Nguồn buudoan
Bàn thờ ở nhà tang lễ 354 |
Mình biết rất ít về bác. Bởi khi bác bị phê là "ăn phải bả tư sản" và "xét lại" thì mình còn bé xíu. Sau này tác phẩm của bác không được in nên tên tuổi bác như khá nhiều nhà văn thời can qua đó chìm vào im lặng.
Tới một ngày chợt biết về một nhà văn Hoàng Tiến thường lên tiếng đấu tranh cho dân chủ, viết các bản kiến nghị gửi chính quyền, phê phán những độc đoán, chuyên quyền, tham nhũng, xấu xa, kêu gọi cho tự do và dân chủ ở Việt Nam, lên tiếng cho Giáo hội Phật giáo thống nhất…thì mình bắt đầu chú ý đến bác. Cũng chỉ là sự chú ý đến tấm gương của những người không biết cúi đầu trước cường quyền…
Dạo đó mình hay la cà ở một quán cơm chay của một người đàn bà sống với một cậu con trai nhỏ lên 4 tuổi vào giờ nghỉ trưa. Đến, rồi thấy thích, rồi nhờ hữu duyên mà thành gắn bó với hai mẹ con chị từ khi nào. Hầu như cứ đến trưa là mình từ cơ quan đi xe ra đó. Ăn, tụ bạ với đám thanh niên chưa hề quen biết nhưng rất thân thiện. Ít lâu sau thành bạn bè. Trưa nào không ra đó là thấy thiêu thiếu…
Người đàn bà chủ quán dù có vẻ tất bật nhưng không mấy lam lũ. Còn cậu con trai bé bỏng rất thông minh, dĩnh ngộ khác thường, và cá tính rất đặc biệt. Sau mới biết chị đã từng là nghiên cứu sinh ở Nga. Khi có bầu cậu bé này thì chia tay chồng, về nước sinh con một mình.
Cậu bé này lạ lắm. Mới 9 tháng tuổi đã tự quyết chuyện ăn chay của mình. Cho ăn cháo mặn là nhè ra. Nhất quyết chỉ ăn chay trường. Sau này đi học bán trú, mẹ thường phải nhờ người đưa cơm chay đến trường để chú ăn. Mẹ bỏ việc mở quán cơm chay cũng vì chiều con. Khi còn bé chưa biết chữ, cậu đã nói với mẹ về sở nguyện của mình: mẹ mở quán cơm chay để mọi người tránh sát sinh và có tiền giúp các em bé mồ côi. Sau này chị tâm sự với mình, tiếc là chỉ thành tựu được một sở nguyện của con trai.
Khi cậu bé lên 5 tuổi, nhiều lần đến quán cơm, mình thường gặp một bác đứng tuổi ngồi bên cậu bé, quyển vở mở trước mặt. Không dám đến gần sợ phiền nên bao giờ mình cũng chọn chiếc bàn ở nơi xa. Tiệt không nghe thấy hai ông cháu nói gì với nhau, chỉ thấy cậu bé vui lắm, cười suốt…Còn ông thì thầm thì, âu yếm.
Mấy lần như vậy nên có lần mình hỏi người mẹ. Chị cười bảo, ông Hoàng Tiến, nhà văn đấy…Mình òa ra. Vì trước đó đọc nhiều những bản kiến nghị của ông và biết cả việc ông bị gây khó dễ như thế nào.
Những lần sau, mỗi khi gặp ông, mình bao giờ cũng cúi đầu chào như đã quen. Chỉ là không dám sáp lại chuyện trò. Không phải vì sợ phiền phức mà lo ông e ngại né tránh…
Nghiệp duyên đưa đẩy thế nào mà có lần vô tình ông ghé quán cơm chay nên quen hai mẹ con. Mến cậu bé thông minh, vốn tính thiền từ bé nên ông trở thành người nhà của họ. Như là ông ngoại của cậu bé. Mỗi tuần ông đi từ Thanh Xuân ra quán dạy chữ Hán cho cậu bé khi cậu lên 5 tuổi. Ngoài chữ là những câu chuyện về đạo Phật, về lòng nhân nghĩa, từ bi, hỉ xả…Mẹ cậu nói rằng, ông là người đã dạy dỗ cậu bé, tác động đến sự hình thành tâm lý, nhân cách của cậu bé sau này. Và chị rất biết ơn ông.
Lại kể, từ bé lúc mới 3, 4 tuổi cậu đã có ý muốn vào chùa. Hai mẹ con đã từng đến mấy ngôi chùa để tìm nơi gửi gắm cậu. Sáng sáng, cậu bé 3 tuổi cầm cây chổi cao hơn người quét sân chùa…Không hiểu vì sao một bận cậu đem chuông của sư phụ trao cho thả xuống ao, nói với mẹ: "Trong chùa không có Phật. Mẹ, về thôi…". Mẹ con lại dắt díu nhau về nhà trọ, lần hồi kiếm sống bằng quán cơm chay. Rồi cậu đi học và học rất giỏi.
Lễ cầu siêu theo sở nguyện của bác Hoàng Tiến |
Chỉ có một lần mình nói chuyện với ông khi tình cờ gặp ông cũng ở một nhà hàng cơm chay khác, sau mấy năm xa. Cái lẽ ông rời xa mẹ con cậu bé cũng khá ngậm ngùi…
Năm 2005, lần đầu tiên Sư ông Thích Nhất Hạnh về Việt Nam, Phật tử theo nghe giảng pháp rất đông. Cậu bé lúc đó 13 tuổi xin nghỉ học để đi theo. Sau buổi giảng pháp này, cậu đã xác quyết cho mình con đường xuất gia ngay năm đó.
Ông ngoại Hoàng Tiến không còn cơ hội dạy chữ Hán cho cháu ngoại. Nhưng chú tiểu đã có thể đọc và tụng được kinh Phật bằng chữ Hán…
Mẹ cậu, sau một năm chèo chống quán cơm chay cũng xin xuất gia. Quán cơm chay sang tên người khác. Mình không còn chỗ thân tình đi lại. Bạn bè thường lấy quán tụ bạ, chuyện trò cũng tứ tán…
Phát nguyện qui y của hương linh Hoàng Tiến |
Một lần sư cô (chị chủ quán cơm chay năm xưa) có việc về qua Hà Nội. Hẹn hò gặp gỡ. Đến quán đã thấy bác Hoàng Tiến ở đó. Vẫn nụ cười nhẹ hiền.
Lần này mình cởi mở hơn để ngồi nói chuyện với bác. Loanh quanh chuyện thế sự. Chả nghe thấy những thù hằn, bực bội, sân si…Bác nói về những gì bác bất bình cũng nhẹ như những gì bác yêu thương. Nhưng mình hiểu cốt cách đó nhất định không thể đứng cùng với những quyền lực, tham vọng, độc quyền, ác hiểm…Nhớ câu thở nhẹ của bác: "Cũng là khổ thôi cô ạ. Họ chả sung sướng gì đâu".
Mấy lần hẹn sư cô đến nhà bác chơi nhưng sư cô bận phật sự nên lần lữa mãi. Mà điện thoại nhà bác bị cắt, không liên lạc được. Cứ như thể bác đã từ biệt cõi tạm từ rất lâu, cả khi chưa chết…
Nhưng bất chợt đâu đó, bác lại xuất hiện như một chiến binh qua những kiến nghị thẳng tưng.
Năm 2011, khi có các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc bị đàn áp, lập tức bác lại lên tiếng: "Tất cả các triều đại ở Việt Nam, tất cả các chính quyền ở các nước trên hoàn cầu, đếu lấy việc nuôi dưỡng, cổ xúy lòng yêu nước của người dân, để xây dựng đất nước và bảo toàn lãnh thổ chủ quyền. Không ai lại đi đàn áp những cuộc biểu tình yêu nước, trong khi kẻ thù đang rập rình ngoài ngõ. Tôi mong các vị lãnh đạo hãy tỉnh táo lại. Kinh Phật có câu: "Quay lại là bờ" (hồi đầu thị ngạn). Hãy đặt quyền lợi của dân tộc trên hết, hãy biết tôn trọng người dân, là mọi việc giải quyết sẽ êm như ru. Đừng đẩy người dân vào thế đối địch với chính quyền. Tôi đề nghị một giải pháp: chính quyền Hà Nội hãy đối thoại với những người biểu tình. Hãy dừng ngay bạo lực".
Chút ngậm ngùi trước già chia tay |
Bác cũng là một trong những nhà văn đầu tiên đấu tranh cho dân chủ. Một nhà dân chủ sớm bậc nhất nước như nhiều người đánh giá. Vì chính bác thường lấy câu của nhà văn quá cố Nguyễn Minh Châu viết trong một bức thư gửi bạn trước lúc qua đời để răn mình: "Làm một thằng nhà văn Việt Nam lúc này mà lẩn tránh vấn đề dân chủ là thiếu tư cách...".
Ta sĩ rách hề, sinh buổi nhiễu nhương
Mượn cây bút hề, tỏ chí ngoan cường
Đường chông gai hề, ta không lùi bước
Đời đen bạc hề, lòng ta bi thương.
Ngẫm thế sự hề, đầu ta sớm bạc
Nghĩ nhân tình hề, miệng ta cười vang
Múa cây bút hề, ta thay đao kiếm
Phá dối lừa hề, thông thoáng thế gian.
Bài thơ này bác làm năm ngoài 30 tuổi. Trong một lần bị thẩm vấn, bác đã đọc cho các an ninh viên nghe. Một câu trả lời đủ cho tất cả các câu hỏi khi đó đã đặt ra cho bác.
Cậu bé ngày xưa giờ đã là sư chú đĩnh đạc 20 tuổi, sắp được thọ giới tỳ kheo. Sư chú có tâm hồn lãng mạn như một nghệ sỹ, sáng tác nhạc, thiền ca. Ca từ đượm chất thiền mà vẫn tỏa rạng hào hoa, nét đặc trưng của lớp nhà văn Hà Nội cũ mà chú thừa hưởng từ ông ngoại Hoàng Tiến.
Bác đã tồn sinh trong tâm hồn nhiều người khác một cách lặng lẽ, vững chắc.
Sư cô nhắc lại chút kỉ niệm về cha nuôi... |
Trưa nay một lễ cầu siêu nho nhỏ do sư cô Tùy Nghiêm – chị chủ quán cơm chay khi xưa, cô con gái nuôi của bác ngày trước làm chủ lễ. Chỉ gần hai mươi người trong gia đình, bạn bè thân thiết. Tâm nguyện qui y cửa Phật của bác cũng được thành tựu sau lễ cầu siêu.
Và với mình, không nhiều người được gọi là nhà văn đã và đang sống. Bác Hoàng Tiến là người trong số hãn hữu đó.
Lời Khai thị của lễ cầu siêu ứng với cuộc đời bác hơn bao giờ hết:
Tôi là sự sống thênh thang
Tôi chưa bao giờ từng sinh mà cũng
chưa bao giờ từng diệt
Nhìn kia biển rộng trời cao
Muôn vàn tinh tú lao xao
Tất cả đều biểu hiện tôi từ
nguồn linh tâm thức
Tự muôn đời tôi vẫn tự do
Tử sinh là cửa ngõ ra vào
Tử sinh là trò chơi cút bắt
Hãy cười cùng tôi
Hãy nắm tay tôi
Hãy vẫy tay chào để rồi
tức thì gặp lại
Gặp lại hôm nay
Gặp lại mai sau
Chúng ta đang gặp nhau
nơi suối nguồn
Chúng ta sẽ gặp nhau từng
giây phút trên muôn ngàn nẻo sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét