Ngày 28/7/2014, 61 đảng viên đảng cộng sản Việt Nam gửi kiến nghị đến Ban chấp hành trung ương Đảng đề nghị hai điểm: từ bỏ chế độ toàn trị, và bạch hóa thông tin về hội nghị Thành Đô năm 1991 với Trung Quốc. Giáo sư Tương Lai một trong 61 đảng viên đạt bút ký, lên tiếng với RFA về bản kiến nghị này.
Muốn cứu đảng ra khỏi suy thoái
Kính Hòa: Thưa Giáo sư, từ trước đến giờ đã có những kiến nghị như thế này rồi, lần này Giáo sư đánh giá thế nào về khả năng lắng nghe của Ban chấp hành trung ương Đảng (BCHTƯ)?
GS Tương Lai: Về khả năng lắng nghe thì chúng tôi còn đang chờ đợi. Nhưng khi mà gửi bức thư này đến BCHTƯ và toàn thể đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, thì chúng tôi, một nhóm những người đảng viên của đảng, những người cho đến hiện nay vẫn đứng trong đội ngũ của đảng, chúng tôi muốn biểu tỏ thái độ của chúng tôi vì lý do gì cho đến giờ phút này, chúng tôi vẫn đứng trong đảng, trong lúc có một số người hô hào ra khỏi đảng.
Cái lý do mà chúng tôi đứng lại trong đảng vì chúng tôi muốn rằng với tư cách là một người đảng viên, chúng tôi muốn làm sao cứu đảng ra khỏi cơn suy thoái trầm trọng này. Mà suy thoái trầm trọng vì cái đường lối lý luận sai lầm. Suy thoái về đường lối lý luận sai lầm đó nó dẫn tới một suy thoái nghiêm trọng khác là sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Nhân danh ý thức hệ Xã hội chủ nghĩa, và nhân danh cùng do đảng cộng sản lãnh đạo, Trung Quốc thao túng đảng cộng sản Việt Nam và những người lãnh đạo Việt Nam, biến họ phụ thuộc vào Trung Quốc. Và chính sự phụ thuộc đó đã làm cho uy tín của đảng càng ngày càng giảm sút, mất niềm tin trầm trọng trong đảng viên và trong nhân dân. Cái việc đảng mất uy tín trầm trọng đó có trách nhiệm của tất cả các đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, trong đó có chúng tôi. Nhưng trước hết trách nhiệm thuộc về bộ phận lãnh đạo là Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương.
Chúng tôi muốn rằng với tư cách là một người đảng viên, chúng tôi muốn làm sao cứu đảng ra khỏi cơn suy thoái trầm trọng này.
-GS Tương Lai
Kỳ này nhân việc BCHTƯ sắp họp một hội nghị, mà chuyên đề theo chúng tôi biết là bàn về biển Đông, bàn về kiện Trung Quốc. Chúng tôi nghĩ đây là thời cơ chúng tôi đưa ra bức thư ngỏ này, đưa ra lời kêu gọi. Vì tôi cho rằng đây là cái thời điểm rất quyết định.
Trong dịp này chúng tôi muốn Đảng cộng sản Việt Nam, mà trước hết là BCHTƯ, cơ quan cao nhất của đảng, phải có sự chuyển biến mạnh mẽ để lấy lại niềm tin của dân. Mà muốn lấy lại niềm tin của dân khi mà uy tín đã xuống tận đáy rồi thì không có gì khác là giương cao ngọn cờ dân tộc dân chủ. Muốn giương cao ngọn cờ dân tộc dân chủ thì phải đi với dân, giải phóng dân, không đặt cái ách cai trị theo chế độ toàn trị phản dân chủ của một đảng cầm quyền nhân danh ý thức hệ cộng sản, ý thức hệ xã hội chủ nghĩa nhưng mà lại thực hiện một chế đọ chuyên chế nặng nề đè nặng lên đời sống của nhân dân.
Kính Hòa: Giáo sư vừa nói đến vấn đề ý thức hệ. Nếu nhớ không lầm thì trước đây Giáo sư cũng chính là người đòi hỏi đổi tên đảng Cộng sản thành đảng Lao động. Vậy thì có phải lần này mà ý thức hệ bị thách thức cao nhất kể từ khi có những bảng kiến nghị phải không ạ?
GS Tương Lai: Tôi cũng không biết có phải là lần này là lần thách thức cao nhất. Vấn đề này tôi sẽ suy nghĩ thêm.
Năm 1951 khi đổi tên Đảng cộng sản Đông dương sang Đảng cộng sản Việt Nam, sang Đảng Lao động Việt Nam thì chủ tịch Hồ Chí Minh có nói rằng Đảng Lao động Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động cho nên phải là đảng của dân tộc.
Không phải ngẫu nhiên mà mở đầu cho bảng Tuyên ngôn độc lập Hồ Chí Minh dẫn ra các câu nói bất hủ trong bảng Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ và trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp.
Bây giờ trở lại với cái tên, nước là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đảng là đảng Lao động Việt Nam thì cái Đảng hiện nay mới có cơ may lấy lại được uy tín, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của dân. Tôi thấy là cũng có nhiều người đề cập đến vấn đề này. Thậm chí cái hồi thảo luận về Hiến pháp cũng có đề nghị thay đổi tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hòa thay cho Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Kính Hòa: Cám ơn Giáo sư đã dành thì giờ cho RFA thực hiện cuộc phỏng vấn này.
===
Thư ngỏ gửi Ban chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên
2014-07-29
Bức thư ngỏ gửi cho Ban chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, do 61 đảng viên được nhiều người biết đến ký tên vào ngày 28 tháng 7 vừa qua.
Những điểm đáng chú ý của bức thư ngỏ là gì?
Cơ hội không thể bỏ lỡ!
Nội dung thư ngỏ thừa nhận sai lầm về đường lối của đảng cộng sản Việt Nam trong suốt thời gian mấy mươi năm qua dẫn đến tình trạng đất nước bị cho là khủng hoảng toàn diện và ngày càng tụt hậu.
Những đảng viên ký tên thừa nhận phần trách nhiệm của họ trước dân tộc về những sai lầm đó.Và nay trước tình thế mới khi mà Trung Quốc đã bộc lộ dã tâm muốn Việt Nam phụ thuộc nhằm phục vụ lợi ích của Bắc Kinh, những người từng gia nhập đảng cộng sản ngay những năm tháng đầu như cụ thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, hay những người gia nhập vào những thập niên 80, 90 đưa ra một số yêu cầu.
Đảng cộng sản Việt Nam phải 'tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng CNXH, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa
Đó là đảng cộng sản Việt Nam phải 'tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa'.
Theo những đảng viên ký tên thì 'việc cần thiết và cấp bách hiện nay là phải nhanh chóng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhằm phát huy thế mạnh chính nghĩa của Việt Nam'
Theo họ thì 'Tổ quốc đang lâm nguy đồng thời đứng trước cơ hội lớn để thay đổi!', 'Bỏ lỡ cơ hội này là có tội với dân tộc!'
Tình thế cấp bách
Nữ nghệ sĩ Kim Chi, một trong 61 người ký tên, cho biết ý kiến về biện pháp phải kiện Trung Quốc đối với những hành vi xâm lấn chủ quyền lãnh hải của Việt Nam:
Tôi nghĩ hơn lúc nào hết, chính quyền Việt Nam phải làm ngay, làm gấp việc kiện Trung Quốc ra quốc tế vì không thì không còn kịp nữa.
Chúng tôi nghĩ nếu cứ giữ thể chế độc đảng này và cứ khư khư giữ lấy '16 chữ vàng, 4 tốt' với anh bạn ' rất là tệ hại' này thì tôi thấy rất nguy cho đất nước!
Vấn đề lớn nhất của đất nước hiện nay là con đường phục hưng, phát triển Việt Nam để có thể tạo ra được một sức mạnh nội lực vừa diên vừa hồng- diên là trường cửu, lần ài, bền vững và hồng là lớn lao
Ông Nguyễn Khắc Mai
Một đảng viên kỳ cựu khác có tên trong danh sách những người ký vào thư ngỏ, ông Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm Minh Triết Việt, trình bày về tình thế cấp bách của đất nước Việt Nam hiện nay như sau:
Theo tôi nghĩ vấn đề lớn nhất của đất nước hiện nay là con đường phục hưng, phát triển Việt Nam để có thể tạo ra được một sức mạnh nội lực vừa diên vừa hồng- diên là trường cửu, lần ài, bền vững và hồng là lớn lao. Phải có sức mạnh nội lực của Việt Nam vừa bền vững, vừa lớn lao thì mới có thể tạo ra được hạnh phúc cho ngót 100 triệu con dân!
Từ vấn đề ấy, đối chiếu lại thì có chuyện gì? Có chuyện: con đường, đường lối, quan điểm, và thực tiễn để phát triển đất nước Việt Nam của Đảng Cộng sản ( thực ra không phải của Đảng mà là của Ban lãnh đạo, các ban lãnh đạo của đảng vì họ gạt toàn đảng ra rìa rồi, coi đám này là không đáng kể, thứ yếu), đó là việc cần phải làm. Đường lối mà lâu nay ban lãnh đạo, các ban lãnh đạo áp đặt cho đất nước là sai lầm, đi vào ngõ cụt.
Năm mươi năm không vực dậy được một dân tộc vốn có văn hiến, vốn có truyền thống, vốn có tố chất con người tốt đẹp, vốn có tài nguyên phong phú, và vốn có khả năng đoàn kết quốc tế để tiếp dẫn sức mạnh thời đại tạo ra sức mạnh của chính mình. Điều đó không làm được!
Vì sao họ không thức tỉnh là vì quyền lợi của họ hiện nay đang gắn liền với một chế độ toàn trị để có thể lợi dụng và kiếm chác, giàu có lên trong tình trạng lạc hậu của đất nước. Vì thế họ không muốn đổi mới và nếu ai tha thiết nói đến sửa đổi thì họ gán cho là thoái hóa chính trị
Ông Nguyễn Khắc Mai
Lý do chần chừ
Chừng một tháng sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan khủng Hải dương Thạch Du 981 vào hoạt động ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời báo chí quốc tế lúc có mặt tại Philippines để thăm nước này và dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới có đề cập đến khả năng kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế về hành động như thế; tuy nhiên đến nay Hà Nội vẫn chưa có động thái gì khiến thư ngỏ của các đảng viên phải thúc giục xem đó là việc làm cần thiết và cấp bách.
Vì sao Hà Nội lại chần chừ?
Nữ nghệ sĩ Kim Chi có lý giải:
Theo ý tôi nghĩ vì họ sợ. Cái sợ đầu tiên hết là quyền lợi của họ. Bởi vì họ có những 'liên danh, liên kết' với nhau kiểu gì đó rồi, 'há miệng mắc quai' nên giờ cứ chịu ngúc ngoắc như thế thôi!
Đây là nỗi đau của toàn dân. Hiện nay ai người ta cũng biết, ngay cả người chạy xe ôm hay người bán rau người ta đứng ngoài đường cũng là lên 'sắp mất nước đến nơi'; thế nhưng những người lãnh đạo cứ im lặng thì theo tôi chỉ có nỗi sợ hãi và đã có cái gì với nhau rồi trước đó nên bây giờ không thể nói ra được. Tất cả chúng tôi, những người tham gia ký tên đòi sự thay đổi, đều nghĩ phải có động thái mạnh mẽ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài
Ông Nguyễn Khắc Mai cũng nêu ra những lý do mà Hà Nội đến nay vẫn chưa chủ động đưa Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế về những vi phạm luật pháp quốc tế của họ tại vùng biển Việt Nam:
Sở dĩ có sự chậm chạp vì người ta đang đánh tráo khái niệm để lừa nhân dân, và người ta tin rằng việc đánh tráo khái niệm đó là đúng. Sự sai lầm là cứ duy trì mãi chủ nghĩa Mác- Lê Nin mà thật ra không Mác mà cũng không Lê Nin, mà là một thứ hổ lốn
Thứ hai nữa vì sao họ không thức tỉnh là vì quyền lợi của họ hiện nay đang gắn liền với một chế độ toàn trị để có thể lợi dụng và kiếm chác, giàu có lên trong tình trạng lạc hậu của đất nước. Vì thế họ không muốn đổi mới và nếu ai tha thiết nói đến sửa đổi thì họ gán cho là thoái hóa chính trị…
Theo những người như nghệ sĩ Kim Chi và ông Nguyễn Khắc Mai thì người dân trong nước nay đều thấy vấn đề và nguyện vọng của họ là nhà cầm quyền cần phải dứt khoát với phía Trung Quốc để có thể bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Trong thư ngỏ vừa nêu, những người ký tên nói rằng tâm nguyện của họ là vì nước, vì dân khi vào đảng. Trong những năm gần đây, khi thấy đảng không còn vì nước, vì dân một số đảng viên công khai lên tiếng từ bỏ đảng cộng sản như trường hợp ông Lê Hiếu Đằng và một số đảng viên trẻ sau này như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Đắc Diên…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét