Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

RFA. Sửa đổi Hiến pháp dưới góc nhìn một Thẩm phán Mỹ gốc Việt

Nguồn RFA

by Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Mặc Lâm phỏng vấn Thẩm phán Phan Quang Tuệ, Thẩm phán Liên Bang của tòa án San Francisco để tìm hiểu thêm mấu chốt quan trọng nhất của Hiến pháp Mỹ bản Hiến pháp đã và đang là kim chỉ nam cho nhiều nước trên thế giới.

Từ hiến pháp Hoa Kỳ...

Mặc Lâm : Thưa Thẩm Phán, rất cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi câu chuyện về Hiến pháp ngày hôm nay.Trước tiên xin được hỏi ông là Hiến pháp Hoa Kỳ được định nghĩa như thế nào và mục đích cao nhất của nó là gì, thưa ông?

Thẩm phán Phạm Quang Tuệ : Thực ra cách hành văn và trong khoản mở đầu của Hiến Pháp Hoa Kỳ 1787 không định nghĩa điều gì hết, nó chỉ nói lên cái khát vọng của người dân, của dân tộc Hoa Kỳ rằng là "We the people of the United States. . ." những người soạn thảo muốn thiết lập bản hiến pháp để xây dựng một nước Mỹ hùng cường trong một đoạn mở đầu rất ngắn.

Điểm tôi muốn nhấn mạnh là trong đó bản hiến pháp mà họ viết nói lên khát vọng của dân tộc Hoa Kỳ, có nghĩa không phải viết bản hiến pháp đó cho thời kỳ 1787 khi nước Mỹ vừa độc lập, mà viết luôn cho cả hậu thế, tức là một văn kiện căn bản đặt ra lộ trình cho dân tộc để đạt mục đích tiến bước không ngừng, tạo ra một Hiệp Chủng Quốc hoàn hảo hơn.

Thành ra Hiến Pháp Hoa Kỳ là một đạo luật căn bản nói lên khát vọng của một dân tộc chứ không phải riêng cho thế hệ này mà cho tất cả những thế hệ tương lai. Văn kiện đó đặt những nền móng căn bản tổ chức chính quyền nhằm mục đích phục vụ cho dân tộc. Đó là cách tôi đọc và suy nghĩ về định nghĩa của bản hiến pháp.

Mặc Lâm : Thưa Thẩm phán, ngôn ngữ được dùng trong bản hiến pháp của Hoa Kỳ được xem là trong sáng và cẩn trọng từng câu từng chữ so với tất cả mọi văn kiện hiện nay trên thế giới. Theo ông thì điều này mang lại lợi ích gì cho nền tư pháp của Mỹ và đặc biệt Việt Nam có thể học hỏi được gì ở những câu chữ như vậy?

Thẩm phán Phạm Quang Tuệ : Tuy Hiến pháp Hoa Kỳ được họ viết rất rõ ràng như vậy nhưng mỗi khi có câu hỏi về ý nghĩa thực sự của hiến pháp thì họ lại có cơ quan là Tối Cao Pháp Viện để giải thích hiến pháp.

Trở lại câu hỏi chính của anh Mặc Lâm là ý nghĩa và lời văn phải trong sáng đó, thì theo tôi họ nhằm đưa ra một lộ trình cho thật rõ, càng rõ càng tốt.

Năm mươi lăm đại biểu họp ở Pennsylvania để viết bản Hiến pháp Hoa Kỳ không thể nào đoán trước được những điều gì sẽ xảy ra. Chẳng hạn như ngày hôm nay tại Quốc hội Hoa Kỳ đang thảo luận về Second Amendment nói về quyền "The Rights to Bear Arms", thành thử điều quan trọng là mình phải viết làm sao vừa đủ rõ đồng thời vừa đủ rộng.

Thí dụ như nói về quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo thì Tu Chính Án Số 1 viết như thế này: "Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, . . ." chữ mà tôi muốn nhấn mạnh là Tu Chính Án nói rất rõ "Congress shall make no law". Họ dùng chữ "Congress shall make no law" tức là Quốc Hội không được làm một đạo luật nào khác để quy định về tự do tôn giáo và tự do báo chí, tự do hội họp. Khi dùng kỹ thuật như vậy, thay vì định nghĩa thì họ sẽ nói là "Congress", đây hiểu theo nghĩa là cơ quan lập pháp được làm đủ thứ luật ngoại trừ điều này thì không được.

Khi Hiến pháp Hoa Kỳ được lập ra các nhà lập pháp muốn nhấn mạnh sự phân quyền giữa hành pháp và lập pháp, thành thử những người đã ở trong lập pháp qua làm bên chính phủ cũng được nhưng sau khi đã từ chức. 
TP. Phạm Quang Tuệ

Ý nghĩa và giọng văn như vậy được họ viết rất rõ không thể nào lầm lẫn được. Nó còn ấn định khi có việc giải thích hiến pháp trong tương lai thì người ta dựa theo cái ý nguyên khởi của những nhà lập hiến, đồng thời nói rõ rằng quốc gia đứng ngoài không can thiệp vào đời sống và tự do ngôn luận vốn là nền móng căn bản của Hoa Kỳ.

Mặc Lâm : Thưa ông, Hiến pháp Hoa Kỳ có cho phép nghị sĩ hay dân biểu kiêm nhiệm luôn vai trò hay chức vụ trong chính phủ hay không? Và tại sao họ lại không cho phép điều này, thưa ông?

Thẩm phán Phạm Quang Tuệ : Trong Chương 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ họ có nói rõ là không có dân biểu hay nghị sĩ nào có thể vừa là dân biểu hay nghị sĩ mà vừa có mặt trong chính quyền. Ngược lại cũng không có người nào ở trong nội các chính phủ được kiêm nhiệm các chức vụ ở trong quốc hội.

Khi Hiến pháp Hoa Kỳ được lập ra các nhà lập pháp muốn nhấn mạnh sự phân quyền giữa hành pháp và lập pháp, thành thử những người đã ở trong lập pháp qua làm bên chính phủ cũng được nhưng sau khi đã từ chức. Tôi lấy một thí dụ mới nhất hiện nay đó là ông John Kerry, nghị sĩ của tiếu bang Massachusetts, được Tổng thống Obama đề cử và Quốc hội thông qua cho ông làm Tổng trưởng Ngoại giao. Khi ông làm Tổng trưởng Ngoại giao thì ông không còn làm nghị sĩ tại tiểu bang Massachusetts nữa và sẽ có một cuộc bầu cử để thay thế cho ông.

Sở dĩ như vậy là vì người ta muốn nhấn mạnh tới sự phân quyền. Nguyên tắc chính là sự phân quyền. Đã là phân quyền thì không thể ở lập pháp lại kiêm nhiệm luôn bên hành pháp hoặc ngược lại.

... Việt Nam học được gì

000_Hkg4913876-250.jpgMặc Lâm : Thưa Thẩm Phán, có một kinh nghiệm là năm 1946 Việt Nam Dân chủ Cộng hòa soạn thảo hiến pháp và cũng trong năm đó Hoa Kỳ trực tiếp giúp soạn thảo một bản hiến pháp cho Nhật Bản. Tuy nhiên, bản hiến pháp của Nhật vẫn còn hiệu lực cho tới ngày nay trong khi Việt Nam đã nhiều lần phải thay đổi. Như vậy Việt Nam có cần mời chuyên gia hiến pháp của Hoa Kỳ  vấn cho họtrong việc soạn thảo hay không, thưa ông?

Thẩm phán Phạm Quang Tuệ : Thưa anh Mặc Lâm, tôi nghĩ ở thời buổi này mình không cần chuyên gia nữa. Nhưng có một điều mình có thể làm được là theo cái tinh thần của người ta mà học hỏi.

Hiến Pháp 1946 của Nhật Bản xuất hiện trong bối cảnh sau thời kỳ Nhật Bản sụp đổ và đi vào chương trình tái thiết, lúc đó người có quyền hành là ông Tướng Mc Arthur. Thoạt tiên ông không nghĩ tới vấn đề hiến pháp, nhưng phía người Nhật thì họ muốn biết cách tổ chức chính phủ của họ sẽ như thế nào, cho nên từ đó mới nảy sinh ý kiến soạn thảo một bản hiến pháp cho Nhật Bản. Bản hiến pháp nhấn mạnh đến thời kỳ tái thiết và có nếu lên mấy điểm quan trọng. Đó là thứ nhứt họ duy trì vai trò của Nhật Hoàng với tính cách tượng trưng, thứ hai là bản hiến pháp tuyên bố rõ ràng từ bỏ con đường bạo lực và sau đó thiết lập thể chế của Nhật Bản từ 1946 cho tới bây giờ.

Bản Hiến pháp Nhật Bản có điểm đặc biệt là không hề có thay đổi nào, ngay cả một dấu phẫy cũng không thay đổi nữa. Trước bản Hiến pháp 1946 của Nhật Bản là bản hiến pháp của thời Minh Trị Thiên Hoàng hình như vào năm 1890 thì phải.

Xem lại Việt Nam của mình thì trong thời kỳ 1945 – 1975 Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có 4 bản hiến pháp của cộng sản, còn ở Miền Nam thì Việt Nam Cộng hòa có 2 bản hiến pháp là Hiến pháp 1959 của Đệ Nhất Cộng hòa và Hiến pháp 1967 của Đệ Nhị Cộng hòa. Về phương diện người cộng sản thì năm 1946 có một bản hiến pháp, 1960 có một bản hiến pháp, 1980 tức là sau khi Việt Nam thống nhất dưới chế độ cộng sản có một bản hiến pháp. Năm 1992 có một bản khác, và có một sự thay đổi để thành hiến pháp năm 2001, tức nói trắng ra nước Việt Nam cộng sản có 5 hiến pháp.

Lý do là vì người cộng sản họ giải thích là "để phù hợp với tình thế", tức là họ chỉ thấy trước mắt thôi chứ họ không nhắm những thế hệ tương lai. Cho nên cứ mỗi một lần như vậy là họ đổi hiến pháp như thể họ thay một cái áo, nhưng bản chất dưới cái áo đó thực sự vẫn chỉ là Đảng Cộng sản.

Những nhà nghiên cứu nhìn lại hiến pháp Việt Nam thời cộng sản thì cũng nên so sánh: hiến pháp đi cùng lúc đó với bản điều lệ của Đảng Cộng sản. Vì vậy dù thay bao nhiêu áo thì điều lệ của đảng cộng sản vẫn y như vậy và nó bao trùm lên tất cả các bản hiến pháp của Việt Nam cộng sản. Nó có mấy điểm: Đảng Cộng sản là đảng tiên phong hay là đảng lãnh đạo; thứ hai nữa họ không giấu điều đó trong điều lệ, ngay cả các vấn đề về tài chánh, ngân sách của đảng gồm những gì họ đều kể ra, kể cả "gồm cả ngân sách quốc gia".

Như vậy mình thấy muốn đổi thì phải đổi từ căn bản và trước khi đổi thì mình phải hỏi là đổi hay thay thế. Nếu phải đổi thì tại sao phải đổi. Và nếu lý do để đổi là vì hiến pháp không phục vụ người dân mà phục vụ đảng thì phải thay đổi từ dưới trở lên và từ trên xuống dưới. Có nghĩa là bãi bỏ hoàn toàn để có một hiến pháp mới qua một cuộc tham khảo ý kiến rộng lớn. Thiết lập những quyết nghị của từng địa phương, đưa đến một đại hội và đại hội đó thông qua để tổ chức một cuộc bầu cử lập hiến. Với con đường đi từng bước như vậy chúng ta sẽ tạo được một bản hiến pháp không những cho ngày hôm nay mà cho cả những thế hệ mai sau.

Cứ mỗi một lần họ đổi hiến pháp như thể họ thay một cái áo, nhưng bản chất dưới cái áo đó thực sự vẫn chỉ là Đảng Cộng sản.
TP. Phạm Quang Tuệ

Mặc Lâm : Thưa ông Thẩm Phán, chúng ta cũng biết là hơn 95% đại biểu quốc hội của Việt Nam hiện nay là đảng viên và được Đảng Cộng sản chỉ định qua Mặt trận Tổ quốc mà họ gọi là "hiệp thương". Như vậy việc Chủ tịch Quốc hội làm trưởng ban soạn thảo hiến pháp lần này khiến người ta nghi ngờ rằng họ sẽ bảo vệ điều khoản có lợi cho đảng cộng sản. Ông Thẩm phán có ý kiến gì về trường hợp này?

Thẩm phán Phạm Quang Tuệ : Câu hỏi nói rằng người ta nghi ngờ thì sự nghi ngờ đó có căn cơ chính đáng hết sức, là vì từ tháng giêng Đảng Cộng sản kêu gọi góp ý kiến, và thời gian mà họ nói là để gửi kiến nghị là 3 tháng, tức là cuối tháng 3 thì chấm dứt.

Sau khi có lời kêu gọi của họ thì có một bản dự thảo hiến pháp được mệnh danh là Hiến Pháp 2013 do 72 người yêu nước ở trong nước đại diện cho mấy ngàn người cũng ở trong nước công bố, và mới đây có 16 người đại diện cho khối đó đưa bản dự thảo hiến pháp 2013 này lên cho trưởng ban soạn thảo hiến pháp của quốc hội. Diễn tiến từ đó về sau này như thế nào thì mình không biết. Người chủ tịch của ủy ban để kêu gọi soạn thảo hiến pháp cũng lại ở trong quốc hội và cũng thuộc Mặt trận Tổ quốc, cũng là đảng viên cộng sản. Điều nghi ngờ của mình với quá trình của Đảng Cộng sản là cứ lâu lâu khi nào có một chuyện gì đó thì họ lại thay đổi hiến pháp thì nghi ngờ đó người ta đặt ra là đúng.

Cách giải quyết vấn đề là phải tách rời khâu soạn thảo hiến pháp ra khỏi Đảng Cộng sản, không giao cho đảng cộng sản nữa, mà phải trở lại nguồn gốc dân tộc, nguồn gốc nhân dân. Đó là phải trao lại việc soạn thảo hiến pháp cho một đại hội thể hiện ý nguyện của nhân dân mà nó xuất phát từ mỗi địa phương. Mỗi địa phương công cử người đại diện tham gia đại hội đó thông qua bầu cử. Nhưng cuộc bầu cử hay ứng cử đó phải ở bên ngoài Mặt trận Tổ quốc vì cái mặt trận này là một cơ quan rất mơ hồ, một cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản, nó không nằm ở đâu trong bản hiến pháp cả mà cái gì Đảng Cộng sản cũng buộc phải đi qua cái mặt trận này. Nó là một bóng ma và đàng sau bóng ma đó không ai khác hơn là đảng cộng sản.

Thành thử tôi thấy chuyện đưa ra bản kiến nghị rồi đem nộp thì nếu họ cứ tiếp tục như vậy thì người ta sẽ nghi ngờ. Có nhiều người bảo mấy người đó bị mắc lừa, nhưng tôi không tin là họ bị mắc lừa. Họ ở trong nước họ có kinh nghiệm và họ biết cả, nhưng họ vẫn cứ làm để coi Đảng Cộng sản sẽ trả lời ra sao. Tôi cho đây là cơ hội cuối cùng của Đảng Cộng sản để chứng minh họ là một tổ chức có thực tâm, và nên tách vụ sửa đổi hiến pháp ra khỏi Đảng Cộng sản. Ý kiến của tôi là như vậy.

Mặc Lâm : Dạ vâng. Thưa Thẩm phán, trong bản hiến pháp hiện hành của Việt Nam tại Chương 5 Điều 69 có ghi là "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình, theo quy định của pháp luật". Xin Thẩm phán cho biết cái đuôi "theo quy định của pháp luật" này có vi phạm tinh thần của hiến pháp hay không ạ?

Thẩm phán Phạm Quang Tuệ : Nó vi phạm chớ. Ông coi cái điều 69, điều 70 và những điều kế tiếp thì cái gì họ cũng thòng câu "theo quy định của pháp luật". Về vấn đề này thì tôi đã nói từ năm 1995 tại Đại Học San Diego. Cái gọi là "theo quy định của pháp luật" thì quy định luật pháp là ai? Là Đảng Cộng sản. Thực tế ở trong nước dưới thời cộng sản cho tới bây giờ không có một tờ báo tư nhân nào hết. Trên toàn quốc hình như có trên 700 tờ báo nhưng đều là báo của nhà nước dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản, mà trong Đảng Cộng sản có một ủy ban kiểm soát tư tưởng thì phải, vậy thì một khi tư tưởng mà bị kiểm soát bởi đảng cộng sản thì làm sao có tự do ngôn luận được ?

Ông Mặc Lâm hỏi tôi về việc này, tôi xin nói là mình trách người cộng sản không thôi thì cũng không phải, mà mình phải trách mình nữa tức là người dân mà tiêu biểu là những người trí thức hoặc là không theo dõi tình hình đất nước, hoặc là biết mà không dám nói. Bây giờ tôi sẽ chứng minh.

Về Hiến Pháp 1946, tôi thấy không có một hiến pháp nào trên thế giới mà viết một cách kỳ cục như thế này: "Chủ tịch nhà nước không chịu trách nhiệm bất cứ về vấn đề gì ngoại trừ trường hợp phản quốc". Chủ tịch nhà nước hồi đó là ông Hồ Chí Minh, mà ai cũng biết trong Đảng Cộng sản thì Chủ tịch nhà nước là Tổng bí thư của Đảng Cộng sản, vậy mà nói là không chịu trách nhiệm thì tức là ông HCM ngồi xổm trên luật pháp rồi.

Tôi chứng minh điều thứ hai. Họ ra cái Hiến pháp 1960, trong đó họ nói không ai bị bắt bớ, giam cầm một cách độc đoán v…v… nhưng năm 1961 họ ra một nghị quyết nho nhỏ thành lập trại cải tạo trên toàn quốc và giam giữ không biết bao nhiêu người, nó đi ngược hoàn toàn hiến pháp đó của họ.

Không chút lạc quan

PhanQuangTue5-200.jpg
Thẩm phán Phạm Quang Tuệ. Hình do ông gửi RFA. RFA file
Mặc Lâm : Ông Thẩm phán cũng biết rằng hiến pháp của Việt Nam không cho phép tam quyền phân lập đượcquy định trong điều 2,  điều 4 hiến pháp ghi rằng Đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.Nhận xét của Thẩm phán về hai điều này ra sao?

Thẩm phán Phạm Quang Tuệ : Thưa, thứ nhất về vấn đề phân quyền. Nhiều người cứ tưởng rằng phân quyền là nhìn bề ngang tức là chia quyền ông này làm luật, ông kia thi hành luật, ông nọ giải thích luật. Điều đó dưới chế độ cộng sản nó không có. Nhưng đặt giả dụ họ viết là có phân quyền trong tương lai thì mình phải nhớ mục đích của phân quyền không phải là để chia quyền. Mục đích của chuyện phân quyền là để kiểm soát lẫn nhau nhằm bảo vệ và phục vụ người dân. Đó mục đích của phân quyền chứ không phải phân quyền  là "tôi vô đây tôi làm cái này, anh không được đụng tới tôi". Không phải như vậy!

Điều 4 Hiến pháp nói đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội, là nó sao chép lại điều 6 của hiến pháp Liên Xô, mà Liên Xô thì đã sụp đổ hồi 1991, và với điều 4 này Đảng Cộng sản Việt nam giam hết tất cả các phần còn lại của bản hiến pháp. Không còn phân quyền, không còn cái gì hết. Cho nên phải lấy Đảng Cộng sản ra khỏi hiến pháp thì mới có một bản hiến pháp thực sự được.

Mặc Lâm : Xin hỏi Thẩm Phán một câu cuối. Theo cái nhìn tổng quát của ông về chuyện sửa đối hiến pháp lần này ở Việt Nam thì nó sẽ dẫn tới đâu? Một bản hiến pháp mới được hình thành, hay sẽ lập lại vết xe cũ của những bản hiến pháp vừa qua, thưa ông?

Thẩm phán Phạm Quang Tuệ : Về câu hỏi này thì thực ra tôi cứ suy nghĩ hoài về điều đó. Thí dụ như bây giờ ông Mặc Lâm hỏi tôi có góp ý kiến vào việc sửa đổi hiến pháp đó không? Tôi hay những người thuộc thế hệ chúng tôi đã kinh qua rồi mà lần nào cũng đặt lại câu hỏi như vậy. Mình không muốn tiếp tục tham gia vào chuyện lập đi lập lại như thế này vì nó đã chứng tỏ trong quá khứ qua những chuyện giống như là họ kêu gọi người quốc gia ra hợp tác, mà ra hợp tác với họ thì bị họ thanh toán.

Tôi có đọc đâu đó lời phát biểu của một ông trong Quốc hội Cộng sản Việt Nam chống lại ý kiến kêu gọi đa nguyên. Ông ta nói Việt Nam không cần đa nguyên vì chúng ta đã thử rồi vào hồi 1945-1946, nhưng mà rốt cuộc chỉ có mỗi Đảng Cộng sản là đứng lên chống thực dân. Không biết ông đó bao nhiêu tuổi. Sự thật là đảng cộng sản đã thanh toán hết các phe phái quốc gia rồi nhưng họ không nói cái khúc đó.

Tôi không có một chút lạc quan nào nhưng mà mình vẫn cứ tiếp tục cố gắng góp phần vào. 
TP. Phạm Quang Tuệ 

Cũng như vấn đề thảm sát Tết Mậu Thân thì họ đổ vấy là do quân đội Mỹ và quân đội VNCH chớ họ không có gì hết.

Trở lại câu hỏi của ông Mặc Lâm thì tôi thấy thế này, tôi không có một chút lạc quan nào nhưng mà mình vẫn cứ tiếp tục cố gắng góp phần vào. Có một điểm tôi muốn nói như thế này, tôi có đọc qua bản dự thảo Hiến pháp 2013 của các vị ở trong nước thì đó là một bản dự thảo khá lắm, có những ý tưởng mới. Nó đề nghị thay đổi danh xưng "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa" vì cái danh xứng đó kỳ lắm, không có nước nào trên thế giới đem một cái chủ nghĩa đặt tên cho nước của mình. Hai nữa có một điều khoản họ nói "xét lại các cam kết quốc tế mà do tổ chức nào hay chính phủ nào đã cam kết trong bí mật", thì đó là cả một sự cố gắng, một bước tiến rất dài.

Nhưng cũng có những quan niệm chẳng hạn như "tương lai phải gồm có đại biểu của Bắc – Trung – Nam ", hay thí dụ như "bầu cử có giám sát quốc tế" thì nên đưa ra khỏi cái não trạng đó đi.

Dù có thể bị lừa hoài nhưng tôi vẫn tin rằng nếu mình đi ra được và mình làm được một bản hiến pháp mới, bầu cử mới, thì mình không cần "Bắc – Trung – Nam" nữa, bỏ cái não trạng Bắc-Trung-Nam đi. Không có ngôn ngữ đó trong cách hành văn hiến pháp của mình. Hai nữa là khi bầu cử mình không cần giám sát quốc tế. Quốc tế có thể tới quan sát, nhưng mình không cần ai nói là bầu cử của mình hợp pháp. Người mình đứng lên nhận trách nhiệm, làm công cuộc xác nhận, mình đánh canh bạc đó cho các thế hệ tương lai.

Tôi đặt trường hợp của tôi ở trong nước, tôi nghĩ rằng người ở trong nước dù là đảng viên hay không khi đặt bút ký cùng với tên tuổi, địa chỉ đòi sửa đổi hiến pháp, và trong bản dự thảo đó của họ không thấy có hình bóng nhắc nhở gì đến Đảng Cộng sản thì tôi cho đó là hành động can đảm. Dù mình không hỗ trợ cho kiến nghị đó thì mình vẫn hỗ trợ cho hành động can trường của những người đó. Họ dám đứng lên, họ dám làm. Đó là ý kiến của tôi.

Mặc Lâm : Một lần nữa xin cảm ơn Thẩm phán Phạm Quang Tuệ đã dành cho Đài Á Châu Tự Do một buổi phỏng vấn rất đặc biệt đã soi sáng nhiều vấn đềngóc ngách trong việc sửa hiến pháp ở Việt Nam lần này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét