VRNs (18.02.2013) – Sài Gòn – Nhân dịp đầu năm mới, bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã viết ra các câu trả lời, mà nhiều người đã đặt ra với ông trong năm qua.
VRNs xin giới thiệu các câu hỏi và trả lời này.
Câu hỏi 1: Nhiều người cho rằng đất nước chúng ta đang ở vào một giai đoạn lịch sử vô cùng phức tạp, cam go, thù trong giặc ngoài.
Ngoài bị CS TQ khuynh loát ở biển Đông và trong nước dân chúng bất mãn cao độ vì quốc nạn tham nhũng và kinh tế suy thoái sau khi hàng loạt tập đoàn và các công ty quốc doanh phá sản, nợ xấu ngân hàng cao ngất ngưởng, nổ bong bóng địa ốc, thị trường chứng khoán liên tục tuột dốc, thất nghiệp cao, giá sinh hoạt tăng, giá điện, nước, xăng tăng mỗi ngày, tệ nạn xã hội tràn lan, bệnh viện nào cũng quá tải. Giáo dục từ chương, lỗi thời, vẫn còn ép buộc học sinh sinh viên học CN Mác Lênin, trẻ em bỏ học nhiều, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm.
Trong khi đó phong trào dân chủ (DC) vẫn còn yếu, tản mát, chưa phối hợp hoặc qui tụ được, lại bị theo dõi, sách nhiễu, đàn áp.
Đa số mọi người, kể cả đảng viên, đều đồng ý là VN phải thay đổi. Người thì dự đoán là thay đổi từ giới lãnh đạo đảng CS, người thì cho là nếu không như vậy thì rối loạn do quần chúng nổi dậy là khó tránh khỏi.
Ý kiến của Bs ra sao?
Trả lời: Trước đây nhiều người nghĩ là: hoặc thay đổi từ bên trong đảng với sự xuất hiện của 1 Gorbachow VN thi hành cải cách DC từ trên xuống; hoặc là xã hội xáo trộn mạnh, rồi thiết lập DC từ dưới lên như Mùa Xuân Ả Rập, CM Hoa Lài… Nhưng gần đây phương cách dân chủ hóa (DCH) diễn ra ở Miến Điện (MĐ) được nhiều người chú ý và nghĩ là VN nên đi theo con đường chuyển đổi ôn hoà như ở MĐ.
MĐ bế tắc về phát triển vì Tây phương cấm vận, và MĐ cũng muốn thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của TQ. Giới quân nhân cầm quyền thấy không có con đường nào khác là phải DCH và họ đã nói chuyện với phe DC, khởi đi là chấm dứt quản thúc Bà Aung San Suu Kyi, thả tù chính trị, nới lỏng kiểm duyệt báo chí. Chúng ta cần lưu ý vai trò tích cực của truyền thông quốc tế, và các chính phủ DC trên thế giới nhất là HK, LMÂC, Asean… hỗ trợ mạnh mẽ bà Aung San Suu Kyi khiến cho khuynh hướng đòi cải cách DC hầu như ngay lập tức có được thế chủ động đối với giới quân nhân cầm quyền.
Dĩ nhiên, tình hình đất nước chúng ta có những khác biệt với MĐ, chẳng hạn như:
(a) Đảng cộng sản (CS) kiểm soát rất chặt chẽ chính quyền ở tất cả các cấp, chi phối quốc hội (QH), can thiệp toà án, chỉ đạo đoàn TNCS, Hội phụ nữ… Độc tài CS xảo quyệt, gian manh, và nguy hiểm hơn độc tài quân phiệt MĐ. CS rất có kinh nghiệm kết hợp nhuần nhuyễn công an trị với bộ máy tuyên truyền bao trùm trên cả nước. Cũng may CNCS phá sản và nhờ có internet nên tầm mức độc tài đã bị vô hiệu hoá phần nào.
(b) Mở cửa sớm từ năm 1986, kinh tế VN phát triển hơn hẳn MĐ. Giai tầng trung lưu mới, đầy sức sống nhanh chóng hình thành, số người xử dụng internet trên 20 triệu.
(c) Đáng lẽ phải có những cải cách chính trị khi theo kinh tế thị trường (KTTT) đã phát triển đến mức khá cao, Bộ chính trị (BCT) ĐCSVN lại duy trì cơ chế cũ "đảng lãnh đạo – chính quyền quản lý" hoàn toàn không thích hợp với KTTT. Cán bộ trình độ và khả năng kém nên đầu tư hoang phí và không hiệu quả. Hố xa cách giầu – nghèo trong xã hội ngày càng lớn. Tham nhũng mọc lên như nấm, lan như bệnh dịch.
Cho đến nhiệm kỳ đầu của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (NTD) từ 2006 và sang nhiệm kỳ hai từ năm 2011, một loạt đổ bể làm ăn thua lỗ của các tập đoàn như PMU 18, Vinashin, Vinalines, khủng hoảng nợ xấu ngân hàng, bể bong bóng địa ốc… Tiền của dân và tiền vay nước ngoài thất thoát lên đến hàng chục tỷ đô la. Hoảng hốt TBT Nguyễn Phú Trọng mới phát động chiến dịch "phê và tự phê" để chỉnh đảng.
Hiện đảng CSVN lâm vào thế bế tắc: bên ngoài bị TQ ép trên hồ sơ biển Đông. Bên trong quần chúng bất mãn và "đảng lãnh đạo" không có đường lối giải quyết, còn "chính quyền quản lý" lại quá tham nhũng hết thuốc trị.
Bây giờ nói về phong trào dân chủ (PTDC):
Trước những bất công xã hội, kinh tế ngày một khó khăn, thái độ hèn mạt của giới lãnh đạo HN trước những đòi hỏi của TQ trên biển Đông… quần chúng uất ức, bắt đầu có nhiều người lên tiếng phản kháng lại giới cầm quyền, đòi hỏi công lý, đòi phải có cải cách DC.
Đa số là trí thức lương tâm và giới trẻ trung lưu thuộc đủ mọi thành phần xã hội gốc nông dân, công nhân, văn nghệ sĩ…tham gia tích cực trên mặt trận internet bằng cách viết các "Báo Lề Dân", viết blog cá nhân, nhằm nhậy cảm hoá, lôi cuốn quần chúng tích cực tham gia đấu tranh cho tự do – dân chủ. Chính quyền độc tài toàn trị CS sử dụng bạo lực là chính để đập tan mọi chống đối từ trong trứng nước, kể cả chống đối mới có trong tư tưởng. Công an cài người khắp nơi nghe ngóng, cài vào tập thể học sinh sinh viên, các nhóm hay cài công an mạng để đánh sập các trang web, lấy cắp email, tung tin gây chia rẽ nội bộ, bôi nhọ cá nhân, đóng giả người tích cực tham gia phong trào (PT), giăng bẫy để có chứng cớ bắt, và đặc biệt tung tin hoả mù trên mạng để hoá giải, lũng đoạn thông tin của các "Báo Lề Dân". Chúng tìm đủ mọi cách, kể cả những đòn ngón bẩn thỉu và thâm hiểm nhất để gây khó khăn tối đa cho những anh chị em hoạt động, như không đâu nhận cho vào làm việc, không ai dám cho thuê nhà để ở, không cho rời nơi cư trú hay gây tai nạn khi di chuyển, vu oan giá hoạ như có ma tuý hay tiền giả trong người…Công an tự tiện xông vào nhà khám xét, gọi đi làm việc đe doạ, sách nhiễu, hay bắt giữ, truy tố dưới điều luật 88 (tuyên truyền chống nhà nước) hoặc 79 (âm mưu lật đổ chính quyền) để bỏ tù những người hoạt động. Như mới đây vừa bắt nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên mới 20 tuổi vì chống TQ gây bất bình lớn trong dư luận, hay xử án tù rất nặng một loạt những người yêu nước như vụ các blogger Điếu Cầy, Tạ Phong Tần, Anh Ba Saigon, nhà giáo Đinh Đăng Định, hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình… Nhưng vì tình yêu nước nồng nàn, trước Tổ Quốc không có tương lai, đất nước lâm nguy, dân tình đói khổ, các anh chị em dấn thân hoạt động trong PTDC đã cố gắng thực hiện nhiều bước tiến lớn so với những năm trước. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ sức đáp ứng được với khó khăn lịch sử đòi hỏi. PT hãy còn tản mát, chưa phối hợp hành động hiệu quả, chưa qui tụ, chưa tổ chức lại được, chưa có người lãnh đạo. Hoạt động có tính tự phát, liên hệ với nhau chủ yếu qua internet và DTDD. Chúng ta chưa may mắn có được một nhà lãnh đạo được quốc tế hậu thuẫn mạnh mẽ như bà Ang San Su Chi.
Tuy nhiên, nếu nhìn tổng quát và toàn diện hơn chúng ta thấy:
Cuộc chiến đấu của chúng ta đòi Nhân quyền, Dân sinh và DC là tự chính người dân bất bình đứng lên, phản đối những bất công trong cuộc sống, như từ vật giá leo thang, thất nghiệp, đòi bồi thường tương xứng đất bị trưng dụng, đến chống TQ chiếm HS – TS. Tất cả mọi tiếng nói, mọi hình thức đấu tranh đều có một hướng chung (là đòi DC), nhắm vào một mục tiêu chung (là BCT). PT được số đông quần chúng ngưỡng mộ vì có chính nghĩa, hợp lòng dân; trong khi BCT thiểu số, bị dân chúng chán ghét, bị cô lập. Sức mạnh của PTDC nằm rải rác khắp nơi trong quần chúng trên cả nước. Tổng hợp lại thì đây là sức mạnh lớn, có tiềm năng bột phát cao, nhưng hiện chưa bùng lên được trước bộ máy kềm kẹp công an trị còn rất mạnh.
Tóm lại: PT đấu tranh đòi DC cũng đang gặp bế tắc, không biết làm thế nào thúc đẩy cho tiến trình DC đi tới, ngay cả như trong trường hợp mới đây khi có mâu thuẫn công khai xảy ra trong hàng ngũ lãnh đạo đảng chóp bu ở Hà Nội. Tôi muốn nói đến diễn tiến trong Hội nghị trung ương lần thứ 6 BCHTƯ ĐCSVN.
Câu hỏi 2: Vâng, theo tin tức loan tải để chỉnh đốn đảng cầm quyền tha hóa, tham nhũng TBT Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch phê và tự phê, và triệu tập gấp Đại hội lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảngvào đầu tháng 10-2012.
Nhiều người tưởng nhiều nhân vật cao cấp kể cả Thủ tướng sẽ bị mất chức.
Nhưng khi bế mạc Hội nghị sau 15 ngày nhóm họp TBT Nguyễn Phú Trọng cho biết: "Bộ chính trị, ban bí thư đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước Ban chấp hành Trung ương về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên."
Ông nói tiếp: "Bộ chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí ủy viên Bộ chính trị."
Và rồi kết luận: "Về việc đề nghị xem xét kỷ luật, Ban chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ chính trị và một đồng chí trong Bộ chính trị; và yêu cầu Bộ chính trị có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá."
Trong khi đó, tất cả các hãng thông tấn nước ngoài đều cho rằng "một đồng chí trong Bộ chính trị" chính là nhắm vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Bs nhận định thế nào về vụ việc khác thường này.
Trả lởi: Hầu hết Ủy viên Trung ương đảng đều "tay có nhúng chàm" với tham nhũng nên không muốn "rút dây động rừng", phải bảo vệ ông Dũng ngồi lại chức vụ thủ tướng. Khi bỏ phiếu tín nhiệm, phe thiểu số chủ trương chỉnh đảng để chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng, bị đa số thuộc phe bị tố là tham nhũng của Nguyễn Tấn Dũng vô hiệu hoá, làm thất bại mưu đồ của TBT Trọng muốn mượn tay Trung ương kết tội TT Dũng bất tài và tham nhũng.
Phe muốn chỉnh đảng của TBT Trọng không thuyết phục được trung ương đảng kết tội TT Dũng tham nhũng là một thất bại lớn. Thanh thế của ông TBT bị thương tổn nặng, quyền uy của đảng bị thách thức nghiêm trọng. Hay nói rõ hơn là TBT Nguyễn Phú Trọng bị TT Nguyễn Tấn Dũng hạ đo ván, thua một cách nhục nhã trước toàn đảng, toàn quân và toàn dân.
Từ đầu đến cuối hội nghị, TT Dũng không hề có một lời tỏ vẻ hối lỗi hay nhận tội dù chỉ là lấy lệ trước Trung ương hay Bộ chính trị.
Nhưng một tuần sau, TT Dũng lại xuất hiện trước Quốc Hội, tự nhận lãnh trách nhiệm yếu kém của Chính phủ trước các đại biểu nhân dân, với mục đích nhằm xoa dịu áp lực to lớn ngày càng tăng của quần chúng, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm, lạm phát cao, tham nhũng tràn lan cùng sự bất ổn và nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng. Cảm nhận gió đổi chiều, nhiều đại biểu, cựu lãnh đạo, trí thức đã lên truyền hình khen Thủ tướng là thẳng thắn và ủng hộ kế hoạch giải quyết khó khăn kinh tế của Thủ tướng năm 2013.
Ý nghĩa của những sự việc liên tiếp xẩy ra trong thời gian ngắn chưa đầy một tháng như ngầm nói lên cho mọi người hiểu rằng: TT Dũng không chối có tham nhũng. Nhưng TBT Trọng phải nhớ rằng đa số uỷ viên trung ương đều có dính líu và ăn chia. Kết quả bỏ phiếu ra sao đã cho toàn đảng thấy Trung ương theo phe TT Dũng, chứ không phải hậu thuẫn cho TBT Trọng.
TT Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra xin lỗi trước Quốc Hội, trên nguyên tắc là cơ quan quyền lực cao nhất của toàn dân như Hỉến pháp đã qui định, là một gáo nước lạnh tạt vào mặt Đảng. Rõ ràng dựa vào thế nhân dân "có tính biểu tượng" của QH, Dũng coi khinh Đảng từ Bộ chính trị, Ban bí thư, đến Ban chấp hành Trung ương.
Câu hỏi 3:
Nội bộ đảng chia rẽ như vậy, liệu đây có phải là cơ hội tốt cho PTDCVN không?
Trả lởi: Cơ hội tốt ngay thì chưa phải, vì PTDC của chúng ta còn non trẻ và yếu, trong khi bộ máy kềm kẹp đàn áp của CS lại mạnh. Tuy nhiên, lại là cơ hội hiếm có mà phong trào đấu tranh đòi Dân Chủ Hoá Việt Nam cần khéo léo khai thác.
Ai cũng biết Quốc Hội hiện nay chỉ là bù nhìn của Bộ chính trị, hơn 90% thành viên Quốc Hội là đảng viên cộng sản do Bộ chính trị giật giây. Nhưng tình hình xã hội đang thay đổi lớn. Càng ngày càng nhiều đảng viên bất mãn với đảng, không còn lý tưởng, tư tưởng chính trị giao động mạnh. Họ ý thức được rằng Sức Mạnh Quần Chúng (SMQC) áp lực ghê gớm lên giới cầm quyền ngồi ở Hà Nội đòi phải Dân Chủ Hoá đất nước (theo gương Miến Điện). Ngày càng nhiều thành phần xét lại và đồng thuận với quần chúng là phải Dân Chủ Hoá mới diệt trừ tham nhũng và phát triển bền vững được. Những thành phần này trong QH hãy còn sợ, chưa dám chủ động, có thái độ "chờ xem", ngóng trông cơ hội.
PT Dân Chủ Việt Nam phải biết "tương kế tựu kế" lợi dụng việc đề cao Quốc Hội trong chức năng là hoạch định chính sách cho chính phủ và kiểm soát chính phủ khi thi hành. Đây chính là lúc tạo thời cơ "lộng giả thành chân" cho Quốc Hội nắm lại quyền lực tối cao, đứng trên đảng và các phe phái đang cấu xé nhau.
"Lộng giả thành chân" diễn ra trong bối cảnh hai phe đảng và chính quyền mâu thuẫn nhau, buộc phải tính đến chuyện sử dụng lá bài "QH là cơ quan quyền lực tối cao", buộc phải chấp nhận "gia tăng quyền lực cho QH nhằm 'chia lửa' để cùng chịu trách nhiệm cứu nguy tình trạng kinh tế (KT) xã hội (XH) ngày càng lún vào khủng hoảng.
Trong tình hình đó, SMQC phải tăng mạnh áp lực (qua cử tri), gây sức ép lên QH để diễn đàn QH có đòi hỏi mạnh mẽ hơn, hợp lòng dân hơn, thí dụ trong phiên họp 14.11.2012 ĐB Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) đã lên tiếng 'khuyên' TT Nguyễn Tấn Dũng nên từ chức; hoặc QH thông qua nhiều nghị quyết có tính DC như: công nhận quyền sở hữu đất đai của nông dân, nới lỏng kiểm soát thông tin, nới lỏng tự do internet, nới lỏng tự do phản biện, bỏ điều 88 và 79 bộ luật hình sự… và cao điểm là huỷ bỏ điều 4 Hiến Pháp (HP) khi tình hình KT – XH – CT cùng sức thúc ép của SMQC chín mùi.
Câu hỏi 4: Chúng tôi được biết trước đây Bs có đưa ra lộ trình 9 điểm để DCHVN, xin Bs cho biết lúc nào và trong bối cảnh nào lộ trình này có thể mang ra áp dụng? Và tiện đây cũng xin Bs nhắc lại lộ trình 9 điểm để thính giả tiện theo dõi.
Trả lời: Vâng thưa anh, bối cảnh và thời điểm hiện nay chính là lúc thích hợp nhất để thi hành lộ trình 9 điểm.
Năm 2005 khi công bố lộ trình 9 điểm nhằm DCHVN, chúng tôi có trình bầy như sau: Với thời gian, sức thống trị của CS càng ngày càng đi xuống và SMQC ngày càng đi lên. Khi 2 phía gặp nhau là lúc áp dụng lộ trình này tốt nhất, có lợi nhất cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam vì đây là lựa chọn đúng để tiến trình DCH xẩy ra mà ít gây xáo trộn và không đổ máu.
Tình hình hiện nay cho thấy thống trị CS xuống rất thấp, "đảng lãnh đạo" và "chính quyền quản lý" đang mâu thuẫn trầm trọng, phải viện đến vai trò của QH. Trong khi đó, SMQC đòi DCHVN của nhân dân ta đang lên rất cao. Dưới áp lực của SMQC, QH trong vai trò "cơ quan quyền lực tối cao" đề ra cho chính quyền thi hành những chính sách:
1. Tôn trọng quyền tự do tiếp nhận thông tin của người dân, như nới lỏng kiểm duyệt, bỏ tường lửa ngăn chặn các trang web trên mạng internet, các đài RFA, RFI, VOA.
2. Tôn trọng quyền tự do phát biểu của người dân, như tố cáo tham nhũng, chỉ trích đường lối – chính sách của chính phủ, ngay trên những cơ quan truyền thông của nhà nước.
3. Thả tù nhân lương tâm, kể cả tù chính trị và tôn giáo.
4. Tôn trọng tự do tôn giáo theo những tiêu chuẩn của LHQ
5. QH nhân danh là cơ quan quyền lực tối cao của dân tộc quyết định huỷ bỏ điều 4 HP.
6. QH thể theo nguyện vọng và quyền lợi của dân tộc chính thức long trọng tuyên bố trước quốc dân và quốc tế là quốc gia VN đi theo con đường DCH, tôn trọng nhân quyền, dân quyền và tài quyền.
7. QH ra quyết định tách đảng khỏi chính quyền: dẹp bỏ và chấm dứt mọi hoạt động của tất cả các đảng uỷ các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương.
8. QH thảo và thông qua luật ứng cử – bầu cử tự do, đa nguyên, đa đảng.
9. Bộ máy hành chính của chính quyền đã tách khỏi sự lãnh đạo của đcsvn có nhiệm vụ tiến hành bầu QH Lập Hiến để thảo Hiến Pháp Mới DC cho VN.
Câu hỏi 5: Phản ứng của nhà cầm quyền CS, các phong trào, các nhân vật tranh đấu dân chủ, cộng đồng Việt Nam ở hải ngọai và của các quốc gia Tây phương nhất là của chính phủ Mỹ ra sao đối vối lộ trình 9 đỉểm do BS chủ trương?
Trả lời: Nói chung phản ứng trong giới sinh hoạt chính trị cộng sản là không chấp nhận, coi lộ trình 9 điểm là không tưởng, không bao giờ có chuyện bỏ điều 4 HP hay chấp nhận đa nguyên đa đảng. Nhiều người hãy còn nhớ câu nói của Ông Nguyễn Minh Triết khi còn là chủ tịch nước: "Bỏ điều 4 là tự sát".
Trong giới hoạt động tranh đấu cho nhân quyền (NQ) & DC trong nước lên tiếng ủng hộ và hâu thuẫn cho lộ trình này, điển hình là khối 8406, nhưng có yêu cầu là cần giải thích rõ hơn. Quả thật, ở vào thời điểm đó tình hình chưa đến mức như ngày hôm nay nên đòi hỏi như vậy là chính đáng.
Ông Scott Marciel PTNTHK, đặc trách ĐÁ – TBD đến thăm tôi vào ngày 22.01.2008 để thảo luận về vấn đề DCHVN và để tìm hiểu rõ thêm về lộ trình 9 điểm. Ông PTNTHK tỏ ra rất quan tâm lắng nghe và tuyên bố lộ trình 9 điểm là rất đáng quan tâm nghiên cứu.
- Cộng đồng hải ngoại
- Hoa Kỳ: Bs Quân thuyết trình trước Hội đồng an ninh quốc gia.
Câu hỏi 6: Nhân đây chúng tôi và có lẽ khá nhiều thính giả cũng muốn biết về thể chế Nhân Bản (NB) mà Bs chủ trương. Nếu có thể xin Bs cho biết một cách vắn tắt.
Trả lời: Ngày nay nhân loại quan niệm rằng: Cá nhân cần phát triển cân bằng cả vật chất lẫn tinh thần mới dễ mưu cầu hạnh phúc cho chính mình. Xã hội phải phát triển mạnh cả kinh tế lẫn văn hoá mới tiến bộ.
Về nền sinh hoạt chính trị tương lai của quốc gia chúng tôi chủ trương:
a/ Về cơ chế: ứng cử – bầu cử tự do, đa nguyên, đa đảng.
b/ Về thiết chế: Tam quyền phân lập giữa Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp..
c/ Phát triển mạnh Xã Hội Dân Sự.
d/ Tôn trọng những quyền của công dân như: tự do tư tưởng, tự do phát biểu, tự do internet, tự do tôn giáo…
Về kinh tế: Chúng tôi chủ trương công nhận quyền tư hữu của công dân. Thiết lập KTTT đúng nghĩa với tự do cạnh tranh và khu vực tư nhân giữ vai trò nòng cốt trong nền kinh tế quốc dân.
Về Giáo dục – Văn hoá: Xây dựng một nền giáo dục nhằm đào tạo và phát triển con người chứ không phải đào tạo công cụ cho chế độ; và một nền văn hoá nhằm phát triển con người chứ không phải điều kiện hoá con người. Đó là một nền Giáo dục – Văn hoá mang tính chất Nhân bản, Khoa học, Đại chúng, Khai phóng và Sáng tạo.
Câu hỏi 7: Bs có điều gì muốn nói thêm với thính giả đang nghe cuộc phỏng vấn này?
Trả lời: Tôi xin được phép trở lại thời điểm chúng ta đang nói chuyện này.
Tôi muốn nói với đồng bào rằng cuộc chiến đấu của chúng ta là lâu dài và khó khăn. SMQC sẽ quyết định tất cả, suốt tiến trình thiêt lập DC. Từ trước đến giờ mới chỉ là khúc dạo đầu. Chúng ta sắp bước vào giai đoạn chính yếu, rất nhiều cam go và phức tạp, đòi hỏi sự đóng góp và hy sinh của mọi công dân VN trong lẫn ngoài nước.
Thời điểm này, chúng ta phải làm gì trước những diễn biến của tình hình kinh tế – xã hội – chính trị hết sức phức tạp hiện nay?
Một mặt, trước tiên và quan trọng nhất, phải tiếp tục đưa Sức Mạnh Quần Chúng đòi Dân Chủ Hoá phát triển hơn nữa tiến đến cao trào để thiết lập Dân Chủ thực sự cho đất nước.
Mặt khác, mở ra cơ hội cho những thành viên tiến bộ trong đảng có vai trò tích cực hơn trong tiến trình chuyển đổi sang Dân Chủ. Bằng Sức Mạnh Quần Chúng (qua cử tri) thúc đẩy Quốc Hội dựa vào hậu thuẫn quần chúng để sẵn sàng đảm nhiệm vai trò là cơ quan quyền lực tối cao của quốc gia, theo đúng Hiến pháp đã qui định, tiến đến một quyết định lịch sử là: Huỷ bỏ điều 4 HP, chấp nhận đa nguyên, đa đảng.
Sự thực, bỏ điều 4 HP, mà nay đảng không thể giữ được nữa, là giúp "rửa mặt" cho đảng, giúp đảng có cơ hội đoái công chuộc tội, trở về với đại khối thành phần dân tộc.
Đạt được đột phá này sẽ là một bước tiến dài trên đường đấu tranh cho Tự Do – Dân Chủ tại Việt Nam. Sau đó sẽ mở ra hướng đi mới DC, tuy chông gai khó khăn, nhưng hứa hẹn nhiều thuận lợi và cơ hội trên đường đưa đất nước đến một tương lai tươi sáng, tốt đẹp cho dân tộc.
Xin cám ơn tất cả Quí Vị đã lắng nghe .
Bs Nguyễn Đan Quế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét