Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

RFA. Chuyện trực thăng rơi, giàn khoan và… Hiến pháp

Nguồn RFA

Kính Hòa, phóng viên RFA 2014-07-15

kinhhoa_07152014.mp3Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

truc-thang-305.jpg
Hiện trường tai nạn máy bay trực thăng Mi 171 của không quân VN, ảnh chụp ngày 7 tháng 7 năm 2014 tại khu vực thôn 11 xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
File photo

 

Những câu chuyện truyền thông

Câu chuyện thời sự nổi bật nhất trong tuần qua tại Việt Nam là chuyện chiếc máy bay trực thăng của quân đội bị rơi làm đến 19 chiến sĩ thiệt mạng. Và tai nạn này đã trở thành đề tài cho giới truyền thông trong vài ngày liền. Điều mọi người không ngờ tới lại chính là một bản tin trên báo Lao Động liên quan đến tai nạn này.

Bài viết mang một tựa đề mà ai thấy thoáng qua trên mạng cũng click vào để xem: "Máy bay trực thăng rơi. Gặp phi công thoát nạn hi hữu."

Hóa ra là viên phi công này may mắn không đi trên chuyến bay đó.

Và rồi theo bài viết của báo Lao Động thì anh đã ngất xỉu, rồi được đưa vào bệnh viện, được tặng tiền.

Blogger Cánh Cò nhắc lại một câu chuyện truyền thông cách đây không lâu, trong đó nói về một người du kích trong chiến tranh đã dùng tay không để giữ một chiếc trực thăng của đối phương không cho nó bay lên.

Câu chuyện truyền thông này được blogger Cánh Cò tóm tắt trong một tựa đề ngắn gọn: "Một nền báo chí ngớ ngẩn."

Còn có một chuyện bê bối khác trong làng truyền thông Việt Nam tuần qua là chuyện ông Đinh Đức Lập, Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết bị tước một giải thưởng báo chí, vì ông không hề tham gia vào việc viết nên bài phóng sự được giải thưởng đó.

Và việc này được đưa ra ánh sáng bởi một tờ báo khác là báo Người cao tuổi, một việc được cho là hiếm hoi trong làng báo Việt Nam, như tác giả Ngọc Minh viết trên trang Blog Hữu Nguyên một tháng trước đó:

Vượt ngoài chuẩn tắc bang giao chính trị hiện đại, trong đó không có khái niệm của sự tử tế, thành thật và tôn trọng. 
-Blogger Mạnh Kim

"Có một luật bất thành văn trong làng báo từ xưa tới nay ai ai cũng ngầm hiểu: Tối kỵ báo nọ đánh báo kia, Tổng biên tập nọ đánh Tổng biên tập báo kia. Chính các tờ báo tự lập ra vùng cấm cho mình mà mặc nhiên ung dung với sự bất công và nghịch lý đó."

Nay các tờ báo đã có vẻ khởi sắc hơn với sự khác biệt với nhau và cả sự tranh luận nữa.

Và sự khởi sắc của làng truyền thông Việt Nam như được tiếp thêm sức bật khi vừa qua Hội nhà báo độc lập Việt Nam ra đời, không chịu sự chi phối của ban tuyên giáo trung ương đảng cộng sản Việt Nam.

Một nhà báo xin giấu danh tính nói về sự kiện này:

"Cái đó quá hay đi chứ, đó là sự chờ đợi bao của nhiêu năm, bao nhiêu người. Nếu thực sự nó được hoạt động, các anh em sáng lập không bị gây khó khăn thì là một điều rất tốt chứ đòi hỏi gì nữa."

Nỗi khao khát về một nền báo chí tự do đã dẫn blogger Anh Vũ đọc lại trước tác của Karl Marx, ông tổ của chủ thuyết cộng sản, về báo chí tự do. Marx viết:

"Báo chí tự do là con mắt có mặt ở khắp nơi để giám sát linh hồn của mỗi dân tộc.

Đó là lời thú tội thẳng thắn của một dân tộc với chính mình, và ai cũng biết sức mạnh cứu rỗi của việc thú tội là như thế nào rồi. Đó cũng là tấm gương tinh thần trong đó một dân tộc có thể nhìn thấy chính mình, và việc tự xem xét chính mình là điều kiện đầu tiên của sự khôn ngoan."

Và blogger Anh Vũ đặt câu hỏi:

"Nếu vậy, thì tự bao giờ và tại sao, tất cả các nước cộng sản đều không có tự do báo chí?"

000_Hkg9862437-305.jpg
Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc (trái) gần giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp với VN ở Biển Đông hôm 14 tháng 5 năm 2014.

Câu chuyện truyền thông vừa rồi cũng không che lấp được quan ngại lớn nhất của giới blogger trong tuần qua, đó là giàn khoan TQ vẫn còn đó trên thềm lục địa Việt Nam.

Và cùng một lúc, nước Trung Quốc đang lên lại có chuyện gây gỗ không chỉ với Việt Nam, mà còn với Nhật bản, Philippines.

Trước lối hành xử như thế của Trung Quốc, blogger Mạnh Kim viết:

"Vượt ngoài chuẩn tắc bang giao chính trị hiện đại, trong đó không có khái niệm của sự tử tế, thành thật và tôn trọng. Họ không cần đồng minh, họ chỉ muốn chư hầu! Họ không cần cam kết quan hệ bền vững mà chỉ muốn có sự qui phục lâu dài! Thật chua xót đối với bất kỳ nước nhỏ nào vẫn còn ngây thơ tin rằng mình đang được Trung Quốc đối xử ngang bằng và tôn trọng như một quốc gia với một quốc gia!

Nhiều học giả nhận xét rằng chuẩn tắc bang giao chính trị hiện đại mà Mạnh Kim đề cập ấy không làm TQ hài lòng mà họ muốn có một trật tự như cái của đế chế Trung hoa ngày xưa.

Những ý tưởng thoát Trung?

Đến đây hẳn quí vị nhớ lại những ý tưởng thoát Trung mà nhiều học giả Việt Nam nêu lên gần đây. Nhiều người Việt Nam không chỉ mong muốn thoát khỏi đế quốc Trung hoa hiện đại mà còn muốn thoát khỏi  thế giới Khổng giáo nho học ràng buộc của Trung Hoa xưa cũ.

Facebooker Sông Hàn viết:

"Với những đặc trưng văn hóa (bao gồm cả kết cấu xã hội), toàn trị đã trở thành căn bệnh của Đông Á suốt cả ngàn năm. Căn bệnh này thủ tiêu toàn bộ tự do tư tưởng và do thế nó triệt tiêu sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Nó khiến sức sống sức sáng tạo của dân tộc, quốc gia bị thui chột đi trong cái không gian áp chế tư tưởng, quốc gia tất yếu sẽ suy nhược."

Cái điều đó theo tôi là cái điều quan trọng nhất là mình phải thoát khỏi cái văn hóa của Trung Quốc. Đó là cái văn hóa Khổng Giáo. 
-Nguyễn Gia Kiểng

Nhận định này cũng được ông Nguyễn Gia Kiểng một nhà nghiên cứu từ Pháp phát biểu:

"Cái điều đó theo tôi là cái điều quan trọng nhất là mình phải thoát khỏi cái văn hóa của Trung Quốc. Đó là cái văn hóa Khổng Giáo. Cái văn hóa đó nó tha hóa người trí thức, nó không nhìn nhận sự suy nghĩ và hành động độc lập của cá nhân như là một giá trị. Trái lại nó coi cái chữ trung, là trung thành với nhà cầm quyền như một giá trị cơ bản."

Như đồng tình với những ưu tư đó của Sông Hàn và ông Nguyễn Gia Kiểng, trong bài viết mới nhất mang tựa đề Ai là người cứu chúng ta, blogger Viết từ Sài gòn viết:

"Có thể nói rằng, xét về mặt chính trị và lịch sử dân tộc, người Việt Nam chưa bao giờ có cơ hội để đi đến văn minh nhân loại!"

Và theo blogger này thì những người cộng sản hiện nay đang tiếp tục kéo dài cách cai trị của các vua chúa phong kiến cũ của thế giới Trung hoa

Mượn đại bộ phận nhân dân làm tấm bình phong che chắn cho sự thống trị phe nhóm bên trong với danh nghĩa "sở hữu toàn dân", "nhà nước là đại diện của nhân dân", mà trên thực chất là một triều đại phong kiến kiểu mới với đầy đủ nhà vua theo nhiệm kỳ và thái tử đỏ theo quyền lực.

Trong một lần trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, nhà bất đồng chính kiến từ Việt Nam nói:

"Trong lý thuyết thì rất là đề cao dân. Nhưng đề cao với kiểu là rất cần dân, thóc không thiếu một cân dân không thiếu một người. Tức là để khai thác sức người và sức của. Chứ còn khi lập chính sách, nghe phản ảnh về chính sách đúng hay sai, họ chả nghe dân gì cả."

Để thoát khỏi những nan đề đó, người Việt phải làm sao?

Thưa quí vị, trong tạp chí Điểm blog tuần rồi, chúng tôi có đề cập đến tác giả Hạ Đình Nguyên, một cựu sinh viên hoạt động dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản trước năm 1975, nay xuống đường chống các đồng chí Trung Quốc của đảng. Kỳ này mời quí vị đến với ông Huỳnh Tấn Mẫm, cũng là một cựu sinh viên đấu tranh cùng thời với ông Nguyên.

Ông Mẫm gửi bài tâm tình với bạn trẻ lên trang blog Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Trong đó ông nói đến những điều ông không hài lòng về sự cầm quyền của đảng cộng sản hiện nay, và điều đầu tiên là:

"Đặt Hiến pháp cũng như luật pháp của một Quốc gia dưới cương lĩnh và các chỉ thị của Đảng Cộng Sản. Thay vì ngược lại, Đảng Cộng sản phải đặt mình dưới Hiến pháp và luật pháp nhà nước, với chức năng là thi hành chứ không phải chỉ đạo. Từ sự trái ngược đó, với quyền hành độc đoán trong tay, Đảng đã tự tha hóa và suy thoái, (như đã tự thừa nhận) đưa đến một Chính phủ thiếu trách nhiệm và không hiệu quả, làm cho xã hội rệu rã, không phát triển và mất dần sức sống, người dân trở nên lơ láo, mất phương hướng và tích lũy nỗi bất bình. Tình trạng này là điều kiện phù hợp ý muốn của kẻ xâm lược."

Điều ông Mẫm không hài lòng chính là điều mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tâm đắc tuyên bố hồi năm ngoái:

"Hiến Pháp và văn kiện quan trọng thứ hai sau cương lĩnh đảng."

Và là điều mà nhà văn Phạm Đình Trọng cho là một điều ngớ ngẫn.

Phải chăng Hiến pháp là câu trả lời cho câu hỏi trên kia? Nói như câu nói vui của một nhà báo khi sang Mỹ, anh nói rằng"Nước Mỹ chẳng có gì hay ho ngoài Hiến Pháp!"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét