Nguyễn Huệ Chi
Trong mười ngày nghỉ Tết, bài viết của bạn đọc gửi tới chúng tôi rất nhiều, và có thể nói đều là những ý kiến muôn màu muôn vẻ. Chính vì thế, sau một ngày "lại mặt", xin được thay mặt Ban biên tập giãi bày một vài chủ định, về những cụm bài chọn lọc đưa lên mạng từ hôm qua đến hôm nay.
Cụm bài đầu tiên muốn gửi tới quý bạn là những tiếng nói nhắc nhở truyền thống chống xâm lược của dân tộc chúng ta. Cụ thể ở đây là chống kẻ thù truyền kiếp, bọn Đại Hán phương Bắc mà hình thù hiện nay là tập đoàn Trung Cộng Trung Nam Hải vô cùng hiểm độc, vừa đem miếng mồi "ý thức hệ" ra nhử chúng ta, làm tê liệt sức đề kháng của những người lãnh đạo Việt Nam; vừa giăng mọi thứ bẫy tinh vi (và tất nhiên bẩn thỉu) về kinh tế để đánh sập thế mạnh kinh tế của nước ta, hòng làm cho nền kinh tế nước ta trên nhiều phương diện công, thương, hay nông nghiệp... vốn đang non yếu, đều không ngóc đầu lên được, khiến nước ta ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc; lại vừa trắng trợn dùng vũ lực bao vây, đánh chiếm biển đảo, cướp quần đảo Hoàng Sa, một phần Trường Sa và nhiều vùng ven biên giới phía Bắc, ngăn chặn ngư dân chúng ta ra hành nghề trên biển, đặt chúng ta trong tình trạng lúc nào cũng không yên ổn để xây dựng cuộc sống hòa bình.
Nhân ngày 17-2, ngày Đặng Tiểu Bình xua quân sang đánh chiếm các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, chúng tôi xin đăng Lời kêu gọi của 12 vị đại biểu nguyên là cán bộ cao cấp của Nhà nước thuộc các tổ chức khác nhau, gợi thức toàn dân hướng về ngày không thể nào quên ấy, nhằm khắc tâm ghi cốt công lao các liệt sĩ đã oanh liệt hy sinh ở mặt trận Biên giới phía Bắc năm 1979, ở Hoàng Sa năm 1974 và ở Trường Sa năm 1988 – một cách bác bỏ hùng hồn nhất chủ trương ngấm ngầm xóa sạch hình ảnh của họ để mua tiếng tốt với cựu thù như dư luận vẫn rỉ tai nhau – đồng thời cũng là dịp bảo nhau mài sắc truyền thống yêu nước, rút ra bài học cảnh giác cho muôn đời con cháu, quyết không nghe những lời đường mật "vàng cuội" và "tốt cuội" mà một lũ cả thầy lẫn tớ ngu xuẩn cứ tưởng dân chúng Việt Nam ngày nay nghèo rớt mồng tơi không phân biệt được đâu là vàng thật vàng giả nên lúc nào cũng cố rót vào tai ta.
Một bài khác, Để thay thế một bản báo cáo gửi bạn bè của người đàn ông Việt gốc Pháp nhưng có dòng máu Việt chảy trong huyết quản còn mạnh hơn rất nhiều người Việt: ông André Menras Hồ Cương Quyết. Bài viết của ông kể lại một việc làm mà ông thủy chung theo đuổi từ trước đến sau không chịu rời bỏ, dù rằng bị cản trở đủ cách, cốt làm giảm nhuệ khí của ông: ông chỉ muốn đến với người dân Lý Sơn, bày tỏ sự ủng hộ hết mình với người dân Lý Sơn, mang đến Lý Sơn tấm lòng bè bạn thân thiết của nhân dân Pháp và nhiều nước Châu Âu để Lý Sơn biết rằng thế giới đang hướng về họ, và Lý Sơn có quyền tự hào về điều ấy, bởi đây là nơi hàng trăm năm nay luôn có những con người vì sứ mạng Tổ quốc giao phó đã sẵn sàng ra canh giữ Hoàng Sa dù biết rằng một đi không về, và ngày nay cũng chính họ, với lao động nghề cá trên vùng biển đó, là những người thật sự xác định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của đất nước mình.
Cụm chủ đề thứ hai là những bài bàn thảo về việc sửa đổi Hiến pháp 1992. Đây là vấn đề có thể nói đang nóng trên các phương tiện truyền thông, thuộc quyền Nhà nước cai quản cũng như những tiếng nói độc lập trên nhiều trang mạng. Đầu năm mới dương lịch chúng tôi đã có một cuộc phỏng vấn với nhà giáo Phạm Toàn quanh bộ sách giáo khoa tiểu học của Nhóm Cánh Buồm của ông, qua đó nhân tiện cũng có mạn đàm về câu chuyện đang rôm rả trong dư luận là tuyên bố của ngài Phan Trung Lý, cho người dân được góp ý về Hiến pháp không có một đường ranh cấm kỵ nào. Nhưng cả hai chúng tôi đều đã nhìn thấy trước ở đấy một sự cởi mở khó màăn tươi nuốt sống. Một cuộc góp ý được nhiều cá nhân, ban ngành, hội đoàn lên tiếng, hay là một trò chơi thi nhau phô trương chữ nghĩa, kể cũng thú vị đấy, song nếu tính đến hiệu quả đích thực thì chắc sẽ không tránh khỏi cảm giác... xem thơ Trạng Quỳnh, bởi mọi thứ chữ nghĩa hay ho mà mình thành tâm và háo hức gợi ý chỗ này chỗ kia ắt cuối cùng sẽ rơi rụng hết, trong khi "cẩm nang chữ nghĩa được coi là hiến định" vốn đã có sẵn và nằm trong túi Bề Trên cả rồi. Dầu biết vậy, cho đến nay mọi người vẫn cứ lao vào cuộc chơi, vì đó là quyền công dân, một dịp được thể hiện quyền công dân và thực thi quyền làm chủ là điều rất hiếm, bởi thế BVN cũng đành sẵn sàng dành chỗ cho cuộc chơi.
Trong số bài viết góp ý cho Hiến pháp từ hôm qua đến nay, xin được đặc biệt lưu ý bạn đọc hai bài: bài Hiến pháp CHXHCNVN: Một vài đối chiếu của Phạm Vĩnh Cư và bài Chỗ đứng của Nhân dân trong Hiến phápcủa Hoàng Xuân Phú. Hai bài viết là hai sự soi chiếu cơ bản từ hai phía. Một phía, PGS TS Phạm Vĩnh Cư đã lấy xuất phát điểm là hai bản Hiến pháp của Liên bang Xô Viết cũ và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa hiện tại, hai nước "anh cả" và "anh hai" trong phe XHCN ngày nào, để nhìn về Hiến pháp 1992 của nước nhà. Điều không khó rút ra: những chương này chương khác của Hiến pháp 1992 mà giờ đây đối với dư luận đã trở thành mấy "miếng xương khạc chẳng ra cho", trên thực tế vốn là phần cặn tồi tệ nhất của những thứ Hiến pháp độc tài kia "san sẻ" cho chúng ta, theo quy luật "ý thức hệ tầm ý thức hệ", thậm chí có chỗ cặn còn lắng đọng thành vôi đông cứng trong khi cũng những chỗ "tuế toái" ấy, các bản Hiến pháp của hai nước đàn anh cũng chưa đến tình trạng đặc quánh lại đến gỡ không ra. Một phía khác, GS Hoàng Xuân Phú lại lấy xuất phát điểm là bản Hiến pháp Hoa Kỳ mà làm sáng tỏ lên một điều quan trọng, trong Hiến pháp của chúng ta hoàn toàn thiếu: Hiến pháp bao giờ cũng là khế ước của nhân dân có giá trị chế tài đối với kẻ cầm quyền để họ khỏi lộng hành, tham bạo, làm tổn hại đến quyền được sống của người dân – mạch sống vĩnh cửu của đất nước mà đời này qua đời khác phải luôn luôn duy trì. Đồng thời, đó cũng là khế ước xác nhận những quyền tự do dân chủ hiển nhiên mà tạo hóa ban cho mọi con người sinh ra trong một cộng đồng. Quy trình xây dựng ngôn bản của Hiến pháp 1992 hình như đã đi ngược lại với cơ sở lý luận thiết cốt nói trên, cũng là tức là triết thuyết tối thượng làm nên lý do ra đời và tồn tại của mọi bản Hiến pháp, mà đứng đầu là Hiến pháp Hoa Kỳ mà Tuyên ngôn độc lập 1945 của chúng ta đã chọn được một đoạn văn cô đọng phần tinh hoa nhất của nó. Chỗ thiếu trầm kha nhất ấy trong Hiến pháp 1992 làm thế nào bổ cứu, và điều kiện cần và đủ như thế nào đối với một cơ chế xã hội như Việt Nam để có thể bổ cứu? Bài viết của GS Hoàng Xuân Phú chứa đựng câu hỏi âm thầm mà nan giải này.
Sau hai bài viết trên, chúng tôi muốn quý bạn đọc tiếp bài Góp ý và ký Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 có vô ích không? của TS Nguyễn Thị Từ Huy. Người phụ nữ rất mực khiêm tốn này đã bằng trải nghiệm của mình trong một cuộc hội nghị do Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức, đưa ra những lập luận xác đáng về quyền tự do đương nhiên và cả nghĩa vụ đương nhiên của mọi công dân trong việc góp ý sửa đổi Hiến pháp, một việc trọng đại liên quan mật thiết đến vận mệnh sinh tồn của quốc gia, vì Hiến pháp trước hết và trên hết là thuộc về nhân dân, mà quốc gia tiến hay thoái, yếu hay mạnh, đều do dân trí và dân quyền định đoạt. Và một Quốc hội đàng hoàng của một đất nước đàng hoàng thì theo chị, phải tôn trọng cái quyền không thể bác bỏ ấy, hơn thế nữa, phải thu hợp được mọi ý tưởng xuất sắc từ các góp ý đơn lẻ ấy, không được giấm giúi cắt xén ý kiến họ đi như trường hợp đáng gọi là nhục nhã khi người ta đối xử với bản góp ý của GS Đàm Thanh Sơn.
Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến rất đúng trên đây, Tiến sĩ họ Nguyễn, phải chăng cũng vì sống xa đất nước lâu ngày, lại đưa ra một tiêu chí đánh giá tầm mức quan trọng của những góp ý tập thể của người dân xem chừng có phần chưa thỏa đáng. Chị cho rằng đối với bản Kiến nghị về việc sửa đổi Hiến pháp 1992 do 72 người ký tên đợt đầu mà chị đã ký tiếp ngay sau đó và đặt hết lòng tin vào nó, nếu như rồi đây đạt được một số lượng chữ ký một hai triệu người chẳng hạn, thì mới có sức nặng làm cho Quốc hội buộc phải cân nhắc, còn như nếu chỉ được 5000 người ký là cùng thì cũng chưa thể đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Sao vậy chị Từ Huy ơi? Chị không biết rằng dân tộc ta từ 1945 đến nay ở trong thể chế nào ư? Chị nghĩ đây là một xứ sở giống như xứ sở mà chị từng có nhiều năm cư trú để làm bản luận án Tiến sĩ hay sao? Chị có biết hiện nay chỉ cần không đội mũ bảo hiểm đi ra đường là người công dân Việt Nam đã có thể bị kéo vào đồn công an và mất mạng rồi không? Và việc ấy vẫn đang diễn ra chứ đâu phải đã dừng, tất nhiên không phải chỉ vì không có mũ bảo hiểm mà có hàng nghìn lý do vu vơ tương tự khiến họ mất mạng. Chị hẳn cũng đã được nếm cái vị cà phê đắng ngắt mà mỗi khi sắp có một cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược thì một đám an ninh đã kịp đến tận nhà lôi kéo mời chị đi thưởng thức dù chị không muốn chút nào? Hàng vạn người dân nước ta ở hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn trong mấy năm nay đã quá quen với mùi cà phê đặc trưng ấy đấy (nông thôn và các tỉnh lẻ thì mùi cà phê đắng cũng chẳng có đâu, đã có cái khác "nặng mùi" hơn dành cho họ). Vậy thì, trong khi nghiên cứu sâu triết thuyết của Kant về bản chất tự do của con người, chị Từ Huy hãy gắng dành ra một ít thì giờ, chỉ một ít thôi, để đọc lại những tài liệu nhan nhản nói về nỗi sợ nó như một gánh nặng tâm lý có tác dụng biến con người thành súc vật, đã đè lên một nửa nhân loại trong gần suốt thế kỷ XX, ở các xã hội được gọi là thiên đường triệu lần tự do hơn các nước tư bản, từ Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên cho đến các nước Đông Âu và các nước XHCN khác... Nếu chịu khó đọc lại những tài liệu đó, chắc chị sẽ thấu hiểu rằng dân chúng Việt Nam chừng 4, 5 năm lại đây đã có một sự cố gắng vượt mình đến thế nào để có thể trấn áp nỗi sợ nó là tâm lý chung cả một dân tộc (vốn là dân tộc anh hùng trong lịch sử), mới góp được 2000 chữ ký trong mỗi bản Kiến nghị mà ai cũng thấy mục tiêu vì dân vì nước là quá rõ ràng. Một Kiến nghị đóng góp cho Hiến pháp với tinh thần bảo đảm được quyền con người, với ý thức giành lại Hiến pháp thực sự về tay nhân dân chứ không riêng một đảng phái nào được thủ đắc để hưởng lấy mọi quyền làm người mà chính nhân dân mới đúng là người được hưởng, thì thiết tưởng, không cần chờ đến một triệu người ký đâu, chỉ 200 người ký thôi cũng đã là quý lắm, và rất cần dành cho nó một vị trí xứng đáng trong khi tham bác sửa đổi Hiến pháp 1992, vì nó là kết tinh tinh hoa của trí tuệ quần chúng.
Ngoài chủ đề Hiến pháp, hôm qua, BVN cũng có đăng bài Cần cơ chế đặc thù nào cho Ban Nội chính Trung ương? của Trường Sơn. Bài viết này cũng được đăng lại trên blog Phạm Viết Đào và lập tức được tác giả Nguyễn Huy Canh gửi đến BVN những lời góp ý. Biết rằng câu chuyện "Ban Nội chính" là một đề tài đang cuốn hút dư luận không kém gì đề tài Hiến pháp, nên chúng tôi đã dành một chỗ cho nó, song cũng lường trước bài viết của bạn Trường Sơn có thể nảy sinh những phản ứng, nên khi đăng bài, chúng tôi đã có kèm theo một Lời mở đầu của Ban biên tập, tạm lý giải: do chỗ người viết đang ở xa đất nước, đang bận trau dồi kiến thức là chính, nên cự ly nhìn ngắm của anh đối với các vấn đề thời sự của đất nước có thể chưa giúp anh nhìn sâu được vào những vấn nạn nội tại đang thật sự diễn ra. Ông Nguyễn Huy Canh đã cảm thấy bức xúc chính vì lẽ ấy.
Trong bài viết, bạn Trường Sơn của chúng ta đã bỏ công sức đề xuất một cơ chế để cho Ban Nội chính TW – đứng đầu là ông Nguyễn Bá Thanh mà anh hết lòng tin là một Triệu Tử Long của thời buổi hôm nay – mới được Đảng CS Việt Nam thành lập có khả năng hoạt động có hiệu quả, chống lại căn bệnh tham nhũng trầm kha từ mấy thập kỷ nay khiến Đảng CS lao đao, mấp mé bên bờ vực thẳm. Tuy nhiên, bạn Trường Sơn nói đến sự thay đổi cơ chế tổ chức và hoạt động cho một Ban Nội chính trong khi cái cơ chế mẹ, là cơ chế nảy sinh ra tham nhũng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, thì anh lại không bàn. Vậy, dẫu có một Nguyễn Bá Thanh binh hùng tướng mạnh lôi ra được từng con sâu bự đi nữa, phỏng cái tổ sâu đang ngày ngày đẻ ra sâu ở khắp mọi nơi, có diệt được tận gốc hay không? Đấy chính là chỗ mà chúng tôi chỉ dám gợi ý nhẹ nhàng: "tác giả chưa nhìn ra những vấn đề nội tại" trong bài viết đầy tâm huyết của anh.
Theo chúng tôi, mỗi người cầm bút chúng ta từ nhiều vị trí khác nhau, không ai có thể tự đoan chắc vượt qua được "cái mũi" của mình khi nhìn vào thực tế. Không ai có thể vỗ ngực nói mình có tài xuyên thấu được bất kỳ khuất lấp nào trong muôn mặt đời sống phức tạp hiện tại, để có cái nhìn thật sự khách quan và bao quát hết mọi vấn đề. Bản thân bài viết của ông Nguyễn Huy Canh mà chúng tôi đăng hôm nay, biết đâu cũng sẽ gây cho người đọc những cảm giác... không kém sửng sốt, khi ông nhìn xu thế đối mới của Đảng CS Việt Nam như một tiến trình đi lên, trong đó không chỉ công lao của ông Nguyễn Văn Linh – mà rất nhiều thức giả ngày càng cảm thấy nghi ngờ – được ông đánh giá rất cao, mà đến những người chỉ cần nói đến cái tên cũng đã làm cho nhiều người giật thột, chẳng hạn các ông Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh... cũng được ông coi là những mắt xích quan trọng trên tiến trình dân chủ hóa, tách Đảng khỏi Nhà nước như một đòi hỏi tất yếu của các cơ chế pháp quyền. Có thể tin được vai trò to lớn của các vị ấy như ông đánh giá hay không? Thú thật, chúng tôi không dám tin. May lắm thì các vị ấy chỉ là người thừa hưởng của một xu hướng khó đảo ngược mà nhân vật chính, soạn thảo và chấp bút cho họ ký vào nghị quyết này nọ trong từng thời đoạn nhất định là những tư tưởng gia nằm trong bóng tối, đến nay chúng ta chưa tiện công khai hóa. Trong điều kiện như thế, những cái tên được ông nêu lên như những gương sáng nhằm đối lập với một nhân vật bị chê trách là lú hiện tại, e rằng có thể lại gây phản cảm và phản tác dụng, hoặc có thể khơi lên tâm lý hòa cả làng. Dầu sao, ý kiến của ông cũng sẽ rất bổ ích, trong tinh thần gạn lọc lấy cái phần đúng để nhìn cho sâu hơn.
Mấy ý kiến đầu năm xin trình cùng bạn đọc. Sắp tới, chúng tôi sẽ xin trở lại những đề tài quen thuộc bằng những phóng sự điều tra mới, chẳng hạn về tiến độ Dự án khai thác Bauxite hay về triển vọng cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin.
N.H.C.
****************
Góp ý và ký Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 có vô ích không?
Nguyễn Thị Từ Huy
Hai ngày sau khi gửi cho Quốc hội văn bản «Góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992» (đã được công bố trên trang Bauxite), tôi đã ký Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 do 72 trí thức Việt Nam khởi xướng,
Trong văn bản góp ý của mình, tôi phân tích một số điểm để chứng minh rằng Quốc hội và Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đang trên đường đi tới việc hợp hiến hóa một văn bản không phải là Hiến pháp đúng nghĩa, một văn bản, thay vì thực hiện mục đích bảo vệ quyền con người thì lại trở thành một công cụ hỗ trợ cho những người nắm giữ quyền lực vi phạm quyền con người. Do đó bản Dự Thảo của Quốc hội tạo cơ sở để đẩy cả cộng đồng vào tình trạng không có Hiến pháp, đẩy cả xã hội vào tình trạng hỗn loạn, bất công, vô nhân đạo, đẩy an ninh quốc gia vào tình trạng nguy hiểm…
Các phân tích của tôi dựa trên các căn cứ xác thực, đã được gửi đến Văn phòng Quốc hội, theo yêu cầu, đề nghị của Quốc hội.
Cũng như bao người khác, tôi phải đối diện với một thực tế mà không ai phủ nhận được, kể cả Quốc hội và Nhà nước, đó là: ở Việt Nam, các kiến nghị, các ý kiến của người dân xưa nay hầu như không có giá trị đối với bộ phận lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách quốc gia, hầu như không được tham khảo và không được ghi nhận. Thực tế là tôi đã trình bày các phân tích của mình trong buổi hội thảo lấy ý kiến do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại thành phố HCM ngày 1/2/2013. Trước khi hội thảo bắt đầu thì những người được mời đến để góp ý đã được chỉ đạo và được quán triệt rằng chủ nghĩa xã hội và quyền lãnh đạo của đảng là những hiện thực bất khả xâm phạm. Tuy có chỉ đạo như thế, tôi vẫn nói lên ý kiến của mình, nói lên những phân tích của một người làm khoa học, dựa trên các chứng cứ khoa học và thực tiễn, không cảm tính và không thiên vị cá nhân. Và tôi thấy trong hội trường hôm đó không ít người đã bộc lộ sự đồng tình với tôi, bằng những cái gật đầu kín đáo, hoặc bằng những phát biểu rõ ràng rằng Quốc hội phải xem xét tất cả các ý kiến, kể cả ý kiến của những người có các quan điểm rất đa dạng. Những người điều hành hội thảo, với thái độ tôn trọng, đã đề nghị tôi viết thành văn bản và gửi cho Văn phòng Quốc hội. Dĩ nhiên, khi kết luận, ban tổ chức buổi hội thảo đã nói rõ rằng, trong tình hình hiện nay, ý kiến của tôi rất khó được chấp nhận.
Vậy, tại sao tôi vẫn soạn các ý kiến thành văn bản, gửi đến Quốc hội và công bố rộng rãi? Một số người, bằng kinh nghiệm của họ, có lý khi cho rằng việc lấy ý kiến chỉ là một «màn kịch lừa bịp», một trò «dụ trẻ con ra đường». Bản thân tôi cũng có thể cung cấp một bằng cớ để chứng minh rằng họ có lý: kể cả khi tôi đã công khai trình bày ý kiến trong hội thảo do Chính phủ tổ chức thì các ý kiến của tôi cũng không thể (hay chưa thể) được công khai đăng tải trên báo chí của Nhà nước. Bản thân tôi, và nhiều người khác, có đầy đủ bằng chứng để nói rằng quyền tự do ngôn luận được ghi trong Hiến pháp 1992 đã không được thực thi trên thực tế, và những cáo buộc của quốc tế về sự vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.
Dù thế thì tôi cho rằng những người tham gia góp ý, tham gia soạn bản Kiến nghị hay ký Kiến nghị, không phải là trẻ con. Và nếu họ ra đường thì không phải vì họ bị dụ ra đường, mà là họ chủ động ra đường. Họ chủ động với tất cả những gì họ có: sự hiểu biết, trách nhiệm, lương tâm và ý thức công dân. Dĩ nhiên, những thứ đó có thể không đủ để tạo thành khiên giáp bảo vệ họ khỏi sự tấn công của thứ bạo lực không cần đến lý lẽ và công lý (thứ bạo lực mà bản Dự thảo của Quốc hội đang góp phần làm cho trở nên hợp hiến). Họ cũng hiểu điều đó và chấp nhận điều đó nếu nó xảy ra. Chính tôi cũng phải hiểu rằng, một bài viết như bài viết này, dù với tất cả những thành ý được trình bày rõ ràng, thì một ngày nào đó rất có thể sẽ trở thành bằng chứng để người ta buộc cho tác giả của nó cái tội tuyên truyền chống phá Nhà nước. Với một bản Hiến pháp như Dự thảo của Quốc hội đang hướng tới, thì Nhà nước có thể buộc cho người dân tội gì cũng được.
Trở lại câu hỏi: tại sao tôi góp ý và ký kiến nghị sửa đổi Hiến pháp? Nói một cách cụ thể, tôi góp ý và ký kiến nghị vì giả định rằng những ý kiến này sẽ đến được với những người có trách nhiệm, và giả định rằng những người có trách nhiệm sẽ đảm nhận trách nhiệm của mình. Và hành động này xuất phát từ quan niệm rằng: cho dù động cơ của Quốc hội trong việc lấy ý kiến là gì đi nữa, thì với tư cách là công dân, khi được hỏi, cần phải nói rõ các suy nghĩ của mình. Emmanuel Kant, triết gia vĩ đại của thời Khai minh, vào thế kỷ XVIII đã nói như vậy về cách ứng xử cần thiết của công dân :
Một công dân phải hành động trong khuôn khổ quy định của luật pháp. Tuy nhiên công dân phải quan sát thực tế để phát hiện ra các sai lầm, và dùng khả năng phân tích của mình, dùng kiến thức của mình, với tư cách một nhà nghiên cứu, một học giả (theo Kant tất cả mọi công dân đều có tư cách này chứ không chỉ những người chuyên làm nghiên cứu), công khai trình bày ý kiến của mình, phân tích đúng sai, đưa vấn đề ra cho công chúng phán xét. Đó là hành động mà Kant cho là thuộc vào phạm vi công cộng của lý trí cá nhân. Và Kant đòi hỏi rằng khía cạnh công cộng này của lý trí phải luôn luôn được tự do (Xem bài Khai sáng là gì? của Kant). Trong số các ví dụ mà Kant đưa ra để bàn luận về cách hành động của công dân, có ví dụ này: «Một công dân không được trốn thuế đã được bổ, một người đi đóng thuế mà có hành vi chỉ trích thái quá mức thuế cũng có thể bị phạt vì sự xúc phạm như vậy có thể gây ra làn sóng bất tuân rộng khắp. Nhưng người đó không hề vi phạm nghĩa vụ công dân nếu anh ta, với tư cách một học giả, đưa ra công khai suy nghĩ của mình về những sai sót, thậm chí bất công của mức thuế này». Và một ví dụ khác liên quan tới giáo hội: «Tương tự như vậy, một thầy tu phải có trách nhiệm hướng dẫn cho giáo sinh và giáo đoàn theo đúng tinh thần giáo lý của Nhà thờ mà ông ta phục vụ vì ông ta được thuê để làm việc đó. Nhưng như một học giả, ông ta hoàn toàn tự do cũng như có trách nhiệm phải phổ biến cho công chúng biết những suy nghĩ chân thành và sâu sắc của mình về những sai lầm của giáo lý và đề đạt các biện pháp ngõ hầu cải thiện giáo lý và giáo hội». Nhờ việc trình bày công khai các ý kiến, nhờ việc mỗi người tự do sử dụng lý trí cá nhân của mình (bất chấp có được phép hay không, có được ghi nhận hay không) mà xã hội mới có thể thay đổi và được tổ chức hợp lý hơn, mà phương Tây mới xây dựng được xã hội dân chủ.
Trở lại thực tế lúc này ở Việt Nam, khi Quốc hội đang kêu gọi các công dân tự do góp ý, vậy có nên dùng hết lý lẽ này đến lý lẽ khác để từ chối nêu ý kiến cho Quốc hội?
Một khi công dân không nói lên ý kiến của mình thì làm sao có quyền trách cứ Quốc hội đã không lắng nghe?
Nếu bản Kiến nghị Hiến pháp do 72 trí thức khởi xướng chỉ có khoảng dăm ngàn chữ ký thì Quốc hội có lý do để nói rằng đó là chỉ một thiểu số không đáng phải chú ý (dĩ nhiên nếu là một Quốc hội sáng suốt thì sẽ coi trọng mọi ý kiến hợp lý, dù đôi khi đó chỉ là ý kiến của một cá nhân thôi và dù nó khác biệt với ý kiến của tất cả mọi người). Nhưng nếu bản Kiến nghị Hiến pháp đó có vài triệu chữ ký, lúc đó, giả sử Quốc hội bỏ qua bản Kiến nghị này thì Quốc hội đã công khai với nhân dân rằng Quốc hội không đếm xỉa đến nhân dân, Quốc hội coi thường nhân dân..
Nếu công dân không ký vào bản Kiến nghị Hiến pháp, hoặc không tự mình nêu ý kiến và gửi về cho Quốc hội theo con đường chính thức (và đồng thời lưu lại văn bản để sau này đối chứng), thì sẽ không có cơ sở nào để lên án Quốc hội. Bởi vì lúc đó công dân đã mặc nhiên trao cho Quốc hội cái quyền muốn làm gì thì làm, và mặc nhiên từ bỏ quyền công dân của mình. Mọi phát biểu chê trách, mọi quy kết đối với Quốc hội sẽ không có giá trị đối với Quốc hội.
Để cho Quốc hội muốn làm gì làm, muốn gây ra hậu quả gì cũng được, suy cho cùng, chúng ta, trong tư cách công dân, phải chịu trách nhiệm một phần quan trọng. Bởi Quốc hội chỉ là một nhóm người rất nhỏ so với đại đa số công dân của quốc gia này. Hơn nữa những gì mà Quốc hội bộc lộ cho đến lúc này chưa chứng tỏ được rằng Quốc hội là nơi tập trung những đầu óc ưu tú nhất của dân tộc. Chỉ cần xem những lỗi diễn đạt trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này cũng đủ để thấy rằng nhận xét của tôi không phải là vô căn cứ. Nếu những người tham gia biên soạn bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thực sự là những đầu óc xuất sắc, hãy bộc lộ sự xuất sắc của mình, đừng để một văn bản tồi che mất phẩm chất trí tuệ và sự hiểu biết của quý vị. Nếu quý vị là những người có trách nhiệm với cộng đồng, hãy bộc lộ trách nhiệm của quý vị cho cộng đồng thấy. Nếu quý vị là những người có khả năng nhìn xa trông rộng, hãy bộc lộ tầm nhìn của quý vị cho cử tri thấy.
Hy vọng Quốc hội cũng hiểu, như nhân dân chúng tôi, là một bản Hiến pháp kém chất lượng không làm nên danh giá cho Quốc hội, trái lại, nó sẽ hạ thấp uy tín của Quốc hội trước nhân dân, trước cộng đồng quốc tế, và quan trọng hơn, nó sẽ để lại những di hại khôn lường cho chính quý vị, cho toàn thể nhân dân, và cho các thế hệ Việt Nam mai sau.
Hy vọng Quốc hội hiểu rằng nhân dân không chỉ là những người tình nguyện làm theo chỉ đạo của Quốc hội, mà còn là số đông đang im lặng hoặc không có điều kiện để lên tiếng, và còn là một số ít bất chấp nguy hiểm nói lên những ý kiến mà có thể Quốc hội không muốn nghe và không muốn sử dụng.
Hy vọng Quốc hội hiểu rằng vấn đề không phải ở chỗ quý vị có thắng nhân dân bằng cách áp đặt cho họ một bản Hiến pháp bảo vệ quan điểm và quyền lợi của quý vị hay không, mà vấn đề là ở chỗ hành động của quý vị sẽ tác động hay tác hại tới toàn bộ cộng đồng như thế nào.
Cũng hy vọng Quốc hội hiểu rằng vận mệnh dân tộc này đang nằm trong tay quý vị, và quý vị phải chịu trách nhiệm trước sự hưng thịnh hay suy vong của đất nước. Trách nhiệm đó càng nặng nề hơn một khi quý vị muốn (hoặc buộc) nhân dân phải trao toàn quyền quyết định cho quý vị, một khi quý vị điều khiển nhân dân để họ chấp thuận các quyết định đã được hình thành từ trước của quý vị.
Nếu đại đa số nhân dân nói rằng: «chúng tôi không đồng ý thông qua văn bản do Quốc hội soạn» thì dĩ nhiên Quốc hội sẽ không dễ dàng tự tiện làm theo ý mình. Nhưng vì đại đa số im lặng, và một số tương đối đông được quyền bày tỏ công khai, trong các diễn đàn do Nhà nước tổ chức và trên báo chí của Nhà nước, thì lại hành động theo CHỈ ĐẠO (tôi nhấn mạnh) của Quốc hội, cùng với cách thức lấy ý kiến của Quốc hội, tuy hình thức là công khai nhưng thực chất lại không công khai (trường hợp các góp ý của GS Đàm Thanh Sơn là một ví dụ), và thực chất việc triển khai lấy ý kiến là để khẳng định những ý tưởng, những chủ trương đã được đề xuất từ bên trên, chứ không phải là để tham khảo và điều chỉnh theo các góp ý từ bộ phận dân chúng, hay thậm chí ý kiến của các chuyên gia cũng bị bỏ qua, thế nên kết quả ai cũng có thể hình dung trước rằng Quốc hội sẽ dễ dàng áp đặt ý chí của mình cho nhân dân.
Nếu đa số quý vị không im lặng thì Quốc hội có áp đặt cũng không dễ dàng như vậy. Quý vị hoàn toàn có thể gửi ý kiến qua bưu điện và qua hộp thư điện tử cho Quốc hội, và hoàn toàn có thể công khai ý kiến của quý vị trên báo chí của nhân dân, trong trường hợp không thể công bố trên báo chí của Nhà nước, như nhiều người đã làm. Cá nhân tôi luôn dành ưu tiên công bố các văn bản của mình trên các phương tiện truyền thông của Nhà nước, cho đến khi nào bị từ chối mới thôi. Quý vị muốn đánh giá thế nào cũng được.
Tôi đồng ý với quý vị rằng chúng ta có thể cảm thấy đau khổ khi phải làm công dân của một Nhà nước thiếu dân chủ và chà đạp lên quyền con người. Nhưng quý vị cũng hiểu rằng Nhà nước không đồng nhất với dân tộc, không đồng nhất với Tổ quốc. Cứ cho rằng có thể hiểu được vì sao quý vị từ bỏ vai trò công dân của mình. Nhưng vẫn còn lại câu hỏi này: chúng ta có nên hành động trong vai trò là một thành viên của dân tộc này, của đất nước này hay không ? Chúng ta có nên im lặng tuyệt đối giao phó quyền quyết định tương lai của chúng ta và tương lai của con em chúng ta cho Quốc hội hay không ?
Góp ý cho Quốc hội và ký Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp 1992 có thể sẽ vô ích xét từ phía Quốc hội, trong trường hợp Quốc hội tổ chức lấy ý kiến chỉ là hình thức. Nhưng tôi cho rằng việc đó sẽ không vô ích, nếu xét từ góc độ hoạt động công dân. Một xã hội dân sự thực sự chỉ có thể hình thành cùng với việc người dân chủ động thực hiện quyền công dân của mình, chủ động xây dựng các điều kiện để cho quyền công dân được đảm bảo.
Chữ ký của quý vị, khi đứng một mình, chỉ là một chữ ký đơn độc, khi đứng bên cạnh chữ ký của những người khác sẽ bớt đơn độc hơn. Tiếng nói đơn lẻ của một người sẽ khác tiếng nói của triệu người, dù rằng cả triệu người nhiều khi cũng vẫn còn là đơn lẻ. Quý vị hiểu rằng ở đây tôi đang nói đến việc ký vào bản Phác thảo hiến pháp do 72 trí thức khởi xướng, một công trình tập thể được thực hiện với tâm huyết, bản lĩnh khoa học và trách nhiệm công dân đầy đủ (nó không phải là một bản nháp hay là một sản phẩm được thực hiện vội vàng trong mục đích tiêu khiển hay thử nghiệm). Công trình tập thể đó đã được trang trọng trao cho Quốc hội trước sự chứng kiến của giới truyền thông. Và hiện nay những người soạn thảo đang kêu gọi sự tham gia của quý vị trên trang Bauxite.
Nếu cả một dân tộc chín mươi triệu người mà đa số răm rắp thực hiện chỉ thị từ trên xuống, bất chấp những chỉ thị đó đúng hay sai và có thể gây ra tác hại hay hậu quả trầm trọng, nếu một dân tộc chín mươi triệu người mà không có nổi một triệu công dân chịu bộc lộ suy nghĩ độc lập để chứng tỏ trách nhiệm đối với cộng đồng, thì có gì đáng ngạc nhiên khi dân tộc đó phải lụn bại, sa sút, yếu kém và lệ thuộc vào nước ngoài ? Có gì đáng ngạc nhiên khi dân tộc đó có thể lại một lần nữa mất nước, hoặc trên thực tế đã mất nước ?
Cá nhân tôi vẫn tin, mặc cho sự chê cười của quý vị, rằng trong Quốc hội (và trong đảng) cũng có những người muốn đứng về phía nhân dân, muốn có một bản Hiến pháp thực sự của dân, vì dân và do dân. Chắc chắn những người đó cũng rất đơn độc, như quý vị. Tại sao chúng ta không ủng hộ họ, không hậu thuẫn cho họ? Chỉ bằng một chữ ký thôi?
Vinh, ngày mồng một tết Quý Tỵ
N.T.T.H.
Tác giả gửi trực tiếp gửi cho BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét