Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

F.K. – Nước ta chưa có văn hóa dân chủ

Post lại từ danluan

Trong một bài trước, tôi có viết rằng mình chỉ dám bàn về "phong trào đối lập" thôi, chứ chưa dám nhắc đến "phong trào Dân chủ", vì Việt Nam ta chưa có thứ này.

Theo tôi, nước ta có ít người đối lập đã đành, mà nếu xét cho công tâm, thì người Dân chủ Đa nguyên thì lại càng hiếm.

563722_391156357646235_2055378062_n.jpg

Nhưng thế nào là "người đối lập"? Họ là bất cứ ai dám lên tiếng phản đối một quyền lực chính trị đang chiếm thế độc tôn. Trong hầu hết các trường hợp, "người đối lập" nhân danh các giá trị phổ cập của nhân loại – như Tự do, Bình Đẳng, Công lý và Hòa bình… Họ tố cáo chính quyền bóp nghẹt những giá trị tiến bộ nêu trên bằng các hành xử bạo ngược và gian dối. Xét theo tiêu chuẩn này, thì mọi người Dân chủ Việt Nam đều đang là người đối lập. Tuy vậy, không phải mọi người đối lập đều Dân chủ, bởi kẻ chống lại điều sai trái chưa chắc đã nắm lẽ phải trong tay. Đừng quên trong giai đoạn "tiền khởi nghĩa", các đảng Cộng sản Việt Nam, Liên Xô và Trung Quốc đều từng giương cao ngọn cờ tự do, bình đẳng để hô hào quần chúng vùng dậy chống phong kiến, tư bản, đế quốc, tiến tới một thiên đường no ấm cho mọi người. Tuy đối lập một cách gay gắt với các nhà cầm quyền đương thời, và còn luôn miệng hô khẩu hiệu Tự Do, họ còn cách nền Dân chủ Đa nguyên một chặng đường "tự phê" dài lắm.

Để trở thành một người Dân chủ Việt Nam, bạn cần nhiều điều hơn, ngoài lòng căm phẫn trước thực trạng xã hội.

Vậy điều gì làm nên một người Dân chủ, và khiến hắn khác hẳn những con người cũ kĩ xung quanh?

Theo tôi, ta nên định nghĩa "người Dân chủ" dựa trên một tiêu chí quan trọng nhất: biết sống dân chủ với mọi người. Hắn tôn trọng quyền Tự do của tha nhân cũng nhiều như quyền Tự do của chính hắn. Hắn day dứt không yên khi Tự do của mình, hoặc của người khác bị xâm hại. Hắn tự coi là nghĩa vụ, việc bảo vệ cái quyền vùng vẫy mà tạo hóa đã ban tặng cho mọi người, và cho từng con người nhỏ bé giữa nhân gian. Trong mắt hắn, quyền lợi vị kỉ của mọi cá nhân, tập thể và thiết chế đều kém quí hóa hơn Quyền Con Người. Hắn trân trọng phẩm giá của anh thợ cày, cô thợ dệt, bác ngư dân cũng nhiều như phẩm giá của các ông lãnh tụ tự phong thánh. "Tổ quốc không trên hết!", và "Tất cả không vì sự nghiệp Cách mạng vĩ đại!". Hắn cứ hô vậy, bất kể màu của các đám đông. Đâu là công dụng của Cách mạng và Tổ quốc, ngoài việc dệt ước mơ và hạnh phúc cho mỗi Công dân bình thường?

Ở mọi thời và mọi nơi, mọi nền Dân chủ đều được dựng trên những con người như thế.

Nhưng ta khoan hẵng bàn rộng. Quay lại chủ đề cũ: sao nước ta hiếm người đối lập, mà người Dân chủ lại càng hiếm, tới nỗi chưa có phong trào Dân chủ Việt Nam?

Tôi nghĩ chúng ta nên thành thực thừa nhận một sự thật đáng buồn: đa số những người đối lập Việt Nam, tuy vẫn hô khẩu hiệu đòi dân chủ, nhân quyền, nhưng chưa biết sống dân chủ với những người xung quanh, và chưa tôn trọng quyền tự do của người khác.

Tôi có quen nhiều người đối lập rất lạ. Chẳng hạn, xin kể giai thoại ngộ nghĩnh về blogger A. Trong làng đối lập Việt Nam, anh A là một cây bút khá nổi tiếng và từng được vinh danh bởi một giải thưởng cổ vũ nhân quyền. Tôi gặp đôi lần, và nhanh chóng cảm mến anh trong mùa hè biểu tình chống Trung Quốc. Tròn một năm sau, tôi thân với B, cô cháu gái đang trọ học ở nhà anh, cũng nhờ gặp nhau trong các cuộc xuống đường vì biển đảo. Qua lời B kể, tôi được biết một anh A thứ hai.

Anh A này – A của những cư xử thường nhật trong cuộc sống, lại hoàn toàn khác với nhà dân chủ đạo mạo mà độc giả mường tượng qua những trang viết bênh vực nhân quyền. Anh A đời thường, trong lời kể của bạn bè và người thân, là cả một nhà độc tài gương mẫu. Cũng hách dịch, cũng bất dung, và cũng bạo lực như một lãnh tụ Cộng sản chính hiệu. Đó là anh A chi phối mọi lựa chọn trong cuộc đời cô cháu gái, anh A siêng đánh vợ qua lời kể của đồng nghiệp nạn nhân, anh A độc quyền lẽ phải trong các mối quan hệ bạn bè… Anh A thực, mà tôi mới khai quật lên, là một anh A cần dân chủ hóa khẩn cấp.

Ít lâu sau, tôi nghe tin cô B lâm nạn. Sau một vụ cứng đầu trái ý, B bị anh A nọc ra đánh bằng dây điện và gậy tre. Sự việc nghiêm trọng tới mức trong lúc hoảng sợ, một người thân của đương sự tức tốc gọi điện thoại để cầu cứu những người bạn của gia đình. Trận đòn chỉ tạm ngưng khi có sự can thiệp của một vị giáo chức. Dầu vậy, sau hôm đó, B vẫn phải sống chung với những lời mạt sát đầy ngôn từ xúc phạm nhân phẩm. Vụ việc này được truyền miệng rộng khắp, tới mức trong một cuộc chuyện sau đó vài tháng, tôi vẫn được một người bạn nhờ chuyển lời hỏi thăm tới cô B.

Sao có thể trở thành người đại diện xứng đáng cho một cuộc tranh đấu vì các giá trị tiến bộ, khi anh không tôn trọng quyền và phẩm giá của những người phụ nữ trong gia đình?

Quá trình tiếp xúc và làm việc chung còn cho tôi biết thêm nhiều anh A khác. Đáng buồn, khi những người đối lập biết sống dân chủ với bạn bè và người thân chỉ là vài ngoại lệ hiếm gặp. Phần còn lại, trong tuyệt đại đa số, còn hành xử phi dân chủ dân chủ trong chính việc đấu tranh. Trong một nhóm phản kháng mà tôi biết, người ta sẵn sàng hùa nhau mạt sát, bằng ngôn từ chợ búa, những thiếu số phát biểu ý kiến đặc biệt trái chiều. Ở một hội khác mà tôi từng tham gia, người ta tôn sùng và dành tiếng nói độc tôn cho các bậc "trưởng lão". Và từng ngày từng giờ, trong các cuộc "thảo luận chính trị" trên Facebook hoặc blog cá nhân, người ta tuôn xối xả những lời miệt thị và nguyền rủa độc địa nhất vào mặt kẻ đối thoại khác ý thức hệ. Người ta vừa phê bình các vụ bắt người bất hợp pháp, vừa đòi "treo cổ hết bọn quỷ Cộng nô". Người ta vừa ủng hộ nhiệt liệt vụ xịt hơi cay của Lí Tống, vừa viết bài cổ vũ Nhân quyền. Người ta vừa đả kích đảng Cộng sản Việt Nam, vừa giành giật cho bản thân cái độc quyền lẽ phải và độc quyền yêu nước.

Vậy nên trong mắt quần chúng, quốc tế, và cả chính chế độ, người đối lập Việt Nam hiện diện như một bầy sư sãi thích "đậu phụ chùa". Chính quyền đã đánh mất niềm tin của nhân dân, nhưng phong trào đối lập Việt Nam cũng thế.

Tình trạng chán chường này ẩn chứa nhiều nguy hại. Nếu thiếu một phong trào Dân chủ đích thực, lực lượng chính trị nào sẽ tiếp quản đất nước sau cuộc sụp đổ đột ngột của chế độ hiện nay? Các đảng tài phiệt đầy rẫy nội gián Tàu? "Quân đội Nhân dân", với quyền lực phụt ra từ nòng súng? Một đảng cực đoan chống Cộng? Hay hỗn hợp từ sự xung đột và chia chác của những con cá mập nói trên?

Nhất định phải xây dựng, trong thời gian sớm nhất, một phong trào Dân chủ ra hồn. Nếu không muốn quê hương có thêm một chuỗi ngày trả thù báo oán. Nếu không muốn người Việt Nam tiến từ ách nô lệ này lên ách nô lệ kia, y như con ngựa đổi chủ.

Và như thế, có hai việc chúng ta cần khẩn cấp làm cùng nhau.

Trước tiên, là tự Dân chủ hóa chính mình. Chừng nào chưa tự thay đổi bản thân, chúng ta không thể thay đổi đất nước. Cần khiêm tốn mà thừa nhận rằng trong suốt 4000 năm lịch sử Việt Nam, nước ta mới chỉ có những thể chế phi dân chủ. Vì vậy, chúng ta bị nô lệ hóa từ tận gốc rễ tư duy. Chúng ta rỗng kiến thức về thể chế Tự do, và lại càng thiếu cơ hội để thực hành những hiểu biết này. Tôi tin rằng nếu mỗi người yêu nước chịu đọc nhiều sách hơn, và tập tôn trọng Tự do của những người sống quanh mình, thì chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, phong trào Dân chủ sẽ đơm hoa kết trái.

Một việc nữa, quan trọng không kém phần, là kết nghĩa một cách mạnh dạn. Chúng ta đang thiếu, một cách rất trầm trọng, những người dân chủ có đủ trình độ và bản lĩnh để hướng dẫn cuộc đổi thay. Số người ít ỏi này sẽ bất lực trước mọi chuyển biến nếu tiếp tục phân bố tản mát trong một phong trào đối lập ô hợp, thay vì đoàn kết trong một khối người tinh nhuệ để cùng làm và cùng nói với đồng bào.

Đã đến lúc họ tìm kiếm nhau thật hăng say, như đi tìm những kho tàng ẩn chứa sức mạnh để chuyển dời vận mệnh đất nước.

F.K.

Nguồn: Thông Luận (xin ghi rõ nguồn khi đăng tải lại trên trang khác)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét