Nguồn buudoan
Con là đứa con gây nhiều phiền muộn cho bố mẹ nhất vì cái tính ngang bướng. Mẹ uốn nắn nhiều mà vẫn luôn sống theo ý mình, nếu cảm thấy điều đó không ảnh hưởng tới ai. Thuần phong mĩ tục, công dung ngôn hạnh mẹ dạy cũng không làm được bao nhiêu…
Con nhất quyết không làm theo chỉ vì những gì được đám đông thừa nhận, trở thành nếp sống, tín điều. Con muốn được đi con đường mà con cảm thấy tự do, hạnh phúc và có ích dù chỉ cho vài người con yêu thương. Con biết nhiều khi mẹ không muốn con sống như vậy nhưng mẹ vẫn âm thầm chịu đựng để con được sống theo ý mình. Lúc mẹ còn sống, con ít khi chia sẻ lý do tại sao con lại như vậy? Mà có tâm sự với mẹ thì con cũng không thể nói ngọn ngành câu chuyện.
Có lẽ vì con sinh ra đã là như thế. Con không thể cố tình nhốt mình vào một khuôn đúc sẵn, để khi ra khỏi đó, hình hài con sẽ bị biến dạng tuy điều đó có lợi cho con. Con đã trung thực với cuộc sống của con cho đến lúc này. Nếu con nói điều này chắc mẹ, và bố nữa sẽ hài lòng về con, cho dù con đang làm ngược lại những gì mà bố mẹ nhọc công theo đuổi với một tâm hồn trong sáng nhưng ngây thơ, ảo tưởng…
Có lần mẹ nói với con một câu sau một sai lầm của con: "Con muốn sống thế nào mẹ không can thiệp. Nhưng sống làm sao để nhiều người có thể không ưa con, ghét con, nhưng không ai có thể khinh con". Đó là kim chỉ nam cho mọi lẽ sống, cư xử, quyết định của con trong suốt cuộc đời, cho đến lúc này.
Nhưng nay con quyết định đứng vào hàng ngũ của những "kẻ suy thoái". Vì lý do gì xin mẹ hãy bình tĩnh nghe con…
Thưa Đảng!
Không biết vì lẽ gì mà chưa khi nào tôi có ý tưởng được đứng trong hàng ngũ của ĐCS, cho dù bố mẹ tôi, rất nhiều bạn bè yêu quí của tôi đều là đảng viên? Từ rất trẻ tôi đã không lấy việc vào đảng để làm mục tiêu phấn đấu, kể cả khi giấy đề nghị học cảm tình đảng đưa về tận bàn làm việc. Và khi công việc đòi hỏi vào đảng như một yêu cầu bắt buộc thì tôi cũng lựa chọn cho mình cách sẵn sàng đứng sang bên để khỏi làm một việc mình không thích.
Có một lý do rất cụ thể khiến tôi dứt khoát đứng ngoài đảng ngay khi mới ngoài 20 tuổi: lãnh đạo cơ quan nơi tôi làm việc luôn lấy việc vào đảng và tiền lương để làm sức ép với nhân viên, khiến họ phải qui phục ông. Từ đó tôi không thấy việc vào đảng là vinh dự, là sự phục vụ vô tư nữa…Và với tư cách người cầm bút, càng đứng ngoài mọi tổ chức, tôi càng có thế năng khách quan nhìn nhận mọi việc hơn là hòa tan trong nó. Vậy nên việc trở thành một người tự do là lẽ sống của tôi.
Giờ nghe ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trong phát biểu về những sự thoái hóa trong xã hội Việt Nam hôm nay. Tôi có lời thề như sau để xin được đứng trong hàng ngũ của những "người suy thoái". Vì:
-Không muốn đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo vì qua 80 năm đã chứng minh, một mình đảng cộng sản độc chiếm quyền lãnh đạo đã khiến đất nước điêu linh. Việc chia sẻ sự lãnh đạo đất nước của chung hơn 80 triệu dân với các chính đảng khác là cách thoát khủng hoảng hiện nay.
-Tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng vì chỉ có sự giám sát của các đảng đối lập thì mới mong đấu tranh với nạn tham nhũng, độc đoán, lạm quyền…Đối lập và phản biện chưa bao giờ là "mồ chôn chủ nghĩa tư bản" thì càng không thể là "mồ chôn" đất nước này, dân tộc này. Chính sự độc quyền lãnh đạo mới là nguy cơ khiến đất nước tụt hậu vĩnh viễn.
-Tôi luôn tham gia ký vào tất cả các kiến nghị, kêu gọi của các nhân sỹ, trí thức yêu nước trong mọi lĩnh vực bức thiết của đất nước: boxit; quyền con người, thay đổi Hiến pháp…Vì tôi nghĩ, đó là trách nhiệm công dân cần phải có ở mỗi người trước vận mệnh tồn vong của đất nước.
…
Thưa đảng,
Trước khi có đảng cộng sản thì dân tộc Việt Nam đã từng nhiều lần đánh đuổi quân xâm lược và xây đắp những triều đại có nền văn hiến rực rỡ. Sự diệt vong của các triều đại đã minh chứng: chính sự suy thoái của giới cầm quyềnmới khiến vương triều sụp đổ.
Tới đây tôi nhớ lại Chu Văn An với "thất trảm sớ" trình lên vua Trần Dụ Tông nhưng đã không được Dụ Tông cứu xét. Chu Văn An đề nghị vua cho chém bảy tên đại gian thần là:
-Mai Thọ Đức – Kẻ cai quản phi tần, đã làm dụng chức quyền để bày các trò dâm ô, trác táng dẫn nhà vua vào con đường vô đạo.
-Trâu Canh – tên ngự y người Hán bày trò giết 21 đứa trẻ lấy mật để vua phục hồi dương khí. Chính y bày trò để vua thông dâm với chị ruột của mình nói là phương thuốc trị bệnh.
-Bùi Khoan – Chính chưởng phụng ngự – kẻ bày trò cờ bạc, rượu chè dơ dáy ngay trong hoàng cung để y được hưởng lợi.
-Văn Hiến – can tội gây bè lập đảng khiến các đại thần chia rẽ, nghi ngờ lẫn nhau. Làm vua không phân biệt được người ngay kẻ gian nịnh.
-Nguyễn Thanh Lương – hành khiến tả ty lang trung, kẻ dẫn vua vào con đường ăn chơi xa xỉ tới cạn kiệt tiền của của quốc dân.
-Tâm Đức Ngưu – Tìm cách tăng thu thuế dân đen, tăng các sắc thuế từ thượng cổ chưa từng có để bòn rút lương dân, chi vào các cuộc ăn chơi của nhà vua. Mặc dân chúng đói kém cũng không tha.
-Đoàn Nhữ Cẩu – Bòn rút khẩu phần ăn của binh lính, các đồ binh khó đã cũ vẫn không thay thế để lấy tiền bỏ túi. Sao nhãng việc luyện quân, để ngỏ biên cương…
Điều tệ hại là lũ gian thần này mượn danh hoàng thượng để làm những việc mà nhìn bề ngoài cứ ngỡ chúng vì lẽ phải, vì vua, nhưng kỳ thực là để nhét vào túi chúng.
(Hoàng Quốc Hải – Vương triều sụp đổ)
Bài học từ cổ nhân chưa bao giờ là cũ.
Nếu cổ nhân như Chu Văn An là "người suy thoái" trong triều đại Trần Dụ Tông theo cách nói ngày nay, thì tôi tin, không chỉ mình tôi, nhiều người sẽ xin được làm học trò nhỏ của Người.
Và, sẽ còn nhiều "trảm sớ" được kiến nghị cho đến ngày đất nước được thay đổi, phát triển, tự do, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc…
Sẽ ngày càng càng có nhiều người đứng vào hàng ngũ để được "suy thoái", thưa đảng.
Phần giới thiệu tác giả bài viết của giangnamlangtu - http://giangnamlangtu.wordpress.com/2013/02/26/nha-van-thuy-linh-thua-me-thua-dang/
Trả lờiXóaNhà văn Thùy Linh tên thật là Trần Nguyệt Tuệ. Chị sinh năm 1959 tại Hà Nội, từng tốt nghiệp trường Đại học An ninh, Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 3 (1986-1988) rồi tiếp tục theo học Trường Viết văn M.Gorki (Matxcơva, 1990-1995). Là một người được đào tạo bài bản về ngành an ninh nhưng chị lại được biết đến với tư cách là một nhà văn, nhà biên kịch gắn với những tác phẩm văn học, điện ảnh đã để lại dấu ấn đậm nét trong đời sống văn hóa nước ta.
Chị đã đoạt các giải thưởng lớn về văn học như: Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn Nghệ (1985) với truyện “Mặt trời bé con của tôi” (sau được chọn vào Sách giáo khoa Văn học lớp 8); giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2001-2002) với truyện “Gió mưa gửi lại”; giải B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho tập truyện ngắn “Gió mưa gửi lại” (2004).
Hiện nhà văn Thùy Linh đang là Phó giám đốc Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC).
GNLT