Nguồn quechoa
Tác giả gửi Quê Choa
30-07-2014
Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần có ý kiến ngay để hủy bỏ Điều 38 Thông tư số 28/2014/TT – BCA của Bộ Công an, trước khi Thông tư này có hiệu lực vào 25/8/2014
Ls Trần Vũ Hải/ Quê Choa Lời dẫn ( Rút từ băng ghi âm ls Trần Vũ Hải trả lời pv BBC (tại đây!):
Chúng tôi, những luật sư rất ngạc nhiên khi xuất hiện điều 38 Thông tư 28/2010/TT-BCA liên quan trực tiếp đến việc hành nghề luật sư của chúng tôi. Chúng tôi không rõ tại sao lại có quy định như vậy trong Thông tư này. Tôi xin trích nguyên văn điều 38 này như sau:
Khi phát hiện thấy người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý có hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra như: cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, ngăn cản việc khai báo, tiết lộ bí mật, cung cấp tài liệu sai sự thật, khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác thì Điều tra viên tiến hành lập biên bản sự việc trên, có thể ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ.
Như vậy Thông tư này có vẻ cho phép điều tra viên ("ĐTV") tiến hành những biện pháp điều tra ngược lại đối với luật sư. Chúng tôi đọc kỹ thì không có điều luật nào cho phép quy định như vậy. Thực tế trên thế giới cũng không có điều này. Điều này rất nguy hiểm bởi vì ở đây chỉ cần nói rằng khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ. Vậy thế nào là khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ? Bên này bảo có, bên kia bảo không. Hoặc về hành vi trái pháp luật khác thì đó là hành vi nào? Việc quy định như vậy rất chung chung. Mà chỉ việc đó thôi ĐTV lập biên bản sự việc. Ngoài ra còn cho phép ghi âm, ghi hình nhưng không quy định ghi âm, ghi hình ở đâu, như thế nào. Biện pháp khác là biện pháp nào? Những biện pháp này giả sử có thì phải thông qua các cơ quan như tòa án, viện kiểm sát và thậm chí phải khởi tố ở vụ án hình sự về việc một luật sư hay ai đó cản trở việc thực hiện công lý của các cơ quan tố tụng chứ không thể nào quy định điều tra viên được tự quyền thực hiện.
PV: Nội dung điều 38 như ông vừa mới trích nguyên văn tôi có cảm giác như quá trình tiếp xúc giữa luật sư với các bị can có thể bị ghi hình, ghi âm đúng không ạ?
Vâng, như vậy chỉ cần ĐTV xác định như thế thôi, ĐTV tiến hành lập biên bản. Tôi nghĩ rằng việc lập biên bản có mặt luật sư có thể công khai, nhưng biện pháp ghi âm ghi hình có thể là không công khai. Tất nhiên họ chỉ nói rằng, việc chúng tôi làm như vậy chỉ ghi âm ghi hình luật sư trong trại giam. Nhưng tôi nghĩ điều đó cũng không được bởi vì việc tiếp xúc giữa luật sư với các bị can là gặp riêng, không thể ghi âm ghi hình. Còn nếu gặp trong quá trình điều tra mà có mặt điều tra viên thì việc ghi âm hình (nếu có) phải công bố cho luật sư và các bị can là có ghi âm, ghi hình và tiến hành các biện pháp đó thì không trái Bộ luật Tố tụng hình sư.
Nhưng ở đây người ta nói rằng có hành vi cản trở gây khó khăn cho hoạt động điều tra như cưỡng ép, xúi giục người khác, ở đây họ không chỉ nói đến các bị can trong trại tạm giam, mà tất cả các đối tượng là nhân chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, bị hại v..v.., và cả những người được coi là có liên quan đến vụ án chứ không phải là không. Tức là không chỉ là trong khuôn viên của một trại giam hoặc trong cơ quan điều tra mà có thể ở ngoài. Tôi nghĩ như vậy sẽ rất nguy hiểm, các điều tra viên nói rằng cái này tôi không biết, tôi làm theo thông tư của ngành công an, đấy là quyền của chúng tôi. Cái này phải báo động kinh khủng.
PV: Xin hỏi luật sư liệu có thể hiểu được rằng quy định này có thể là hình thức mở đường cho tình trạng nghe lén hoặc ghi âm lén hoặc ghi hình lén của cơ quan điều tra ở mọi môi trường, mọi địa điểm, mọi đối tượng không ạ?
Chúng tôi cho rằng việc này rất bất lợi và rất nguy hiểm cho các luật sư. Thế thì việc ghi âm, ghi hình … người ta coi là các biện pháp nghiệp vụ để nhằm bảo vệ quyền của họ và trách nhiệm của họ trong tố tụng, nhưng thực ra họ có thể sử dụng kết quả của việc này để làm các việc khác, vì điều 38 khoản 2 họ có nói rằng tùy theo mức độ vi phạm của người bào chữa, điều tra viên báo cáo thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng của cơ quan điều tra quyết định thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ của đương sự hoặc đề xuất biện pháp sử lý khác theo quy định của pháp luật. Ở đây chúng tôi muốn nói cái này có thể dẫn đến việc tùy tiện. Thậm chí điều tra viên không thấy nói rằng là trước khi tiến hành những biện pháp này họ phải báo cho cấp trên của họ, tức là không có sự giám sát của cấp trên trong thông tư này nói, nghĩa là điều tra viên có quyền làm những việc đối phó với luật sư, từ đó có thể dẫn đến những hậu quả khác mà chúng ta cũng chưa thể lượng được. Ví dụ tôi là luật sư, tôi nói chuyện với một ai đó, họ nghi rằng tôi xúi giục chẳng hạn, thế thì tôi nói chuyện với vợ tôi, hoặc tôi nói chuyện với bố mẹ của đương sự… chúng tôi chưa chắc nói chuyện về vụ này, nhưng họ nghi rằng chúng tôi nói về cái việc này, cho nên họ sẽ tiến hành ghi âm, ghi hình và các biện pháp khác. Chúng ta biết rằng trên internet có những phương pháp ghi âm, ghi hình, ghi lén một cách rất tinh vi. Có lẽ chúng tôi phải có một văn bản yêu cầu ngay để trấn chỉnh điều 38, khoản 1, khoản 2 này như vậy.
PV: Ông nghĩ rằng việc kiến nghị của luật sư sẽ thực hiện trong thời gian sắp tới là trong thời gian bao nhiêu lâu và liệu có nhận được câu trả lời gì không?
Tôi đã gọi cho 2 phó chủ nhiệm đoàn luật sư của 2 thành phố lớn rồi và tôi sẽ trao đổi với liên đoàn luật sư trong thời gian sớm nhất, và chúng tôi sẽ yêu cầu họ phải lên tiếng giải thích, và họ phải làm việc với Bộ Công an để giải thích điều 38 này như thế nào, nó có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Nó có vượt quá thẩm quyền của cơ quan điều tra và điều tra viên hay không? Nếu mà các vị mà định áp dụng thì làm thế nào để ngăn ngừa. Cá nhân tôi thì cho rằng không thể áp dụng điều 38 này. Tóm lại điều 38 khoản 1 này là không nên có.
ĐỀ NGHỊ CỦA LUẬT SƯ TRẦN VŨ HẢI
(Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần có ý kiến ngay để hủy bỏ Điều 38 Thông tư số 28/2014/TT – BCA của Bộ Công an, trước khi Thông tư này có hiệu lực vào 25/8/2014)
Kính gửi: Liên đoàn luật sư Việt Nam
Tôi – Luật sư Trần Vũ Hải, Trưởng Văn phòng luật sư Trần Vũ Hải xin gửi tới Quý Liên đoàn lời chào trân trọng và đề nghị như sau:
Thông tư số 28/2014/TT – BCA ngày 07/07/2014 của Bộ Công an về công tác điều tra hình sự trong công an nhân dân (có hiệu lực từ ngày 25/8/2014) tại điều 38 có quy định về trách nhiệm của Điều tra viên trong việc xử lý vi phạm đối với người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý như sau:
1. Khi phát hiện thấy người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý có hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra như: cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, ngăn cản việc khai báo, tiết lộ bí mật, cung cấp tài liệu sai sự thật, khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác thì Điều tra viên tiến hành lập biên bản sự việc trên, có thể ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ.
2. Tùy theo mức độ vi phạm của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý, Điều tra viên báo cáo Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận người bào chữa, Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc đề xuất biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi thấy rằng quy định trên sẽ dẫn đến áp dụng tùy tiện, gây cản trở hoạt động hành nghề của luật sư, thậm chí cho phép điều tra viên tự ý dùng các biện pháp trái pháp luật để điều tra luật sư, gây nguy hiểm về nhiều mặt cho giới luật sư, vô hiệu hóa vai trò của luật sư.
Chúng tôi đề nghị lãnh đạo Liên đoàn Luật sư khẩn cấp họp về vấn đề này. Trong trường hợp chưa họp được, chúng tôi đề nghị ông Chủ tịch Liên đoàn Luật sư sớm yêu cầu Bộ Công an hủy bỏ quy định trên trước ngày 25/8/2014 và đề xuất với Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sớm có ý kiến về quy định nhằm vô hiệu hóa luậ sư của Thông tư số 28/2014/TT-BCA
Luật sư Trần Vũ Hải
Tác giả gửi Quê Choa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét