đình Diệu


Góp ý về dự thảo Hiến pháp 1992


LTS. Bài viết mà bạn có thể mở ra bằng cách bấm vào tên bài ở dưới đây, là bản ghi lời phát biểu của giáo sư Phan Đình Diệu tại Hội nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 12.3.1992 (nghĩa là cách đây gần đúng 21 năm), "góp ý" về dự thảo Hiến pháp 1992, bản Hiến pháp mà ĐCS và Nhà nước VN đang chuẩn bị "tân trang" như chúng ta đã biết.

Với những ai đã liếc qua bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, và theo dõi các bài báo chính thống về những buổi "góp ý" về bản dự thảo này, không khó để thấy rằng tư duy của ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước hôm nay chẳng khác gì mấy so với hơn 20 năm qua dù rằng chính vì cái tư duy ấy mà tình hình đất nước đã xấu đi rất nhiều, cả về nguy cơ mất độc lập do sự đe doạ trắng trợn của anh bạn láng giềng khổng lồ phương bắc, và về các tệ nạn của nền chính trị trong nước. Trong khi nền kinh tế lún sâu vào khủng hoảng, giáo dục và y tế tụt hậu hàng chục năm so với các nước láng giềng, thì bộ máy cầm quyền tha hoá và bất lực trong việc giải quyết các vấn đề cơ bản của xã hội ấy lại tỏ ra ngày càng hung hãn hơn đối với người dân. Tìm mọi cách bám chặt lấy quyền lực rõ ràng là phương châm chủ đạo của bộ máy đó trong kịch bản "sửa đổi hiến pháp" mà họ đang đạo diễn, bắt các "đoàn thể quần chúng" phải tổ chức trình diễn và báo chí chính thống phải vỗ tay phụ hoạ dù chẳng lôi cuốn được bao nhiêu người xem.

Nhưng tình hình không phải là khác biệt duy nhất so với khi dự thảo Hiến pháp 1992 được đưa ra "lấy ý kiến nhân dân". Với sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới (điện thoại, internet), một "người chơi" mới đã nhảy lên sân khấu, khiến vở kịch sôi động hẳn lên : các blogs, website tư nhân, mà mức độ phản ánh tình hình vừa đa dạng vừa đúng đắn hơn nhiều so với các phương tiện truyền thông chính thống. Dù rất muốn (và đã thử dùng nhiều biện pháp cả kỹ thuật và trấn áp) nhà cầm quyền đã không thể giập tắt tất cả những cơ quan ngôn luận "ngoài luồng" đó. Từ bản Kiến nghị của 72 nhân sĩ tới trang Cùng viết Hiến pháp, và rất nhiều bài viết khác (mà mặt báo này đã phản ánh, cả qua các bài viết trong mục thời sự Việt Nam và qua các đường dẫn trong mục "Thấy trên mạng"), như những bài của giáo sư Hoàng Xuân Phú, của ông Nguyễn Trung, của nhà báo Huy Đức..., nhờ các cơ quan "lề dân" đó mà nhiều tiếng nói "ngoài kịch bản" đã vang lên, dõng dạc, mạnh mẽ, chỉ những người giả điếc mới không nghe thấy. Những tiếng nói đòi một Hiến pháp dân chủ; cho một đất nước dân chủ, không còn chịu sự kềm kẹp của vòng kim cô ý thức hệ, của "điều 4" hay "16 chữ vàng"; không còn "sự lãnh đạo" của Đảng nào được coi như đương nhiên, bất biến - không đảng phái nào được đứng trên dân tộc, trên nhân dân... 

Những đòi hỏi đó, những ý kiến tâm huyết, trí tuệ đó, chắc những ai từng đọc những bài viết của GS Phan Đình Diệu sẽ không ngạc nhiên khi tìm lại chúng trong bài phát biểu mà Diễn Đàn hân hạnh giới thiệu hôm nay. Như một chứng từ mà lịch sử cần ghi nhận, và cũng như một đóng góp vào cuộc thảo luận đang diễn ra, khi những ý trong bài phát biểu dũng cảm này - chẳng may cho chúng ta - vẫn không hề mất tính thời sự. 

 

Diễn Đàn

Attachments

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét