Vào những ngày này và sẽ tiếp diễn trong ít nhất nửa cuối năm 2014, Chính phủ Việt Nam đang và sẽ phải tìm cách trả lời Chính phủ Hoa Kỳ về một vấn đề thuộc loại rất quan yếu đối với Bộ Chính trị Hà Nội: Phải cải thiện tình trạng dân chủ và nhân quyền trong nước như thế nào để có thể được ngồi vào một cái ghế trong bàn ăn TPP và được giao dịch vũ khí sát thương? Thậm chí còn quan yếu hơn: Làm thế nào để có thể nhận được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ thông qua cơ chế đối tác chiến lược toàn diện kèm tương trợ quân sự tại khu vực Biển Đông, sau thời điểm tháng 5/2014 khi Trung Quốc bộc lộ ý đồ thôn tính Việt Nam lộ liễu đến thế?
Tuy nhiên bất chấp những "cố gắng tích cực" của Chính phủ Việt Nam trong hai cuộc kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền (UPR) năm 2009 và năm 2014, bất chấp tư cách tân thành viên của nhà nước này trong Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 11/2013, dư luận trong nước, quốc tế cùng rất nhiều nghị sĩ trong Quốc hội Hoa Kỳ vẫn lên án Nhà nước Việt Nam tiếp tục vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng và mô tả tình hình nhân quyền ở quốc gia này ngày càng xấu đi.
Tính đến thời điểm giữa tháng 7/2014, đã có đến 200 dân biểu Dân Chủ, tức toàn bộ các dân biểu thuộc Đảng Dân Chủ ở Hạ viện Hoa Kỳ, không ủng hộ TPP nói chung vì Việt Nam chưa thực hiện định chế công đoàn lao động độc lập. Trong đó, 153 nghị sĩ đã chính thức tuyên bố không ủng hộ TPP và nêu đích danh những vi phạm quyền lao động ở Việt Nam.
Cũng có đến 36 dân biểu Cộng Hoà đã chính thức tuyên bố không thuận cho Việt Nam vào TPP vì e rằng sự cạnh tranh thiếu sòng phẳng của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến ngành dệt may của Hoa Kỳ. Trong đó, 10 dân biểu Cộng Hoà đã ký tên trong một văn thư chung do Dân biểu Frank Wolf khởi xướng gửi Tổng thống Obama, khẳng định rằng Việt Nam phải cải thiện nhân quyền nếu muốn được tham gia TPP.
Một trong những vi phạm trầm trọng về nhân quyền của Chính phủ Việt Nam chính là quyền tự do đi lại của công dân. Trường hợp cá nhân tôi - nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng - là một trong rất nhiều minh họa sống động như thế, xin được trình bày dưới đây:
Về bản thân
Tôi là một nhà báo, nhà văn, viết kịch và nhà nghiên cứu độc lập chuyên nghiệp từ những năm 1990. Từ năm 2005, tôi bắt đầu nghiên cứu, viết sách đề xuất về mô hình xã hội dân sự cho Việt Nam.
Từ năm 2011, tôi bắt đầu đề xuất với Nhà nước Việt Nam về sự cấp thiết phải chấp nhận tính đa nguyên chính trị, chuyển đổi mô hình một đảng sang mô hình nhiều đảng, xây dựng mô hình nhà nước pháp quyền với điều kiện cần là cơ chế tam quyền phân lập, và cần chính thức thừa nhận và tạo điều kiện cho xã hội dân sự được hình thành và phát triển ở Việt Nam.
Tôi cũng viết nhiều bài điều tra, chỉ trích nạn tham nhũng và các nhóm lợi ích của giới quan chức đang tràn ngập ở Việt Nam, đăng tải trên các đài quốc tế như BBC, RFA.
Vào tháng 7/2012, tôi bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Công an bắt khẩn cấp liên quan đến các bài viết của tôi. Tôi bị khởi tố hai tội danh: điều 79 Bộ Luật hình sự "Âm mưu lật đổ chính quyền" và điều 88 Bộ Luật hình sự "Tuyên truyền chống nhà nước".
Sau gần 7 tháng bị điều tra và tạm giam, tôi được đình chỉ điều tra và được trả tự do. Từ đó đến nay, tôi chính thức cộng tác với các đài báo quốc tế như VOA, BBC, RFI, RFA, ABC và báo chí Việt ngữ ở nước ngoài để viết, trả lời phỏng vấn các bài phản biện và bình luận thời sự.
Hiện nay tôi là thành viên của 3 tổ chức dân sự độc lập ở Việt Nam là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, Diễn đàn Xã hội dân sự và Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam.
Bị cấm xuất cảnh
Vào tháng 1/2014, tôi nhận thư của tổ chức UN Watch - cơ quan giám sát nhân quyền thuộc Liên Hiệp Quốc – mời tôi tham gia với tư cách diễn giả của hội thảo "Trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam về thực thi nhân quyền", bên cạnh cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) về nhân quyền Việt Nam tổ chức vào ngày 5/2/2014 tại Geneva, Thụy Sĩ. Tôi đã chuẩn bị bài tham luận gửi cho hội thảo này với tiêu đề "Vai trò của các NGO trong việc thúc đẩy nhân quyền cho Việt Nam".
Về phía chính quyền Việt Nam, họ đã biết rõ việc tôi được mời đến Thụy Sĩ, thể hiện ít nhất qua những biểu hiện:
- Các viên chức chính trị của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã làm việc với Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến đi Thụy Sĩ của tôi.
- Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Bangkok đã gửi văn thư cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, phái đoàn Việt Nam tại Geneva và Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, đề nghị hỗ trợ tôi được đến Thụy Sĩ.
Được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Thụy Sĩ và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, tôi đã nhận được visa nhập cảnh và vé máy bay đi Thụy Sĩ.
Nhưng bất chấp những vận động nhiệt tình và thiện ý của Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế, chuyến đi Geneva của tôi vào ngày 1/2/2014 từ sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) đã bị Cục quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an và cơ quan an ninh thuộc Công an TP. Hồ Chí Minh ngăn chặn thô bạo, đồng thời lập biên bản thu giữ hộ chiếu của tôi với lý do hoàn toàn mơ hồ là nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia".
Ai mới vi phạm pháp luật?
Ngay trước thềm UPR diễn ra ngày 5/2/2014 tại Thụy Sĩ, hành động các cơ quan an ninh Việt Nam ngăn chặn việc xuất cảnh đối với tôi đã vi phạm nghiêm trọng quyền tự do đi lại của công dân - được ghi nhận tại điều 12 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982; vi phạm nghiêm trọng Điều 23 của Hiến pháp Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
Về phần mình và với tư cách một công dân, tôi không vi phạm bất cứ quy định nào về pháp luật xuất nhập cảnh ở Việt Nam.
Vào tháng 8/2012, tôi cũng đã bị Công an TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo "không nên đi" khi tôi được mời dự với tư cách diễn giả tại Hội thảo mùa hè ở Singapore về cải cách kinh tế Việt Nam. Cơ quan an ninh cố gắng làm cho tôi hiểu rằng nếu không đồng ý với khuyến cáo của cơ quan an ninh, tôi hoàn toàn có thể bị ngăn chặn tại sân bay nếu vẫn giữ nguyên kế hoạch xuất cảnh.
Thực trạng cấm xuất cảnh ở Việt Nam
Một trong những yêu cầu chủ chốt và ưu tiên của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Chính phủ Hoa Kỳ đối với Việt Nam là sự tham gia của xã hội dân sự. Liên Hiệp Quốc hoàn toàn khuyến khích các nhóm dân sự và các cá nhân Việt Nam như tôi tham dự cuộc kiểm điểm UPR.
Nhưng thực tế về quyền xuất cảnh ở Việt Nam lại quá dị biệt với những lời cam kết của nhà nước này về quyền đi lại công dân. Theo thống kê sơ bộ của giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, từ đầu năm 2013 đến nay đã có ít nhất 20 trường hợp cá nhân bị ngăn chặn xuất cảnh tại các cửa khẩu đường không và đường bộ, tương tự vụ việc của tôi.
Cũng có thông tin trong giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam cho biết hiện đang tồn tại một danh sách lên đến khoảng 2,000 người bị cơ quan an ninh cấm xuất cảnh, trong đó có hàng trăm trường hợp bị ngăn chặn thuộc về các cựu tù nhân lương tâm và những người bất đồng chính kiến.
Tháng 2/2014, Hội Những người bị cấm xuất cảnh đã được thành lập. Bản danh sách chưa đầy đủ mà hội này cung cấp cho thấy có ít nhất 40 người mà vì lý do chính trị và bất đồng chính kiến đã bị cơ quan an ninh Việt Nam không cho xuất cảnh hoặc bị thu giữ hộ chiếu…
Trong thực tế, hành động ngăn chặn xuất cảnh đối với những người như tôi đã làm xấu đi rất nhiều hình ảnh của Nhà nước Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế, chứng minh không thể sinh động và cập nhật hơn về việc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - một thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc - luôn ngang nhiên vi phạm các cam kết về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, vi phạm Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đồng thời vi phạm Hiến pháp của chính nhà nước này.
Chưa phải lời kết
Ngay sau khi vụ việc cấm xuất cảnh xảy ra đối với tôi, các tổ chức phi chính phủ quốc tế như UN Watch, Văn bút quốc tế (PEN), Phóng viên không biên giới (RSF), Ủy ban luật gia quốc tế (ICJ) đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động ngăn chặn này của Nhà nước Việt Nam.
Mặc dù tôi đã gửi thư khiếu nại đến Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Công an Việt Nam và chính quyền TP. Hồ Chí Minh, nhưng cho đến nay các cơ quan hữu quan Việt Nam vẫn chưa trả lại hộ chiếu và chưa phục hồi quyền xuất cảnh cho tôi.
Qua Thư ngỏ này, tôi tha thiết đề nghị Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ thể hiện thái độ mạnh mẽ và có hành động dứt khoát để yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải tôn trọng công ước quốc tế và tôn trọng hiến pháp của chính nhà nước này, thành tâm thực hiện những cam kết về nhân quyền, trong đó có quyền tự do đi lại của công dân; nghiêm trị hành vi phạm pháp đối với những quan chức an ninh vi phạm, có những biện pháp thích đáng để không xảy ra những vụ phạm pháp tương tự về quyền đi lại đối với mọi công dân Việt Nam.
Trên căn bản Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, 14 điều cam kết của Nhà nước Việt Nam trước Đại hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tư cách thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc của Nhà nước Việt Nam, Hiến pháp và các văn bản liên quan của Việt Nam về xuất nhập cảnh, tôi yêu cầu Chính phủ Việt Nam:
- Trả lại hộ chiếu cho tôi và những trường hợp bị thu giữ hộ chiếu tương tự như tôi.
- Phục hồi quyền xuất cảnh và nhập cảnh một cách tôn trọng đối với tôi và những trường hợp tương tự như tôi theo các quyền công dân; tôi và những trường hợp tương tự như tôi không thể bị sách nhiễu hoặc bị xúc phạm bởi bất cứ một hành vi tùy tiện hoặc trái pháp luật nào từ bất cứ cơ quan quản lý nào của Việt Nam.
Chúng tôi, những người đang cố gắng tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ và công bằng, sẵn lòng chuyển tới Quốc hội, Chính phủ Hoa Kỳ cùng Liên minh châu Âu những chứng minh xác thực và thuyết phục hơn về hiện trạng vi phạm nhân quyền trên nhiều mặt của giới hữu trách Việt Nam, trong hiện hữu và có thể còn leo thang cả trong tương lai.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét