Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Viết ngắn của TS. Nguyễn Hưng Quốc : TẠI SAO CHỐNG?

Nguồn facebook Nguyễn Hưng Quốc


NÓI VÀ GÀO CŨNG LÀ HÀNH ĐỘNG

Trên facebook, một số người đặt vấn đề: đối diện với một chính quyền độc tài vừa hèn với giặc vừa ác với dân như chính quyền Việt Nam hiện nay, mọi người cần phải làm một cái gì cụ thể thay vì chỉ ngồi nói suông. Đồng ý. Nếu làm được gì đó thì hay biết mấy. Nhưng nếu chưa làm được, chỉ cất một tiếng nói hoặc một tiếng gào cũng đã rất quý. Nói hay gào một mình hoặc với năm bảy người thân chỉ là một cách nói và một cách gào. Nhưng nếu nói và gào cho cả hàng ngàn người nghe (ví dụ trên facebook) thì việc nói và gào ấy trở thành một hành động. Nếu những hành động như vậy cứ lan tỏa, lan tỏa, thật rộng và thật sâu thì việc làm một cái gì đó không còn xa xôi nữa. 

TẠI SAO CHỐNG?

Tôi chống lại tính chất độc tôn và độc tài của chế độ cộng sản vì nhiều lý do. Lý do đầu tiên, với tư cách một con người, là: nó vô nhân đạo; với tư cách một công dân, là: nó tàn phá đất nước hầu như trên mọi mặt, không những chỉ về kinh tế mà còn về xã hội, văn hóa, giáo dục và đạo đức; với tư cách một trí thức, là: nó ngu dân hóa; với tư cách một người cầm bút, là: nó giành độc quyền viết lịch sử một cách gian trá. Tôi không có tham vọng cứu dân chúng, đất nước và nhân tính, tôi chỉ muốn làm một điều trong phạm vi khả năng và sở trường của mình: quyết giành cho được cái quyền được góp phần tạo nên những tự sự (narrative) khác. Bằng chính ngòi bút của mình.

CÁI KHÁC, CÁI SAI VÀ CÁI ÁC

Tôn trọng sự khác biệt không phải là tôn trọng cái sai và cái ác. Ở Tây phương, sau biến cố 11/9/2001, người ta vẫn tôn trọng anh dù anh theo Hồi giáo, tuy nhiên, nếu anh nhân danh tôn giáo của mình để gieo rắc thù hận trong xã hội, người ta sẽ phê phán anh; nếu anh có ý đồ khủng bố, người ta sẽ trừng trị anh. Đối với cộng sản, cũng vậy. Người ta vẫn tôn trọng cộng sản với tư cách một chủ thuyết: sách của Marx, Engels, Lenin, Stalin và Mao Trạch Đông… vẫn được dịch, xuất bản và phát hành; với tư cách một đảng phái: vẫn được phép hoạt động; với tư cách cả nhân: ai muốn theo thì theo, không ai phản đối cả. Người ta chỉ chống lại cộng sản trong hai trường hợp: Một, khi đảng cộng sản giành vị thế lãnh đạo độc tôn và tuyệt đối; và hai, có những chính sách độc tài và tàn bạo, vừa không có hiệu quả về kinh tế và xã hội vừa chà đạp lên những quyền căn bản của con người.

TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT

Trong status vừa rồi, tôi viết: Điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất của dân chủ là mọi người dân phải ý thức về cái quyền của mình. 

Điều kiện thứ hai là gì? 

Là: Biết tôn trọng những sự khác biệt của người khác, từ những khác biệt về màu da đến những khác biệt về tôn giáo, văn hóa và quan điểm, kể cả quan điểm chính trị. Không biết tôn trọng những cái khác như thế, người ta rất dễ trở thành độc tài. 

Không thể đòi hỏi dân chủ khi bản thân mình đã có máu độc tài, dù là những kẻ độc tài không có quyền lực.

MUỐN CÓ DÂN CHỦ

Muốn có dân chủ, cần có nhiều điều kiện, nhưng điều kiện đầu tiên, và do đó, quan trọng nhất, là: người dân phải ý thức về những cái QUYỀN của mình và kiên quyết bảo vệ những cái QUYỀN đó. Đó là những cái quyền căn bản và tối thượng của con người chứ không phải là những gì được chính phủ ban phát. Không ai có thể ban phát những cái quyền ấy cả. Chính phủ chỉ có thể, trong trường hợp tốt nhất, bảo vệ chúng, và, trong những trường hợp xấu nhất, ăn cắp chúng. 

ĐỘC TÀI ĐẢNG TRỊ

Trên thế giới, có năm loại độc tài chính: độc tài quân chủ (monarchy, như ở Saudi Arabia), độc tài quân phiệt (military dictatorship, kiểu Pinochet ở Chi Lê), độc tài cá nhân (personal dictatorship, kiểu Saddam Hussein ở Iraq hay Muammar Gaddafi ở Lybia), độc tài đặc tuyển (oligarchy, kiểu Ayatollah Ali Khamenei ở Iran) và động tài đảng trị (các quốc gia cộng sản). Bốn loại độc tài đầu có thể bị lật đổ bằng biện pháp đảo chính nhưng loại độc tài cuối cùng thì chỉ có thể bị lật đổ bằng cách mạng (hoặc từ trên xuống hoặc từ dưới lên).

ĐÁNH ĐỔ ĐỘC TÀI & XÂY DỰNG DÂN CHỦ

Đánh bại chế độ độc tài là một chuyện; xây dựng được chế độ dân chủ sau đó hay không thì là một chuyện khác. Chỉ có điều quan trọng cần nhớ: Tuy công việc thứ hai đến sau nhưng nó cần phải được chuẩn bị trước. Việc đánh đổ độc tài có thể xảy ra một cách bất ngờ, nhưng việc xây dựng dân chủ thì bao giờ cũng cần được chuẩn bị rất sớm.

CÁI ÁC

Cái ác vốn gắn liền với bản tính con người: Ở đâu và thời nào cũng có. Chỉ có điều là khi gắn liền với quyền lực chính trị, cái ác được hợp pháp hóa và đạo lý hoá, do đó, vượt ra khỏi những giới hạn bình thường. Khi quyền lực tuyệt đối, cái ác cũng trở thành tuyệt đối. Dưới các chế độ độc tài, cái ác vừa là cứu cánh vừa là phương tiện: Các nhà độc tài bao giờ cũng, một, sử dụng quyền lực để thỏa mãn cái tính ác bẩm sinh trong mình; và hai, sử dụng những cái ác ấy để khủng bố tinh thần dân chúng khiến họ sợ hãi không dám phản kháng hầu bảo vệ quyền lực của mình. Trong khi dân chúng không thể ngăn chận yếu tố thứ nhất, họ có thể vô hiệu hóa yếu tố thứ hai bằng cách vượt qua được sự sợ hãi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét