Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Danlambao - Bắt cóc Mẹ Nấm, bộ CA thách thức cả đại sứ quán Úc?

Nguồn danlambao

CTV Danlambao - Lúc 13:30' chiều ngày 29/7/2014, blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bất ngờ bị công an chặn đường bắt cóc khi trên đường ra Hà Nội tham dự buổi hội thảo "Truyền thông phi nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay" do đại sứ quán Úc tổ chức.

Sau hơn 9 tiếng đồng hồ bị bắt giam phi pháp, blogger Nẹ Nấm kể lại sự việc như sau:

"Chiều nay khi đang trên đường đi ra sân bay thì tôi bị chặn lại bởi 5 công an, trong đó 2 CSGT đã ra hiệu lệnh để dừng xe. Họ yêu cầu tôi ra khỏi xe và đưa thẳng về trụ sở công an tỉnh  số 80 Trần Phú, Nha Trang. Tôi từ chối làm việc và các nhân viên an ninh đã phải dùng 4 người đưa tôi xuống xe". 

Trước đó, Blogger Mẹ Nấm là một trong những khách mời đại diện Mạng Lưới Blogger Việt Nam tham dự buổi hội thảo về truyền thông được tổ chức tại Hà Nội. Buổi hội thảo dự kiến sẽ diễn ra tại đại sứ quán Úc vào sáng ngày 30/7/2014.

"Một người trong số họ nói thẳng với tôi: Chị bị mời về làm việc vì có giấy mời tham dự hội thảo tại đại sứ quán Úc. Và đây chính là lý do chị ở đây lúc này".


Cũng theo nữ blogger này, hành vi của lực lượng CA nhằm mục đích phá hoại các hoạt động của Mạng Lưới Blogger Việt Nam thông qua các thủ đoạn đàn áp các thành viên.

"Điện thoại và tài sản cá nhân của tôi bị thu giữ. Thư mời các thành viên Mạng Lưới Blogger Việt Nam bị bóc ra họ đã làm biên bản tịch thu thư mời này, sau đó họ trả lại. Tôi bị tạm giữ 9 tiếng đồng hồ và được thả về sau 9:30 tối cùng với giấy triệu tập làm việc tại cơ quan công an sáng mai. Trong số tài sản cá nhân bị tịch thu của tôi, còn có bài phát biểu của Mạng Lưới Blogger Việt Nam".

Giấy triệu tập điều tra 'nội dung đang điều tra'

Mẹ Nấm cho biết, khi yêu cầu công an trả lại điện thoại bị thu giữ  trước đó, một viên an ninh nói: "Chị biết rồi đó, Facebook là vũ khí của chị nên tạm thời không thể để chị xài điện thoại được"

Cuối buổi làm việc, phía công an Khánh Hòa tiếp tục gửi giấy triệu tập yêu cầu Mẹ Nấm ngày hôm sau phải lên 'làm việc' với lý do điều tra 'nội dung đang điều tra'.

Ngoài việc bị ảnh hưởng về tinh thần cũng như các quyền tự do cá nhân bị xâm phạm, blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh còn bị mất toàn bộ chi phí vé máy bay và tiền đi lại bởi hành động vi phạm pháp luật của lực lượng CA.

Toàn bộ vụ việc ngăn chặn, sách nhiễu đối với blogger Mẹ Nấm và các thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam đã được thông tin chi tiết đến đại sứ quán Úc.

"Hội thảo Truyền thông phi nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay" là buổi hội thảo công khai do đại sứ quán Úc cùng với Liên minh châu Âu, Nhóm sứ quán đại diện cho 4 quốc gia ở Việt Nam (Canada, Niu Dilân, Na Uy, Thụy Sĩ) và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chủ trì tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của diễn giả chính là ông Tim Wilson, Đặc Uỷ viên của Úc về Nhân Quyền, sẽ diễn ra vào ngày 30 tháng 07 tại đại sứ quán Úc ở Hà Nội.

Buổi hội thảo cũng sẽ có những 'khách mời tham dự khác' được nói sẽ bao gồm Chính phủ Việt Nam, đảng cộng sản Việt Nam, và thành viên của cộng đồng khối ngoại giao và xã hội dân sự...


danlambaovn.blogspot.com

===

Bài phát biểu của Mẹ Nấm gửi đến đại sứ quán Úc

CTV Danlambao - Bất chấp hành vi bắt cóc của CA Nha Trang đối với blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, những khách mời còn lại đại diện cho Mạng Lưới Blogger Việt Nam vẫn vượt thoát sự đeo bám để đến tham dự buổi hội thảo "Truyền thông phi nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay" do đại sứ quán Úc tổ chức tại Hà Nội.

Buổi hội thảo sẽ diễn ra vào lúc 08:30 sáng ngày 30/7, diễn giả chính là ông Tim Wilson Đặc Ủy Viên của Úc về Nhân Quyền. 

Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ được các thành viên Mạng Lưới Blogger Việt Nam đọc lên trong buổi hội thảo:

*

Từ 2003 -2004 cho đến nay, sự phát triển mạnh mẽ của các website, blog và mạng xã hội đã tạo ra một xu hướng truyền tải thông tin mới tại Việt Nam. Đó là xu hướng mỗi người dân đều có thể là một chiến sỹ thông tin.

Bên cạnh hệ thống truyền thông do nhà nước quản lý, đã có những trang không chịu sự quản lý của Ban Tuyên giáo đã được thành lập tạo nên một thế giới rộng mở để người dân bày tỏ quan điểm và lắng nghe quan điểm của nhau. Bất chấp mọi ngăn cấm và đe doạ, Tự do Ngôn luận tại Việt Nam đã chính thức cất cánh.

Điển hình như Dân Làm Báo, một blog được duy trì bởi các thành viên ẩn danh ra đời từ 18/07/2009, phát động phong trào "Mỗi người là một chiến sĩ thông tin" đã thúc đẩy sự lên tiếng của nhiều vị trí khác nhau trong xã hội.

Sự phát triển của Blog và mạng xã hội cũng đã làm nổi bật tệ trạng kiểm soát thông tin của nhà nước từ trước giờ. Nó đã tạo ra một cuộc chiến không ngừng nghĩ giữa 2 hệ thống thông tin, giữa sự thật và dối trá, giữa tự do và kiểm duyệt.

Blog và mạng xã hội cũng hình thành nên một thử thách đối với nhà nước khi người dân công khai bày tỏ ý kiến bất đồng với các đường lối, chính sách của chính phủ - đặc biệt ở các vấn đề nhân quyền, dân sinh và mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Trung Quốc.

Để hạn chế sức ảnh hưởng và mức độ thông tin của hệ thống truyền thông phi nhà nước này, các biện pháp  như đặt tường lửa,  ngăn chặn truy cập đã được sử dụng. Bên cạnh đó nhà nước cũng vận dụng các điều luật hình sự để bắt giữ bloggers, và những người sử dụng mạng xã hội như điều 79, điều 88, điều 258 BLHS. Trong đó điều 258 đã được áp dụng để bỏ tù nhiều người, trường hợp mới nhất là blogger Nguyễn Hữu Vinh - tức Anhbasam. Và đó cũng là lý do mà Mạng Lưới Blogger Việt Nam mở chiến dịch vận động quốc tế để đòi hỏi nhà nước VN phải huỷ bỏ điều 258.

Bên cạnh việc cấm đoán, bỏ tù, từ tháng 12/2013, hàng loạt blogger tham gia MLBVN đã bị cấm xuất cảnh tuỳ tiện trước phiên điều trần UPR hồi tháng 2/2014 tại Geneva. Các bạn và cá nhân tôi đang hiện diện nơi đây là nạn nhân của việc cấm đoán này. 

Và đến tận bây giờ, lệnh cấm đó vẫn chưa được gỡ bỏ và không có bất kỳ giải thích rõ ràng cho những người bị cấm rằng họ bị cấm vì lý do gì, cấm đến khi nào. Chúng tôi chẳng khác gì những tù nhân trong thế giới mở ngày hôm nay và VN là một nhà tù khổng lồ.

Chúng tôi, MLBVN nghĩ rằng, quyền tự do ngôn luận gắn liền với hệ thống truyền thông phi nhà nước. Không có tự do ngôn luận nếu không có hệ thống truyền thông độc lập và thông tin độc lập không tồn tại nếu không có tự do ngôn luận. 

Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể làm gì để bảo vệ những người tham gia hệ thống truyền thông phi nhà nước này?

Ngoài những nỗ lực phải có của chính những người Việt Nam, chúng tôi cần sự hỗ trợ của thế giới bên ngoài, của các quốc gia đang có quan hệ ngoại giao và đối tác với Việt Nam. Khi nói tự do ngôn luận là một quyền phổ quát thì chúng tôi tin rằng quý vị sẽ xem việc ngăn cấm tự do ngôn luận đối với bất kỳ ai, tại bất cứ quốc gia nào cũng là những xúc phạm lên những giá trị nền tảng của chính quý vị.

Xin hãy đồng hành cùng chúng tôi.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét