Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Viết ngắn của TS Nguyễn Hưng Quốc

:

TƯ TƯỞNG, NƯỚC VÀ LỬA

Tất cả các nhà độc tài đều sợ tư tưởng. Bởi tư tưởng, tự nó, là quyền lực. Tư tưởng tự do, trong các trường hợp bình thường, như nước, có thể xói mòn dần nền tảng của chế độ độc tài; trong một số hoàn cảnh đặc biệt, nó biến thành lửa, có thể đốt rụi các cung điện bọn độc tài ngự trị. 

TẦM NHÌN HẸP

Năm 1968, trong một chuyến đi thăm Hà Nội ngắn ngủi với tư cách là một "trí thức tiến bộ" của Mỹ, Susan Sontag nhận ra ngay là người Việt Nam ít có thói quen tư duy trên một tầm địa lý rộng. Mọi nhận định và mọi sự so sánh đều chỉ giới hạn trong phạm vi Việt Nam mà thôi (1). David G. Marr, một chuyên gia về sử Việt Nam hiện đại cũng nhận ra một điều là người Việt Nam thường rất ít bận tâm đến lịch sử các nước khác. Số lượng các bài viết về lịch sử nước ngoài xuất bản tại Việt Nam rất hiếm hoi và phần lớn chỉ có tính chất lược thuật chứ không hề là kết quả của một công trình nghiên cứu do chính mình thực hiện (2). Một tầm nhìn hẹp như thế là một trở ngại chính để giới trí thức tiếp cận với xu hướng toàn cầu hoá và giới làm chính trị thì khó thích nghi với cái gọi là địa chính trị (geopolitics) vốn là một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong các quan hệ quốc tế hiện nay.

***
(1) Susan Sontag (1968), Trip to Hanoi, London: A Panther Book, tr. 36.
(2) David G. Marr, "History and Memory in Vietnam Today: The Journal Xua & Nay", Journal of Southeast Asian Studies, March 2000.

SỰ CHÀ ĐẠP VÀ SỰ CAM CHỊU

Ở nơi nào quyền tự do ngôn luận bị cấm đoán nhiều nhất, ở đó, con người bị chà đạp nhiều nhất.

Điều này đã được nhiều người nói.

Tôi chỉ xin thêm ý này: Do thiếu tự do ngôn luận, người ta cũng thiếu thông tin; do thiếu thông tin, người ta không có sự đối chiếu; không có sự đối chiếu, người ta dễ tưởng cái chuồng mình đang ở là cả thế giới, và số phận bị chà đạp của mình cũng là số phận chung của nhân loại. Cái tưởng ấy khiến người ta không biết phẫn uất, và vì không biết phẫn uất nên cũng không thiết tha đến việc tranh đấu để được đối xử như một con người. Như vậy, ở đây, có hai điều đáng buồn: Một, bị chà đạp; và hai, sự cam chịu. Vĩnh viễn cam chịu. 

GIẢI PHÓNG

Năm 1954, đảng cộng sản giải phóng Việt Nam khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp và họ cũng đồng thời giải phóng dân chúng miền Bắc khỏi chút tự do hạn chế mà dân chúng có trước đó. Năm 1975, đảng cộng sản giải phóng miền Nam khỏi sự can thiệp của Mỹ và họ cũng đồng thời giải phóng cả dân chúng miền Nam khỏi chút tự do và hạnh phúc khiêm nhường mà dân chúng được hưởng dù trong bối cảnh chiến tranh rất khốc liệt. Bây giờ, không hứa hẹn giải phóng ai hay cái gì nhưng trên thực tế đảng cộng sản đang cố gắng giải phóng cả dân tộc khỏi hy vọng được dân chủ, thậm chí, khỏi ước mơ được độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

TRÍ THỨC

Muốn làm trí thức, người ta phải luôn luôn là trí thức: Bất cứ khi nào người ta phát ngôn, dưới hình thức nói hay viết, mà để cho bản năng hoặc thiên kiến lấn át lý trí hoặc để cho loại lý trí công cụ thắng loại lý trí phê phán, người ta không còn trí thức nữa. Để làm trí thức, khó; nhưng để bảo vệ tính chất trí thức của mình, còn khó hơn, nhất là với một người cầm bút, hầu như lúc nào cũng phải phát ngôn, dưới hình thức này hoặc hình thức khác.

NHỮNG NGHỀ DỄ NHẤT

Ở các nước dân chủ, không có gì dễ cho bằng làm lãnh tụ phe đối lập: cứ bác bỏ hết đề nghị này đến đề nghị khác của chính phủ miễn nói sao cho lọt tai quần chúng. Dưới các chế độ độc tài, không có gì dễ cho bằng làm lãnh đạo: Nói và làm gì cũng được; sai hay ngu đến mấy cũng được: Những người có đủ trí khôn để thấy cái sai trong những điều họ nói và làm thì không đủ quyền lực để thách thức họ; còn những người có ít nhiều quyền lực thì lại không dám cãi hay chống lại họ!

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét