Nguồn facebook Nguyễn Hưng Quốc
ĐẠI HẠNH VÀ ĐẠI HỌA
Trong một quốc gia, nếu mọi người có chung một mơ ước và một nỗi tự hào thì là một đại hạnh; nếu mọi người có chung một cách nghĩ và một cách nói thì lại là một đại họa. Sự nghèo nàn trong tư tưởng và trong ngôn ngữ cũng đáng bị chê trách như sự nghèo nàn về kinh tế. Đằng sau sự nghèo nàn về kinh tế là những kẻ lãnh đạo bất lực hoặc bất lương. Đằng sau sự nghèo nàn về tư tưởng và ngôn ngữ chắc chắn là một hệ thống toàn trị nghiệt ngã.
ĐỘC TÀI CÒN NGUY HIỂM HƠN NGOẠI XÂM
Ở Việt Nam, người ta hay nói đến hiểm hoạ ngoại xâm. Đành là đúng. Nhưng có một hiểm hoạ khác cũng đáng sợ và cần phải sợ không thua gì ngoại xâm: độc tài. Những vụ giết người tập thể ghê tởm nhất trên thế giới trong thế kỷ 20 vừa qua gắn liền với nạn độc tài trong nước hơn là ngoại xâm: ở Liên Xô, dưới thời Stalin và ở Trung Quốc, dưới thời Mao Trạch Đông, có cả hàng chục triệu người bị giết chết. Trong số khoảng 3 triệu 3 trăm ngàn người Khmer bị giết chết từ thập niên 1970 đến 1980, chỉ có khoảng một triệu là chết vì chiến tranh, còn hơn hai triệu là bị giết chết vì Pol Pot.
PHẪN NỘ
Tâm lý quần chúng bao giờ cũng sợ hãi quyền lực. Để vượt qua những sự sợ hãi tự phát ấy, lý trí không, chưa đủ. Nghị lực không, cũng chưa đủ. Đối với quần chúng, sự sợ hãi chỉ có thể được vượt qua bằng một thứ cảm xúc khác: phẫn nộ. Trong các cảm xúc của con người, cũng như sự sợ hãi, phẫn nộ là một cảm xúc có thời tính, hơn nữa, nó cần sự kích hoạt từ bên ngoài. Mà cái bên ngoài đó thì không ai kiểm soát hay đoán trước được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét