Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Ghé thăm các blogs: 26/02/2013 (Diễn Đàn Thế Kỷ)

Nguồn diendantheky



BLOG VĂN CÔNG HÙNG

Bài này viết theo đơn đặt hàng của một tờ báo. Viết xong rồi... lênh đênh, cứ cất mãi trong file. Hôm qua thấy các báo đồng loạt nhắc lại Bô xít, nào là cảng Kê Gà không làm nữa, nào là làm Bô Xít lỗ... he he, lại nhớ là ngay từ hồi đầu, bao nhiêu người phản bác, nhưng ai phản bác là bị... đì, bị theo dõi. Bài này là một dạng phản bác từ hồi ấy...

TÂY NGUYÊN VÀ BÔ XÍT

Tôi vừa lang thang đi mấy huyện ở Tây Nguyên. Đi mới biết hình như nơi nào ở Tây Nguyên cũng có... bô xít. Làng mạc, rừng núi, sông suối, rừng vườn... đang trù phú xum xuê thế, đang hồn nhiên tươi trẻ thế, đang xanh tươi mướt mát thế, bỗng một hôm phát hiện rằng có bô xít ở dưới, thế là...

Bây giờ đi xuống các địa phương phía nam Tây Nguyên thi thoảng ta gặp người... nước ngoài. Nhưng đây không phải nước ngoài du lịch, cũng không phải Tây ba lô, mà trông họ... nhếch nhác lắm. Thì ra đấy là... công nhân bô xít... nhập ngoại. Cái chuyện bô xít này chưa biết ngã ngũ như thế nào nhưng thấy lòng dân có vẻ bất an lắm. Mấy năm phát triển, rừng ào ào trụi, giờ lại thêm bô xít. Cái nhỡn tiền là môi trường - không chỉ là môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái thông thường, mà nó là cả môi trường văn hóa, bị xâm hại, không chỉ bị xâm hại, có nhà văn hóa còn bảo, nó sẽ bị phá hủy. UNESCO công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chứ có phải chỉ riêng cồng chiêng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đâu. Có mấy nhà văn cũng đã có thư ngỏ gửi các cơ quan có trách nhiệm bày tỏ quan ngại về vấn đề này rồi...

Nghe nói dưới chân tôi đây cũng Bô Xít

Lại nhớ mới đây có một cái hội thảo khá lớn ở Đăk Nông rồi sau đó là ở Hà Nội về Bô xit. Chính quyền tỉnh và tập đoàn than khoáng sản Việt Nam thì muốn khai thác bô xit ở đây, nghe nói là vô cùng nhiều, nhiều như... đất, cứ bóc vỏ đất ra là thấy. Các nhà văn hóa, khoa học, có cả đại tướng Võ Nguyên Giáp và mấy vị tướng nữa, thì chỉ ra rằng, Bô xit có thật đấy, nhưng chả bõ bèn gì, bởi vì quặng Bô xit rất rẻ, có bóc hết đất Tây Nguyên cho nó trọc lếu trọc láo cả lên thì cũng chả đáng là bao nếu quy ra đô la. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thì kết luận: Không khai thác bô xít bằng mọi giá. Theo tính toán thì bao giờ Bô xit thành nhôm thì mới có giá trị. Mà từ Bô xit đến Nhôm là cả một giai đoạn rất dài và rất tốn kém, nghe nói có một nước nào đó ông nhà văn Nguyên Ngọc đã đi thăm, thì để phục vụ riêng một nhà máy luyện nhôm cỡ trung bình, nước này phải dành hẳn một nhà máy thủy điện cỡ Ia Ly để phục vụ nó. Mà đấy mới là điện, chứ để biến từ bô xit ra nhôm còn bao nhiêu thứ khác nữa. Thế nên nếu cứ quyết tâm làm bô xit thì văn hóa Tây Nguyên sẽ bị băm nát. Ông Nguyên Ngọc nói thế và nhiều người cũng biết thế. UNESCO công nhận cồng chiêng Tây Nguyên là di sản nhưng thực ra là không gian văn hóa cồng chiêng chứ không chỉ mình cồng chiêng như một số người hiểu. Vậy nên vấn đề bô xit đang nóng ở Tây Nguyên. Đụng đến Bô xit là đã đụng đến cái món không gian văn hóa này rồi...

May thay là Bộ chính trị vừa có kết luận về vấn đề Bô Xít chứ không cứ như nghe cái nhà ông Đoàn Văn Kiển, chủ tịch HĐQT tập đoàn than khoáng sản Việt Nam trả lời Việt Nam net mà thấy hãi. Ông này nói rất lấy được, cái kiểu có làm mới biết lỗ lãi, mới biết có ảnh hưởng, có xâm hại gì không... thì quả là kiểu nói cả vú lấp miệng em, nói như kiểu duy ý chí một thời, rất vô trách nhiệm.

Tôi cho rằng, phàm là tài nguyên, là khoáng sản thì phải khai thác thôi. Nó là lộc giời, là ân sủng trời cho. Tuy thế nó không phải là vô tận, và nó cũng không phải là của làng để rồi ai cũng nhăm nhăm lao vào làm một phát cho nở mày nở mặt. Không thể khai thác nó bằng mọi giá. Đời mình chưa có điều kiện thì cứ để đấy, trồng cây, canh tác, làm du lịch (cắm cọc bảo: nơi này có Bô Xít đấy- cũng sẽ có khối người tò mò đến thăm)... rồi đời con, thậm chí đời cháu, chút, chít... có điều kiện, chúng sẽ khai thác một cách tinh tươm gọn ghẽ bằng những công nghệ hiện đại nhất, làm bô xít mà như đi du lịch, nước cứ trong vắt, đất cứ xanh rì cây lá... Bởi ngay cái kế hoạch khai thác bô xít bây giờ thì Trung ưong cũng đã nghiên cứu hàng mấy chục năm nay rồi cơ mà...

Bây giờ, rõ ràng lòng dân chưa thuận, mà trong Đảng cũng chưa đồng, còn nhiều vấn đề tế nhị mà chúng ta chưa lường hết được.

Thì đã làm sao nếu cứ tạm quên cái món bô xít đi. Cây công nghiệp, rừng, những thảo nguyên mênh mông rợn cỏ để chăn nuôi... vẫn phát triển như cũ. Tạm thôi, lòng dân là nước, nước ấy đang bình yên chảy như ngàn đời vẫn thế...

Bài này tôi viết theo đặt hàng của nhà thơ Nguyễn Trác, TBT Tạp chí Nhà Văn cho mục "Tiếng nói nhà văn" mà chả hiểu ông ấy có dám in không. Chả đâu như... nước ta. Cấm và không cấm cứ loạn lên. Hồi vụ Tây Nguyên, cấm báo chí đưa tin, sau đấy một thời gian lại yêu cầu ào ạt đưa. Vụ Hoàng Sa Trường Sa cũng vậy. Nhiều người đã bị rầy rà vì bày tỏ lòng yêu hai hòn đảo thân yêu của Tổ Quốc này. Bây giờ thì ngày nào cũng có HS TR trên báo, đến nỗi thấy phát thương cho ông tân chủ tịch HS không đất không dân ngày nào cũng phải trả lời phỏng vấn  và tuyên bố sẽ bảo vệ HS đến cùng. Và Bô Xít. Tôi có bài "Bô xít, rừng và Tây Nguyên" in báo Văn Nghệ già tết dương lịch, sau đó vannghequandoi online đưa lên, được ba ngày phải bóc xuống vì hồi ấy có lệnh không được nhắc đến Bô xít, giống như một từ húy kỵ. Bi giờ thì các báo lại cũng tràn ngập Bô xít... (2009)



FACEBOOK MẸ NẤM GẤU

Hôm qua hàng loạt báo chạy tin về dự án bauxite Tân Rai, Nhân Cơ.

Tuy không đề cập thẳng đến vấn đề an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế một cách trực tiếp, nhưng cách đưa tin rõ ràng là chỉ ra tính bất khả thi của dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên.

"Cảnh báo của các nhà khoa học về dự án Bôxít ở Tây Nguyên đang dần đúng. Dự án vẫn được thải bằng công nghệ rẻ tiền, nhiều rủi ro... Nếu làm đến cùng thì bôxít sẽ trở thành gánh nặng kinh tế!".

- Đó là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) về việc thử nghiệm 2 dự án Bôxít Tân Rai và Nhân Cơ. Tiến sĩ Sơn kiến nghị lãnh đạo Vinacomin xin Chính phủ cho dừng ngay dự án Nhân Cơ, chờ khi nào Tân Rai có hiệu quả sẽ làm tiếp.

Sau chuyến khảo sát thực tế hai dự án trên ở Tây Nguyên, Tiến sĩ Sơn cho biết, đến nay dự án chẳng có gì mới so với những điều đã được cảnh báo từ 4 năm trước. Bùn đỏ - vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm, vẫn được thải bằng công nghệ "ướt" rẻ tiền và nhiều rủi ro. (Theo Dân Trí)

Chợt nhớ 4 năm trước, trong rất nhiều buổi làm việc với Pa38 – phòng an ninh Chính trị nội bộ tỉnh Khánh Hòa và hai anh an ninh trẻ đến từ Bộ Công An, ngoài việc dò hỏi vì sao in câu "Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam" lên mặt trước của áo bên cạnh dòng chữ "Stop bauxite – No China" thì quan điểm mà họ luôn nhắc đi nhắc lại với tôi như thế này:
- Dự án khai thác bauxite là chủ trương lớn của đảng, nhận được sự đồng thuận và nhất trí cao của rất nhiều người. Chỉ có những người thiếu thông tin mới phản đối nó. Em chỉ đọc thông tin trên mạng làm sao biết được hết tính toán của chính phủ. Em phải biết việc em phản đối như thế này là đi ngược lại với đường lối và chính sách của nhà nước".

Tôi còn nhớ rất rõ, mình bị bắt vì tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích quốc gia". 

Năm 2011, trong các phiên họp của Quốc hội người ta lại nhắc đến dự án bauxite nhưng không đề cập đến các cảnh báo về an ninh quốc gia, lợi ích kinh tế mà chuyển sang việc vận chuyển quặng đã khai thác có thể gây hại cho cầu đường vì tải quá nặng.
(Theo Dân Trí)

4 năm sau, khi đã bỏ ngoài tai toàn bộ ý kiến và các lời cảnh báo từ các nhà khoa học, người ta lại nhắc đến dự án bauxite vì sợ "lỗ".

Vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả những việc trên?

Câu trả lời như mọi lần sẽ là không có một ai hết.

Bởi không ai có thể túm đầu đảng để bắt đảng chịu trách nhiệm về chủ trương, đường lối của mình.

Cũng năm 2009, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nộp đơn khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì đã ban hành quyết định số 167/2007/QĐ -TTg ngày 01/11/2007 "phê duyệt quy hoạch, phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015."

Theo một chuyên gia luật ẩn danh phân tích việc Tiến sĩ Vũ kiện Thủ tưởng thì thủ tướng không có trách nhiệm cá nhân trong vụ này.
"Trách nhiệm là từ phía chính phủ, và thủ tướng chỉ là người đại diện đứng ra thực hiện các chính sách của chính phủ."

Chính cách lập luận trên đã khiến cả dân tộc này phải lao đao khốn đốn sau nhiều lần chính phủ Việt Nam  cải cách, và sửa sai sau khi đã ban hành hàng loạt quyết định bất hợp lý với toàn xã hội.

Ông Thủ tướng không chịu trách nhiệm, thì đương nhiên sẽ không có chuyện chính phủ chịu trách nhiệm.

Cá nhân tôi cho rằng với tuyên bố 'khai thác bauxite là chủ trương lớn của Đảng" của nhiều vị lãnh đạo Việt Nam thì việc phải chịu trách nhiệm trước toàn dân tộc về hậu quả của dự án này là trách nhiệm chung của toàn thể các đảng viên đảng Cộng Sản đã nhắm mắt làm ngơ với tuyên bố trên.


BLOG HUỲNH NGỌC CHÊNH

Chỉ đạo lấy ý kiến cho dự thảo Hiến pháp tại Vĩnh Phúc, TBT Nguyễn Phú Trọng nói: "… Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, … Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! …
Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì đó là cái gì? …"  - Video phát biểu của cụ Tổng (phút 7'20″): Thời sự 19h – 25/02/2013 (VTV)

Nghe xong những lời vàng ngọc nầy, nhà văn Nguyễn Quang Lập nhã nhặn nói: Tự nhiên thấy nhạt miệng, muốn văng tục quá.

Nhưng may quá nhà văn đã không văng tục ra vì kịp thời nhớ lại bài thơ của Nguyễn Duy, bài Đánh thức tiềm lực

nhưng sau đó nhà văn vẫn cứ ấm ức:
Thơ Nguyễn Duy cũng không giúp mình đỡ nhạt miệng, vẫn muốn văng tục, tức thế chứ!
Còn Mit Tờ Đỗ nào đó thì xuất khẩu thành thơ ngay để khỏi văng tục:
Mít Tờ Đỗ
Vẻ mặt bác rất tỉnh bơ
Mà sao nói tựa nằm mơ ban ngày
Bác phát biểu rất hăng say
Lập trường, bản lĩnh dạn dày ôi thôi!
Em nghi bác lú thật rồi
Để em đưa bác ra nơi Biên Hòa

======
(Tức là Bệnh viện tâm thần Biên Hòa, QL1, Tân Phong, TP Biên Hòa, ĐỒNG NAI - Điện thoại: 031.3828269 ạ)

Còn Anh Gấu Phạm ở tận bên Mỹ thì nhớ lại chuyện cổ tích ông vua cởi truồng... cũng để khỏi văng tục: Anh Gau Pham

Nghe bác Trọng phát biểu về sự suy thoái đạo đức mình không thể không nghĩ đến truyện Hoàng đế cởi truồng. Những năm xưa lớn lên trong cảnh tăm tối vì thiếu thông tin mình coi các vị đó như Vua như Thánh, giờ đây nhờ có ánh sáng của ngày mới chiếu rọi thì mình mới nhận ra chân tướng của các vị và thấy các vị thật yếu đuối, chán nản làm sao, mình không thể hiểu được là đúng là các vị tin những điều các vị nói hay ở trong sâu thẳm các vị cũng biết là đang nói những điều không thật nhưng vẫn nói chỉ vì quyền lợi cá nhân, quyền lợi nhóm. Mình mong sao cho sớm tới ngày mà cuộc đời của mọi người đều được hả hết hơi chính trị, người ta không nói với nhau những lời giả dối với giọng đảng phái, giai cấp, lập trường, đạo đức, tồn vong, tiến lên mà chỉ nói những lời yêu thương nhau, làm sao cho tất cả đều được làm người bình thường.

Còn blogger Anh Chí thì chợt nhớ đến con mình: Anh Chí

Thằng con mình mới rụng mất cái răng cửa, hôm nay đọc tiếng Anh số 4 toàn thành 'phò' chứ không thành 'pho' như mấy bữa trước. Phò phò :)

Blogger Trương Duy Nhất:
 Đảng và quốc hội đang vận động dân chúng tham gia góp ý sửa đổi hiến pháp với cam kết "không có vùng cấm, kể cả điều 4" thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại hắt một thau nước lạnh rất sỗ sàng và thách thức. ...
Phát biểu của ông Trọng đã ngay tức thời gây ra những luồng phản ứng dữ dội, gay gắt từ phía dân chúng và giới nhân sĩ trí thức. Chắc chắn trong những ngày tới, sự phản ứng này sẽ còn quyết liệt và gay gắt hơn. Một góc nhìn khác xin giới thiệu bài viết của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên (báo Gia Đình- Xã Hội)

Trên trang Ba Sàm cũng ghi lại một số ý kiến của một số nhà bình luận tên tuổi dưới đây:
 – Nguyễn Đắc Kiên – Nhà báo, báo Gia Đình & Xã Hội: Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng (Ba Sàm). "Đầu tiên, cần phải xác định, ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách… Nếu ông và các đồng chí của ông muốn giữ Điều 4, muốn giữ vai trò lãnh đạo, muốn chính trị hóa quân đội, không muốn đa đảng, không muốn tam quyền phân lập, thì đó chỉ là ý muốn của riêng ông và ĐCS của ông. Ông không thể quy kết rằng đó là ý muốn của nhân dân Việt Nam".

- Blogger Osin bình luận trên FB: "Tôi cực lực phản đối những người phê phán nặng lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông gọi những người góp ý sửa hiến pháp theo hướng tam quyền phân lập, đa nguyên chính trị và phi chính trị hóa quân đội là suy thoái đạo đức. Điều này chỉ làm tổn hại uy tín của cá nhân Tổng bí thư (dân gian gọi là tự bắn vào chân mình). Ông Trọng không nói thì rất ít người tin nhận thức chính trị của một nguyên thủ trong thời đại ngày nay lại chỉ như tuyên huấn huyện ủy hồi thập niên 1980s. Theo tôi, chúng ta chỉ nên phê phán Tổng bí thư về hành vi tiết lộ bí mật quốc gia là được".

- Blogger Người Buôn Gió bình luận trên FB: "Vệ Kính Vương mưu sâu kế hiểm bày ra trò trưng cầu dân ý học theo cách trăm hoa đua nở bên Tề. Xem ai góp ý thì mang ra xử. Đến Bạo Tể tướng nửa thế kỷ thao lược còn phải thất thế ôm đầu lo cho số phận gia đình nhà mình, huống chi là nhân sĩ trói gà không chặt, tay không tấc sắt". – Blogger Đoan Trang: Trong khi nhân dân nô nức góp ý sửa đổi Hiến Pháp: Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vác nước lạnh ra dội (Dân Luận). Nghị quyết TW 4 cũng chính ông nhóm lò rồi dội nước, bây giờ cụ lại tiếp tục dội nước. – Nóng…sau chương trình thời sự buổi tối trên facebook! (LTDA).  – Nghe cụ Tổng nói, nhớ thơ Nguyễn Duy (Quê Choa).

- Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Cái bẫy và tác dụng ngược (J.B. Nguyễn Hữu Vinh). "…để biết ai 'muốn' cái gì thì là rất khó, vì trong xã hội Việt Nam thời Cộng sản, việc nói dối, làm dối, báo cáo dối, xử sự dối… đã thành nét 'văn hóa mới'. Càng như vậy thì đọc được ý muốn, ý nghĩ người khác đâu phải dễ dàng. Vì vậy mà Đảng mới giở trò 'Góp ý mà không có vùng cấm' này đây chăng? Tưởng rằng trò tương tự này đã được thể hiện trong các cuộc 'lấy ý kiến nhân dân' cho Dự thảo Báo cáo chính trị mỗi kỳ Đảng họp rồi cơ mà?"

- TS. NGUYỄN MINH TUẤN: "QUYỀN LẬP HIẾN LÀ CỦA DÂN" (ABC Radio Australia/ Nguyễn Minh Tuấn). – Nguyên thủ thực quyền, quốc gia thực lực (VNN). "Để người giữ vị trí nguyên thủ quốc gia không lạm quyền thì dự thảo cần phải bổ sung các điều khoản cụ thể về cơ chế kiểm soát quyền lực, thiết lập Hội đồng bảo hiến (hoặc tòa án hiến pháp) độc lập và luật định cơ chế nhân dân giám sát hoạt động của Đảng".

Thơ Nguyễn Duy

Tiềm lực còn ngủ yên 
trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng 
Tiềm lực còn ngủ yên 
trong bộ óc mang khối u tự mãn 
Tiềm lực còn ngủ yên 
trong con mắt lờ đờ thủy tinh thể 
Tiềm lực còn ngủ yên 
trong lỗ tai viêm chai màng nhĩ 
Tiềm lực còn ngủ yên 
trong ống mũi khò khè không nhận biết mùi thơm 
Tiềm lực còn ngủ yên 
trong lớp da biếng lười cảm giác 
Năng động lên nào 
từ mỗi tế bào, từ mỗi giác quan 
cố nhiên cần lưu ý tính năng động của cái lưỡi

Còn tôi đang thời gian đi giang hồ, né bớt cõi trần tục để bảo trì trí não nhưng nghe xong những lời vàng ngọc của người cũng muốn... Mà thôi, bần dân đang tập tành làm kẻ tu hành. Đéo chấp...ý quên, vô chấp.



BLOG HIỆU MINH


Rolex fake

Hồi tháng 7-2012, mình dự hội thảo IT ở Bangkok. Hết giờ, cả đám rủ nhau đi chợ mua đồng hồ. Thôi thì đủ loại đắt tiền, từ Patek Philippe, Louis Moinet đến Rolex. Loại xịn giá mấy chục ngàn đô tới hàng trăm ngàn đô ở London, nhưng ở đây chỉ bán 30-40$. Tây, ta mua túi bụi, ai cũng vui vẻ, dù đeo vài ngày thì kim rơi hoặc chết ngóm.

Thời mình đi học Ba Lan về, cánh lưu học sinh thường qua Moscow mua đồng hồ Poljot (Pôn-dốt), vì thuộc thơ của bác Việt Phương "Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ". Lão Tổng Cua cũng làm một cái mạ vàng, khá nhẹ, đeo dễ đến 10 năm ở Hà nội.

Vốn nông dân, ông già dạy, con ạ, nhà mình nghèo, cốt cái đạo đức làm đầu. Mẹ bảo "đói cho sạch, rách cho thơm", không nên dối trá, chả nên người.

Đi du học về vẫn mang theo "sứ mệnh" của người xưa. Làm việc chăm chỉ, chả biết nói dối là gì, và trong tình yêu thích khoe "anh đây chân thật nhà quê".

Ra trường dễ đến 5 năm vẫn chưa có ai. Được bạn bè giới thiệu cho một cô khá đẹp ở làng Liễu Giai (Hà Nội). Cũng đến tán, kéo cưa lừa xẻ. Khốn nỗi, người ta xinh nên vệ tinh cũng nhiều.

Lần đó mình đi theo cậu bạn đã có vợ, ra vẻ kinh nghiệm tình trường. Đến nhà nàng, vừa ngồi uống nước, tán tỉnh một lúc, bỗng xuất hiện cái xe cúp đỏ DD đỏ chói (xe máy của Nhật, nhãn DD).

Một chàng trai hào hoa phong nhã bước vào, quần là áo lượt, nước hoa thơm lừng. Con chó Nhật chạy ra vẫy đuôi mừng rối rít, trong khi mình đến thì nó sủa ngậu cả làng.

Cảnh đời đi tán gái đẹp thật trớ trêu. Mình đi xe đạp Liên Xô, đồng hồ Liên Xô. Đối phương đi xe Nhật, tay đeo đồng hồ Rolex sáng loáng. Cô chủ tiếp đãi ai nhiệt tình hơn thì cũng đoán ra.

Tay bạn nháy ra về. Dọc đường hắn bảo, mày có biết cái đồng hồ Rolex kia bao nhiêu không. Mình lắc đầu. Cỡ chục ngàn đô la đó. Trời, bằng căn hộ lắp ghép còn gì.

Mẹ kiếp. Hắn đi cái DD là căn hộ di động, đeo Rolex là căn hộ thứ hai. Thử hỏi cái nhà tập thể với 3 nhà khoa học nằm bàn ở làng Liễu Giai của cậu có giá trị gì. Biến đi cho nước nó trong.

Vài năm sau, người đẹp lên xe hoa. Kiểu gì thì Tư bản CN giả tạo vẫn thắng XHCN thật, dù thi sỹ Việt Phương vẫn nằng nặc "Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ".

Chua chát trong lòng, mình tìm cách bán cái Poljot để thêm tiền mua Rolex. Ra cửa hàng, hỏi tay thợ đồng hồ ngõ nhỏ trên  phố Tràng Thi. Cậu muốn đổi ngang cái Rolex  không. Mình tưởng nghe nhầm. Nhưng tay thợ bảo, tớ nói thật mà.

Dễ đến 5 năm sau, gặp người xưa, vẫn thấy nàng vẫn đẹp, nhưng hơi buồn. Hỏi sao vậy. Số em sinh năm Sửu nên vất vả như trâu.

Trời, ông xã có DD và Rolex, mua được vài căn hộ lắp ghép chứ chẳng chơi. Không, DD là đi mượn, Rolex thì mù. Bây giờ em là người bread earner (kiếm cơm) cho cả nhà.


Poljot thật

Mình vội phóng xe ra bờ Hồ tìm tay thợ chữa đồng hồ để hỏi, Rolex mù là gì. Là không phản quang vào ban đêm, chỉ sáng một thời gian rồi tắt ngấm. Tớ định đổi Rolex ngang Poljot là vì đồng hồ Liên Xô có mạ vàng thật. Rolex chỉ có mỗi cái tên. Lão thợ hấp háy mắt.

Hôm nay nghe chuyện của tay Robert Kiyosaki giời đánh nào đó, mình than trời. Đồng hồ fake đã giúp bao nhiêu người đẹp lên xe hoa. Dù sau đó có nhận ra đồ rởm, nhưng liệu có ai thay được "dòng thời cuộc".

Rolex rởm vẫn thường thắng trong những cuộc tình ngoạn mục so với những chàng trai Poljot thật thà.

Đi trên đường đời hôm nay, giữa những thật giả lẫn lộn, liệu bao nhiêu người trong chúng ta đủ tỉnh táo để nhận ra. Cái giá đôi khi là một cuộc tình đầy hối hận của chân dài, hoặc cao hơn là cả một quốc gia thất vọng vì một ánh hào quang ma quái giả tạo.

Nói gì thì nói, fakes Rolex vẫn sống trên thị trường Bangkok vì cái ánh sáng phát rực rỡ, dù đôi khi chỉ le lói được vài đêm. Cánh IT bạn mình lại hẹn hội thảo lần sau mua hẳn loại fake Patek cho sướng một đời trai.

HM. 22-02-2013



FACEBOOK HẢI LÝ

Khoảng giữa năm 2011, thế giới bắt đầu chứng kiến một hiện tượng lạ trong văn học. Bộ tiểu thuyết "50 Shades of Grey" (gồm ba quyển) của nữ văn sĩ Anh E. L. James đã leo lên hàng đầu của nhiều bảng xếp hạng sách danh tiếng với thành tích lẫy lừng: hơn 65 triệu cuốn được bán ra và gần 40 quốc gia đã mua bản quyền dịch thuật. Đó là chưa kể Hollywood cũng đang ngấp nghé dự định chuyển "50 Shades" sang thành phim. Hiện tượng lạ, vì bản chất của "50 Shades" chỉ là một bộ tiểu thuyết khiêu dâm, hay dâm thư. Chưa bao giờ một bộ dâm thư lại tạo nên thành công về mặt tài chính như thế.

Tuy "50 Shades" chịu không ít lời chê bai từ các nhà phê bình văn học, nó cũng nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ phía độc giả. Nhưng dù đứng ở góc độ khen hay chê, tất cả đều đồng ý ở một điểm: "50 Shades" là một dâm thư. Còn việc nó hay hoặc dở thì tùy thuộc vào người đọc.

Nếu chỉ vậy thôi thì chẳng có gì phải bàn tiếp.

Chuyện đáng nói bắt đầu khi "50 Shades" được dịch ra tiếng Việt và phát hành ở Việt Nam qua tựa đề tiếng Việt "50 sắc thái." Nó đáng nói vì hai nguyên nhân như sau:

1. Báo chí, truyền thông của nhà cầm quyền Việt Nam bao lâu nay vẫn ít nhiều một giọng điệu lên án lối sống và văn hóa đồi trụy của bọn "đế quốc, tư bản." Một quyển dâm thư như "50 sắc thái" có thể được phát hành rộng rãi ở VN đã là chuyện lạ. Lạ hơn nữa là một bài quảng cáo "50 sắc thái" bỗng dưng xuất hiện chễm chệ trên báo Nhân Dân – cơ quan truyền thông, tiếng nói chính thức của Đảng CS Việt Nam. Sự xuất hiện này dấy lên câu hỏi: "Tự bao giờ, những trang sách quằn quại với trần truồng, với c*c và l*n, với bao cảnh làm tình được tường thuật cặn kẽ, với mọi trò chơi tình dục (lành mạnh hoặc bệnh hoạn) được mô tả không che đậy... không còn là sản phẩm đồi trụy trong mắt người Cộng Sản?"

Trước đồng chí báo Nhân Dân, báo Công An Nhân Dân cũng có một bài đầy ưu ái dành cho bộ tiểu thuyết "50 sắc thái" và đặc biệt là E. L. James.

Nhưng thôi, hãy đừng quá quan trọng nguyên nhân thứ nhất này. Hãy xem nó là một phần của chính trị. Mà trong chính trị, sự tráo trở – hôm qua tuyên bố thế này, hôm nay tuyên bố thế khác – là chuyện bình thường. Đừng nên quá xem trọng cái sự nhổ ra rồi liếm lại của các cơ quan truyền thông nhà nước.

2. Cách thức mà người ta tiếp thị và quảng cáo bộ tiểu thuyết này ở Việt Nam để lại cái ấn tượng là họ đang cố tình giảm nhẹ một sự thật rành rành "50 sắc thái" chỉ là một dâm thư. Hãy đọc những gì trang VnExpress đã viết "Tước bỏ vỏ bọc sex, câu chuyện tình yêu của Grey và Steele là một dạng tình cảm lãng mạn kiểu cổ điển, theo motif phảng phất đâu đó qua các tác phẩm văn học kinh điển của Anh - Mỹ, như: Jane Eyre (Charlotte Brontë), Đỉnh gió hú (Emily Brontë), Cuốn theo chiều gió (Margaret Mitchell), Tess of the d'Urbervilles: A Pure Woman (Thomas Hardy)..." Không khó để mà nhận ra thông điệp của họ: "50 sắc thái" cũng có những giá trị nhân văn, nghệ thuật; cũng có thể sánh ngang với những tác phẩm văn học kinh điển đấy chứ!

Có thể nói rằng, trong hầu hết tất cả những bài điểm sách/bình sách uy tín ở nước ngoài thì không một bài nào dám đặt "50 sắc thái" bên cạnh các tác phẩm văn học khác một cách quái đản như vậy. Phần đông, họ chỉ so sánh sự tương đồng giữa "50 sắc thái" và bộ tiểu thuyết "Chạng vạng" mà thôi, và chính nữ văn sĩ E.L. James cũng thừa nhận cảm hứng của bà khi viết "50 sắc thái" là lấy từ "Chạng vạng."

Nói "tình yêu của Grey và Steele là một dạng tình cảm lãng mạn kiểu cổ điển, theo motif phảng phất đâu đó qua các tác phẩm văn học kinh điển của Anh – Mỹ..." là một sự gượng ép, tròng tréo, mượn danh một cách rất trơ trẽn và tội nghiệp. Những tình yêu kiểu ấy nhan nhản đầy trên các kệ sách, nào chỉ giới hạn trong các tác phẩm kinh điển kia.

Thật sự mà nói, với người trưởng thành thì việc đọc dâm thư, cũng như xem hình Playboy hoặc phim ảnh người lớn – dù không nên khoe khoang – cũng không hẳn là điều gì khiến người ta phải quá xấu hổ. Ở nước ngoài, người ta thẳng thắn "Vâng, tôi đọc dâm thư. Và tôi thích/ghét nó vì..." chỉ đơn giản có vậy. Ở Việt Nam, dâm thư cần được khoác lên một giá trị gì đó cho nó trông... thanh cao hơn: chẳng hạn như nó cũng có thể sánh ngang với các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới, hay nó là cẩm nang giải phóng tình dục cho phụ nữ, hay là nó cho người đọc rất nhiều điều để suy ngẫm (về triết lý cuộc đời). Khoác lên cái giá trị ảo đó để người đọc yên tâm hơn, tự sướng với ý nghĩ "50 sắc thái" là một tác phẩm văn học rất đáng đọc.

Nghe đâu đấy phảng phất một cái mùi rất khó chịu: mùi đạo đức giả.

Để kết thúc, thiết nghĩ cũng nên nói rõ một điều. Tôi không có ác cảm gì với "50 sắc thái," chỉ thấy khá buồn cười trước cách mà người ta chào đón và quảng cáo bộ dâm thư này ở Việt Nam.

Tham khảo:
Cơn sốt "50 sắc thái của màu xám" - http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandancuoituan/nhan-dan-cu-i-tu-n/qu-c-t/c-n-s-t-50-s-c-thai-c-a-mau-xam-1.357460
Nữ văn sĩ E.L.James: Nữ quyền quyến rũ http://antgct.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=56455
Bài học về tình dục trong '50 sắc thái'
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/diem-sach/bai-hoc-ve-tinh-duc-trong-50-sac-thai-2422118.html



BLOG ĐÀO TUẤN

Chìa khóa cho vấn đề tin đồn, vì thế, không phải là việc nạn nhân xuất hiện bác bỏ tin đồn, để rất nhanh sau đó tra tay vào còng, cũng không phải là việc "công an vào cuộc".

Ngày 21-9-2012, ngay sau tin đồn bị khởi tố, một cách ráo hoảnh, cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá, bấy giờ đương chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB- khẳng định hoàn toàn không có tin này. Là tờ báo đầu tiên đưa tin, Tiền Phong sau đó đã phải rút lại với một lời xin lỗi. Cựu Bộ trưởng sau đó "tiết lộ" bảo bối với các nhà báo: Tôi là "cha đẻ"' của Luật Doanh nghiệp nên tôi có thể nói đấy là quy định tiến bộ nhất, là 'đứa con' sung sướng nhất cả cuộc đời làm việc. Trước năm 1989 khi Luật Doanh nghiệp chưa ra đời, người dân làm bất kỳ việc gì miễn là nhà nước cho phép, còn sau đó, thì được phép làm bất kỳ việc gì mà pháp luật không cấm".

Đúng 1 tuần sau đó, cựu Bộ trưởng bị khởi tố với hành vi "Ký nghị quyết HĐQT cho phép Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải ủy thác rút 718 tỉ đồng của ACB mang đi gửi để hưởng lãi suất cho vay cao hơn lãi suất định hướng của Ngân hàng Nhà nước".

Trước đó, sáng 23-8, sau tin đồn lãnh đạo ACB bị khởi tố, Ngân hàng này lập tức bác bỏ, đồng thời tổ chức khuyến mại rầm rộ. Nhưng ngay trong tối 23-8, TGĐ Lý Xuân Hải bị bắt tạm giam.

Và nói về chuyện tin đồn, không thể không nhắc đến vụ bầu Kiên.

Nói tin đồn, nhưng không phải là tin đồn là vì thế. Và giờ đây, sau mỗi lần "nạn nhân" của tin đồn lên tiếng "bác bỏ", dư luận lại một lần nín thở chờ đợi trong căng thẳng một "ngày đen tối" của thị trường chứng khoán khi tin đồn được xác tín bằng một quyết định khởi tố, bắt tạm giam một đại gia nào đó.

Có hai điểm chung: Thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung "lãnh đủ" sau các tin đồn. Và quan trọng hơn: Các tin đồn rất nhanh chóng sau đó đều trở thành sự thật.

Sáng hôm qua 21-2, thị trường chứng một lần nữa lại khoán rúng động với tin đồn lãnh đạo BIDV bị bắt. Chỉ số HNX-Index giảm 5,3%, mức giảm kỷ lục trong 2 năm qua. Trong khi đó, chỉ số VN-Index cũng giảm mạnh nhất, kể từ sau vụ bắt giữ bầu Kiên hôm 20-8.

Không khí trên sàn chứng khoán được mô tả là "ầm ĩ hết cả lên" với cảnh "tranh nhau bán", "ồ ạt tháo chạy". Chỉ có một điểm bất thường là một nhóm nhỏ các nhà đầu tư tranh thủ "mua vét" 250 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 2.600 tỷ đồng.

Nạn nhân của tin đồn, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà sau đó đã nhanh chóng xuất hiện bác tin bị bắt. "Nhiều khả năng là có người tung tin để trục lợi từ đó, nhất là sau những diễn biến về bắt bầu Kiên và những lùm xùm liên quan đến một số lãnh đạo ngân hàng thời gian gần đây. Những kẻ tung tin đồn có thể kiếm được từ 500-700 tỷ đồng sau những biến động dữ dội trên thị trường tài chính"- ông cáo buộc.

Không ngẫu nhiên, tin đồn này được tung ra khi mà thị trường đang hoang mang trước…tin đồn phá giá vnd.
Nhìn nhận các tin đồn xuất hiện trong 2 năm qua, cho thấy nó bao hàm cả 2 bộ mặt: Những tin bí mật được rỉ tai, sau đó thành sự thật. Và bộ mặt thứ hai là những tin vịt hoàn toàn, được tung ra nhằm trục lợi, hạ bệ, bôi nhọ. Nhưng bộ mặt nào thì tin đồn cũng là chỉ dấu cho thấy sự bất ổn của thị trường, hậu quả của sự bất minh và sự lung lay dữ dội của niềm tin.

Chìa khóa cho vấn đề tin đồn, vì thế, không phải là việc nạn nhân xuất hiện bác bỏ tin đồn, để rất nhanh sau đó tra tay vào còng, cũng không phải là việc "công an vào cuộc", mà phải là sự công khai, minh bạch, và nhất quán trong các chính sách kinh tế vĩ mô. Bởi suy cho cùng, nạn nhân của tin đồn không phải là các "đại gia nạn nhân" mà chính là nhân dân, những người lúc nào cũng thấp tha thấp thỏm với mấy đồng tiền còi vì mù tịt thông tin.



BLOG ĐÀO TUẤN

Nếu hỏi Chung Hân Đồng ấn tượng nhất về điều gì ở Việt Nam. Hẳn là cô sẽ tái mặt kể lại câu chuyện chiếc điện thoại bị cướp ngay trên tay, ngay trong ngày thứ 2 du lịch ở Việt Nam, ngay trước mặt bạn trai.

"Bạn trai tôi cũng không kịp trở tay"- cô nói với PV Ifeng.

Đúng là một nữ ca sĩ "phan hồn nhiên". Bạn trai cô, vâng, người xứ Hàn, dù có nhất đẳng huyền đai Teakwondo có lẽ cũng bó tay. Đến ngay cả những ngôi sao võ thuật Thành Long, Lý Liên Kiệt hay người hùng cơ bắp Sylveter Stallone hay Arnold Schwarzenegger sang Việt Nam lớ ngớ là bị giựt liền trên tay. Đơn giản, với cướp ở Việt Nam, những ngôi sao võ thuật hay người hùng cơ bắp chỉ là "khoai tây". Vả lại, phố phường ở ta vốn hiểm, người Việt vốn dĩ ngày ngày phóng xe mạo hiểm đem mạng đùa giỡn tử thần khác gì trên phim Hollywood, mà đâu có cần đóng thế hay kỹ xảo.

Tất nhiên, chẳng phải đợi Chung Hân Đồng trở thành "nạn nhân nổi tiếng bất đắc dĩ", người Việt mới nhận ra sự bất an rình rập cuộc sống hàng ngày. Chẳng phải là hồi cuối năm, hẳn một trung đoàn cảnh sát cơ động được tăng viện cho TP HCM đó sao?! Có lẽ, khi đọc những bản tin, đại loại "Cô gái đi xe SH bị cướp chặt đứt tay" nhan nhản và dày đặc trên báo chí, thì không phải chỉ là chuyện "đêm về gặp ác mộng", Chung Hân Đồng còn… té ghế nếu cô đủ can đảm quay trở lại Việt Nam.

Quay trở ra "Thành phố vì hòa bình". Năm 2009, nhân kỷ niệm 10 năm đạt danh hiệu này, Thị trưởng Thảo "Xin gửi tới bạn bè quốc tế thông điệp về một Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố vì Hòa bình, về con người Thăng Long-Hà Nội thanh lịch và tài hoa".

Vâng, người Hà Nội vẫn thanh lịch. Nhưng chỉ là bởi họ đã quen với "văn hóa chửi", ngay cả khi phải bỏ tiền ra mua miếng ăn vào mồm.

Không hiểu người Tràng An thanh lịch văn minh sẽ nghĩ sao khi đọc những bình luận của một phóng viên nước ngoài khi anh viết về món phở Hà Nội: "Bát phở ngon nhất nằm ở những hàng quán không sạch sẽ, với những người bán hàng thô lỗ, dòng người xếp hàng dài và môi trường tồi tàn nhất".

Thô lỗ là gì? Là câu chuyện "bún mắng cháo chửi ốc lắm mồm", nó truyền thống đến nỗi đôi khi chúng ta quên mất rằng đang phải chịu nhục vì miếng ăn. Trên Dân trí, một người Việt Nam, tất nhiên, TS XHH Trịnh Hòa Bình phàn nàn: Khi bàn, khi miêu tả về ấn tượng phở Hà Nội, phở Việt Nam người ta có thể bao gồm cả cái văn hóa chửi đó. Văn hóa ẩm thực, vẫn tính đến nó như một thành tố của sự dã man, mông muội. Và họ chấp nhận nó như một thứ gia vị.

TS Bình cho cho đây là "một thứ bán kèm", thậm chí thành "một thứ văn hóa", mà người ta đang phải chịu đựng nhau, biểu hiện của sự kém phát triển và văn minh ở mức dưới trung bình.

Năm 2010, một trang web chuyên về du lịch phong Hà Nội là một trong những  "thủ đô ẩm thực" của thế giới. Thậm chí, Hà Nội "Điểm đến ẩm thực hấp dẫn thứ hai trên thế giới", chỉ sau Barcelona của Tây Ban Nha, qua mặt cả Rome và Tokyo.

Chắc là biên tập viên trang web chưa từng thưởng thức "bún mắng cháo chửi" Hà Nội. Bởi bọn "khoai tây" sẽ không thể như người Tràng An thanh lịch, quen nổi thứ "gia vị chửi", cay hơn ớt, đắng hơn bồ hòn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét