1. Một bộ sách đồ sộ. Không phải ở độ dày ngàn trang mà vì dung lượng thông tin liên quan đến lịch sử đất nước trong 30 năm sau ngày "Bắc Nam liền một dải". Đất nước sau chiến tranh với quá nhiều những biến cố quan trọng được lèo lái bởi các nhà lãnh đạo mà mỗi vị đều tự nhận mình là đồ đệ chân truyền của "cha già dân tộc". Đất nước với vô số những số phận cả hai phía, bị "cuốn theo chiều gió", những thường dân và viên chức, các nhà kinh tế và thương gia, các nhà thơ và tướng lĩnh…
Những ai đi qua thời hậu chiến có chút ưu tư về cuộc sống đều nhìn thấy hình ảnh của bản thân và thời đại hiện lên trong cuốn sách. Quen thuộc mà vẫn mới lạ, mới lạ cả với những kẻ "trong cuộc". Hàng ngàn cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuốn sách từ cả hai phía được tham khảo khiến cuốn sách gây cảm giác đáng tin cậy. Cảm giác có được từ trang đầu tiên đến hết bộ sách. Người đọc hiểu rằng mình đang cầm trên tay không phải cuốn tiểu thuyết hồi kí hay ký sự, ở đó tác giả buộc phải "xây dựng" những nhân vật và sự kiện để kết nối, tạo ra những cao trào để chứng minh những luận đề quen thuộc kiểu ta thắng địch thua, khó khăn tạm thời, nâng cao cảnh giác, chính nghĩa phi nghĩa, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của XYZ nào đó.
Tất nhiên thông tin chỉ là vật liệu, việc lựa chọn dẫn chứng, sắp xếp xung quanh một sự kiện đòi hỏi bản lĩnh nghề nghiệp cao cường của người viết. Những va đập của các thông tin từ nhiều góc độ tùy vào vị trí người trong cuộc khiến những trang sách sống động và ngổn ngang như cuộc đời thực. Huy Đức vẽ nên những kí họa chân dung đặc sắc. Hàng trăm kí họa vẽ nên gương mặt, tính cách, số phận của những nhân vật quan trọng của thời đương đại.
2. Những nhận xét ngắn gọn, bao quát, xác thực và sâu sắc một cách đáng khâm phục. Sự thô mộc, rộng lớn, đa chiều của cuộc sống được Huy Đức đúc kết thành những mệnh đề điềm tĩnh. Hàng tấn quặng sự kiện cuộc sống được tinh chiết thành những dòng "phóng xạ". Những mệnh đề xứng đáng làm ý tưởng tạo cho những luận án của sinh viên các trường Xã hội và Nhân văn.
Một ví dụ, trong phần mở đầu chương viết về tướng Giáp có hai câu: "Trước những đối thủ chính trị nhân danh Đảng, tướng Giáp trở nên cam chịu và thụ động. Có lẽ lòng trung thành với tổ chức và ý thức tuân thủ kỷ luật đã rút đi thanh gươm trận của ông".
3. Huy Đức chọn cho mình vị trí nào khi viết BTC khi trong cuộc đời thực anh là người của bên thắng cuộc? Tác giả xác tín một cách đàng hoàng khi dành trang đầu bộ sách dẫn hai câu thơ của Nguyễn Duy "Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh/ Bên nào thắng thì nhân dân vẫn bại". Nhân dân trong thân phận yếu ớt, mong manh và vĩnh cửu. Nhân dân khi "suy cho cùng" đi đến bản chất một cách rốt ráo. Nhân dân không phải khái niệm đầy sức quyến rũ, mê hoặc làm mê man lòng tự mãn, cũng không phải mù mờ trừu tượng như trong "lời Bác dạy". Bác dạy đồng bào "cán bộ là đầy tớ của nhân dân", Bác dạy quân đội "vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh", Bác dạy công an "với nhân dân phải kính trọng lễ phép". Nhân dân trong thực tế và trong lời "Người dạy" khác nhau một cách trớ trêu.
Xác định chỗ đứng với nhân dân (không viết hoa) như vậy thì không thể khác được "Đã đi với nhân dân/ Thì thơ không thể khác/ Dân máu lệ khốn cùng/Thơ chết áo đắp mặt!".
Dấn thân theo cách này, BTC gây nên sự đánh giá nhiều chiều của cả bên thắng cuộc cũng như bên thua cuộc là điều "hoàn toàn tự nhiên", dễ hiểu.
4. BTC là một người khổng lồ cô đơn. Viết về Việt Nam sau chiến tranh, khó có cuốn nào đủ sức vóc để sánh vai cùng BTC. Trong vài chục năm tới, với sự chăm sóc nhiệt tình của "trên" với ngành xuất bản và báo chí, việc nhà văn nhà báo nào đó đẻ được vài cuốn sách làm anh em với BTC là một ước mơ quá lãng mạn.
Gã khổng lồ này cô đơn trên chính quê hương của mình. Gã không có hộ khẩu, cũng chẳng được cấp chứng minh thư để sống hợp pháp với cuộc đời. BTC xứng đáng được đưa vào giảng dạy trong các trường báo chí và lịch sử như những dẫn chứng về bút pháp tảng băng chìm của Hemingway, về thái độ dấn thân một cách quả cảm, dù vậy, khả năng để gã được thừa nhận trên quê hương thật mịt mù.
Lúc BTC xuất hiện trên giang hồ, tác giả đang ở Mỹ, nhiều nhà báo trong nước đã nói xa nói gần về sự quay lưng và vô ơn của tác giả trước những thành tựu vĩ đại của cách mạng. Nhân cách tác giả được đưa ra xem xét, kẻ bồi bút là một trong nhiều quy kết. Bây giờ thì Huy Đức đã về nước, để làm một kẻ thất nghiệp.
Dù gì đi nữa, gã khổng lồ mang tên BTC vẫn cứ lừng lững đi đến tương lai và kể cho hậu thế nghe những câu chuyện đau thương của đất nước này. BTC kể về những con người có danh và vô danh như họ từng sống, kể về những đau thương của một thời mà đáng ra có thể tránh được. Hậu thế sẽ học được bài học mà cha ông chúng phải trả bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của hàng triệu người.
BTC biết hậu thế thông minh, công bằng và có trách nhiệm. BTC tặng họ những đườnglink và những gợi mở cô đúc. Tự họ sẽ tìm hiểu, sẽ phân loại vàng thau theo cách riêng mà không cần đến bất kỳ sự chăm sóc hay định hướng nào.
5. Người viết bài này cứ loay hoay, nghĩ mãi vẫn không tìm được chìa khóa giải mã cái tựa "Bên thắng cuộc" của bộ sách. Hàng chục năm sau chiến tranh, bên thắng cuộc nhận được nhiều những sự "khai sáng" từ bên thua cuộc. Rõ nhất là những thành quả trong tư duy kinh tế, điều hành xã hội, giáo dục, báo chí, xuất bản.
Khúc khải hoàn của "bên thắng cuộc" sao chất chứa quá nhiều đắng cay và chua chát!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét