Nói đến Hà Lan nhớ đến cối xay gió, đê quai, hoa tulip, bóng đá tổng lực, sex… nhưng ít người nghĩ đến…tòa án. Vài thứ đầu làm ta chóng mặt, hoa mắt, mỏi gối, chùn chân, nhưng tiếng búa gõ của quan tòa The Hague mới làm cho kẻ mắc lỗi gục hẳn vì những phán xét mang tầm toàn cầu.
Rắc rối Nga, Ukraine, MH17 và Yukos
Tháng 12-2013, do tác động của bà Thủ tướng Đức, Tổng thống Putin đã ân xá cho sếp cũ của Yukos là Mikhail Khodorkovsky do muốn gây dựng hình ảnh Olympic Mùa Đông ở Sochi. Nhưng rồi biểu tình Maidan tại Kiev, lật đổ Yanukovych đã làm ngọn đuốc Sochi không như Putin muốn.
Tỷ phú Khodorkovsky đang vùng vẫy ở phương Tây, đứng sau những vụ ăn miếng trả miếng đối với Putin. Ukraine, MH17, trừng phạt kinh tế và nay là tòa án Hà Lan đang làm Putin đau đầu.
Có lẽ tin về Tòa án PCA ở Hague (Permanent Court of Arbitration – hay còn gọi là The Hague Tribunal) vưa phán quyết, chính phủ Nga phải trả 50 tỉ đôla thiệt hại cho các cổ đông của công ty Yukos nay đã phá sản, không gây chú ý đối với người Việt. Xem thêm trên BBC VN
Bị bắt năm 2003, 10 năm trong tù, Mikhail Khodorkovsky bị tòa án Nga buộc tội lừa đảo và trốn thuế. Dư luận cho rằng tay tài phiệt tỷ phú dầu hỏa Khodorkovsky dám thách thức vị trí của Putin nên mới phải đếm kiến, Yukos bị phá sản và bán rẻ cho các công ty nhà nước của Nga.
Vụ kiện này bắt đầu từ năm 2005, 2 năm sau khi tài phiệt ngồi sau song sắt, do ba công ty con là Hulley Enterprises Limited (Cyprus), Yukos Universal Limited (Isle of Man) and Veteran Petroleum Limited (Cyprus) đâm đơn.
Sau 8 năm, nay tòa PCA "bỗng" kết luận, giới chức Nga đã làm sai và nay phải trả lại tài sản cho Khodorkovsky và các cổ đông. Để có được 50 tỷ đô la "của Cesar trả lại Cesar" chắc chắn còn nhiều cuộc chiến pháp lý tiếp theo, hao sức, tốn của.
Người ta tự hỏi, tại sao vụ Yukos nay lại dấy lên đúng vào thời điểm máy bay hành khách MH17 bị nghi do phiến quân thân Nga bắn rơi, dùng hệ thống tên lửa hiện đại BUK do Nga cung cấp.
Hà Lan là quốc gia có tới 2/3 số hành khách (gần 200 người trong tổng số 298) trên chuyến bay đó. Là một nước nhỏ, cỡ Moscow và ngoại ô cộng lại, dân số 17 triệu, cũng chỉ nhỉnh hơn thủ đô Nga một chút, Hà Lan không dám thách thức nước Nga về chính trị, kinh tế và quân sự sau MH17.
Nhưng nhìn cảnh những xác nạn nhân người Hà Lan và các nước khác trên thế giới bị phơi dưới nắng hè, bị những phiến quân canh gác, gây khó dễ, đồ đạc bị mất cắp, thi thể bị khám xét một cách thiếu tôn trọng, người Hà Lan không thể không căm giận.
Trong lúc Hà Lan đang đón nhận những thi thể từ Ukraine thì tòa án Hague đã làm phận sự của mình. Phán xét bất lợi cho nước Nga là một hành động của tòa án trong thời điểm khá tế nhị này là một đòn gió gửi Putin bởi xảy ra vào lúc căng thẳng Nga – phương Tây đang leo thang, các đòn trừng phạt kinh tế tới tấp đưa ra, miền Đông Ukraine đang chiến tranh.
Nếu Nga không chứng minh "mình đã làm đúng", việc trả lại 50 tỷ USD là đương nhiên. Theo hầu tòa cũng tốn kém, không theo thì tòa tuyên án vắng mặt. Các cổ đông của Yukos có quyền tịch biên tài sản nào thuộc về nước Nga, tài sản Nga có khắp mọi nơi trên thế giới.
Nước nhỏ nhưng tòa án lớn
Dùng luật chính là sức mạnh của các nước nhỏ. Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Ý…từng ra trát bắt cả nguyên thủ quốc gia, nghe tưởng đùa. Mấy năm trước một doanh nhân Việt sang Thụy Sỹ bỗng bị câu lưu vì do một công ty đa quốc gia khác kiện.
The Hague (Den Haag) là một thành phố lớn thứ 3, nửa triệu dân, thủ phủ phương Nam của Hà Lan, dù không phải là thủ đô (Amsterdam) của Hà Lan nhưng là nơi chính phủ, quốc hội, và tòa án tối cao (tam quyền) làm đại bản doanh. Nơi đây có 150 tổ chức quốc tế trong đó có Tòa án Quốc tế (International Court of Justice và International Criminal Court) nổi tiếng khắp thế giới.
Tại đây có những vụ án xét xử các tội phạm chiến tranh và diệt chủng, chống lại loài người. Cựu Tổng thống Serbia, Slobodan Milošević, bị dẫn độ về đây, xét xử từ năm 2002 đến 2005, cuối cùng Milošević chết trong tù. Nhiều chính khách Serbia và châu Phi cũng bị đưa về đây.
Báo chí Việt Nam hay gọi là tòa án quận Hague, nghe có vẻ thường. Trong thực tế, The Hague Tribunal (PCA) có vai trò phán xét quốc tế rất lớn. Việc PCA đưa ra kết luận Nga phải trả lại 50 tỷ đô là cho Khodorkovsky không phải là một phán xét bừa.
Danh sách các vụ tầy đình mà PCA đã và đang xử lý cũng thấy mức độ nghiêm trọng như thế nào (Xem danh sách tại đây).
Các vụ kiện giữa các quốc gia như Hà Lan và Nga tranh chấp ở Bắc Cực, Đông Timor và Australia, Malaysia và Singapore, đến vụ Philippines đang kiện Trung Quốc về tranh chấp đảo cũng đang ở giai đoạn xem hồ sơ.
Ngoài ra, PCA cũng xử kiện tụng giữa các công ty đa quốc gia về đầu tư đa phương. Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp… đều có các công ty dính đến The Hague.
PCA là tổ chức tòa án liên quốc gia bao gồm 115 thành viên, thành lập từ năm 1899, nhằm giải quyết các tranh cãi giữa các quốc gia, các công ty đa quốc gia, kể cả nhân quyền và phán xét tội ác chống nhân loại.
PCA có trụ sở tại Hague là một chứng chỉ, nước nhỏ như Hà Lan, nhưng tòa án mạnh, sức lan tỏa của quốc gia rất lớn trên trường quốc tế. Chẳng ai nghĩ đến chuyện đặt trụ sở tòa án quốc tế tại một nơi mà bắt người vì bao cao su nhưng lại xử tội chống đảng và nhà nước.
Một quốc gia như thế, họ cũng sòng phẳng với chính mình. BBC cho hay, ngày 16/7, PCA phán quyết rằng chính quyền nước này chịu trách nhiệm trong vụ để xảy ra việc giết hại hơn 300 đàn ông và bé trai Bosniak (người Bosnia Hồi giáo) ở Srebrenica, Bosnia-Hercegovina hồi tháng Bảy năm 1995. Vì lính Hà Lan gìn giữ hoà bình tại đây đã không làm tròn bổn phận khi đuổi 300 người ra khỏi doanh trại, sau đó họ bị thảm sát.
Khi tòa đã phán như thế sẽ kéo theo đền bù. No one is above the law – Không ai có thể ngồi trên pháp luật chính là đây.
Người Việt nên biết về luật quốc tế
Vietnam Airlines không quên bài học công ty Falcomar (Ý). Tháng 11 năm 1992, Vietnam Airlines (cũ) ký hợp đồng chỉ định Công ty Falcomar (Ý) là đại lý của VNA tại thị trường Ý. Theo phía nguyên đơn là luật sư Liberaty, từ 12 năm 1992, ông này đã được Falcomar thuê để thực hiện một số công việc cho Falcomar với tư cách là đại diện cho Vietnam Airlines.
Ngày 14 tháng 9 năm 1994, luật sư Liberati có đơn gửi Tòa án Roma yêu cầu Falcomar và Vietnam Airlines thanh toán những chi phí công việc mà ông ta đã thực hiện, tổng số khoảng trên 573.000.000 lire (tiền Ý). VNA không thèm dự, bỏ qua trát hầu tòa. Xem chi tiết trên Wiki về vụ này.
Vì VNA không có mặt tại tòa, Tòa án Roma phán VNA phải nộp 4,3 triệu ER. Kiện đi kiện lại vẫn bị phạt.
Năm 2004, Ủy ban Đòi nợ và Tịch biên Pháp thông báo phong tỏa số tiền 1,3 triệu euro tại tài khoản BSP Pháp (tài khoản thu từ bán vé máy bay ở đại lý) của Vietnam Airlines để thanh toán theo phán quyết của tòa. Kèm theo quyết định của Tòa Phúc thẩm Paris xác nhận số tiền mà Vietnam Airlines phải trả là gần 5,2 triệu euro (tính cả lãi suất phát sinh theo lãi suất ngân hàng, tức là khoảng 100 tỷ đồng).
Chẳng hiểu vụ việc đi đến đâu. Nhưng cho dù có hòa thì tiền mất tật mang vì đã bị kiện phải thuê luật sư, mà thù lao khoảng 1000$/giờ. Ngày 8 tiếng làm việc đã toi 8000$, kéo khoảng vài 3 năm, ai có thể chịu nổi. Đôi khi nộp tiền phạt còn rẻ hơn là theo kiện.
Nếu nghĩ rằng PCA (The Hague Tribunal) đưa trát bắt nước Nga trả lại 50 tỷ đô la là trò chính trị vui đùa thì không hiểu luật lệ quốc tế. Ngược đãi, bắt người vô cớ, hành hạ và thủ tiêu bí mật, rất dễ bị liệt vào tội chống lại nhân loại ở tòa án Hà Lan, hậu quả thường đến sau khi kẻ phạm pháp không còn ngồi trên ghế quyền lực.
Vĩ thanh
Có lẽ Putin không lường trước được những đòn hiểm về kinh tế của phương Tây. Chiếm Crimea, giúp phiến quân miền đông Ukraine, bắn rụng MH17 và hành xử bất nhân sau đó… đang làm nước tràn ly. Vụ Yukos, rồi tại London cũng rục rịch lội tay KGB bị ám sát từ thời nào thời nào ra điều tra lại từ đầu. Bây giờ thêm đối thủ Khodorkovsky giơ găng. Chống đỡ các đòn tứ phía quả là khó.
Hà Lan có đặc sản cối xay gió, bóng đá tổng lực, phố đèn đỏ, sex, nhưng ít ai nhớ đến…tòa án. Mấy thứ đầu làm ta chóng mặt, hoa mắt, lảo đảo… nhưng tòa án mới là thứ làm người ta gục ngã vì những phán xét mang tầm toàn cầu.
Nước nhỏ nhưng nền pháp luật lớn làm nên một siêu cường có sức mạnh mềm. Thay vì sắm tầu ngầm kilo, SU hay Mig, tên lửa, người Hà Lan dùng pháp luật bảo vệ tổ quốc, và sẵn sàng xử các cường quốc nếu vi phạm luật.
HM. 28-7-2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét